Thời trang / Thế giới thời trang

Đạo đức trong thời trang – Khi lông vũ phủ đầy sàn diễn

Đạo đức trong thời trang là câu chuyện muôn thuở, với sự trở lại đầy mạnh mẽ của những chiếc lông vũ, giới thời trang sẽ ra sao khi chúng không còn đứng ngoài cán cân giữa vẻ đẹp và đạo đức?

Khẳng định bản thân là tay chơi thời trang sành sỏi, Katy Perry xuất hiện tại Met Gala năm nay với bộ cánh thiên thần hoàng tráng được đính đầy lông vũ cầu kỳ, không thể phủ nhận đây là một trong những bộ trang phục gây ấn tượng nhất trên thảm đỏ sự kiện vừa qua. Số lượng lông vũ được sử dụng để tạo nên đôi cánh ấn tượng này thật sự khiến người hâm mộ cảm thấy đáng kinh ngạc.

Lông vũ dường như đã trở thành một chất liệu cảm hứng bất tận cho các nhà thiết kế danh tiếng, chúng xuất hiện ở khắp mọi nơi, phủ đầy các sàn diễn thời trang đẳng cấp và cả trong đám cưới xa hoa của hoàng gia, chúng xuất hiện trong sự cuồng nhiệt của giới mộ điệu với những lời ca ngợi vì sự tuyệt mỹ của các thiết kế. Nhưng chính sự phổ biến đó cũng đã đặt lông vũ lên bàn tranh cãi về đạo đức, liệu đây có thật sự là chất liệu “sạch” để chúng ta có thể thỏa sức sáng tạo mà không gây hại đến động vật hay không?

Trong khi chúng ta vẫn chưa thật sự có cái nhìn rõ ràng hơn về vấn đề này thì với một số nhà hoạt động, họ cho rằng tất cả lông vũ đều là tài sản bị lấy cắp từ các loài chim – cho dù nguồn gốc của chúng có liên quan đến sự tàn bạo hay không. Và họ đang có những hành động để giới thời trang nhận thức được điều đó.

lông vũ

Katy Perry càn quét thảm đỏ với đôi cánh lông vũ hoành tráng tại Met Gala 2018. (Ảnh: Getty Image)

lông vũ

Phía sau đôi cánh cầu kỳ. (Ảnh: Getty Image)

Thảm đỏ đã trở thành “chảo lửa” của những bản tuyên ngôn bằng phục trang những năm gần đây, với những người có tầm ảnh hưởng lựa chọn để thể hiện chính kiến của họ thông qua trang phục. Trong khi các ngôi sao tranh nhau để nâng cao vị thế đạo đức của mình, lại có một số vị khách âm thầm xuất hiện làm dấy lên một luồng tranh cãi mới. Đó là những cái tên như cò marabou, đà điểu, hay công đã sánh bước cùng Angelina Jolie đến giải Chritic’s Choice Awards, hay cùng Lupita Nyong’o đến với Liên hoan phim Cannes và nổi bật nhất là xuất hiện cùng Katy Perry và càn quét thảm đỏ Met Gala 2018 năm nay.

Những chiếc lông vũ đã luôn xuất hiện trong lịch sử huy hoàng của ngành công nghiệp thời trang. Chúng là một trong những họa tiết yêu thích của nhà mốt Coco Chanel, thường được sử dụng làm họa tiết trong các bộ sưu tập của cô cũng như của các nhà thiết kế cùng thời Cristóbal Balenciaga, Christian Dior và Yves Saint Laurent. Kể cả Alexander McQueen cũng được truyền cảm hứng từ những sợi lông vũ vào cuối đời và sử dụng nó một cách hết sức tinh tế trong các thiết kế của mình.

Sang một thập kỷ sau, trong những show diễn Xuân – Hè 2018 gần đây, lông vũ phủ đầy các sàn diễn của các thương hiệu đình đám như Saint Laurent, Maison Margiela, Moschino và nhiều cái tên khác, làm chúng trở thành một làn sóng thời trang mạnh mẽ trong thời điểm hiện tại.

(Ảnh: Getty Image)

Sự phổ biến này đưa đến sự chú ý của các nhà hoạt động vì động vật và họ đã đưa ra vài lý giải cho câu hỏi tại sao lông vũ không rung lên hồi chuông cảnh báo trong ý thức cộng đồng như các sản phẩm khác từ động vật như lông hay các loại da thuộc (exotic skins). “Các cuộc thăm dò ý kiến cho thấy phần lớn người Anh sẽ không mong muốn được mặc một bộ lông thật – bởi vì họ hầu hết đều ý thức rõ việc các loài động vật phải chịu trong các trang trại lông thú và khi chúng bị bắt bởi các loại bẫy sắt trong tự nhiên. Tuy nhiên, nhiều người mua hàng vẫn không biết về sự độc ác sau những lớp lông nhung và trong ngành công nghiệp lông vũ” trích lời Yvone Taylor, giám đốc các dự án của Peta.

Tổ chức Peta cho rằng Trung Quốc là nơi cung cấp của 80% lông vũ trên thế giới. Các công nhân ở đây đã nuôi nhốt và cưỡng chế nhổ lông của ngỗng trong khi chúng đang vùng vẫy và gào thét. Tổ chức này gần đây cũng đã xuất hiện trên khắp các trang nhất khi cáo buộc công ty Canada Goose bạc đãi các những con ngỗng trong chuỗi cung ứng của họ, sau đó doanh nghiệp này đã bác bỏ các cáo buộc.

Tuy nhiên, đây không phải là một động thái hoàn toàn mới về vấn đề này, các nhà hoạt động đã cố gắng để nêu bật lên các tác động tiêu cực của lông vũ trong nhiều năm qua. Vào những năm 1890 tại Boston, những người có vị thế cao trong xã hội như Harriet Lawrence Hemenway và Minna Hall đã tổ chức một tiệc trà để cố gắng thuyết phục những người bạn giàu có của họ ngừng mua những chiếc mũ sử dụng lông chim thật.

lông vũ

Lông vũ có mặt trong suốt chặng đường phát triển của thời trang. (Ảnh: Getty Image)

lông vũ

Lupita Nyong’o tại Liên hoan phim Cannes lần thứ 71 năm 2018 trong chiếc đầm kết lông vũ trắng thanh lịch. (Ảnh: David Fisher/REX/Shutterstock)

Vậy, đạo đức có thật sự tồn tại với việc sử dụng lông vũ? Rõ ràng, việc “vặt sống” cùng với những đau đớn mà quy trình này gây ra cho các loài động vật là không. Nhưng nếu đó là nguồn lông được thay tự nhiên sau mỗi mùa giao phối hằng năm cung cấp bởi chủ của chúng thì đó lại là một vấn đề khác, khi luật về việc chọn lông vũ được đặt ra nhằm bảo vệ các loài chim hoang dã rất phức tạp.

“Việc tìm kiếm và thu thập lông vũ rụng tự nhiên của các loài chim hoang dã có vẻ là một ý tưởng hay nhưng nó không phải là một mô hình kinh doanh khả thi để có thể đáp ứng được khối lượng lông vũ mà các nhà thiết kế yêu cầu. Peta đã phát hiên ra rằng bất kỳ lúc nào các bộ phận của động vật được sử dụng, các góc tối liên quan đến việc cắt xén và lạm dụng sẽ xuất hiện một cách phổ biến trong ngành công nghiệp thời trang” Taylor nói.

Nhưng một số nhà bán lẻ cho rằng họ có thể giữ được quy chuẩn đạo đức trong sản phẩm của mình, bao gồm cửa hàng bách hóa của Anh John Lewis, nơi bán các sản phẩm lông vũ như áo khoác và chăn nhồi lông. Chính sách về bảo vệ các loài chim và động vật với nguồn cung cấp có đạo đức của họ chứng minh rằng họ có thể cung cấp thông tin cho từng giai đoạn trong dây chuyền sản xuất thuộc thương hiệu riêng của mình, chỉ sử dụng lông vũ là sản phẩm phụ trong dây chuyền thực phẩm.

Họ đã đặt mục tiêu vào năm 2020 cho các nhà cung cấp của mình để đáp ứng tiêu chuẩn lông vũ có trách nhiệm (RSD) – ngăn cấm việc nhồi ép thức ăn và lấy lông trực tiếp với các con chim còn sống. Họ cũng sẽ kiểm tra từng giai đoạn trong chuỗi cung ứng của nhà bán lẻ để đảm bảo số lông vũ được cung cấp là sản phẩm phụ lấy từ các động vật khỏe mạnh, yêu cầu này cũng đã được đề ra vào năm 2017. Một số thương hiệu thời trang bao gồm những cái tên quen thuộc như H&M, The North Face, Levi’s, Sorel và Lululemon cũng đã tuân thủ theo những quy chuẩn của RDS.

lông vũ

Chiếc mũ lông vũ của Nữ công tước xứ Cornwall trong đám cưới hoàng gia vừa qua. (Ảnh: Getty Image)

Nhà thiết kế mũ Stephen Jones, người chuyên sử dụng các loại lông gia cầm (như gà, vịt, ngỗng, đà điểu…) trong những chiếc mũ cầu kỳ của mình “để tăng sự uyển chuyển, tinh xảo hoặc để tạo ra các đường nét sinh động”, chia sẻ rằng ông luôn tuân thủ hướng dẫn về việc khai thác lông vũ do tổ chức bảo tồn phi lợi nhuận Hoa Kỳ Audubon Society đặt ra vào năm 1905. Ông tin rằng sử dụng lông vũ “không giống như sử dụng da thuộc (exotic skins) hay lông thú vì lông vũ được dùng cho các loại mũ là sản phẩm phụ của ngành sản xuất thực phẩm”. Tuy nhiên ông vẫn mở ra những phương án khác: “Tôi làm lông vũ từ vải tuyn, nhựa và các vật liệu khác.”

Nhiều người khác lại thuê thợ thủ công để biến lông vũ từ gia cầm nuôi hàng loạt trong trang trại trở nên rực rỡ như được lấy từ những sinh vật ngoại lai. Karen Van Godtsenhoven, người phụ trách nghệ thuật đã tổ chức một trong những lễ hội nổi tiếng nhất của lông vũ, Birds of Paradise: Plumes & Feathers, tại bảo tàng thời trang MoMu ở Antwerp năm 2014, viện dẫn về Lemaire tại Paris. Cô nói rằng xưởng lông vũ truyền thống 137 tuổi, nguồn cung cấp của Chanel cho đến ngày nay, “có thể làm cho một chiếc lông gà trông giống như nó được lấy từ một chú chim của thiên đường”.

Vậy, những điều này sẽ đưa chúng ta về đâu? Peta cho rằng các nhà thiết kế có thể sử dụng các sản phẩm “thuần chay” (vegan alternatives), tức là hoàn toàn không sử dụng chất liệu từ động vật. Sẽ sử dụng các vật liêu tái chế bền vững để thay thế các sản phẩm có nguồn gốc động vật, giống như nhà thiết kế người Anh Stella McCartney đã làm với chất liệu da của mình. Nhưng lý tưởng của họ là muốn tất cả các nhà bán lẻ nối gót Topshop, Sweaty Betty và Asos bằng cách cấm hoàn toàn lông vũ trong các sản phẩm của mình.

(Ảnh: Getty Image)

Tóm lại, tương tự như cách mà thế giới đã thức tỉnh với những tác động về đạo đức của thời trang “ăn liền” (fast fashion), các nhà bán lẻ cần cung cấp sự minh bạch trong chuỗi sản xuất.

Tuy nhiên, cách tiếp cận này đối với các nhà hoạt động như bà Taylor vẫn chưa đủ. Theo quan điểm của bà: “Tất cả lông vũ đều là tài sản ăn cắp”, bất kể chúng có nguồn gốc thế nào. Không có minh chứng rõ ràng rằng lông vũ được sử dụng trong ngành thời trang là hoàn toàn “sạch” và còn rất nhiều điều cần được để tâm đến khi mà chất liệu này đã và đang tạo nên một cơn sốt trong làng thời trang thế giới.

Xem thêm:

ELLE Style Calendar: Làm sao để mặc màu xanh lá thật phong cách? (11/6 – 17/6)

Hành trình Rihanna trở thành ngôi sao thời trang của thảm đỏ Met Gala

Nhóm thực hiện

Kim Chi (Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE/ Hình ảnh: Tổng hợp/ Tham khảo: The Guardian)
Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.
for Onesignal ring banner

BÌNH LUẬN (0)