Khi chi trả từ vài trăm đến cả triệu đô la cho một thương hiệu mỗi năm, bạn nghiễm nhiên đóng góp tỉ lệ không nhỏ vào doanh thu của hãng. Việc săn sóc cho những khách VIP này cũng tương tự như “rót vốn” vào một khoản đầu tư. Không chỉ có thời trang, các nhà mốt sẵn sàng trở thành người cộng sự của bạn trong từng trải nghiệm hàng ngày từ bữa ăn, bữa chơi đến du lịch và luyện tập thể chất.
Không xếp hàng, CHANEL mở riêng private store cho khách VIP
Mới đây, CHANEL tiết lộ mục tiêu của hãng trong năm 2023 là mở rộng hệ thống cửa hàng private tại Châu Á để phục vụ VICs (very important customers). Điểm đến đầu tiên sẽ là thủ đô Seoul (Hàn Quốc). Trả lời phỏng vấn của Business of Fashion, Giám đốc tài chính Philippe Blondiaux cho biết: “Mối bận tâm lớn nhất của chúng tôi là bảo vệ khách hàng và cụ thể là những khách hàng lâu năm. Chúng tôi sẽ đầu tư vào các cửa hàng có tính bảo mật cao để phục vụ họ theo cách cá nhân nhất.”
CHANEL vẫn luôn là thương hiệu được yêu thích bởi giới thượng lưu. Năm 2021, khi cả thế giới đang ở đỉnh dịch COVID-19, doanh thu của CHANEL vẫn tăng trưởng lên đến 50%, đạt tổng cộng 15,6 tỷ USD (hơn 362 tỷ VND). Dẫu vậy, hình ảnh xếp hàng dài tại các cửa hàng CHANEL Hàn Quốc cùng vô vàn chiếc túi flap xuất hiện trên đường phố đã phần nào dấy lên e ngại về đẳng cấp vốn có. Động thái mới nhất này của nhà mốt nước Pháp sẽ “cách ly” nhóm khách hàng VIP với những phân khúc thấp hơn.
Quà tặng – “Nghi lễ” thường niên của các ông lớn
Nếu CHANEL chọn gửi hoa, bánh ngọt hay những thiết kế đặc biệt không bày bán ngoài thị trường vào các dịp trọng đại như ngày của mẹ, Giáng Sinh, năm mới; Christian Louboutin ưa tặng kèm những tờ notes nhỏ xinh bên cạnh chiếc túi xách có giá trị lên đến hàng trăm triệu thì Dior sẽ khắc tên khách hàng lên những chai nước hoa cao cấp… Dẫu vậy, điểm chung của các thương hiệu lớn này là chưa bao giờ tặng trùng quà ở bất cứ dịp lễ nào.
BÀI LIÊN QUAN
Những cuộc hẹn bí mật mà cánh báo chí chưa hẳn đã biết
Ngồi front-row tại các show diễn cũng không phải là câu chuyện quá lạ với giới siêu giàu. Điểm đặc biệt nằm ở các hoạt động bên lề. Fendi từng chiêu đãi khách VIP trong buổi trình diễn Haute Couture được tổ chức tại Đấu trường La Mã (Rome) hai ngày với vô vàn các trải nghiệm từ khám phá các di tích thời Phục hưng cho đến dã ngoại tại các địa điểm độc quyền.
Louis Vuitton cũng không kém cạnh khi “đính kèm” trong lời mời tham dự show diễn thời trang các “lịch trình” khác như buổi giới thiệu giày với sự góp mặt của bác sĩ chuyên khoa chân nổi tiếng Bastien Gonzalez, trải nghiệm ẩm thực tại nhà hàng được sao Michelin hay vô vàn chuyến thăm riêng đến xưởng may hay xưởng sản xuất nước hoa của hãng tại Asnières và Grasse (Pháp).
Chi trả cho những sự kiện hẳn sẽ tiêu tốn không ít tiền từ các thương hiệu. Dẫu vậy, các nhà mốt coi đây là khoản đầu tư lâu dài và tiềm năng hơn là suy nghĩ về việc thua thiệt. Những sự kiện như vậy chính là sợi dây liên kết bền chặt giữa các vị khách hàng thân thiết với nhà thiết kế hay giám đốc sáng tạo. Đặc biệt trong trường hợp họ chuyển sang làm việc cho một thương hiệu khác, việc “giữ mối quen” sẽ là cơ hội để những người trong ngành thời trang duy trì được lượng khách cũng như danh tiếng của bản thân.
Dịch vụ mò kim đáy bể “hiếm có khó hưởng”
Đã bao giờ bạn nghĩ đến một người sẵn sàng “mò kim đáy bể” để tìm cho bạn những viên kim cương quý nhất trên thế giới? Dịch vụ “trên trời” này thực chất có tồn tại dành cho khách hàng hạng “kim cương” của Dior. Thậm chí, nhà mốt nước Pháp còn “vươn cánh tay” đến lĩnh vực nghệ thuật để tìm và mua những tác phẩm nghệ thuật cho các “thượng đế” của mình – một điều mà không phải thương hiệu nào cũng dám thử.
Prada cũng là một cái tên sáng giá trong danh sách những thương hiệu “chịu chơi” vì khách hàng. Các cửa hàng Prada cung cấp dịch vụ Made to Measure – một dịch vụ độc quyền kết hợp giữa may đo truyền thống và hiện đại, mang đến cho khách hàng cơ hội có những bộ vest, áo khoác, blazer, áo sơ mi và quần tây được thiết kế riêng. Đặc biệt, quyền lựa chọn kiểu dáng và chất liệu vải đều nằm trong tay khách VIP, mang đến trải nghiệm có tính cá nhân hóa rất cao.
Đại sứ ư? Giới thượng lưu phải là độc nhất!
Một đến nhiều gương mặt đại sứ giúp phủ sóng độ nhận diện của thương hiệu đang là xu hướng toàn cầu. Dẫu vậy, những vị khách VIP kỳ cựu không dễ mềm lòng đến thế. Nói cách khác, họ đề cao tính cá nhân hóa, cả về sản phẩm lẫn các sự kiện của một thương hiệu.
Hermès – một trong số ít thương hiệu xa xỉ không bổ nhiệm đại sứ nhưng chưa bao giờ đánh mất vị trí hàng đầu thế giới. Thương hiệu lâu đời của nước Pháp tập trung vào ý nghĩa của sự sang trọng, và những sự kiện thời trang của Hermès cũng không phải là nơi cánh báo chí thể mô tả theo dạng “quy tụ hàng loạt ngôi sao đình đám”. Bởi sự bí mật tạo ra tính độc quyền mà giới thượng lưu khao khát.
BÀI LIÊN QUAN
Công nghệ – Vũ khí “chốt đơn” tiềm năng
Khi số hóa đang là xu hướng toàn cầu, ngành thời trang cũng chứng kiến màn “thay da đổi thịt” sang hình thức trực tuyến. Đặt trong bối cảnh đại dịch, những thiết bị công nghệ đã chứng minh tầm quan trọng của mình trong việc kết nối với khách hàng, tạo tình thế win-win cho đôi bên. Các vị khách VIP giờ đây hoàn toàn có thể xem trực tuyến BST, bên cạnh họ sẽ là đội ngũ sale hùng hậu không ngừng tay ghi lại những bộ quần áo mà họ ưng ý và hỗ trợ hoàn thiện khâu đặt hàng.
Nhưng công nghệ không chỉ dừng lại ở màn “chốt đơn” nhanh – gọn – lẹ, nó còn là bước dạo đầu của khách hàng trước khi tìm hiểu sâu thương hiệu. Theo Jean-Laurent Vilon, Giám đốc điều hành Mazarine khu vực Châu Á Thái Bình Dương, Trung Quốc ghi nhận có màn chuyển đổi trực tuyến cao nhất tại các thành phố cấp ba, bốn. Nếu để mắt đến một thương hiệu nào đó qua kênh trực tuyến, các vị khách này sẽ đến flagship store tại những thành phố lớn để trải nghiệm thêm, và cuối cùng mới quay trở lại thành phố họ sống rồi đặt hàng online.
Nhóm thực hiện
Bài: Minh Khuê Tham khảo: Vogue Business, Tatler Ảnh: Tổng hợp Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE