Thời trang / Thế giới thời trang

Dior dưới bàn tay John Galliano: Kỷ nguyên huy hoàng của “gã điên Anh quốc” không bao giờ trở lại

Một kỷ nguyên huy hoàng của thời trang thế giới được viết bằng tên John Galliano.

Trong suốt 77 năm kể từ khi thành lập, Dior đã trải qua 7 đời Giám đốc sáng tạo. Ngoài những năm đầu tiên được bàn tay NTK Christian Dior trải chuốt và làm nên một thời kỳ hoàng kim, biểu tượng của sự thanh lịch thì các tín đồ thời trang lại ghi nhớ nhất kỷ nguyên huy hoàng của Dior dưới thời trị vì của John Galliano. Một thủ phủ nước Pháp đầy ngông cuồng, quái dị nhưng độc nhất mà cho đến mãi sau này, chưa từng có nhà thiết kế hay thương hiệu nào có thể khiến cả giới mộ điệu đứng ngồi không yên như cách John Galliano đã từng.

Từ “cậu bé nghèo” trở thành “vua gấm vóc”

Mùa Xuân năm 1960, nơi vùng đất Gibraltar, trong một gia đình có cha là người gốc Ý, mẹ là người Tây Ban Nha đã sinh ra một cậu bé, không biết có 9 dấu son trên lưng không nhưng đã có số mệnh làm “vua gấm vóc”. Họ đặt tên cậu bé là John Charles Galliano. 

Từ nhỏ, Galliano đã được sống trong thế giới của những chiếc đầm xoè lộng lẫy đầy màu sắc và thừa hưởng sự táo bạo, độc đáo của mẹ – một giáo viên dạy flamenco, vũ điệu truyền thống được tái hiện xuất sắc trong show Alta Moda 2022 của nhà mốt Dolce & Gabbana. Đây cũng là khoảng thời gian mà Galliano chìm trong đau khổ, giằng xé cả về thể xác lẫn tinh thần, gắng sống sót qua từng trận đòn roi của cha lẫn sự miệt thị, bắt nạt của bạn bè vì sự khác biệt bên trong của mình.

John Galliano
NTK John Galliano thời trẻ. (Ảnh: Getty Images)
John Galliano
Ảnh: John Galliano

Năm 20 tuổi, Galliano theo học tại trường Central Saint Martins – nơi đào tạo ra những phù thuỷ thời trang thế giới. Chàng trai trẻ tuổi được thoả sức đam mê, thả hồn vào thế giới của lụa là gấm vóc và thành công tốt nghiệp hạng nhất với bộ sưu tập đầu tiên mang tên Les Incroyables (1984). Sau đó, Galliano thành lập thương hiệu cùng tên và nhận được hỗ trợ từ nhiều nhà tài trợ tài chính lớn. Tuy nhiên, sự bay bổng không đi đôi với doanh thu, thương hiệu đã sớm phá sản vào năm 1990. Không dừng lại ở đó, nhờ sự nâng đỡ của “bà đầm tạp chí” Anna Wintour, Galliano đã từng bước ghi dấu vào bản đồ thời trang thế giới, được LVMH để mắt và bổ nhiệm làm nhà thiết kế chính của Givenchy. 

BST đầu tiên của John Galliano mang tên Les Incroyables (1984). (Ảnh: Tumblr)
Ảnh: Tumblr

Tuy nhiên, dấu mốc lớn nhất trong cuộc đời của Galliano là trở thành nhà thiết kế người Anh đầu tiên nắm quyền trượng của thương hiệu cao cấp hàng đầu kinh đô thời trang – Dior năm 1996. Cố NTK Karl Lagerfeld từng nói: “Cấu trúc của Dior cần được duy trì nhưng họ phải ‘thay máu’. Tôi nghĩ rằng họ cần anh ấy. Anh ta mang đến thứ gì đó mới mẻ và hoang dã”.

Dior thực sự cần John Galliano 

“Gã điên mang quốc tịch Anh” đã đem toàn bộ quái tính của mình vào ADN của Dior để “lọc máu” và mở ra thời kỳ huy hoàng nhất trong lịch sử của nhà mốt nước Pháp với những ý tưởng cấp tiến và mang tính giải phóng nhiều nhất trong lịch sử thời trang. Ông đã trở thành một trong 3 “quái kiệt bất bại” giữa thế giới thời trang khắc nghiệt cùng với Thierry Mugler và Jean Paul Gaultier.

Nếu Christian Dior dùng hết tâm huyết cả đời để biến những người phụ nữ trở nên tự tin và làm cho họ đẹp hơn bất kỳ thứ diệu kỳ, lấp lánh nào trên cuộc đời này nhưng lại thuận theo mọi quy chuẩn của xã hội về cái đẹp hiện đại, bảo thủ và sang trọng tuyệt đối thì John Galliano dùng sự nữ tính, sang trọng vốn có ấy để “xé toạc” cái o ép, bí bức của tượng đài “New Look” silhoutte cổ điển, ném những thứ mà người cho là “quy chuẩn xã hội” vào sọt rác để giải phóng cơ thể, đưa con người đến đỉnh cao của sáng tạo, của gấm vóc lụa là. 

John Galliano
“Tượng đài” New Look do NTK Christian Dior sáng tạo. (Ảnh: Dior)
dior
BST Christian Dior Xuân 1998. (Ảnh: Dior)
John Galliano
Thiết kế váy nằm trong BST Dior Thu – Đông 2007 do NTK John Galliano sáng tạo. (Ảnh: Pinterest)
John Galliano
Mẫu váy nằm trong BST Dior Haute Couture Xuân – Hè 2009 được lấy cảm hứng từ thiết kế kinh điển New Look. (Ảnh: Guy Marineau)

Trong khi thế giới dần bị nuốt chửng bởi thời trang nhanh và thương mại hoá thì Galliano như Vạn Lý Trường Thành đồ sộ, đứng hiên ngang, toả sáng giữa sân khấu với sự thăng hoa của Haute Couture. Mỗi một bộ sưu tập đều là tâm huyết, là những câu chuyện giao thoa giữa lịch sử và văn hoá. Bay bổng, lãng mạn nhưng không kém phần điên rồ, ngông cuồng mà ở thời đó – không một ai làm được như ông.

John Galliano
Kỹ nghệ tài hoa của John Galliano được phô bày trong từng thiết kế. (Ảnh: ELLE)

Các thiết kế của Galliano là một chuyến du hành trong tâm trí: từ nàng công chúa bước ra trong cổ tích, nữ hoàng Marie Antoinette với vết cứa ở cổ bước ra cùng mục sư với khuôn mặt đầy sát khí cho tới cô gái bán hoa xinh đẹp nhưng dày dặn sương gió; một đám cưới tưởng chừng đầy hạnh phúc lại được bao phủ bởi sự ma mị; những thị trấn cổ tích ma quái hay khu rừng rậm trong văn học Shakespeare; rồi là cả một nền văn minh lỗi lạc của đất nước Ai Cập cổ đại… đều được Galliano đưa vào trong các bộ sưu tập quái đản, độc lạ của mình. Ông cũng tự mình hoá thân vào các vai diễn với các hình hài khác nhau, tạo nên một màn kết hoàn chỉnh cho từng buổi trình diễn. Galliano ở thời đó chính là một biểu tượng mà bất kỳ người yêu thời trang nào cũng khao khát có được thiết kế của ông.

John Galliano
Nữ hoàng Maria Antoinette trong mắt John Galliano lại mộng mị đến thế. (Ảnh: Getty Images)
John Galliano
Nền văn minh Ai Cập cổ đại là nguồn cảm hứng cho BST Dior Haute Couture 2005 của John Galliano. (Ảnh: Dior)
John Galliano
Chi tiết mẫu thiết kế thuộc BST Dior Haute Couture 2005. (Ảnh: Getty Images)
John Galliano
Kỹ thuật chế tác thủ công thượng thừa của John Galliano được thể hiện qua từng thiết kế. (Ảnh: Senatus)

Haute Couture của John Galliano không dừng lại ở việc ông “thay máu” toàn bộ thủ phủ Dior. Nếu các nhà thiết kế cùng thời sử dụng nguyên liệu là những tấm vải nguyên bản thượng hạng thì tác phẩm của Galliano quy tụ đầy đủ “thượng vạng hạ cám”. Tư duy cấp tiến của ông ở thời đó được coi là một trong những nhân vật lịch sử đi trước thời đại. Ở thời đó, thử hỏi, đã có ai tái sử dụng lại những mảnh vải, sợi chỉ thừa; đã có ai nghiền nát cả một tấm vải cũ để tái sinh thành một tấm vải mới mang đầy đủ sự “cao cấp”… đắp chúng lên để mang đến một kiệt tác để đời? Cũng với kỹ thuật cắt may tài tình, xếp tầng tầng lớp lớp, đậm chất avant-garde, Galliano đã để lại cho Dior hàng trăm thiết kế mà gần 30 năm sau, những “con chiên ngoan đạo” trung thành với John Galliano vẫn một lòng khát khao có được. 

John Galliano
Những cô nàng geisha Nhật Bản cũng trở thành nguồn cảm hứng bất tận của John Galliano. (Ảnh: Dior)

Điển hình là chiếc túi yên ngựa Saddle Bag – mẫu túi kinh điển đầu tiên được Galliano sáng tạo cho Dior vào năm 1999 đã trở thành một hiện tượng lỗi lạc của thời trang thế giới. Trong tập năm mùa thứ ba của “Sex In The City”, nhân vật Carrie Bradshaw (Sarah Jessica Parker) đã đeo chiếc túi yên ngựa màu trắng hồng, phủ hoạ tiết logo chữ D vàng biểu tượng của Dior. Đó cũng là đặc điểm nổi bật của chiếc túi thời bấy giờ. Mẫu túi trở nên “nóng” hơn bao giờ hết, phủ kín khắp mặt báo, tạp chí đình đám thời đó. Người người nhà nhà đeo Saddle Bag. Chính mẫu túi này đã mang lại thành công vang dội về thương mại với doanh số bán phụ kiện của Dior tăng hơn 60% một năm. Năm 2006, Galliano cho ra mắt bộ sưu tập 12 chiếc túi yên ngựa được lấy cảm hứng từ 12 quốc gia mà ông thích nhất. Trong đó, chiếc túi lấy cảm hứng từ Mỹ được làm bằng vải satin màu trắng, đính đá thạch anh. Saddle Bag cứ vậy giữ vững vị thế thống trị của mình trong suốt 11 năm và đứng đầu cơn sốt IT-Bag cho đến khi dần nguội lạnh vào năm 2007. 

Trong tập năm mùa thứ ba của “Sex In The City”, nhân vật Carrie Bradshaw (Sarah Jessica Parker) đã đeo chiếc túi yên ngựa màu trắng hồng, phủ hoạ tiết logo chữ D vàng biểu tượng của Dior. (Ảnh: Sex In The City)
John Galliano
Paris Hilton – biểu tượng thời trang Y2K đình đám cực kỳ yêu thích mẫu túi Dior Saddle Bag. (Ảnh: Getty Images)
John Galliano
Thời mà người người nhà nhà đeo túi Dior Saddle Bag. (Ảnh: Getty Images)

Thế nhưng, đã là “IT-Bag” đình đám một thời thì đâu có chuyện dễ dàng bị lãng quên, chưa kể chúng còn được làm bởi một “vị vua gấm vóc” mà cả thế giới ngưỡng mộ. Năm 2018, Maria Grazia Chiuri đã mang chiếc túi kinh điển này trở lại lên sàn diễn BST Thu – Đông và BST Resort 2019. Không có gì phải bàn cãi, ngay lập tức, Saddle một lần nữa trở thành cơn khát của các tín đồ thời trang trên toàn cầu. Một cuộc săn lùng túi yên ngựa diễn ra khắp nơi và hình ảnh “người người nhà nhà đeo Saddle Bag” từ những năm 1999 đã quay trở lại. Đó chính là một sự kiện minh chứng rõ ràng nhất cho tư duy cấp tiến, cho những thiết kế quái dị của John Galliano nhưng có đến hàng thập kỷ sau thì chúng không bao giờ lỗi thời. 

Túi Dior Saddle trên sàn diễn BST Thu-Đông 2019. (Ảnh: Dior)
John Galliano
“Chị đại” Rihanna đón đầu cuộc chơi mang túi Dior Saddle Bag trở lại vào năm 2018. (Ảnh: Getty Images)
John Galliano
IT-Girl đình đám Belle Hadid xách mẫu túi Dior Saddle Bag vintage. (Ảnh: Getty Images)
John Galliano
CL (2NE1) cũng không nằm ngoài cuộc chơi. (Ảnh: CL)

15 năm trị vị thủ phủ Dior, dưới đôi bàn tay của gã trai lập dị bất cần đời, nhà mốt nước Pháp mang hình hài méo mó một cách duyên dáng, phi thường và cổ quái ở một thời kỳ vàng son với sự xa hoa, lộng lẫy, hoang đường nhất. 

VỊ VUA SA NGÃ TRÊN NGAI VÀNG dior

Và rồi, một vị vua đứng trên hai ngai vàng cũng có lúc lầm đường lỡ bước. Galliano không chỉ một mình gánh vác Dior mà còn oằn mình gồng giữ thương hiệu cá nhân cùng tên. Hơn 15 năm ròng rã, có những lúc, ông phải làm tới 32 bộ sưu tập trong một năm cho John Galliano và Dior. Ông sa vào con đường của rượu thuốc và những cơn nghiện. Một đoạn video vỏn vẹn 45 giây đã quay lại cảnh ông miệt thị, phân biệt chủng tộc, xúc phạm tới cặp vợ chồng người Do Thái tại quán bar trong tình trạng không tỉnh táo đã đập tan “giấc mộng” mà ông xây dựng bằng mồ hôi và nước mắt.

Ảnh: The NewYork Times

Galliano bị Dior sa thải, thương hiệu cùng tên của ông cũng biến mất khỏi thế giới. Giấc mộng của gã điên đã đến lúc tàn. Vị vua lui vào bóng đêm với nỗi dặn vặt, còn thế giới thì không biết Dior sẽ đi về đâu. Người ta thừa biết rằng, Galliano có thể thăng hoa với gấm vóc nhưng tính thương mại thì lại không ăn khớp với định hướng của Dior. Sự việc này chỉ là giọt nước tràn ly để bộ sậu Dior thời bấy giờ sa thải ông. Ngày John Galliano biến mất, cả thế giới như mất đi một vùng biển. Dù là Raf Simon hay Maria Chiuri sau này cũng không thể làm lu mờ đi huy hoàng quá lớn mà ông để lại. Thậm chí tới bây giờ, người ta vẫn khát khao một lần nữa được nhìn thấy John Galliano với những bộ đầm quái dị thăng hoa tột đỉnh như thời ở Dior. 

VỊ VUA TRỞ LẠI

Sự khát khao được thay đổi, được sửa chữa lỗi lầm và được sống trong thời trang một lần nữa vực dậy và kéo vị vua từ “cõi chết trở về”. Người ta vẫn thường nói: “đánh kẻ chạy đi không ai đánh người chạy lại”. Tháng 6/2013, cuộc phỏng vấn đầu tiên của John Galliano kể từ khi bị đuổi khỏi Christian Dior được phát trên truyền hình Mỹ. Cuộc trò chuyện kết thúc bằng câu nói: “Tôi có thể thay đổi. Tôi sẵn sàng thay đổi… Tôi hy vọng hành động chuộc tội có thể giúp tôi có cơ hội thứ hai”.

Người ta chỉ gọi Dior là “maison” (trong tiếng Pháp: ngôi nhà) nhưng trong tên thì quả thực không có chữ maison nào cả nên có lẽ đây không phải là nhà, là nơi đủ bao dung để đón vị vua trở lại. Năm 2014, ông trở thành Giám đốc sáng tạo của Maison Margiela – đánh dấu sự trở lại đế chế thời trang xa xỉ của một vị vua lầm đường lỡ bước. Bộ sưu tập đầu tiên mà ông cho ra mắt tại đây đã khiến các tín đồ xúc động, vui mừng. Những môn đồ, bạn bè và biên tập viên thời trang đều chờ đợi khoảnh khắc này từ rất lâu, cùng chờ đợi khoảnh khắc “nhà vua trở lại”. 

Ảnh: Maison Margiela
Ảnh: Maison Margiela

Những thiết kế của John Galliano đã làm nên bộ mã DNA đặc biệt của riêng mình. Ông bắt tay vào tái cấu trúc Maison Margiela. Không còn sự khoa trương, khuếch đại nữa. Ông gia giảm và tiết chế lại để phù hợp với tinh thần cũng như định hướng sáng tạo của cá nhân với thương hiệu. Mỗi bộ sưu tập ở Maison Margiela đều là một món ăn tinh thần với đủ thứ hương hoa mộng mị trên đời. Từng thiết kế đều mang tinh thần thanh lịch rất riêng của nhà mốt nhưng vẫn ăn nhập với quái tính sẵn có của Galliano. Đặc biệt, BST Haute Couture 2017, John Galliano đã gây tiếng vang với thiết kế 3D ảo diệu. Một khuôn mặt người con gái được sắp đặt bằng vải voan trên nền áo trench coat trắng mang đậm tinh thần thanh lịch. Thiết kế sống động đến mức vi diệu, tưởng như một phép màu có thật trong làng mốt. Cả thế giới vỡ oà lên khi nhìn thấy sáng tạo của John Galliano. Vị vua đã thực sự trở lại.

BST Maison Margiela Haute Couture 2017. (Ảnh: Maison Margiela)
Ảnh: Maison Margiela

Tuy không còn John Galliano của một thời huy hoàng, mơ mộng trong điên dại và ngông cuồng nhưng ông vẫn toả sáng tại Maison Margiela, vẫn đưa sự sáng tạo không ngừng của mình vào trong từng bộ sưu tập. Dù một thập kỷ thời trang được viết bằng tên mình, Galliano vẫn từ chối nghỉ ngơi trên vòng nguyệt quế. Galliano chưa bao giờ dừng lại trong cuộc chinh phục những đỉnh cao mới, như lời hứa ông nói với Anna Wintour: “Đây là cuộc phiêu lưu. Tôi sẽ chiến đấu tới cùng để vươn tới tự do trong sáng tạo”. Một lần nữa đứng lên từ những vấp ngã, John Galliano đã cho cộng đồng yêu thời trang trên toàn thế giới tiếp tục được đắm chìm trong hào quang của một nhà thiết kế lỗi lạc.

Nhóm thực hiện

Thực hiện: Khánh Linh
Ảnh: Tổng hợp

Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.
for Onesignal ring banner

BÌNH LUẬN (0)