6 dấu ấn đặc biệt tại Tuần lễ thời trang Paris Xuân – Hè 2019
Điểm lại những điểm nổi bật, đáng chú ý nhất trong Tuần lễ thời trang Paris, điểm kết thúc hoàn hảo cho Tuần lễ thời trang Xuân – Hè 2019.
Tuần lễ thời trang Paris 2019 hấp dẫn với màn trình diễn của các thương hiệu Christian Dior, Maison Margiela, Hermes, Loewe, Chanel, Stella McCartney, Alexander McQueen, Dries Van Noten… Dấu ấn đặc biệt tại Tuần lễ thời trang Paris 2019 đến từ bộ sưu tập đầu tiên của Hedi Slimane dành cho Celine, bối cảnh trình diễn đặc sắc, ảnh hưởng nữ quyền và tay nghề thủ công tinh xảo.
1. Gucci lần đầu trình diễn tại Tuần lễ thời trang Paris
Gucci, thương hiệu đến từ nước Ý, lần đầu tiên trình diễn tại Tuần lễ thời trang Paris như một sự tri ân đến nền văn hóa với dòng chảy sáng tạo mạnh mẽ của nước Pháp. Địa điểm được Alessandro Michele lựa chọn trình diễn cho BST Xuân – Hè 2019 là nhà hát La Palace, nơi trước đây từng là câu lạc bộ nổi tiếng.
Lấy cảm hứng từ giai đoạn 1978 – 1985 thịnh hành của các câu lạc bộ, nơi gặp gỡ tương tác diễn ra sôi nổi, Gucci muốn kết nối văn hóa di sản với văn hóa đại chúng. Nhiều năng lượng, thu hút, BST của Gucci với những chiếc đầm độn vai, cổ bẻ hay chất liệu kim tuyến, họa tiết Mickey gắn kết cảm xúc văn hóa.
2. Hedi Slimane và bộ sưu tập đầu tiên dành cho Celine
Được đón chờ và bàn tán nhiều nhất là màn chào sân của Hedi Slimane dưới vai trò giám đốc Sáng tạo của Celine, thay thế cho Phoebe Philo với 10 năm gắn bó và 17 bộ sưu tập. Phoebe Philo mang đến thành công cho Celine với nhận diện người phụ nữ của những bận rộn công sở nhưng vẫn cầu kỳ, thanh lịch với các thiết kế xóa nhòa ranh giới nam nữ, chú trọng đường nét cắt may. Đến với Tuần lễ thời trang Paris 2019, Hedi Slimane khiến những ai trung thành với Celine không khỏi bất ngờ với những váy mini lấp lánh và lông vũ cho những buổi tiệc tùng với năng lượng tự do không giới hạn của tuổi trẻ.
Dù cho những ý kiến trái chiều, Celine vẫn mang đậm dấu ấn cá nhân của Hedi Slimane thời còn ở Saint Lauren với chất liệu da, quần tất bóng, váy ngắn lấp lánh và họa tiết da thú. Sự kết hợp của glam và grunge thập niên 80 liệu có đem lại thành công cho Celine, hay sự thay đổi sẽ khiến Celine đánh mất bản sắc? Nhất là khi phong cách Hedi Slimane tiếp tục được Anthony Vaccarello kế thừa tại Saint Laurent.
3. Chanel với màn trình diễn bên bờ biển
Sàn diễn của Chanel trong Tuần lễ Thời trang 2019 tại Grand Palais lấy bối cảnh bờ biển với sóng tràn và bãi cát trắng, gợi nhớ đến thời thơ ấu của nhà thiết kế Karl Lagerfeld trên đảo Slyt. Dàn người mẫu chân trần đi trên cát trong đồ bơi in logo, áo khoác vải tweed quá khổ, túi đeo chéo gợi nhớ đến thập niên 80.
Biển cả cũng là chủ đề gắn liền với Chanel trong năm nay với bộ sưu tập Coco Beach ra mắt vào tháng 6/2018. Chanel luôn để lại ấn tượng với địa điểm và bối cảnh trình diễn như dưới chân Tháp Eiffel, không gian du thuyền hay những cuộc biểu tình.
4. Dior và sức mạnh của những vũ điệu ba lê
Dior khởi động Tuần lễ thời trang Paris với màn trình diễn kết hợp múa đương đại. Dường như sức mạnh của nhảy múa với những chuyển động đầy năng lượng là cảm hứng để Maria Chiuri sáng tạo bộ sưu tập Xuân – Hè 2019 cho Dior.
Chiuri nhìn nhận nhảy múa và thời trang đều kết nối đến sự giải phóng vẻ đẹp hình thể, từ đó sáng tạo các thiết kế với áo liền quần ôm sát kết hợp váy trong các chất liệu vải rủ, lưới cá, co giãn thường thấy trong thế giới vũ công. Dior để lại dấu ấn nữ tính, nhẹ nhàng, bay bổng nhưng không thiếu nội lực và bùng nổ trong tưởng tượng. Giữa phong trào nữ quyền với ảnh hưởng mạnh mẽ trong giới thời trang, định nghĩa của Dior tưởng chừng quen thuộc nhưng thật sự khác biệt.
5. Thời trang phi giới tính
Thời trang phi giới tính gắn với cảm hứng nữ quyền là dấu ấn nổi bật tại Tuần lễ thời trang Paris 2019 được nhiều hãng tên tuổi khai thác như Givenchy, Maison Margiela, Hermès, Louis Vuitton… Anna Wintour chia sẻ: “Trong tuần lễ thời trang vừa qua, các nhà thiết kế đã thể hiện quan điểm mạnh mẽ về việc các thiết kế dành cho nam và nữ không cần thiết phải tách biệt nhau. Thời trang là dành cho tất cả mọi người”.
Bộ sưu tập của Givenchy được truyền cảm hứng từ Annemarie Schwarzenbach, nữ nhà văn, nhiếp ảnh và nhà du hành người Thụy Sĩ ở thập niên 30. Bà có lối ăn mặc đặc trưng của nam giới với áo khoác blazer kết hợp quần cạp cao. Dàn người mẫu Givenchy tạo hình với tóc cắt ngắn trong những bộ trang phục hòa trộn bản sắc của 2 giới tính.
Maison Margiela tiếp cận vẻ đẹp phi giới tính ở khía cạnh táo bạo hơn với các thiết kế nữ và nam có thể hoán đổi.
Hermès đem đến vẻ sang trọng, lịch thiệp với váy da màu hạt dẻ, quần ống rộng và túi bucket tạo nên hình tượng người phụ nữ là thủy thủ tự định vị bản thân. Bối cảnh trình diễn với tấm gương lớn phản chiếu bầu trời và đường băng phủ cát liên tưởng đến người phụ nữ hướng tới chân trời rộng mở.
6. Loewe và câu chuyện về tay nghề thủ công
Câu chuyện của Loewe tại Tuần lễ thời trang Paris 2019 là câu chuyện về tay nghề thủ công.
Loewe xuất thân là nhà sản xuất đồ da, và J.W.Anderson muốn giữ lại vẻ đẹp nghề thủ công qua bối cảnh trình diễn với các tác phẩm thủ công nổi tiếng cùng bộ sưu tập túi thủ công cầu kỳ và chất liệu vải nghệ thuật. Các thiết kế trong bộ sưu tập tôn vinh di sản đồ da của hãng qua việc tận dụng chất liệu da được xử lý đem đến tạo hình màu sắc. Không gian tòa nhà UNESCO nhấn mạnh tính chất buổi diễn như buổi thể nghiệm nghệ thuật đương đại.
—
Xem thêm:
5 điểm nhấn ấn tượng từ Tuần lễ thời trang London 2019
6 điểm đáng chú ý tại Tuần lễ thời trang New York Xuân-Hè 2019
5 điểm nhấn đặc biệt từ Tuần lễ Thời trang Milan Xuân – Hè 2019
Tổng hợp: Nguyễn Thảo Trang
Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE
Tham khảo: The Guardian, Vogue
Ảnh: Tổng hợp