Thời trang là sự xoay vòng và lặp lại với sự sáng tạo trong từng thời điểm. Sau hàng ngàn thập kỷ tồn tại và phát triển, giờ đây vòng quay ấy lại quay về với thiên nhiên, tiêu biểu là xu hướng thời trang thân thiện với môi trường đang thống trị làng thời trang thế giới gần đây. Để có một cái nhìn sâu sắc hơn về đạo đức kinh doanh hiện nay trong ngành công nghiệp thời trang, cũng như hiểu thêm về xu hướng này. Hãy cùng ELLE điểm qua các yếu tố sau nhé.
BÀI LIÊN QUAN
1. Định nghĩa về thời trang thân thiện với môi trường
Nói một cách dễ hiểu thì đây là những sản phẩm tạo ra tối đa lợi ích cho người sử dụng và giảm thiểu tối đa tác động đến môi trường.
Thời trang thân thiện với môi trường không chỉ là không gây hại, nó còn thể hiện đạo đức kinh doanh của doanh nghiệp, đóng vai trò quan trọng trong giảm thiểu sự đói nghèo và tạo ra cuộc sống bền vững.
2. Chất liệu
Các loại chất liệu chính được dùng trong ngành công nghiệp thời trang là organic, nhân tạo và động vật.
Chất liệu organic được làm từ các nguyên liệu nông nghiệp như bông, len, tre, gai. Quá trình tạo thành sợi, sản xuất, nhuộm màu phải tuân thủ những quy tắc nghiêm ngặt không sử dụng hóa phẩm.
Chất liệu organic nhìn qua thì khó phân biệt với chất liệu nhân tạo, nhưng mềm, dai chắc, dễ vào nếp và bền màu hơn. Sử dụng chất liệu organic không chỉ mang lại sự an toàn cho người tiêu dùng, bảo vệ môi trường mà còn giúp người nông dân có thu nhập ổn định.
Chất liệu nhân tạo được cấu thành từ các loại hóa chất, sợi nylon, sợi tổng hợp giúp quần áo có tính năng không cần ủi, không nhăn, không thấm nước, chống cháy, chống nấm mốc, diệt vi khuẩn,…
Những loại vải chứa hàng ngàn hóa chất này khi tiếp xúc với da thường xuyên sẽ gây ra các bệnh như vô sinh, hô hấp, viêm da và ung thư. Đa phần các doanh nghiệp đều hiểu được sự độc hại khó lường của hóa chất công nghiệp nhưng vẫn tiếp tục, vậy thực sự đạo đức kinh doanh của họ đang được đặt ở đâu? Điều họ thực sự quan tâm là đồng tiền hay lợi ích của người tiêu dùng?
Khía cạnh nhân đạo lại được đặt lên bàn cân một lần nữa đối với những chất liệu được khai thác từ lông, da của các loài động vật.
Tơ là chất xơ mà tằm dùng để dệt làm kén. Do đó, hầu hết những con tằm sẽ không được sống sót qua giai đoạn nhộng, khi chúng còn nằm trong kén của mình.
Để lấy lông cừu làm len, người ta thường dùng máy xén thay vì cắt thủ công để tiết kiệm thời gian. Những con cừu sau khi bị xén trụi lông, thậm chí cả mảng da để giữ bộ lông không bị vụn rất dễ bị tổn thương bởi cái lạnh của thời tiết.
Hàng ngàn con linh dương Tây Tạng thiệt mạng mỗi năm để cung cấp lông làm khăn choàng. Vì loài vật này không thuần hóa được nên người ta sẽ giết chúng để lấy lông.
Mọi người đều có thể góp phần chấm dứt sự đau khổ của những loài vật này bằng cách từ chối sử dụng các sản phẩm làm từ lông và da động vật.
BÀI LIÊN QUAN
3. Hóa phẩm (hóa chất dùng để nhuộm, tẩy)
Các hóa phẩm dùng trong ngành công nghiệp thời trang chủ yếu được đưa ra ngoài môi trường theo đường nước thải.
Trong đó, chất nhuộm là chất độc hại nhất, không chỉ vì nó ảnh hưởng đến sức khỏe của người nhuộm vải còn vì sản phẩm sau khi phân hủy của nó sẽ gây ra ung thư.
Không chỉ thuốc nhuộm, thuốc tẩy cũng chính là kẻ thù vô hình với môi trường và sức khỏe con người. Bởi trước khi nhuộm, vải sẽ được tẩy để bỏ đi tạp chất, dầu tự nhiên. Quá trình này sẽ sử dụng một lượng lớn tài nguyên nước và năng lượng. Một số loại vải sau khi tẩy không sạch vẫn còn bám hóa chất, khi tiếp xúc với cơ thể sẽ gây ra kích ứng, khiến da bị tổn thương.
Cho dù việc dùng hóa phẩm trong nhuộm và tẩy là cần thiết, nhưng các doanh nghiệp cần chú trọng vào đạo đức kinh doanh bằng việc sử dụng hệ thống xử lý nước thải an toàn.
4. Quy trình sản xuất
Một trong những điều mà thời trang thân thiện với môi trường hướng đến là chống lại thời trang “mì ăn liền” đang đe dọa trực tiếp tới cuộc sống của loài người, mà nạn nhân đầu tiên là người dân tại các nước đang phát triển.
Tại đây, các doanh nghiệp thời trang bình dân đặt nhà máy, thuê chủ yếu nhân công là phụ nữ và trẻ em, trả lương với giá rẻ mạt để tiết kiệm chi phí. Nhưng các chính sách “bóc lột” này lại gây ra vô vàn vấn đề cho xã hội khi dường như đạo đức kinh doanh lại trở nên vô hình và bị xem thường.
Theo báo cáo, có khoảng 70% lao động nữ ở nhà máy tại Quảng Châu từng là nạn nhân của quấy rối tình dục. Tại Bangladesh ghi nhận 11% số công nhân từng bị cưỡng hiếp. Tuy nhiên, nhiều người chọn cách im lặng bởi phản kháng có ảnh hưởng trực tiếp tới “miếng cơm manh áo” của họ.
Vào năm 2013, vụ sập xưởng may đặt tại Bangladesh khiến 1.500 công nhân tử nạn là đỉnh điểm của tấn bi kịch thời trang giá rẻ, mà chính người lao động lại là nạn nhân.
Thảm kịch kinh hoàng đã phần nào dấy lên hồi chuông báo động về tầm quan trọng của đạo đức kinh doanh, thức tỉnh trái tim người tiêu dùng. Thậm chí họ còn lên tiếng tẩy chay những nhãn hàng có liên quan tới những vụ việc bóc lột người lao động tại các nước nghèo.
5. Đồ may mặc sau khi đã cũ sẽ thải bỏ về đâu
Để góp phần cân bằng sự chênh lệch giữa thời trang và môi trường, những người tiêu dùng chúng ta có thể chung tay, góp ý thức bằng những hành động nhỏ nhưng thiết thực. Chẳng hạn như phân loại những sản phẩm thời trang sau khi không còn sử dụng (không còn hợp thời trang, cũ, hư hay mài mòn,…) để có cách tái chế, xử lý phù hợp.
Các món đồ có chất liệu thân thiện với môi trường, có nguồn gốc hữu cơ sau khi sử dụng có thể chế biến thành phân vi sinh bằng cách đốt hoặc chôn. Bên cạnh đó, chúng cũng được một số nhà máy thu hồi để tái chế thành nguyên liệu dệt vải.
Sợi của quần áo nhân tạo lại không thể tái sinh và chậm phân hủy. Trung bình thời gian phân hủy của vải nylon là 30 – 40 năm, vải nhân tạo là 50 năm. Đặc biệt không nên đốt các sản phẩm này vì nó sẽ tạo ra khí độc gây ung thư, giảm khả năng miễn dịch,…
6. Những hãng thời trang ủng hộ thời trang thân thiện với môi trường
People Tree
Kowtow
Shaina Mote
Jesse Kamm
Fonnesbach
BÀI LIÊN QUAN
Bên cạnh đó, các sao nổi tiếng như Emma Watson, Will.i.am, Gwyneth Paltrow, Michelle Obama,… cũng tích cực ủng hộ, tham gia các sự kiện kêu gọi sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường vì một ngành thời trang phát triển bền vững, luôn đặt đạo đức kinh doanh và trách nhiệm xã hội lên hàng đầu.
—
Xem thêm
Bạn có biết, sống xanh như thế nào cho hiệu quả?
Học hỏi xu hướng sống xanh nổi bật từ 5 ngôi sao Hollywood
ELLE đỏ nhưng ủng hộ xanh – cách sống thân thiện với môi trường
Nhóm thực hiện
Thảo Loan (Nguồn: Tạp chí phái đẹp ELLE)