Tất cả những gì bạn cần biết về da nhân tạo và da thuần chay

Đăng ngày:

Da thuần chay hay phạm trù nhỏ hơn – da nhân tạo, hai khái niệm không còn xa lạ trong “làn sóng xanh” của ngành thời trang mà đã nhanh chóng trở thành những chất liệu phổ biến trên thị trường hiện nay. Tuy nhiên, chúng ta đôi khi vẫn chưa thực sự hiểu rõ về bản chất của những chất liệu này. Và quan trọng hơn, câu hỏi đặt ra là liệu chúng có thực sự bền vững và “xanh” như những gì mà các thương hiệu quảng bá? Hãy cùng ELLE khám phá sâu hơn về chất liệu này trong bài viết dưới đây nhé!

Da nhân tạo, thuần chay là gì?

Từ thuở hồng hoang, da động vật đã là một trong những chất liệu tự nhiên đầu tiên được con người sử dụng để tạo ra trang phục và giày dép, phục vụ cho nhu cầu giữ ấm và thẩm mỹ thời đại. Đến nay, các loại da như bò, lợn, cừu, rắn, ngựa và cá sấu vẫn giữ vị trí quan trọng trong ngành công nghiệp da giày. Nhưng với sự thay đổi trong nhận thức về bảo vệ động vật và môi trường, đi đôi cùng những lo ngại về quá trình sản xuất da động vật truyền thống phi đạo đức, giải pháp về da thuần chay, nhân tạo dần ra đời.

Đơn giản mà nói, da thuần chay là loại da không có nguồn gốc từ bất kỳ sản phẩm động vật nào. Da thuần chay, còn được gọi là da giả, tìm cách bắt chước vẻ ngoài và kết cấu của da thật bằng cách sử dụng các vật liệu tổng hợp (da nhân tạo) hoặc sợi có nguồn gốc thực vật như lá dứa, xương rồng, nút chai và vỏ táo. Tuy nhiên, phần lớn da thuần chay hiện nay lại thuộc loại nhân tạo, được sản xuất từ polyvinyl clorua (PVC) và polyurethane (PU) có nguồn gốc từ nhiên liệu hóa thạch, khiến chúng không được đánh giá cao do những tác động tiêu cực mà chúng gây ra cho môi trường.

Túi xách màu nâu da nhân tạo

Ảnh: Pinterest

Pinterest túi xách màu nâu da thuần chay

Ảnh: Pinterest

Da tự nhiên và da “giả” khác nhau như thế nào?

Da thuần chay, da nhân tạo ngày càng “sao y bản chính” nhờ sự phát triển vượt bậc của ngành công nghệ chất liệu. Chúng không chỉ sở hữu vẻ ngoài hấp dẫn mà còn mang những đặc tính vượt trội hơn như độ mềm mại, óng ánh hay sự đa dạng về màu sắc. Nhưng dù gì đi nữa, khả năng thay thế hoàn toàn da thật vẫn là điều không thể. 

ví da tua rua

Ảnh: Pinterest

Mặc dù sở hữu vẻ ngoài hấp dẫn, tuổi thọ của da thuần chay – da nhân tạo lại ngắn hơn, được chứng minh chỉ dao động từ 2-5 năm. Điều này đồng nghĩa với việc người tiêu dùng sẽ phải thay mới sản phẩm thường xuyên hơn, gây ra áp lực lên môi trường do việc thải bỏ sản phẩm. Bên cạnh đó, phần lớn các loại da nhân tạo có nguồn gốc từ nhựa, rất tốn thời gian để phân hủy sinh học tự nhiên. Quy trình sản xuất, dù là da truyền thống hay da giả, đều liên quan đến việc giải phóng chất ô nhiễm và hóa chất độc hại, nên khó lòng để nói sử dụng da thuần chay hay nhân tạo để hướng tới một lối sống bền vững đích thực.

Pinterest túi xách trắng da nhân tạo

Ảnh: Pinterest

Pinterest giày da

Ảnh: Pinterest

Vậy để có thể tiêu dùng thông minh, thậm chí bán hàng thông minh, người mua lẫn người bán cần tìm hiểu kỹ về nguồn gốc xuất xứ, quy trình sản xuất và khả năng tái chế của sản phẩm, nhằm tránh rơi vào cái bẫy “quảng cáo xanh” của các thương hiệu. Từ phía người dùng chúng ta, đơn giản hơn nữa, có thể thay đổi lối sống bằng cách biết thế nào là đủ và tư duy tiêu dùng thật sự thông minh.

Da thuần chay, da nhân tạo trong thế giới thời trang

Ngành công nghiệp thời trang đang chứng kiến một cuộc cách mạng về chất liệu, với sự xuất hiện của vô số lựa chọn da thay thế độc đáo như da cá, lá dứa và da bần thay vì da nhân tạo gốc nhựa. Đơn cử, một số thương hiệu lớn như Prada và Dior đã tiên phong trong việc ứng dụng da cá vào các thiết kế của mình, góp phần đưa một chất liệu vốn quen thuộc với nhiều nền văn hóa trở thành xu hướng thời trang toàn cầu. Trong khi đó, các thương hiệu như Nanushka và Hugo Boss đã đi đầu trong việc tìm kiếm các giải pháp hoàn toàn thuần chay gốc thực vật.

Nanushka đầm da nhân tạo

Ảnh: Nanushka

Thời trang bền vững không chỉ là một xu hướng mà còn là một trách nhiệm thời đại. Việc sử dụng các chất liệu da thay thế là một trong những cách để giảm thiểu tác động tiêu cực của ngành công nghiệp thời trang lên môi trường. Nhưng ai ai cũng phải hiểu rõ, tính bền vững là một khái niệm tổng hợp nhiều điều kiện, bao gồm cả quá trình từ sản xuất, vận chuyển đến tiêu thụ sản phẩm. 

Nhiều vật liệu da mới từ gốc tự nhiên ngày càng phát triển nảy rộ hơn, điển hình như trường hợp của thương hiệu Ganni gốc Copenhagen khi phát triển chiếc túi Bou đặc trưng của mình với vật liệu được nuôi cấy từ vi khuẩn. Các vật liệu thay thế khác sáng tạo hơn còn có thể được làm từ chất thải nông nghiệp như sử dụng phần nguyên liệu dư từ quá trình sản xuất rượu vang hoặc từ cà chua, dứa và nấm. 

Ganni túi da nhân tạo

Ảnh: Ganni

túi xách ganni da màu đen

Ảnh: Ganni

Thương hiệu giày Camper hay Stella McCartney đã tiên phong trong việc sử dụng Mirum, một loại vật liệu có nguồn gốc thực vật, không chứa bất kỳ hóa chất dầu mỏ hay nhựa độc hại nào trong các sản phẩm của mình. Hay Deadwood Studios – thương hiệu da thay thế có trụ sở tại Stockholm, cũng không kém phần ấn tượng khi cung cấp một loạt quần áo được làm từ “vật liệu giống da” được chiết xuất từ cây xương rồng.

Stella McCartney thiết kế thời trang da nhân tạo

Ảnh: Stella McCartney

túi xách da Stella McCartney

Ảnh: Stella McCartney

Stella McCartney túi da nâu

Ảnh: Stella McCartney

Nhóm thực hiện

Bài: Bảo Quốc
Ảnh: Tổng hợp

icons8-bell-90
Luôn giữ kết nối! Đăng ký để ELLE chia sẻ cùng bạn những bài viết thú vị.
XEM THÊM
no more