Dylan Cao tâm sự về ngành thiết kế thời trang
[Tạp chí ELLE – 2/2016] Dylan Cao, hay như anh thích được gọi bằng tên tiếng Việt của mình là Duy Lân, chia sẻ rằng thời trang và ngôi trường danh tiếng Parsons đã từng không phải là lựa chọn đầu tiên. Quá trình khám phá thời trang của anh như một cuộc thử nghiệm với sáng tạo và đam mê.
Bạn nhận ra mình muốn theo ngành thiết kế thời trang khi nào?
Thời trang và quyết định theo học ở trường Parsons đã không phải là lựa chọn đầu tiên của tôi. Đáng lẽ tôi đã theo học ngành Luật như mong muốn của bố mẹ. Khi tình cờ tìm thấy brochure giới thiệu về trường Parsons, tôi mới thật sự nhận ra rằng mình luôn bị hấp dẫn bởi công việc sáng tạo. Đến năm thứ hai tại Parsons, niềm đam mê với thời trang trở nên rõ nét hơn khi tôi luôn tìm kiếm một lối thoát, một cách để thể hiện bản thân và chính kiến của mình. Quá trình khám phá thời trang của tôi như cuộc thử nghiệm, tôi muốn biết điều gì về thế giới thời trang có thể khiến con người phát cuồng đến thế.
Bài học quan trọng nhất bạn rút ra sau khi học tại Parsons là gì?
Bài học lớn nhất đối với tôi có lẽ là việc thực hành, thể hiện ý tưởng của mình một cách tốt nhất là rất quan trọng. Tôi nhận ra rằng đôi khi những cơ hội sẽ đến với bạn một cách chớp nhoáng, nhanh đến không tưởng. Để có thể tạo được ấn tượng tốt nhất và thể hiện chính kiến một cách rõ nhất, bạn cần phải tự đặt ra cho mình những tiêu chuẩn nhất định. Hãy bắt đầu với việc xây dựng những ý tưởng hay, sáng tạo để có thể phát triển thành những sản phẩm tốt nhất.
Bạn đã chuẩn bị như thế nào để bước vào thế giới thực tế, để xây dựng sự nghiệp và tên tuổi của chính mình?
Tôi nhận ra rằng không gì có thể giúp bạn chuẩn bị cho việc đối mặt với thế giới bên ngoài bằng việc chính mình phải đối mặt với thực tế đó. Trong thời đại ngày nay, sự thành công của một thương hiệu, một tên tuổi được quyết định bởi quá nhiều những yếu tố khác nhau có thể khiến bạn chùn bước. Tôi tự nhủ rằng mình phải luôn học hỏi và hoàn thiện những kỹ năng của mình một cách tốt nhất trước khi bước vào những dự án lớn.
Bạn hãy định nghĩa phong cách thiết kế của mình.
Tôi nghĩ có lẽ còn quá sớm để xác định phong cách hay quan điểm thẩm mỹ của mình. Việc đó có thể khiến bạn bị giới hạn và “đóng hộp” sự sáng tạo. Tôi vẫn đang liên tục học hỏi, thu thập những cảm hứng mà mình thấy hứng thú và đồng cảm nhất. Nhưng bạn cũng có thể gọi tôi là người theo chủ nghĩa thuần túy – “Purist”. Tôi thấy mình luôn hướng đến vẻ đẹp đơn giản, thanh khiết, không rườm rà và không cần phải cố gắng.
Vì sao bạn lại chọn chuyên ngành thiết kế giày và phụ kiện?
Vào năm học thứ 3, tôi nhận thấy mình gắn kết mạnh mẽ với ngành thiết kế công nghiệp và thiết kế sản phẩm. Giày, túi xách và những vật thể thời trang trở nên thật thú vị. Khi thiết kế quần áo, bạn có thể chỉ sáng tạo dựa trên quan điểm 2D vì bạn chỉ phải vẽ mặt trước và mặt sau của bộ quần áo đó. Còn khi thiết kế phụ kiện hay giày, bạn bắt buộc phải suy nghĩ trong không gian 3 chiều.
BST tốt nghiệp của bạn có sự ảnh hưởng mạnh mẽ từ cảm hứng kiến trúc và mang tính ý niệm rất cao. Quá trình sáng tạo của bạn đã diễn ra như thế nào?
Tôi nghĩ sự liên kết với kiến trúc trong quá trình sáng tạo của tôi bắt đầu từ bé và chịu ảnh hưởng rất nhiều từ bố. Ông là kỹ sư và đôi khi cũng làm công việc của kiến trúc sư. BST tốt nghiệp của tôi được lấy cảm hứng từ những cảm giác kỳ lạ trong không gian khô cằn và lạnh lẽo, như khi bạn bị bao vây bởi sự bức bối đến nghẹt thở. Tôi đã trải qua cảm giác ấy khi ở bệnh viện và muốn chuyển tải ý tưởng đó thông qua những thiết kế giày và cảm giác khi mang đôi giày đó vào chân.
Bạn nghĩ gì về việc tìm sự cân bằng giữa yếu tố ý niệm và kinh doanh trong những thiết kế của mình?
Thành thật phải nói rằng tôi chưa thể làm được điều đó. Đó là một kỹ năng, và là cả một nghệ thuật. Tôi nghĩ bạn cần rất nhiều thời gian, kinh nghiệm để có thể thỏa hiệp càng ít càng tốt, để giữ được ý tưởng sáng tạo của mình và vẫn làm nên một sản phẩm có thể bán được. Tôi vẫn còn đang phải học cách định nghĩa như thế nào là một sản phẩm để kinh doanh.
Hãy kể thêm về kinh nghiệm của bạn khi làm việc tại 3.1 Phillip Lim.
Tôi làm việc với vị trí là Trợ lý Thiết kế giày. Đó là một công việc rất thú vị, và cũng rất khó khăn. Trong môi trường chuyên nghiệp như ở 3.1 Phillip Lim, những đòi hỏi trong công việc trở nên khó khăn và phức tạp hơn rất nhiều. Nó đòi hỏi bạn không chỉ có kỹ năng thiết kế mà còn phải biết kết hợp nhiều yếu tố khác như cách làm việc với các nhóm khác nhau và cả đạo đức nghề nghiệp nữa. Mức độ phức tạp và rắc rối trong công việc thực tế có thể vượt quá mọi sự tưởng tượng của bạn. Những kiến thức bạn đã học ở trường liên tục bị phủ nhận hay được chứng thực. Chìa khóa để thành công là phải luôn tỉnh táo để có thể phân tích và đánh giá. Nhưng dù gì đi nữa, bạn vẫn phải lắng nghe và tin vào bản năng của mình.
Những dự định trong tương lai, cho 10 năm sắp đến của bạn là gì?
Có thể tôi sẽ thử sức trong công việc Chỉ đạo Mỹ thuật. Sắp tới, tôi muốn làm công việc gì đó để có thể ở gần với bố mẹ và đáp lại công sức nuôi dưỡng, dạy dỗ họ đã dành cho tôi.
Q&A
NTK yêu thích? Thiết kế đồ họa và nhà tư tưởng Kenya Hara
Snapchat hay Instagram? Instagram @dylncao
Món đồ thời trang yêu thích nhất? Mắt kính của Thom Browne
BST thích nhất tại tuần lễ thời trang New York SS2016? Calvin Klein Collection
Biểu tượng thời trang của bạn? Tất cả những người bạn của tôi
Câu nói yêu thích nhất? “Tất cả mọi thứ nên được kiến tạo một cách đơn giản nhất có thể, nhưng không nên đơn giản hơn thế” – Albert Einstein.
—
Xem thêm
Nhà thiết kế thời trang gốc Việt vào top 6 Y.E.S Awards
Bài: Liên Chi – Ảnh: Dylan Cao