x
Mạch chảy thời trang bắt đầu có biến chuyển từ sự trỗi dậy của phong cách grunge vào năm 1992, nhưng đến cuối thập niên thì được thay thế bởi sự trở về của tinh thần retro giai đoạn những năm 1960, 1970. Đây còn là giai đoạn được định nghĩa bởi nhiều xu hướng chồng chéo trái ngược nhau.
Thời trang trong những năm 1990 là nguồn gốc của nhiều thay đổi sâu rộng trong thế giới phương Tây: Từ sự chấp thuận đối với văn hóa xăm hình và xỏ khuyên cho đến công cuộc xây dựng thương hiệu của các nhà mốt.
Để có cái nhìn tổng quát, nên phân chia thời trang thập niên 1990 ra thành 3 giai đoạn thời gian được tóm tắt cụ thể.
x
NHỮNG NĂM ĐẦU
Tuy là linh hồn trong những năm 1980, quần jeans với cách xử lý acidwash không sống sót nổi khi chạm ngưỡng 1990 như quần jeans stonewash và áo khoác denim. Stonewash denim trở nên rất phổ biến, mãi tận 1998. Sau khi từ bỏ quần jeans ôm, mọi người chuyển sang ưa chuộng loại quần rộng.
x
Mẫu áo thun trắng-đen là item “đinh” của nam giới. Quần parachute (tạm dịch là quần nhảy dù) là loại quần được ưa chuộng không kém. Hoa tai tròn là phụ kiện không thể thiếu của nữ giới.
x
Legging đen, vớ trắng, giày sneaker thể thao hiệu Keds, giày chạy bộ Nike, áo thun oversized, sweatpants… những trang phục đậm chất thể thao được ứng dụng vào thường phục, nhất là đối với giới trẻ nói chung ở khu vực châu Âu, Mỹ và Anh.
x
Màu neon
Đại đa số các cửa hàng thời trang trong giai đoạn đầu những năm 1990 đều tràn ngập áo thun oversized, sweatshirt, vớ, dây buộc giày, đồ cột tóc, túi đeo thắt lưng có màu neon với năm tông: Xanh dương, xanh lá, cam, hồng và vàng. Không chỉ được các cô gái lứa tuổi teen và sắp-teen yêu thích, áo thun neon còn chiếm được cảm tình của không ít các cậu con trai. Một năm sau đó, màu neon được thay thế bởi màu san hô, hồng chói và xanh ngọc lam. Năm 1995, cơn sốt chói lọi chấm dứt.
x
Grunge và retro-hippie
Một trong những sự kiện quan trọng nhất thập kỷ là sự trỗi dậy của phong cách grunge – chịu ảnh hưởng từ dòng nhạc grunge – du nhập vào thời trang chính thống trong năm 1992 với áo sơmi kẻ ô, áo thun tay dài kẻ sọc ngang, quần jeans stonewash, giày Doc Martens, giày thể thao và bảng màu không hề tươi sáng. Bộ phận giới trẻ theo đuổi phong cách này đều nuôi tóc dài rồi duỗi thẳng.
x
Bên cạnh việc là bộ mặt khác của xu hướng unisex, grunge dù được xem là “anti-fashion” vẫn được ngành công nghiệp thời trang biến chuyển thành một phong cách ăn mặc độc đáo.
x
Phong cách hippie trở về với thế giới thời trang thập niên 90 với áo sơmi tie-dye, mắt kính to bản (granny sunglass) của những năm 1960, quần jeans ống loe, áo ghi lê. Tuy là hai làn sóng mạnh mẽ, grunge và neo-hippie đều bị hầu hết các nhà phê bình thời trang xem là rẻ tiền.
x
Siêu mẫu
Trong suốt những năm đầu thập niên 1990, bên cạnh các nhà mốt danh tiếng, siêu mẫu là những người thống trị ngành công ngiệp thời trang. Cụ thể bao gồm: Linda Evangelista, Cindy Crawford, Naomi Campbell, Eva Herzigova, Nadja Auermann, Christie Brinkley, Christy Turlington, Kate Moss, Carla Bruni, Tatiana Sorokko, Helena Christensen, Claudia Schiffer, Karen Mulder, Yasmin Le Bon, Nadege, Yasmeen Ghauri, Stephanie Seymour, Carolyn Murphy, Amber Valletta, Shalom Harlow, và Tyra Banks. Nhiếp ảnh gia thời trang Peter Lindbergh xem Linda Evangelista là nàng thơ vĩ đại nhất, bởi vì đối với ống kính của ông, cô mang tính đương đại và thanh lịch.
x
Kate Moss – siêu mẫu thường xuất hiện trong quảng cáo của Calvin Klein – trong giai đoạn này đã dấy lên nhiều phê bình, tranh cãi cho rằng cô cổ vũ thói quen bỏ ăn khi giữ vóc dáng gầy còm.
x
NHỮNG NĂM GIỮA
Năm 1993, giới trẻ, đặc biệt là phái nữ, yêu chuộng các sản phẩm denim của Guess. Xỏ khuyên rốn được xem là sành điệu và đó cũng là nguyên do dẫn đến sự ra đời của áo thun croptop.
x
Hiphop
Không hoàn toàn là thời hoàng kim của chỉ mỗi grunge và neo-hippie (tân-hippie), thời trang đường phố thập niên 1990 còn được chiếm đóng bởi phong cách hiphop và thể thao. Nhạc rap đã ảnh hưởng đến gu ăn mặc của nhiều cậu thanh niên, họ đội ngược mũ lưỡi trai, mặc áo thun bóng chày/bóng rổ, chân mang giày Nike Air Jordans. Tủ quần áo của một tín đồ hiphop không thể nào hoàn thiện nếu thiếu đi những item: Quần jeans baggy, áo sơmi kẻ ô, quần kaki, áo khoác bomber, kính Locs, nón lưỡi trai, nón snapback, áo thun FUBU, dây chuyền vàng và nhẫn sovereign (tạm gọi là nhẫn mặt to).
x
Mốt quần tuột phản cảm và áo sweatshirt đen có mũ trùm đầu cũng bắt đầu thịnh từ thời gian này. Những ngôi sao tạo ảnh hưởng trong ăn mặc bao gồm MC Hammer, Tupac Shakur, Dr.Dre, Snoop Dogg…
x
1994
Vì thời trang chuyển sang chuộng kiểu quần áo có phom dáng ôm hơn, mốt grunge và neo-hippie nhanh chóng tuột dốc sau mùa thu 1994. Áo sơmi kẻ sọc không còn là item mang tính biểu tượng tượng trưng cho grunge. Quần jeans ống loe bị thay thể bởi quần jeans rộng và đồ denim trắng.
Kính mát tròn, to nhường chỗ cho kính gọng cong (wraparound). Áo sơmi bowling trở thành hiện tượng thời trang giới trẻ nhờ xuất hiện trong MV “Basket Case” của ban nhạc rock Green Day.
x
Những loại chất liệu bóng bẩy như satin, vải ánh kim, nhung, sequins, vinyl… được trưng dụng tối đa. Kiểu mix&match đầm slip dress với áo thun trắng là một trong những kiểu cách ăn mặc phổ biến.
x
1995
Phong cách hậu-grunge kết nạp thêm mẫu áo thun golf vào năm 1995. Đại bộ phận giới trẻ yêu thích môn trượt ván và đó là động lực đưa loại giày sneaker của môn này nổi tiếng.
x
Sự trở lại vào mùa thời trang Thu 1995 của Mod không chỉ hồi sinh váy ngắn mà còn jeans ống dài chạm gót và quần jeans Levis 501 ống rộng. Thiếu nữ bắt đầu chuyển sang diện giày bốt đen, giày cao gót gót thô, áo thun ôm, áo thun baby doll màu mận, xanh baby hoặc hồng. Mái tóc của nhân vật Rachel (do Jennifer Aniston thủ vai) trong series truyền hình “Friends” là kiểu tóc đẹp tiêu chuẩn.
x
Trong hai năm 1994 và 1995, phong cách nữ sinh của các bộ phim “Clueless”, “The Craft”, “Empire Records” là nguồn cảm hứng làm say mê mọi cô gái. Còn với thế hệ phụ nữ có độ tuổi từ 30 trở lên, họ xem thời trang quý phái của những năm 1950 là chuẩn ăn mặc.
x
Đây còn là giai đoạn mà những nhóm nhạc dòng Britpop, Madchester và Indie rock – điển hình là Spice Girls, Stone Roses, Blur, Oasis – với phong cách thời trang bao gồm mắt kính phi công, áo khoác denim, tóc Mod, áo thể thao nhung, váy ngắn ngang đùi… vô hình trung mang trọng trách định hướng thẩm mỹ cho văn hóa thời trang của giới trẻ.
x
x
NHỮNG NĂM CUỐI
Punk và Goth
Đường phố năm 1996 không hề xa lạ với chuyện giới trẻ theo đuổi phong cách punk nhuộm mái tóc gai nhọn với đủ màu sắc: Từ xanh dương đến cả hồng fuscia; luôn luôn mặc áo thun đen, quần đen, kính cọng gong và giày skater. Phong cách goth của 1997 không có nhiều sự khác biệt so với punk.
x
Vẫn là quần áo đen, áo khoác trench đen và tóc được nuôi dài. Thời trang hardcore punk – bắt nguồn từ thập niên 70 – đạt đến đỉnh cao vào thập niên 1990 với những item quen thuộc đối với fan của dòng nhạc pop punk và nu metal như tóc gai, áo hoodie màu đen, quần baggy họa tiết kẻ ô Royal Stewart đen-đỏ.
x
Punk và goth tồn tại đến tận thập niên 2000, lâu hơn tất cả những gì mà những người chống đối hai phong cách đó đã dự liệu.
Preppy hiện đại
Năm 1997, các cậu thanh niên sành điệu đón nhận phong cách tân preppy thư sinh với tóc ngắn nhuộm vàng, áo khoác blazer anh navy, áo polo kẻ sọc thủy thủ, giày Oxford. Đặc biệt, áo thun và quần jeans hiệu Tommy Hilfiger trở thành những item mang tính biểu tượng. Tay golf Tiger Woods là một trong những ngôi sao có công trong việc nổi tiếng hóa quần kaki.
x
Cũng trong năm 1997 này, áo hai dây quai mảnh tạo cơ hội để các cô gái trẻ khoe da nhiều hơn. Skort – nửa quần, nửa váy – là một hiện tượng thời trang nhưng chỉ thịnh hành trong khoảng thời gian ngắn.
Năm 1998 là năm của váy quấn (wraparound) và quần lưng thấp. Những tông màu chủ đạo trong tủ quần áo giới trẻ bắt đầu chuyển sang vàng chanh, xanh chuối, xanh ô liu, tím violet và xám.
Áo Aloha đầy màu sắc và họa tiết ngập tràn cả năm 1999, cũng như quần lửng và màu hồng.
SỰ ĐƠN GIẢN HÓA TRONG ĂN MẶC
Sự toàn cầu hóa đã mang đến nhiều thay đổi, ví dụ như hình thức làm việc tại nhà trở nên phổ biến, không ít quy định làm việc tại các cơ quan cho phép nhân viên ăn mặc đơn giản. Sự nới lỏng đó tác động mạnh mẽ đến xu hướng ăn mặc của con người, tiêu hao dần hứng thú ăn diện. Nền công nghiệp dệt may và các cửa hàng bán lẻ chuyển sang tập trung sản xuất, kinh doanh các loại quần áo đơn giản nhiều hơn bao giờ hết.
x
Thế giới thời trang thập niên 90 được đa dạng hóa và xoay vần liên tục nhờ vào sự phát triển mạnh mẽ của các phương tiện truyền thông lẫn Internet. Những cá nhân chuộng thời trang không còn để gu ăn mặc phụ thuộc một cách mù quáng vào con mắt thẩm mỹ và các định hướng của giới nhà thiết kế thời trang. Cũng như lối sống xã hội và tư tưởng thời hiện tại, tầm nhìn và mục đích chính của thời trang thập niên 90 là đạt được tính cá nhân chân thực nhất.
.
“LESS IS MORE”
Có một điều mà chúng ta có thể tự tin khẳng định đó là sau một thập kỷ tiêu thụ, chi tiêu nhiều như thập niên 1980, thì những năm 1990 là giai đoạn của sự tiết chế. Trường phái Tối giản bắt đầu bước vào giai đoạn hoàng kim của mình. Những người theo trường phái Tối giản đã tìm cách để nó hòa nhập vào nhiều khía cạnh của xã hội – thứ đang mỗi ngày một “hung hăng” hơn.
x
Cũng như kiến trúc đô thị và trang trí nội thất, thời trang là lĩnh vực hữu hình nhất mà chủ nghĩa Tối giản được bộc lộ. Silhouette (tạm dịch là phom dáng quần áo) được đơn giản hóa và gọn gàng tối đa. Vì tối giản là tiêu chuẩn mang tính hiển nhiên đối với silhouette, chất liệu và chất lượng trở thành yếu tố quyết định giá trị của sản phẩm.
x
Nhiều nhà mốt nổi tiếng với phong cách tối giản nhanh chóng tìm được chỗ đứng vững chắc trong giới thời trang, chẳng hạn như Helmut Lang, Jil Sander, hay Calvin Klein, Donna Karan nhắm vào đối tượng khách hàng là những người phụ nữ đi làm. Nhà thiết kế Calvin Klein đã thừa nhận chủ nghĩa Tối giản đối với ông là niềm đam mê về những đường cắt, là trò chơi màu sắc và phong dáng đơn giản, mạnh mẽ.
x
Đánh giá và định nghĩa một thập niên thời trang là công việc không hề đơn giản, bởi một thập niên là khoảng thời gian đủ dài để nhiều xu hướng – đáng được ghi nhận – hình thành chứ không phải một. Nếu không tính đến thời trang trong giai đoạn hiện tại, thời trang trong thập niên 90 của thế kỷ trước thực chất chứa đựng nhiều biến đổi hơn so với những thập niên đã qua.
—
Xem thêm
Nét nổi bật của thời trang thập niên 80
Sự trở lại của thời trang cổ điển thập niên 70
Phong cách thời trang thập niên 60
Nhịp đập vintage: Thời trang qua các thập niên 20, 30, 40, 50
Nhóm thực hiện
Bài: Thúy Vy.