Duy Trần và FANCì: “Chất lượng sản phẩm mới là ưu tiên hàng đầu”
Dù chỉ thành lập cách đây không lâu trong giai đoạn hai năm dịch bệnh nhiều khó khăn, thương hiệu trẻ FANCì của Duy Trần vẫn trở thành một hiện tượng có sức ảnh hưởng vượt khỏi ranh giới Việt Nam.
Chào Duy. Bạn hãy chia sẻ một chút về hoàn cảnh ra đời của FANCì.
Tên gọi ban đầu của FANCì là Fancy, ra đời từ những ngày đầu tập tành kinh doanh thời trang secondhand của tôi khi vừa vào đại học. Sau đó một năm, tôi thử sức với thiết kế trang phục từ những món đồ secondhand. Một thời
gian sau, tôi bắt đầu thiết kế thêm trang phục mới hoàn toàn và tên gọi FANCì được ra đời.
Duy mô tả phong cách của FANCì như thế nào?
Khi thiết kế cho FANCì, tôi luôn có hình ảnh về một cô gái nữ tính theo cách hiện đại. Với tôi, sự nữ tính không nhất
thiết phải luôn dịu dàng, ăn khẽ nói khẽ.
–
“Cô gái FANCì biết cách yêu thương bản thân, biết mình thích gì và hiểu rõ cơ thể mình đẹp ra sao.”
–
Vì vậy, cô ấy không ngại ngùng chọn mặc những bộ trang phục mình thích để thể hiện nét đẹp của bản thân và không quan tâm đến những lời đàm tiếu.
Nghĩa là phong cách của FANCì tập trung về tinh thần và tính cách của người mặc hơn là một hình tượng hay kiểu trang phục cụ thể?
Đúng vậy. Mỗi khách hàng của FANCì đều có gu thẩm mỹ và sở thích khác nhau. Cùng một sản phẩm nhưng họ
có những cách phối hợp khác nhau mà vẫn giữ được tinh thần của vẻ nữ tính hiện đại.
Theo bạn điều gì khiến FANCì được yêu thích?
Tôi nghĩ điều đầu tiên là những thiết kế kết hợp được vẻ nữ tính pha chút hoang dại. Tiếp theo, và quan trọng nhất là chất lượng sản phẩm. Tôi luôn hướng đến sự xinh đẹp nhưng vẫn phải thoải mái đến từ chất liệu lẫn chi tiết và đường may. Nếu sản phẩm và dịch vụ của bạn chất lượng thì sẽ có thêm khách hàng tiềm năng nhờ cách thức truyền miệng. Ngược lại, nếu khách hàng không hài lòng về hai yếu tố trên thì dù thương hiệu có được bao nhiêu người nổi tiếng mặc đi chăng nữa cũng không thành công được.
Thị trường chính của FANCì hiện tại ở đâu?
Hiện nay đa số ở nước ngoài, trong đó lớn nhất là Mỹ chiếm khoảng 30 – 40%, 30% ở Anh và 20% ở các nước
khác. Thị trường Việt Nam chiếm thiểu số nhưng đang có chiều hướng tăng dần.
Vì sao một thương hiệu Việt như FANCì lại có thị trường nước ngoài lớn hơn trong nước?
Tôi nghĩ một phần là do văn hóa ở phương Tây có phần thoáng hơn so với nước châu Á như Việt Nam. Cũng có thể thiết kế của Fancì phù hợp với thị hiếu của thị trường nước ngoài hơn.
Fancì là một thương hiệu trẻ nhưng lại có được thành công mà chưa chắc nhiều thương hiệu lâu năm có được như lượng follower đông đảo trên mạng xã hội, có thị trường tại nước ngoài và được nhiều ngôi sao trong và ngoài nước chọn mặc. Bạn có thể chia sẻ câu chuyện làm cách nào để đạt được điều đó không?
Thực ra tôi không có một kế hoạch hay chiêu trò marketing gì quá tinh xảo. Thời gian đầu khi mới kinh doanh đồ
secondhand, tôi đã chọn lựa và phối hợp những set đồ ưng ý, sau đó lên concept chụp hình cho từng đợt hàng
một cách chỉn chu và bắt mắt. Hiệu quả của những bộ hình đó trên mạng xã hội rất tốt. 90% khách hàng mua sản phẩm đều là người nước ngoài. Cách thức và kết quả cũng diễn ra tương tự kể cả khi tôi bắt đầu với các sản phẩm thiết kế.
Tôi chỉ tập trung làm ra sản phẩm chất lượng và đầu tư vào hình ảnh đẹp. Khi đó, các khách hàng, trong đó có những stylist của các ngôi sao sẽ thích và liên hệ sau.
Những lợi thế về hình ảnh trên mạng xã hội, truyền thông nước ngoài và danh sách dài khách hàng là người nổi tiếng ảnh hưởng đến tình hình kinh doanh của FANCì như thế nào?
Hiển nhiên những lợi thế đó mang lại ảnh hưởng tốt cho thương hiệu. Chúng tôi nhận được sự quan tâm nhiều hơn trên mạng xã hội và cũng có thêm nhiều khách hàng hơn. Tuy nhiên, đi kèm với vui mừng là lo lắng vì khi có thêm nhiều đơn hàng, chúng tôi có nhiều áp lực hơn. Tổng số thành viên hiện tại của FANCì chưa đến 20 người và mô hình kinh doanh của FANCì hiện tại là made-to-order. Vì thế mỗi đơn hàng cần phải được hoàn thiện một cách bài bản nhất, từ chất lượng sản phẩm đến giao nhận để mỗi khách hàng đều cảm thấy hài lòng.
Trong các ngôi sao từng làm việc với bạn, ai khiến bạn ấn tượng nhất?
Chắc chắn là Bella Hadid. Trước khi được cô ấy mặc FANCì, Bella đã luôn là nàng thơ của tôi ngay từ những ngày đầu tiên làm thời trang.
–
“Mỗi khi thiết kế, tôi vẫn luôn nghĩ nếu Bella mặc thiết kế này sẽ trông thế nào. Vào một ngày trong chuỗi ngày giãn cách, tôi nhận được tin nhắn dành lời khen ngợi đến từ chính tài khoản của Bella trên Instagram.”
–
Tôi đã rất bất ngờ, vui sướng và ngỏ lời muốn tặng một bộ trang phục của FANCì cho cô ấy nhưng cô ấy vẫn nhất quyết muốn mua vì muốn ủng hộ những thương hiệu trẻ. Mới đây, cô ấy mặc hai mẫu thiết kế riêng trong cùng một ngày ngay sau khi vừa nhận được. Điều này làm tôi càng trân quý và yêu thích Bella hơn.
FANCì bắt đầu với thời trang upcycle, một trong những cách thức làm thời trang bền vững. Vậy thời trang bền vững có phải là một trong những giá trị của FANCì không hay chỉ là một giai đoạn của thương hiệu?
Dù upcycle hay không thì thời trang bền vững vẫn luôn là một phần thiết yếu của FANCì. Những trang phục của FANCì ngày nay đều được làm từ vải tồn kho của những công ty thời trang không còn dùng đến. Nhưng trong BST lớn sắp tới, tôi sẽ quay lại với việc thiết kế upcycle các món đồ secondhand với chất liệu là denim, kaki và áo sơmi cũ. Bên cạnh đó, tôi cũng muốn tìm kiếm thêm những chất liệu địa phương cao cấp bởi vì bền vững không nhất thiết lúc nào cũng xoay quanh vấn đề tái chế mà còn là ủng hộ và bảo tồn những làng nghề truyền thống.
FANCì đã vượt qua khó khăn của hai năm đại dịch như thế nào?
Đó thực sự là một cú sốc. Những khó khăn có thể kể ra như thiếu thốn nguyên vật liệu, ngưng trệ về sản xuất, giao nhận. Nhưng may thay, tôi nhận được sự đồng lòng của anh chị em trong team cũng như sự ủng hộ và kiên nhẫn của những khách hàng, đặc biệt là các khách hàng ở nước ngoài vì dù trong thời kỳ giãn cách không thể chưng diện và đi đây đó nhưng họ vẫn mua sắm và chờ đợi.
Định hướng cho tương lai của FANCì sẽ là gì?
Điều tôi mong muốn nhất đó là FANCì có thể tự thiết kế và sản xuất được tất cả mọi thứ mà một người có thể mặc
được, từ trang phục đến trang sức, phụ kiện giày dép và túi xách… Tôi muốn có một cửa hàng để có thể tiếp đón khách hàng, và chắc chắn là một fashion show vì hẳn ai làm thời trang cũng mơ về một sàn diễn của riêng mình.
Bài: Hoàng Lê
Ảnh: NVCC
Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE