Haute Horlogerie – Đỉnh cao chế tác của những chiếc đồng hồ “mang dòng máu quý tộc”
Hơn cả một chiếc đồng hồ thông thường, Haute Horlogerie là tác phẩm nghệ thuật thu nhỏ cực kì công phu, sở hữu kỹ thuật chế tác “điên rồ” tự định nghĩa về sự khắt khe.
Nếu Haute Couture chứng minh cho sự xa hoa, sang chảnh của đường kim mũi chỉ; Haute Joaillerie là niềm kiêu hãnh của trang sức cao cấp, thì Haute Horlogerie lại được ví như bộ môn khoa học,yêu cầu sự tỉ mỉ và chính xác trên từng millimet của một “cỗ máy thời gian”. Cùng ELLE tìm hiểu về lịch sử cũng như cách mà các thương hiệu đồng hồ lâu đời nhất thế giới tạo ra đẳng cấp Haute Horlogerie!
“Câu lạc bộ” của những kẻ “thuần chủng”
Được sử dụng rộng rãi vào cuối những năm bảy mươi của thế kỉ trước, Haute Horlogerie là một thuật ngữ được các công ty chế tác đồng hồ cơ truyền thống Thuỵ Sĩ dùng như một biện pháp đối phó với cuộc khủng hoảng đồng hồ thạch anh (quartz) hay còn được gọi là đồng hồ làm việc trên cơ sở điện tử.
Cuộc khủng hoảng đồng hồ thạch anh chỉ sự bùng nổ trên diện rộng của loại đồng hồ hiện đại chạy bằng pin thuộc các thương hiệu của Mỹ và Nhật. Những sáng tạo mới này xâm chiếm thị thường và khiến hàng loạt các nhà sản xuất đồng hồ cơ khí của Thuỵ Sĩ và Đức “lao đao”, thậm chí phải cắt giảm nhân công và đóng cửa hàng loạt. Tuy nhiên, đến thập kỉ 80, mặc cho sự tiện lợi và phải chăng của đồng hồ thạch anh, vẫn có một lượng khách hàng nhỏ trung thành chấp nhận trả giá cao cho đồng hồ truyền thống. Thấy được điều đấy, các “ông lớn” trong ngành công nghiệp như Cartier, Patek Philippe, Vacheron Constantin,… đã tiếp tục sản xuất các thiết kế cổ điển. Đây chính là nền tảng cho thị trường đồng hồ xa xỉ ngày nay.
Haute Horlogerie – định nghĩa thế nào?
Được bắt nguồn từ tiếng Pháp, Haute Horlogerie (High Horology trong tiếng Anh) có thể được hiểu là nghệ thuật chế tác đồng hồ chất lượng cao nhất. Tuy nhiên, việc xác định liệu chiếc đồng hồ có đạt “level” Haute Horlogerie hay không vẫn còn nhập nhằng và chưa được tiêu chuẩn hoá. Không phải tất cả các đồng hồ đắt tiền đều là Haute Horlogerie. Trong thực tế, chúng ta phải xem xét đến toàn bộ quá trình từ lúc bắt đầu đến khi hoàn thành của sản phẩm.
Sở hữu các cơ chế hoạt động cơ học và chức năng phức tạp chính là tiêu chí quan trọng nhất để trở thành Haute Horlogerie. Chức năng phức tạp được chia làm ba nhóm chính: nhóm âm thanh (báo thức, bộ lặp), nhóm thiên văn (lịch vạn niên, phương trình thời gian, thời gian sao) và nhóm thời gian (bấm giờ, chia giây, độ mượt của kim giây). Ngoài ra, chúng ta có tourbillon, một cơ chế nhỏ giúp giờ được hiển thị chính xác hơn, thường xuất hiện trên mặt các loại đồng hồ đắt tiền vì tính thẩm mĩ cao. Theo lý thuyết, một thiết kế Haute Horlogerie phải có sự xuất hiện của “tất cả” các nhóm chức năng trên (Grand Complication) để thể hiện kĩ năng chế tác thủ công tuyệt đỉnh của thương hiệu.
Việc thành thạo lắp ráp một trong ba nhóm chức năng tiêu tốn nhiều năm luyện tập và mài giũa của người nghệ nhân. Điều này dẫn đến số lượng hạn chế các thương hiệu đủ tiêu chuẩn bước vào cuộc chơi Haute Horlogerie: Patek Philippe, Vacheron Constantin và Augemars Piguet – được coi là bộ ba “lão làng” của “vũ trụ” đồng hồ cao cấp. Ngoài ra, những tên tuổi khác bao gồm A. Lange & Söhn, Jaeger-LeCoultre, Ulysse Nardin, Jacquet Droz, Bovet và Breguet.
Không chỉ dừng ở sự phức tạp của bộ chuyển động, Haute Horlogerie còn yêu cầu sự tinh tế trong phần hoàn thiện và trang trí, thường được làm hoàn toàn bằng tay một cách cực kì cẩn thận và khéo léo. Mỗi chiếc đồng hồ chính là một tác phẩm nghệ thuật thu nhỏ. Các kỹ thuật trang trí gồm đánh bóng, chạm rỗng, tráng men, vát cạnh, khắc, chải xước, hoạ tiết lặp, vân tròn, hoạ tiết sóng Geneva,… Một vài kĩ thuật đã có tuổi đời hàng thế kỉ và được lưu truyền qua nhiều thế hệ. Một số khác dù vừa được phát minh gần đây hoặc cải tiến thêm nhưng cũng không kém phần tinh xảo.
Thiết kế Malte Tourbillon Openworked bao gồm 246 bộ phận được hoàn thành hoàn toàn bằng tay với những kĩ thuật truyền thống lâu đời. Điều này đã giúp chiếc đồng hồ đạt được con dấu Geneva – được coi là một trong những chứng chỉ uy tín nhất trong ngành chế tác đồng hồ cao cấp. Ngoài ra, để thể hiện độ hoàn thiện đạt chuẩn, chứng nhận Contrôle Officiel Suisse des Chronomètres (COSC) cũng được khao khát bởi rất nhiều thương hiệu. Thêm vào đó, Patek Philippe hay Parmigiani Fleurie sẽ sở hữu những con dấu nội bộ như Patek Philippe Seal và Qualité Fleurie.
Bài: Từ Phương
Ảnh: Tổng hợp
Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE