1. Scott Schuman & Garance Doré – Partner in life, partner in business
Đó là từ báo chí gọi Scott và Garance, hai hiện tượng thời trang tuyệt vời chỉ sau Grace Coddington. Họ gặp nhau trong một tuần lễ thời trang và trên chính blog thời trang của họ.
“Nhìn xem cô ấy xinh đẹp đến nhường nào”, Scott đã thốt lên như thế, “Làm sao mà tôi không yêu blog của cô ấy được cơ chứ. Cô ấy có sự hài hước đặc biệt, rất riêng của người Pháp”. Trong khi Garance thì thầm: “Tôi yêu từ trước khi gặp anh ấy. Tôi dõi theo blog của Scott. Anh ấy hơn cả một nhiếp ảnh gia tài năng. Anh ấy thay đổi cách chúng ta nhìn thời trang”.
Đó là cách họ quen nhau, yêu nhau và gợi cảm hứng cho nhau. “Tôi thích cách cô ấy làm ngũ cốc buổi sáng cho tôi và tôi thì đi pha cà phê. Thật thú vị khi nghĩ những cử chỉ đơn giản, tình cảm mà những người đang yêu dành cho nhau là thứ níu giữ mối quan hệ của họ”, Scott chia sẻ nguồn cảm hứng mỗi ngày của mình.
Và không chờ đợi lâu, Scott đưa nguồn cảm hứng đó vào thời trang. Bạn hãy thử search từ khóa “Garance Doré” trên trang The Sartorialist của Scott. 89 kết quả đủ để cho bạn biết ai là nguồn cảm hứng sáng tạo của Scott: Garance trong trang phục mùa Đông, trang phục casual mùa Xuân của Garance ở Southampton, Garance và Elisa ở Paris,
bữa sáng với Garance ở Ruschmeyer’s, Garance trên bãi biển, Garance trong đôi giày Prada mới ở Paris… Với Scott, Garance là thời trang, là cảm hứng bất tận!
2. Marc Jacobs & Sofia Coppola – Mutual appreciation
“Trẻ trung và ngọt ngào, trong sáng và đẹp đẽ, cô ấy là hình ảnh của cô gái mà tôi luôn mơ ước”, Marc Jacobs đã không biết dùng bao nhiêu từ “và” để nối những mỹ từ dành cho Sofia Coppola, cảm hứng thời trang của NTK tài năng này trong một thời gian dài. Năm 2002, Marc chọn Sofia là gương mặt đại diện cho dòng nước hoa của mình. Từ đó trở đi, Sofia, người được biết đến là một đạo diễn phim tài năng hơn là một người mẫu, xuất hiện như nguồn cảm hứng trong rất nhiều
thiết kế, sản phẩm thời trang của Marc Jacobs.
“Tôi thích đóng các quảng cáo của anh ấy vì chúng tôi có cùng gout và tôi nghĩ tôi luôn biết anh ấy muốn gì. Với công việc này, tôi đặc biệt muốn làm thật tốt vì tôi đang làm điều đó cho một người bạn của mình”, Sofia nói về các chiến dịch quảng cáo cô thực hiện cùng Marc Jacobs.
Năm 2008, Marc Jacobs cùng Louis Vuitton giới thiệu dòng túi SC lấy cảm hứng từ Sofia. Cuối tháng 9 năm 2013, Sofia tiếp tục tham gia một chiến dịch quảng cáo cho nước hoa Marc Jacobs Daisy Lowe với vai trò đạo diễn, sau đúng mười năm lần đầu xuất hiện trên poster quảng cáo của Marc Jacobs.
Ngược lại, nếu bạn quan sát kỹ, các nhân vật nữ trong những bộ phim của Sofia Coppola như Charlotte (Scarlett Johannson) trong “Lost in Translation” hay Lux (Kirsten Dunst) trong bộ phim “The Virgin Suicides” đều là hình tượng những cô gái mà Marc Jacobs đã miêu tả nhiều lần trong các thiết kế của mình.
Trong đêm trao giải của Hội đồng các NTK thời trang Mỹ (CFDA) năm 2011, chính Sofia là người công bố giải “Cống hiến trọn đời” (Geoffrey Beene Lifetime Achievement Award) cho Marc Jacobs. Có ai xứng đáng làm điều đó hơn người con gái hiểu Marc đến từng chân tơ kẽ tóc, kể cả những phim hài ngớ ngẩn mà Marc thích, “thật buồn cười khi gắn với gout cảm thụ siêu tinh tế của anh ấy” (lời Sofia)?
3. Viktor & Rolf – Fashion duo
Viktor Horsting và Rolf Snoeren đã sáng lập hãng thời trang nổi tiếng của Hà Lan, Viktor & Rolf, vào năm 1992, bắt đầu với dòng thời trang cao cấp Haute Couture. Cũng như bộ đôi ca sĩ, họ nâng bè, hỗ trợ và tôn vinh nhau trong những dự án thời trang. Cảm hứng họ có từ nhau có lẽ không xuất hiện trên từng bộ trang phục, món đồ thời trang nhưng tạo nên giữa họ một quan điểm chung trong sáng tạo và thiết kế.
“Trong trường đại học, hai chúng tôi đã theo đuổi phong cách mặc rất cổ điển, áo khoác và cà vạt cực chỉn chu và điều đó có làm mọi người hơi xa cách với chúng tôi”, Rolf kể về những ngày đầu “đôi song ca thời trang” này gặp nhau trong trường nghệ thuật ở Amsterdam. “Chúng tôi vẽ linh tinh cùng nhau, có khi thành hẳn một BST. Thời trang không phải chỉ là tạo ra những chiếc váy. Chúng tôi muốn biến đổi, muốn tái phát minh thế giới. Chúng tôi tái tạo dựng các yếu tố và bắt chúng tuân theo quy luật của mình”.
Trên tờ Guardian, bộ đôi này chia sẻ họ không phải lúc nào cũng đồng tình với nhau nhưng hiếm khi tranh cãi. “Nếu chúng tôi không đồng tình trong một thiết kế, chúng tôi biết đó chỉ là chưa tìm được tiếng nói chung. Điều này cũng giống như một mô hình chính trị ở Hà Lan, mọi người thảo luận cho đến khi tất cả các ý kiến đều được xem xét”.
Và bất ngờ thay, họ lại đồng tình với nhau ở việc giữ gìn những ảo tưởng trong thiết kế: “Cuộc sống không phải lúc nào cũng chỉ toàn champagne và những con người đẹp đẽ. Thế nhưng, chúng tôi cố gắng duy trì ảo tưởng đó trong các thiết kế của mình… Sẽ tuyệt vời hơn khi chúng ta giữ một chút gì bí ẩn. Ảo mộng là rất cần thiết, công việc của chúng tôi là thoát ra hiện thực. Cả hai chúng tôi đều thích điều gì đó bí ẩn, pha trộn giữa hiện thực và thần tiên”.
Với ảo mộng thiết kế đó, hai NTK này đã không ngừng gây ngạc nhiên cho giới thời trang. Năm 1995, Viktor & Rolf làm Paris ngỡ ngàng với màn trình diễn “Viktor & Rolf’s The Manifestation of Emptiness” tại Galerie Patricia Dorfman. Buổi trình diễn được đánh giá là giống như một triển lãm nghệ thuật hơn là show thời trang: Những bộ trang phục mạ vàng được treo bằng những sợi dây cước mỏng như vô hình.
Năm 2000, Viktor & Rolf bắt đầu dòng may sẵn (ready to- wear). Năm 2004, họ cho ra mắt nước hoa Flowerbomb và năm 2006, họ tạo một dòng người hâm mộ đứng xếp hàng từ 2h sáng để mua BST cộng tác của Viktor & Rolf cho H&M và sở hữu một trong 20 chiếc váy cưới hiếm hoi mà Viktor & Rolf làm cho H&M. Tờ Vogue cho biết dự án ước tính mang lại 1 triệu đôla Mỹ chỉ trong ba giờ bán hàng.
2h sáng, 20 chiếc váy cưới duy nhất trong lịch sử H&M, 1 triệu đôla Mỹ: quả thực, Viktor & Rolf biết làm ra những ảo diệu trong thực tế, cùng với nhau!
4. Missoni – Family love
Mỗi cô gái đều có một món đồ thời trang kế thừa từ mẹ và bà ngoại mình: một bộ váy cưới, chiếc ví vintage, vòng tay đá… Còn Angela và Margherita thừa kế từ mẹ họ một Missoni với toàn bộ tinh thần của thương hiệu.
“Angela luôn rất mạnh mẽ và thích ăn diện. Giáng sinh năm con bé mới 4 tuổi, nó xin một bộ trang điểm. Các chị gái của tôi đã tặng son môi và nó xuất hiện tại bữa tối Giáng sinh với khuôn mặt trang điểm. Một ngày, con bé quyết định chứng tỏ với mình rằng mình có thể tự làm một BST. Thế là Angela đã làm một BST Angela Missoni trong nhà máy: “Không kẻ sọc, không họa tiết, chỉ một màu. BST đó tốt!”
Rosita kể về cách con gái bà, Angela bắt đầu bộc lộ những cá tính trong thời trang.
Năm 1996, Angela Missoni thừa kế thương hiệu Missoni từ cha mẹ mình: Ottavio Missoni và Rosita Missoni. “Khi tôi nhìn mẹ, tôi nhận ra tôi phải gánh vác gánh nặng trên vai mẹ. Mẹ tôi đã mệt mỏi. Trong ngành công nghiệp thời trang, lúc nào bạn cũng phải trẻ và đam mê để chiến đấu với chủ nghĩa thương mại hóa”, Angela kể về những ngày đầu tiếp quản Missoni. Và đến 7/2010, trên tờ Vogue Mỹ, Angela bộc lộ tâm sự muốn trao lại công việc này cho con gái của mình là Margherita Missoni. “Tôi ngồi trên xe bus và nghĩ tôi có quá nhiều việc khác phải làm trong đời mình. Ai mà biết tương lai thế nào, ai cũng có thể đảm nhiệm Missoni, có thể là Teresa hay con trai, cháu tôi. Nhưng Margherita có một đam mê tuyệt vời với thời trang và công việc thời trang. Nhất định con bé sẽ làm một cách xuất sắc”.
“Mẹ tôi mặc khác Margherita và khác với cả cách tôi mặc nữa. Nhưng chúng tôi có chung một tinh thần Missoni”. Chính suy nghĩ về mẹ, chính mình và cô con gái tuổi 20, Angela đã sáng tạo ra những trang phục Missoni dành cho đủ lứa tuổi. Những họa tiết zigzag Missoni nhất quán với sắc màu đậm và họa tiết len đan đặc trưng đến nỗi bạn có thể nhận ra từ xa những phụ nữ Missoni.
Với Margherita, dù đang theo đuổi nghiệp diễn xuất tại New York, cô vẫn luôn có một sợi dây bền chặt với di sản của gia đình. Cô tâm sự: “Tôi lớn lên ở vùng nông thôn. Thứ duy nhất tôi có ở đó là xưởng may của gia đình tôi: quần áo, những phiên chợ quần áo, những mảnh vải, người mẫu, những bản phác thảo, những thiết kế… Đó là cuộc sống của bố tôi, mẹ tôi, của tôi theo một cách nào đó. Gia đình, thời trang, thương hiệu Missoni và vùng quê nơi tôi lớn lên, với tôi, đã từng chỉ là một”.
ELLE muốn kết lại bài viết này bằng dự định tiếp theo của Scott Schuman: “Chúng tôi muốn đi tới các quốc gia và kiếm tìm những bộ trang phục truyền thống ở nơi đó. Còn dự định mơ ước khác ư? Tôi muốn thuyết phục Garance trở thành vợ của tôi!”. “Ôi, điều đó thật đáng yêu”, Garance trìu mến nói.
Và một mùa thời trang mới đang tới, blog của Scott lại ngập tràn hình ảnh của Garance, những sắc màu Missoni vẫn gắn kết dưới bàn tay của Angela, Viktor & Rolf vẫn sáng tạo những ảo mộng cùng với nhau và Marc Jacobs chắc chắn vẫn có Sofia Coppola tài năng và đáng yêu đồng hành trong các dự án thời trang riêng của anh thời “hậu Louis Vuitton”. Những tình yêu cứ nở hoa giản đơn như thế…
Nhóm thực hiện
Bài: Kim Ngân - Ảnh: Tư liệu