Không khí Tết đang dần tràn ngập khắp nơi, thể hiện rõ qua những hình ảnh trên mạng xã hội về mọi người háo hức chuẩn bị áo dài đón Xuân. Bên cạnh các thiết kế hiện đại, một xu hướng nổi bật khác là sự trở lại của chiếc áo ngũ thân truyền thống, ngày càng hiện diện trong tủ đồ Tết của nhiều gia đình. Sự trở lại này như một lời khẳng định rằng áo ngũ thân vẫn âm thầm duy trì sức sống trong những cộng đồng trân trọng và giữ gìn giá trị văn hóa truyền thống.
BÀI LIÊN QUAN
Dù nguồn gốc chính xác của áo ngũ thân vẫn còn là một ẩn số, các giả thuyết đều thống nhất về vai trò quan trọng của áo ngũ thân trong việc định hình lại phục trang của người Đàng Trong. Chiếc áo đã trải qua giai đoạn phát triển mạnh mẽ và phổ biến rộng rãi dưới thời triều Nguyễn, bắt đầu từ vùng đất Thuận Hóa. Đặc biệt, dưới thời vua Minh Mạng, áo ngũ thân đã được nâng lên thành quốc phục, trang phục chung cho toàn thể người Việt Nam. Thành ra mới có câu ca dao lưu truyền:
“Tháng tám có chiếu vua ra
Cấm quần không đáy người ta hãi hùng”
tài sản văn hóa người Việt
Vậy áo ngũ thân là gì? Áo ngũ thân đặc trưng bởi cấu tạo năm thân áo được kết nối tinh tế: Hai thân trước và hai thân sau hợp thành bốn thân áo ngoài, được may liền mạch theo đường sống áo chính giữa tạo thế cân đối hài hòa. Điểm nhấn độc đáo nằm ở thân “con” ẩn bên trong thân áo phía trước bên phải, được coi như thân áo thứ năm. Điều quan trọng cần lưu ý là áo ngũ thân tuy có tạo hình giống nhưng lại khác biệt hoàn toàn so với áo dài hiện đại, vốn chỉ có hai thân áo. Bốn thân áo bên ngoài tượng trưng cho “tứ thân phụ mẫu” – ông bà, cha mẹ bao bọc và che chở cho “thân con”. Như ngầm nhắc nhở chúng ta về đạo lý hiếu thảo, một giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của người Việt.
Qua sự thích ứng với thẩm mỹ của từng thời đại, hình dáng của áo ngũ thân dần biến chuyển, hình thành phiên bản hai thân của tà áo dài hiện đại. Chẳng hạn qua nhiều kiểu dáng cách tân như áo dài Lemur với viền tay, bèo nhún ở cổ, kiểu cổ thuyền Trần Lệ Xuân hay kiểu chiết eo thịnh hành vào những năm 1960-1970.
Áo ngũ thân là trang phục dành cho mọi người Việt, bất kể tầng lớp sang hèn, giới tính nam nữ. Khác chủ yếu chỉ nằm ở màu sắc lựa chọn, chất liệu vải đầu vào và các phụ kiện đi kèm. Những người có điều kiện kinh tế tốt hơn thường lựa chọn các loại vải quý như gấm, nhung, lụa tơ tằm với hoa văn thêu tinh xảo, được tô điểm bằng kim khánh và đường trung phùng (đường cắt giữa thân áo) giấu chỉ thêm phần tỉ mỉ và tinh tế.
Năm chiếc khuy áo thường được sử dụng tượng trưng cho Ngũ Thường trong quan điểm Nho giáo: Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín. Ngoài ra, áo ngũ thân có hai kiểu tay áo: tay thụng (rộng rãi) và tay chẽn (ôm sát cổ tay) với phần nách áo thường được may rộng rãi, tạo sự thoải mái hoàn toàn cho người mặc khi vận động. Nữ giới thường mặc kèm với chiếc quần trắng ống rộng (xưa gọi là quần ống sớ) và đi giày, hài, guốc mộc.
cổ phục sống lại giữa thời đại
Dòng chảy thời gian không ngừng biến đổi, kéo theo sự thay đổi của nhiều giá trị văn hóa. Áo ngũ thân đã phải trải qua một giai đoạn dài bị lãng quên, nhường chỗ cho những trang phục hiện đại, tiện lợi và phù hợp với thẩm mỹ đương thời. Nhưng giờ đây, những tín hiệu tích cực đã xuất hiện, báo hiệu sự hồi sinh mạnh mẽ của áo ngũ thân nhờ sự góp mặt của thế hệ trẻ, tương xứng với mong muốn của các cơ quan, các cá nhân hay tổ chức xã hội trong nỗ lực bảo tồn và phát triển. Sự trỗi dậy của phong trào tìm hiểu và phục dựng cổ phục đã tạo nên một cộng đồng ngày càng lớn mạnh và sôi động.
BÀI LIÊN QUAN
Các nhà may chuyên về cổ phục như Ỷ Vân Hiên, Hoa Niên, Great Vietnam… xuất hiện, đã góp phần quan trọng trong việc tái hiện những chiếc áo ngũ thân tinh xảo, dựa trên những nghiên cứu lịch sử kỹ lưỡng. Thế hệ trẻ cũng không ngừng sáng tạo, cho ra đời những thương hiệu dễ tiếp cận công chúng, vừa tuân thủ những giá trị truyền thống, vừa mang hơi thở của thời đại như Hoa Niên – Năm tháng tươi đẹp, Great Vietnam hay Đông Phong.
Bên cạnh đó, nhiều thương hiệu nội địa khác lại chú trọng vào hướng cách tân, mang đến những thiết kế áo ngũ thân với những ý tưởng và phong cách mới mẻ hơn như nhiều tà lót lấp ló, cổ tròn, mặc cùng quần ống túm hoặc lạ mắt với vải xuyên thấu.
Sự đa dạng trong cách tiếp cận cổ phục hay áo ngũ thân, dù truyền thống hay cách tân đi chăng nữa, cũng sẽ mở ra cho bản đồ thời trang Việt Nam nhiều màu sắc thú vị hơn.
Nhóm thực hiện
Bài: Bảo Quốc
Ảnh: Tổng hợp