Delvaux – “Hermès nước Bỉ” và những chiếc túi được lòng giới “old money”
Đi theo chủ nghĩa Silent Luxury, Delvaux có thể không phải một cái tên nhẵn mặt trên truyền thông, nhưng đây là một trong những thương hiệu đồ da chiếm được nhiều cảm tình của giới thượng lưu lâu đời nhất.
Danh tiếng của thời trang cao cấp không chỉ đến từ tay nghề thủ công, mà còn được “đo đạc” dựa trên giá trị lịch sử. Những “cây đa cây đề” như Hermès, Louis Vuitton đều được ra đời từ thế kỷ XIX. Nhưng “già cỗi” nhất châu Âu phải kể đến Delvaux. Năm 1829, thậm chí sớm hơn một năm trước khi nước Bỉ giành được độc lập chủ quyền, cha đẻ của thương hiệu là Charles Delvaux đã bắt đầu gây dựng sự nghiệp của mình. Đẳng cấp của gã khổng lồ nước Bỉ được duy trì suốt 193 năm bởi kỹ thuật bậc thầy cùng nét dí dỏm mới lạ trong từng thiết kế.
Xuất phát điểm như người tháp tùng của những chuyến đi
Tiền thân của thương hiệu là một cửa tiệm bán đồ du lịch nằm trên địa phận thủ đô Brussels. Thời đó, Delvaux nổi tiếng với những chiếc rương làm từ chất liệu da thuộc chắc chắn, tiện lợi được giới nhà giàu tin dùng trong các cuộc viễn chinh. Năm 1883, maison nước Bỉ được trao tặng danh hiệu “Purveyor to the Court” – giải thưởng danh dự cho các tổ chức có sản phẩm hoặc dịch vụ được những thành viên hoàng gia đánh giá cao.
Tên tuổi của Delvaux cứ thế lên dần theo thời gian, nhưng thực sự “mọc thêm cánh” khi trình làng túi xách dành cho phụ nữ, được đăng kí bằng sáng chế vào năm 1908. Sở dĩ Charles Delvaux lại đưa ra quyết định mới mẻ như vậy là vì ông đã nhìn thấy trước một cuộc cách mạng du lịch đang đến với nước Bỉ, khi mật độ đường sắt tại đất nước này tăng cao vào năm 1875. Tệp khách hàng nữ đang tìm kiếm một phiên bản nhỏ nhắn hơn của chiếc vali thông thường nhưng vẫn đủ đựng những vật phẩm quan trọng.
Thời kì hưng thịnh của Delvaux được đánh dấu vào năm 1933, khi Franz Schwennicke tiếp quản công việc kinh doanh. Ông đã đưa Delvaux bước vào phân khúc cao cấp bằng việc giới thiệu các BST theo mùa từ những năm 1950, phản ánh đúng thông lệ của thời trang Haute Couture. Dưới sự điều hành tài tình của Schwennicke, và sau này là người vợ Solange, lịch sử đồ da liên tiếp đón chào những thiết kế “iconic” đậm chất Bỉ như Le Briliant (1958), Le Tempête (1967), Le Pin (1972). Kể từ năm 1908, hơn 3000 mẫu túi đều được lưu lại trong cuốn “Sách Vàng” – Livre d’Or nhà Delvaux.
Mối nhân duyên với louis vuitton trong thời kì đen tối
Tất yếu, trong quá trình hình thành và phát triển, con đường của Delvaux không phải lúc nào cũng trải đầy hoa. Năm 2011, thương hiệu đứng trên bờ vực phá sản. Những chiếc túi nổi tiếng một thời gần như đồng nghĩa với “túi của bà”. Cựu Giám đốc điều hành Louis Vuitton Jean-Marc Loubier đã mua lại và biến Delvaux trở thành một “thương-hiệu-phải-có” tại châu Á, thay vì đánh vào thị trường châu Âu đã quá chật chội bởi các nhà mốt lâu đời. Trung – Hàn – Nhật, ba vùng đất màu mỡ thuộc Châu Á – Thái Bình Dương, là điểm đến tiếp theo của Delvaux. Chiến lược này lật ngược tình thế “ngàn cân treo sợi tóc” trước đó và giúp thương hiệu nhanh chóng gom về một lượng lớn khách hàng tiềm năng.
GHI DẤU VỚI TINH THẦN Sáng tạo MỚI LẠ
Có lí do để giới thượng lưu vẫn ưu ái Delvaux dù hãng có đưa ra mức giá “trên trời”. Đằng sau những thiết kế thủ công đầy tỉ mẩn ấy là một sợi dây liên kết với trào lưu nghệ thuật, mà ở đây là chủ nghĩa siêu thực (Surrealism). Cách tiếp cận vừa độc đáo vừa dí dỏm này đã tạo nên những thiết kế “rất Delvaux” – vừa cổ điển vừa thú vị.
Thuộc dòng Brilliant – một trong những dòng túi “signature” của Delvaux, chiếc túi Brilliant Humour gây ấn tượng bởi dòng chữ đầy sự trào phúng – Ceci n’est pas un Delvaux (Tạm dịch: Đây không phải Delvaux). Nó được lấy cảm hứng từ bức vẽ tẩu hút thuốc The Treachery of Images của danh họa người Bỉ René Magritte.
Delvaux còn dành tặng hẳn cho các vị khách vẫn còn lưu luyến tuổi thơ chơi đồ hàng với dòng Miniatures. Khi đèn pin thu nhỏ của Doraemon không có thực, đã có Delvaux ra tay thu gọn những biểu tượng đặc trưng của các đất nước trên thế giới thành phiên bản mini size! Hoa anh đào Nhật Bản, bốt điện thoại Anh Quốc, lá cờ Mỹ đều được thu thập và đưa vào xưởng savoir-faire của các nghệ nhân.
Thế hệ MZ ngày nay vẫn dành một tình yêu nhất định đến với thương hiệu lâu đời này. “Đóa hồng nước Úc” BLACKPINK Rosé từng diện hai mẫu túi Delvaux Briliant MM Leather Satchel và Pin Mini Bucket lần lượt trị giá $5,900 và $1,900. Hai thành viên của BTS là V và Suga cũng thể hiện sự yêu thích với dòng túi Brilliant kinh điển của “Hermès nước Bỉ”.
Bài: Minh Khuê
Ảnh: Tổng hợp
Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE