Thời trang / Thế giới thời trang

Hậu trường thời trang “Công Tử Bạc Liêu”: Lemur, lụa và giấc mơ thượng lưu

Trong không gian mênh mang của điện ảnh, trang phục không chỉ là những lớp vải khoác lên người diễn viên, mà còn là một phương thức nghệ thuật tinh tế để kể chuyện. Và với NTK Tia Thủy Nguyễn, vai trò đó được thể hiện rõ nét trong bộ phim "Công Tử Bạc Liêu".

“Công Tử Bạc Liêu” là bộ phim điện ảnh của đạo diễn Lý Minh Thắng khắc hoạ cuộc sống của giới thượng lưu Nam Kỳ những năm 1930, kể về hành trình của những nhân vật trong một gia đình quyền quý tại vùng đất Bạc Liêu giàu có. Câu chuyện xoay quanh những mối quan hệ phức tạp, những đam mê và khát vọng của một thế hệ đang chuyển mình giữa truyền thống và hiện đại, giữa những giá trị văn hóa cũ và làn sóng canh tân. Với bối cảnh một miền Nam xa hoa, phức tạp, bộ phim mở ra một không gian điện ảnh đầy màu sắc, nơi mỗi nhân vật đều mang trong mình những góc khuất và ước mơ riêng.

thời trang phim công tử bạc liêu
Ảnh: Xưởng phim màu hồng

Để tạo nên bức tranh thời trang chân thực cho bộ phim, NTK Tia Thủy Nguyễn đã thực hiện một cuộc hành trình nghiên cứu chi tiết và đa chiều. Từ những cuốn sách chuyên khảo, bộ sưu tập ảnh cổ, đến việc tra cứu báo chí, tem tiền lưu trữ, Thủy Nguyễn đã dệt nên một bản đồ thời trang đầy màu sắc. Cô còn tham khảo ý kiến các nhà sưu tập chuyên sâu, nhằm nắm bắt những chi tiết tinh tế nhất của thời đại. Cuốn sách Áo dài Lemur của Phạm Thảo Nguyên và các hiện vật tại Bảo tàng Áo Dài trở thành những nguồn tham khảo then chốt trong quá trình này.

NTK Tia Thủy Nguyễn
NTK Tia Thủy Nguyễn. (Ảnh: Tang Tang)

Nguyên tắc chính của NTK Thủy Nguyễn là tạo ra những bộ trang phục không chỉ mang tính lịch sử mà còn phải sống động, phản ánh được tính cách từng nhân vật. Mỗi thiết kế được cân nhắc kỹ lưỡng: Cô Sáu với bảng màu pastel nhẹ nhàng, phản ánh sự trẻ trung; Cô Bảy lại được điểm sequin lấp lánh, phù hợp với vai trò diễn viên hát. Thậm chí những chi tiết nhỏ nhặt như chất liệu khăn tay, hoạ tiết trên nhẫn, màu sắc giày dép cũng được chăm chút để tạo nên một bức tranh toàn vẹn về phong cách sống thượng lưu, giúp diễn viên cảm thấy “chân thật” để nhập vai và thả mình vào bối cảnh một cách nhanh chóng nhất.

Trước “Công Tử Bạc Liêu”, NTK Tia Thủy Nguyễn đã đảm nhận vai trò nhà sản xuất cho các bộ phim điện ảnh khác như “Mẹ Chồng”, “Gái Già Lắm Chiêu” hay tiêu biểu là “Cô Ba Sài Gòn”. Khi so sánh trang phục giữa hai bộ phim “Cô Ba Sài Gòn” và “Công Tử Bạc Liêu”, người xem dễ dàng nhận thấy những khác biệt về phong cách thời trang và bối cảnh lịch sử. “Cô Ba Sài Gòn” tái hiện không gian thời trang những năm 1960 với những chiếc áo dài ngực nhọn điển hình, trong khi “Công Tử Bạc Liêu” lại mang đến hình ảnh áo dài Lemur đặc trưng của thập niên 1930. Đáng chú ý, mỗi bộ phim đã sử dụng trang phục theo những cách thức khác nhau: “Cô Ba Sài Gòn” xây dựng câu chuyện quanh hành trình khám phá và yêu cuồng nhiệt của nhân vật nữ chính với áo dài, từ việc ban đầu thích đồ Tây cho đến khi nhận ra vẻ đẹp truyền thống. Ngược lại, “Công Tử Bạc Liêu” sử dụng các thiết kế áo dài Lemur như một phần không thể tách rời của diễn biến câu chuyện, góp phần tô điểm và làm sâu sắc thêm nội dung phim. Qua đó, vai trò của áo dài trong mỗi tác phẩm điện ảnh đã được thể hiện một cách riêng biệt và ấn tượng.

Nghệ sĩ Thanh Thủy và diễn viên Kaity Nguyễn diện áo dài lemur
Nghệ sĩ Thanh Thủy (trái) và diễn viên Kaity Nguyễn (phải). Ảnh: Xưởng phim màu hồng

Nhân vật Công Tử Bạc Liêu (do Song Luân thủ vai) đại diện cho giới thượng lưu ăn chơi bậc nhất thời bấy giờ. Khi xây dựng tủ đồ cho tầng lớp thượng lưu của phim, mỗi nhân vật lại có một tính cách riêng, NTK cần đưa ra các thiết kế đúng chất của nhân vật đó, nhưng khi đặt để trong một gia đình hay một nhóm nhiều nhân vật thì vẫn phải là một bức tranh hài hòa. Lúc này, bảng màu, hoạ tiết và chất liệu là những chi tiết cần được chú ý. Ngoài việc chuẩn bị đầy đủ phụ kiện, NTK còn chú ý tới cả những tiểu tiết của nhân vật: chất liệu khăn tay, họa tiết trên nhẫn hay khuy áo, màu sắc của giày… Sự cầu kỳ trong định trang này thể hiện rõ sự lối sống chịu chơi, phóng khoáng của một tầng lớp không chỉ có của cải mà còn có cả sự chỉn chu. 

Ảnh: Phim Công Tử Bạc Liêu
Áo dài tia thuỷ nguyễn
Ảnh: Xưởng phim màu hồng
Nam nữ chính trong Công tử bạc liêu
Ảnh: Xưởng phim màu hồng

Điều đặc biệt là NTK Thủy Nguyễn không máy móc tái hiện lịch sử, mà luôn tìm cách làm mới và gần gũi với khán giả đương đại. Các chất liệu được lựa chọn: vải phi thay thế lụa tơ tằm, vải lanh được thay thế bằng taffeta giữa văn hóa Đông – Tây, giữa cũ và mới, để không chỉ làm nổi bật những giá trị lịch sử mà còn tạo ra sự kết nối về mặt cảm xúc với người xem. Trong bộ phim này, tôi muốn giữ lại cái hồn của thời kỳ những năm 1930, nhưng đồng thời mang đến sự mới mẻ qua cách lựa chọn chất liệu, kiểu dáng và cách xử lý chi tiết. Tất cả nhằm kể một câu chuyện không chỉ đẹp về thị giác mà còn giàu sức sống, để người xem vừa cảm nhận được nét cổ điển vừa thấy được sự sáng tạo và tính ứng dụng trong thời trang đương đại.” – NTK chia sẻ.

Áo dài Lemur trở thành một điểm nhấn quan trọng trong bộ phim. Thủy Nguyễn nhấn mạnh đây không chỉ là một kiểu trang phục, mà còn là một làn sóng thẩm mỹ, giúp phụ nữ thời bấy giờ khẳng định tiếng nói của mình. Sự sáng tạo và táo bạo của các nhà thiết kế thời kỳ này, đặc biệt là họa sĩ Cát Tường, đã được cô nghiên cứu và tôn vinh một cách tinh tế.

Áo dài lemur tia thuỷ nguyễn
Ảnh: Xưởng phim màu hồng
tia thuỷ nguyễn và thiết kế áo dài lemur
Ảnh: Xưởng phim màu hồng

Để có thể “diễn xướng” nghệ thuật cải lương một cách chân thực, NTK Tia Thủy Nguyễn đã liên hệ với nghệ sĩ Ngọc Khanh để được “thẩm thấu” các sắc màu, họa tiết, kỹ thuật thực hiện rồi từ đó chọn lọc ra các chi tiết mà NTK mong muốn đưa vào các sáng tạo của mình. Tinh thần của nghệ thuật  sân khấu vẫn vẹn nguyên, các chất liệu và tiểu tiết được điều chỉnh không quá rườm rà, để gần gũi và phù hợp với ngân sách của phim.

Ảnh: Phim Công Tử Bạc Liêu

Với khoản đầu tư 3 tỉ đồng cho phần trang phục, NTK Tia Thủy Nguyễn đã biến “Công Tử Bạc Liêu” trở thành một không gian trải nghiệm thời trang. Mỗi đường may, mỗi phụ kiện đều được chăm chút để kể một câu chuyện về một thời đại – một thời đại với những giá trị văn hoá phong phú và sâu sắc.

thời trang phim công tử bạc liêu
Ảnh: Evoto

Với Thủy Nguyễn, điện ảnh là một sân khấu rộng lớn để lan toả các giá trị văn hoá. “Bởi vì sân khấu của thời trang thì quá nhỏ bé để có thể chạm đến cả triệu người, nhưng qua phim ảnh thì những giá trị thẩm mỹ ấy được lan toả nhiều hơn, rộng hơn, thấy được nhiều chi tiết hơn. Và bộ phim không chỉ công chiếu ở rạp nội địa, mà còn được lan toả hay được chiếu lại ở các thị trường quốc tế trong thời gian dài sau đó. Tôi cho rằng đây là cách kể về thời trang và văn hoá Việt Nam dễ dàng. Là một người Việt Nam, tôi không muốn các giá trị văn hoá chỉ nằm trong bảo tàng cũng như vẻ đẹp của các thời kỳ vàng son đã qua không chỉ nằm trong sách, ảnh, mà được thể hiện đầy sức sống.” – NTK chia sẻ.

tia thuỷ nguyễn và các thiết kế áo dài
Ảnh: Kiếng Cận
các bản phối áo dài lemur
Ảnh: Kiếng Cận

Cảm ơn những chia sẻ của NTK Tia Thủy Nguyễn!

Nhóm thực hiện

Bài: Belle
Ảnh: Tổng hợp

Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.
for Onesignal ring banner

BÌNH LUẬN (0)