Thời trang / Thế giới thời trang

Bạn cần thay đổi thói quen mua sắm khi phát hiện những biểu hiện này

Bạn cảm thấy buồn chán vì không mua được món đồ yêu thích? Mức chi tiêu luôn vượt quá khoản thu nhập hàng tháng? Nếu câu trả lời là có, đã đến lúc bạn cần thay đổi cách mua sắm.

Theo giáo sư về khoa học sức khỏe Ruth Engs trường Đại học Indiana, một số người nghiện mua sắm (Compulsive Buying Disorder – CBD) vì họ cảm thấy “ám ảnh” cảm giác thỏa mãn khi mua món đồ yêu thích. Khi đó, não sẽ giải phóng endorphins và dopamine. Theo thời gian, cảm xúc trên có thể trở thành nguyên nhân gây nghiện. Điều đáng nói là có đến 10-15% dân số trên thế giới có thể gặp tình trạng này.

Người mắc chứng CBD không chỉ là những người thường xuyên mua sắm vượt quá khả năng tài chính mà còn bao gồm những ai dành nhiều thời gian tìm kiếm trên mạng hay thậm chí là tơ tưởng đến việc mua sắm dù không thực sự làm điều đó.

nghiện mua sắm 3
(Ảnh: Unsplash)

Mua sắm mang lại cảm giác thoải mái, vui vẻ, giúp giảm căng thẳng. Tuy nhiên, ranh giới giữa việc yêu thích và nghiện mua sắm khá mong manh. Không thể kiểm soát hành vi, thường xuyên chạy theo xu hướng hay xem mua sắm là biện pháp giải khuây duy nhất là những dấu hiệu đầu tiên bạn cần lưu ý.

Một số biểu hiện thường thấy ở người mắc CBD:

  • Chi tiêu nhiều hơn số tiền bạn có thể mua được
  • Mua nhiều hơn những gì bạn thực sự cần
  • Mua sắm để loại bỏ cảm giác tức giận, trầm cảm hoặc cô đơn
  • Mất kiểm soát hành vi mua sắm
  • Thường xuyên tranh luận với người khác về thói quen mua sắm
  • Trì hoãn thanh toán hóa đơn và mở tài khoản tín dụng mới để mua sắm nhiều hơn
  • Cảm thấy tội lỗi và xấu hổ khi nhìn lại số tiền đã chi tiêu
  • Dành nhiều thời gian tính toán tiền bạc và hóa đơn để có thêm tiền mua sắm
  • Cảm thấy khó chịu khi không đi mua sắm
nghiện mua sắm 5
(Ảnh: Unsplash)

Người nghiện mua sắm luôn tìm cách che giấu những người xung quanh. Họ thường vứt đi biên lai, hóa đơn thanh toán và nói dối về số tiền đã chi. Hệ quả đầu tiên và dễ nhìn thấy nhất là tình hình tài chính suy giảm. Họ luôn cảm thiếu thốn và cố gắng tìm cách xoay sở hoặc vay mượn từ người khác.

Nhiều người phải đối mặt với vấn đề tài chính, thậm chí có thể bị bao vay bởi nợ nần. Mối quan hệ cá nhân cũng bị ảnh hưởng không ít. Họ dễ gặp mâu thuẫn với người thân hoặc bạn bè, những người cố gắng khuyên họ từ bỏ thói quen tiêu cực này.

Nghiện mua sắm không phải là một hội chứng độc lập mà có thể là sự phản ánh của nhiều triệu chứng tâm lý khác. Những người mắc hội chứng này thường cảm thấy lo âu, trầm cảm, kém tự tin và tìm kiếm sự công nhận từ người khác. Đối với họ, mua sắm là một cách khẳng định giá trị bản thân hay mang lại một địa vị xã hội. Khuyến khích, động viên tích cực từ người thân sẽ giúp họ nhận ra vẻ đẹp thực sự không đến từ việc họ mặc trang phục trị giá bao nhiêu.

Người nghiện mua sắm thường là người theo chủ nghĩa duy vật, với giả định rằng tình cảm và sự ngưỡng mộ có thể được “mua” bằng tiền và bằng trang phục đang mặc trên người. Đối với nhóm người này, sự kết nối xã hội, bắt đầu một thói quen mới lành mạnh sẽ giúp họ thay đổi suy nghĩ.

nghiện mua sắm 6
(Ảnh: Unsplash)

Các biện pháp giúp khắc phục chứng CBD:

  • Tránh đi mua sắm một mình
  • Lập danh sách những món đồ cần mua trước khi đi mua sắm
  • Ghi chép sổ chi tiêu hàng tháng một cách rõ ràng, sau đó tổng kết và đối chiếu giữa các tháng
  • Hạn chế lướt các trang bán hàng hay đi qua nơi có nhiều cửa hàng thời trang (chỉ trừ khi bạn thực sự cần mua một món đồ nào đó)
  • Hạn chế thanh toán bằng tiền mặt để dễ dàng kiểm soát chi tiêu
  • Thường xuyên dọn tủ quần áo để biết được bạn đang có gì và cần mua thêm gì
  • Mua những món đồ cơ bản nhưng chất lượng cao, có khả năng kết hợp linh hoạt và dùng được lâu dài
nghiện mua sắm 1
Dọn dẹp tủ quần áo sẽ giúp bạn nhận ra những món đồ không được sử dụng thường xuyên. (Ảnh: Ikea)

Cuồi cùng, điều quan trọng nhất bạn cần nhớ là nghiêm khắc với bản thân. Khi cảm thấy có mong muốn mua sắm, hãy tự phân tâm bằng cách đọc sách, nấu ăn hoặc tập thể dục. Càng giảm việc đi mua sắm, bạn sẽ càng ít có nhu cầu.

Nghiện mua sắm nếu không được khắc phục kịp thời có thể trở thành một căn bệnh tâm lý, gây trở ngại cho cuộc sống. Hãy chỉ nên xem mua sắm là một trong những hoạt động giải trí thông thường, là cách bạn tán thưởng bản thân. Đừng “cuồng” mua sắm và hãy dành thời gian cho điều quan trọng hơn. Học cách yêu những gì mình đang có, bạn sẽ cảm thấy thoải mái hơn và tài khoản ngân hàng cũng thầm cảm ơn bạn đấy.

nghiện mua sắm 7
Thay vì đi mua sắm, hãy rủ cô bạn thân đến xem triển lãm hoặc đơn giản là đi bộ, đọc sách để cuộc sống thư giãn và phong phú hơn. (Ảnh: Unsplash)

Xem thêm:

Bí quyết mua sắm thông minh giúp bạn “sống sót” qua mùa Black Friday

Đằng sau lời đồn về 5 món đồ thời trang phong cách Pháp và bí quyết mua sắm tinh giản

Nhóm thực hiện

Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE Ảnh: Tổng hợp Tham khảo: Refinery29, psychguides
Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.

BÌNH LUẬN (0)