Ellewiki: Op Art – trò đùa của thị giác
Nghệ thuật thị giác lợi dụng “sự nhẹ dạ” của đôi mắt với những họa tiết như chuyển động, nhảy múa, thôi miên người nhìn từng khuấy động trong những năm 1960 đã mang đến sự tươi trẻ của tinh thần thời đại ấy vào thế giới thời trang những năm gần đây
Những năm gần đây nghệ thuật op art (optical art) được thể hiện dưới lăng kính ngoạn mục của thời trang, mang đến một giai điệu rộn ràng cho thế giới của trang phục. Đây không phải là lần đầu tiên những hiệu ứng thị giác như thế đi từ các phòng trưng bày lên sàn diễn thời trang.
Những năm 1960, niềm đam mê với các họa tiết đã bùng lên từ ước muốn được thoát ly khỏi những quy chuẩn xã hội và lối ăn mặc đậm chất bảo thủ của quá khứ. Trang phục dần trở nên gây shock, khiêu khích và tạo nên một dấu ấn mạnh mẽ. Cuộc chơi của màu sắc, hình khối thử thách mắt nhìn của người đối diện bắt đầu.
Op art được biết đến như là môn nghệ thuật thị giác với khả năng gây ảo ảnh đánh lừa đôi mắt con người. Tác phẩm op art đa phần trừu tượng với hầu hết các bức ảnh nổi tiếng đều trên hai tông màu trắng-đen. Khi nhìn vào những họa tiết hình học được sắp đặt có chủ đích này, người ta sẽ có ấn tượng về sự chuyển động, những hình ảnh đang chạy trốn, sự rung chuyển, hay cảm giác chúng đang phồng ra và cong vênh lên.
Khi op art và các nghệ sỹ của nó dần có tiếng nói cũng là lúc cuộc bùng nổ văn hóa giới trẻ vào những năm 1960 mạnh thêm. Cùng với cuộc triển lãm The Responsive Eye trưng bày tác phẩm của Bridget Riley và Victor Vasarely, các họa tiết op art bắt đầu xuất hiện trên khắp mọi thứ từ quần áo đến quảng cáo, văn phòng phẩm, các chất liệu vải vóc cho đến đồ nội thất.
Op art đi vào thời trang với các thiết kế tân tiếng lấy ý tưởng từ những phi hành gia của Pierre Cardin và những mẫu đầm suôn chữ A của Mary Quant. Cùng với những cử động của người mặc, các họa tiết tròn, vuông, hình thoi hay sọc vốn đã được sắp đặt để tạo cảm giác xoắn, vặn lên xuống càng thôi miên người nhìn.
Nếu tìm hiểu kỹ hơn về op art của thời đại vàng son này, bạn sẽ phải để ý đến hình ảnh quảng cáo gel rửa mặt Fresh Start của Pond’s năm 1965. Quảng cáo này đăng bức ảnh khuôn mặt người mẫu được trang điểm kỹ càng giữa một background chấm bi trắng trên nền đen và một lớp chấm bi đen trên nền trắng đối lập được sắp đặt mô phỏng bộ trang phục liền cổ và mũ. Những chấm tròn trên bức ảnh như chuyển động gây ấn tượng thị giác ngay tức thì. Nhưng bên dưới, câu slogan Spots are in, but not in your face (tạm dịch Đốm tròn đang là xu hướng mới, nhưng không phải trên mặt của bạn), Pond’s đã đạt được hiệu quả quảng cáo ngoạn mục.
Sau một thời gian gián đoạn trong thời trang để nhường chỗ cho những họa tiết nhẹ nhàng lấy cảm hứng từ thiên nhiên kiểu art nouveau từ cuối những năm 1960, op art vẫn đủ sức trở lại đầy ấn tượng. Hẳn các tín đồ thời trang đều nhớ cơn lốc op art đã đổ bộ lên các sàn diễn Xuân Hè năm ngoái ồ ạt ra sao. Sang Xuân Hè năm nay op art lại nhường chỗ cho pop art đầy màu sắc nhưng đã sớm lấy lại thế áp đảo tại các tuần lễ thời trang Thu Đông 2014 vừa diễn ra, đặc biệt là trong bộ sưu tập Dries Van Noten.
Hãy cùng điểm qua những mẫu thiết kế theo xu hướng op art của mùa thu đông 2014:
Xem thêm Câu chuyện về chiếc áo bra
Bài: Mộc Lê
Ảnh tư liệu