Đồng phục thường mang trong mình những quy chuẩn khắt khe, thể hiện tính đồng bộ buộc mọi học sinh phải chấp hành nghiêm chỉnh. Đôi khi những kiểu cách truyền thống này lại là nguồn cảm hứng cho những sáng tạo mới với mong muốn được “phá kén” bước ra khỏi khuôn khổ giới hạn. Lấy cảm hứng từ những thiết kế đồng phục học sinh ở từng quốc gia khác nhau, nhiều nhà thiết kế đã cho ra mắt bộ sưu tập ấn tượng về phiên bản cách điệu của loạt trang phục truyền thống này, dần xoá bỏ mọi rào cản quy tắc và thể hiện tiếng nói tự do trong nghệ thuật, sáng tạo và thời trang. Những bản phối đầy phá cách đã mang đến một làn gió mới về xu hướng đồng phục cách điệu và thu hút nhiều sự quan tâm của các tín đồ thời trang sành điệu.
BÀI LIÊN QUAN
Shushu/Tong – Đeo đuổi tính thẩm mỹ của đồng phục hiện đại
Nhận ra được tính thẩm mỹ của trang phục học sinh và muốn phát triển nó theo một chiều hướng mới, thương hiệu Shushu/Tong do Liushu Lei và Yutong Jiang sáng lập đã cho ra mắt các bộ sưu tập thiết kế kiểu dáng lấy cảm hứng từ đồng phục độc đáo và đầy phá cách. Thương hiệu trình bày cách diễn giải lại các thiết kế dành cho “học sinh” của mình với một sự thay đổi kỳ lạ và vô cùng năng động. Nhà mốt thử nghiệm giữa nét nữ tính đen tối và mềm mại, gợi cảm, nổi bật với kỹ thuật may chuyên nghiệp thông qua đường viền cổ áo đôi, tô điểm với trang sức kim cương và họa tiết đa dạng. Về màu sắc, thương hiệu đã kết hợp các tông màu hồng và xanh đầy màu sắc của mình với các tông màu đen, xám và trung tính trong một vị trí liền kề hoàn hảo.
Thom Browne – “Điên loạn” trong từng bản phối đồng phục
Tác phẩm của Thom Browne đã biến đồng phục học sinh trở thành cốt lõi của một nét thẩm mỹ có khả năng làm đảo lộn tâm trạng của một học sinh đang vật lộn với sách vở và bài tập một cách nhàm chán. Đặc trưng bởi áo sơ mi và váy xếp ly cùng chi tiết sọc đặc trưng, các thiết kế của Thom Browne thường gợi nhớ tới đồng phục cổ điển của học sinh Mỹ. Lấy cảm hứng từ một mối quan hệ kỳ lạ của sự ngây thơ điển hình và sự nổi loạn, Thom Browne đã tìm thấy điểm tiếp xúc với mọi thứ liên quan đến các vấn đề của giới trẻ theo nghĩa xác thực nhất. Do đó, các bản phối đồng phục “điên rồ” của nhà mốt nhận được rất nhiều sự quan tâm từ giới mộ điệu, dần tạo nên một trường phái độc lập đầy khác biệt giữa những điều giản dị trong cuộc sống.
D Class – Sáng tạo không giới hạn từ phong cách Nhật Bản
D Class là một dự án đình đám lấy bối cảnh một lớp học mang đậm dấu ấn đặc trưng của Nhật Bản. Tại đây, các học sinh sẽ diện những mẫu đồng phục “vừa lạ vừa quen”, lấy cảm hứng từ Gakuran. Đây là một loại áo khoác được thiết kế dựa trên trang phục của thiếu sinh quân nước Phổ ngày xưa, sau đó trở thành đồng phục nam sinh Nhật Bản. Nhà thiết kế đã cải tiến lại trang phục này thành chiếc áo khoác mặc được cho cả nam và nữ, với hai phiên bản truyền thống và croptop, kết hợp cùng những phụ kiện cách tân độc đáo khiến bản phối vượt ngoài sự mong đợi của các tín đồ thời trang Nhật.
Post-Thesis – “chất gây nghiện” mới của đồng phục thái lan
Vượt qua những quy tắc khắt khe với mong muốn khẳng định vẻ đẹp phi truyền thống, nhà thiết kế Tin Tunsopon đã tạo ra thương hiệu Post-Thesis với những mẫu thiết kế đồng phục “không giống ai”. Tại Xứ Sở Chùa Vàng, đồng phục học sinh thường phải tuân theo những quy định chung, Tin đã sáng tạo nên những phiên bản “nổi loạn” với sự kết hợp kiểu váy high-low cùng mẫu áo tay phồng hay các loại nơ cỡ lớn, đường viền tay áo làm từ dây giày vô cùng sáng tạo. Nhà thiết kế trẻ chia sẻ rằng anh tạo ra những sáng tạo cho “cho những cô gái hiện đại, không ngại thể hiện bản thân và đi đứng tự tin”. Có thể công nhận rằng Post-Thesis đã thổi làn hơi hiện đại vào những mẫu đồng phục truyền thống.
Nhóm thực hiện
Bài: Bảo Hy
Ảnh: Tổng hợp