Thời gian gần đây, các hình thức tái sử dụng và giảm thiểu lượng rác thải đã trở thành một mô hình kinh doanh mang lại lợi nhuận cho nhiều doanh nghiệp. Trong đó, xu hướng sử dụng đồ secondhand đang được yêu thích tại nhiều quốc gia.
ĐỒ secondhand trở thành xu hướng “nóng”
Theo thống kê hằng năm của Ellen Macarthur Foundation (Quỹ Ellen Macarthur, một tổ chức từ thiện ở Anh), chỉ có ít hơn 1% quần áo được tái chế. Tính riêng tại Mỹ, mỗi năm có thêm hơn 130 triệu tấn rác thải tiêu dùng được tập trung tại các bãi rác. Trong đó, chúng ta chỉ tái chế 30% trong số 75% lượng rác có thể tái chế.
Để giải quyết vấn đề này, tại Thuỵ Điển, ReTuna – một trung tâm mua sắm chỉ bán những vật dụng secondhand được thành lập. Mục tiêu là giảm lượng rác thải và cổ vũ lối sống bền vững. Năm ngoái, doanh thu của họ đã vượt mốc 1,1 triệu USD. Những vật dụng được bán tại đây đều đã qua sử dụng và trong tình trạng tốt. Người mua có thể tìm thấy tất cả mọi thứ, từ đồ thời trang của các thương hiệu Michael Kors, Gucci đến vật dụng điện tử như Iphone, các thiết bị nhà bếp…
Ảnh hưởng toàn cầu
Tín hiệu tích cực từ ReTuna nhanh chóng lan truyền sang các khu vực lân cận. Bên cạnh các dự án tại Bỉ, Thụy Sỹ, Anh… Trong tương lai gần, Một trung tâm mua sắm với mô hình tương tự sẽ được khai trương vào tháng 4 năm 2020 tại Na Uy.
Maria Saetersdal Remoe – người quản lý trung tâm thương mại sắp được mở cửa tại Na Uy nói trên tin rằng, đây là một mô hình sẽ đạt được thành công lớn. Bên cạnh đó, doanh nghiệp này cũng sẽ hợp tác với những dịch vụ tái chế địa phương. Mục tiêu Saetersdal Remoe nhắm tới là giảm lãng phí tài nguyên bằng cách tái sử dụng các vật dụng.
Không dừng lại ở châu Âu, nhiều dự án tương tự tại Úc, Mỹ cũng đang trong quá trình phát triển. Mới đây, The Wardrobe Exchange – một sự kiện mua sắm vừa diễn ra tại Edmonton (Canada). Mặt hàng được bán tại sự kiện này bao gồm đồ dùng của những người tham dự, hoặc thiết kế của các boutique địa phương được giảm giá.
Thời trang secondhand
Thời trang secondhand đã “chinh phục” được nhiều fashonista bởi sự độc đáo. Nhiều Youtuber được biết đến từ những video hướng dẫn cách chọn, phối đồ secondhand. Những món đồ cũ từ các thương hiệu cao cấp thường có độ bền cao. Đây là những item rất được ưa chuộng bởi giá thành không đắt như đồ mới và vẫn có giá trị thương hiệu.
Khoảng 3-4 năm trở lại đây, tại Việt Nam cũng manh nha xuất hiện mô hình tủ đồ chia sẻ, ký gửi. Đồ thời trang ở các cửa hàng này thường được “gửi gắm” bởi những phụ nữ có gu ăn mặc được khen ngợi. Do bắt buộc phải trải qua quá trình chọn lọc kỹ lưỡng, chất lượng và nguồn gốc đồ ở đây đáng tin cậy hơn ở các chợ “đồ si”. Ngoài việc cung cấp thời trang hàng hiệu giá phải chăng, một số cơ sở còn hỗ trợ tư vấn phong cách cho khách hàng.
Mua đồ cũ không chỉ giúp bạn tiết kiệm, xu hướng tiêu dùng này còn hạn chế những hoạt động sản xuất có hại cho môi trường. Chính vì thế, sử dụng đồ secondhand được dự đoán sẽ thay thế thời trang nhanh trong kỷ nguyên phát triển bền vững. Bạn nghĩ sao về xu hướng tiêu dùng này? Liệu đây có phải hướng đi tuyệt vời cho ngành thời trang Việt Nam trong tương lai gần?
Mẹo vui với đồ secondhand
Ashley gợi ý cách phối đồ đa dạng với những món đồ secondhand (thrifted outfits).
Nhóm thực hiện
Bài viết: Ngọc Chuyên Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE Tham khảo : CNN, CBC