Thời trang / Thế giới thời trang

Fast fashion vs. Sustainable fashion – Xu hướng nào sẽ chiến thắng?

Dễ nhận thấy, giữa sự tiếm ngôi nhất thời mà “fast fashion” vẫn luôn đắc chí gióng trống khua chiêng, “sustainable fashion” lại nổi bật theo cách riêng bởi tính nhân văn chiến lược, tiến chậm mà chắc trong tâm thức của nhà sản xuất lẫn người tiêu dùng văn minh.

Thời trang là ngành công nghiệp đứng tốp đầu thế giới về mức độ xả thải gây ô nhiễm môi trường. Vì vậy, áp lực chung lên các thương hiệu thời trang lớn nhỏ để giảm tải ô nhiễm là rất lớn. Xu hướng “sustainable fashion” – Thời trang bền vững thân thiện với môi trường từ đó ra đời và được ưa chuộng, như một phép “cứu rỗi” cho nền công nghiệp thời trang vốn đã bị tuýt còi về sản lượng chất thải độc hại bấy lâu. Tuy nhiên, một xu hướng khác (có phần đi ngược lại “sustainable fashion”) cũng nở rộ và được hưởng ứng nhiệt liệt không kém là “fast fashion”, hiểu nôm na là thời trang “ăn liền”. Vậy trong cuộc chiến dài hơi này, xu hướng nào sẽ chiến thắng ? Hãy cùng ELLE điểm qua một số nhận định để có được câu trả lời khách quan và rõ ràng nhất.

Fast fashion và những yếu tố “gây nghiện”

 

 Những “gã khổng lồ” fast fashion với chuỗi cửa hàng toàn cầu luôn tấp nập người mua (Ảnh: Getty)

Khái niệm “fast fashion” – “thời trang nhanh” lần đầu được đề cập vào những năm 90s để mô tả tốc độ tấn công như vũ bão của các hãng thời trang phổ thông như Zara, H&M, Topshop, Pull & Bear… vào thị trường tiêu dùng nước Mỹ. Thuật ngữ “fast fashion” giờ đây, hơn cả tên gọi ban đầu của nó, còn được dùng để nói đến tốc độ sản xuất chóng mặt lẫn vòng đời sử dụng ngắn ngủi của trang phục. Với những thương hiệu “fast fashion”, một sản phẩm thời trang chỉ mất 3 tuần để đi từ bản phác thảo ra đến các cửa hàng phân phối. Tương tự, người tiêu dùng ảnh hưởng bởi tâm lý chạy theo xu hướng và muốn thay đổi nhanh chóng tủ đồ của mình, cũng sẽ đào thải một lượng lớn trang phục sau thời gian ngắn sử dụng (vì đã hết xu hướng và cũng vì chất lượng của fast fashion vốn chẳng phải loại “ăn chắc mặc bền”).

Fast fashion vs. Sustainable fashion - Xu hướng nào sẽ chiến thắng?

“Fast fashion” giờ đây còn được dùng để mô tả tốc độ sản xuất chóng mặt lẫn vòng đời sử dụng ngắn ngủi của trang phục (Ảnh: Getty)

Masoud Golsorkhi, chủ bút của tạp chí Tank tại London đã chỉ ra cách mà Inditex (tập đoàn chủ quản của chuỗi thương hiệu Zara, Pull & Bear, Bershka, Massimo Dutti, Stradivarius…) định hướng lại thói quen tiêu dùng của đại chúng: “Khi bạn ghé Gucci hay Chanel vào tháng 10, bạn biết rõ rằng những sản phẩm đó vẫn ở trong cửa hàng đến tận tháng 2. Nhưng ở Zara,H&M hay các nhãn hàng phổ thông khác, bạn phải hiểu rằng nếu bạn không mua nó ngay và luôn, thì trong vòng 11 ngày toàn bộ sản phẩm sẽ bị thay bằng mặt hàng khác. Bạn đứng giữa lựa chọn mua nó bây giờ hoặc không bao giờ mua được nó nữa. Và bởi vì giá thành quá rẻ, bạn gần như sẽ bỏ tiền ra để sở hữu chúng lập tức.”

Người dân lao động ở các nước đói nghèo đang là những người bị chịu ảnh hưởng nặng nề của ngành công nghiệp “fast fashion” (Ảnh: The Guardian)

 Đừng biến thời trang thành “Kẻ tội đồ” của tự nhiên !

 

Thời trang nhanh bắt đầu bị tuýt còi bởi những ảnh hưởng tiêu cực của mình đến con người và môi trường. Hình ảnh bên trong một xí nghiệp nhà máy sản xuất cho một nhãn hàng “thời trang nhanh” (Ảnh: ABC Australia).

Fast fashion từ đó được ví như chiếc bánh burger mà thế giới thời trang “dành tặng” cho môi trường: Nhanh gọn, rẻ tiền, đầy cám dỗ và gây nguy hại đến sức khỏe. Với mức giá khá thấp bỏ ra để sở hữu được một sản phẩm hợp thời, người tiêu dùng hầu hết không màng đến độ kém bền của chất liệu hay kỹ thuật gia công bị lược giản nhiều so với thời trang truyền thống. Họ, tóm lại đã chấp nhận vì biết mình sẽ thay mới quần áo nhanh chóng.

(Ảnh: Attila Kisbenedek – GreenPeace)

Lợi bất cập hại, thói quen tiêu dùng này lại gián tiếp cổ xúy cho chính sách bóc lột nguồn lao động giá rẻ ở nhóm nước đang phát triển (như Việt Nam, Bangladesh) vì đây là nơi hầu hết các thương hiệu thời trang nhanh đặt xưởng gia công. Hơn cả thế, việc các thương hiệu sản xuất vô tội vạ để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng mà không quan tâm vấn đề môi trường tất yếu dẫn đến ảnh hưởng sâu sắc, lâu dài thậm chí khủng hoảng đến tự nhiên. Cụ thể, hàng loạt sa mạc nhân tạo đã hình thành ở châu Á bởi sự khai thác quá mức sợi cashmere. Thêm vào đó, trong quá trình các thương hiệu này nhuộm và xử lý chất liệu, việc xả hàng nghìn loại hoá chất chưa qua xử lý ra môi trường khiến phần lớn nguồn nước tự nhiên tại Trung Quốc không thể uống hoặc tắm rửa được. Trước diễn biến đó, vào tháng 11 năm 2016, các nhà lãnh đạo trên thế giới đã tổ chức hội nghị tại Morocco nhằm thảo luận về việc thực hiện Hiệp định khí hậu Paris. Trong cuộc hội nghị này, “fast fashion” đã được đề cập như một trong những “kẻ tội đồ” chính gây ra vấn nạn biến đổi khí hậu.

“Sustainable fashion” – “Đấng cứu rỗi” cho nền công nghiệp thời trang ?

“Sustainable fashion” hay “eco fashion” – thời trang bền vững, thời trang sinh thái là một triết lý trong thời trang với mục đích kéo dài vòng đời sử dụng của sản phẩm thời trang để hạn chế những ảnh hưởng xấu lên hệ sinh thái. “Sustainable fashion” gần như là đối trọng với “fast fashion”, bởi sự ra đời của nó đã giảm thiểu được tối đa loạt hệ quả sâu sắc mà fast fashion gây ra cho chất lượng đời sống con người cũng như môi trường tự nhiên.

Fast fashion vs. Sustainable fashion - Xu hướng nào sẽ chiến thắng?

“Thời trang bền vững ra đời” với mục đích giảm thiểu ô nhiễm môi trường (Ảnh: Stella McCartney)

Thời trang bền vững bắt đầu manh nha vào cuối những năm 80, đầu 90. Nổi bật lúc bấy giờ là hai thương hiệu Patagonia và ESPRIT. Với tôn chỉ bảo vệ môi trường, họ bước đầu đưa ra những cải tạo về chất liệu và sợi dệt để giảm thiểu lượng thuốc trừ sâu được sử dụng. Bên cạnh đó, các nhà tiên phong là Doug Tompkins và Yvon Chouinard (đến từ hai thương hiệu Patagonia và ESPRIT) đã sớm ghi nhận nguyên nhân cơ bản của sự “không bền vững” trong thời trang: Tăng trưởng và tiêu dùng theo cấp số nhân. ESPRIT trong chiến dịch quảng cáo của mình trên tạp chí Utne Reader  của nước Mỹ vào năm 1990 đã gửi thông điệp đến khách hàng về việc “tiêu dùng có trách nhiệm”, trong khi Patagonia thì hô hào khẩu hiệu “Đừng mua những chiếc áo khoác này” (kèm hình ảnh món thời trang nhanh) trong The New York Times. Bằng tiền đề này, trong suốt những năm 90 và đầu những năm 2000, cụm từ “thời trang bền vững” dần hoàn thiện, mở rộng hơn về trường khái niệm (chứ không chỉ gói gọn ở việc cải tạo chất liệu như ban đầu) và bắt đầu nhận được sự quan tâm của đại chúng, từ đó trở thành sân chơi chung cho nhiều thương hiệu.

Fast fashion vs. Sustainable fashion - Xu hướng nào sẽ chiến thắng?

Các thương hiệu thời trang bắt đầu dần qua tâm hơn đến thời trang bền vững (Ảnh: Stella McCartney)

Cụ thể, loạt các tiêu chí của “sustainable fashion” cho thấy rõ tính nhân đạo và thân thiện với môi trường: Giảm thiểu ô nhiễm trong xử lý chất liệu, tôn chỉ văn minh về thiết kế, chính sách đối đãi lao động hợp lý, khoảng cách vận chuyển được rút ngắn cho đến khâu sau cùng là truyền thông, bán hàng đạo đức. Tất cả cùng nhau liên kết chặt chẽ và củng cố vững vàng quan điểm “bền vững, thân thiện với con người và môi trường”. Tháng 5 năm 2012, Hội nghị Thượng đỉnh về “Tính bền vững trong thời trang” lớn nhất thế giới đã được tổ chức tại Copenhagen, thu hút hơn 1.000 đối tác chính trong ngành cùng thảo luận về tầm quan trọng của việc làm cho ngành thời trang trở nên bền vững hơn.

Fast fashion vs. Sustainable fashion - Xu hướng nào sẽ chiến thắng?

Thời trang bền vững với tương lai đầy triển vọng bởi tính nhân văn và tiên phong (Ảnh: Stella McCartney)

Kết

Trải qua quá trình hình thành âm ỉ và kiên định duy trì, thời trang bền vững ngày nay dần được đề cao, hòa vào trào lưu “xanh” trong thiết kế để kịp thời cứu lấy môi trường đang ở mức ô nhiễm báo động. Trong cuộc đấu tranh dài hơi ấy, không thể thiếu các nhà mốt nổi tiếng như Stella McCartney, Christopher Bailey, Victoria Beckham, Christopher Kane, Erdem, … Đồng thời, các ngôi sao toàn cầu gồm Emma Watson, Anne Hathaway, Will.i.am, Pharrell Williams, Olivia Wilde… cũng ý thức được tương lai của “eco”, từ đó dùng ảnh hưởng của mình kêu gọi người hâm mộ hãy chung tay ủng hộ “thời trang bền vững” vì một cộng đồng văn minh và môi trường sống tốt đẹp.

Fast fashion vs. Sustainable fashion - Xu hướng nào sẽ chiến thắng?

Nhà thiết kế Stella McCartney bên cạnh Gwyneth Paltrow – 2 ngôi sao nổi tiếng luôn ủng hộ thời trang bền vững (Ảnh: Getty)

Dễ nhận thấy, giữa sự tiếm ngôi nhất thời mà “fast fashion” vẫn luôn đắc chí gióng trống khua chiêng, “sustainable fashion” lại nổi bật theo cách riêng bởi tính nhân văn chiến lược, tiến chậm mà chắc trong tâm thức của nhà sản xuất lẫn đại chúng. Bằng cách này hay cách khác, “Sustainable fashion” sẽ luôn giữ cho mình vị trí đặc biệt mà mãi mãi những giá trị thiếu chiều sâu như “fast fashion” không có được, hứa hẹn ở tương lai gần sẽ trở thành xu thế chung. Bởi chúng ta – những người tiêu dùng thông minh, luôn biết mình cần phải chung tay ủng hộ giá trị bền vững, tích cực.

Để hướng đến lối sống bền vững, hạn chế tối đa ảnh hưởng của con người đối với môi trường và xã hội trong lĩnh vực may mặc, ELLE Việt Nam tổ chức ELLE Design Contest – cuộc thi thiết kế “Thời trang bền vững” (Sustainable Fashion) – thuộc khuôn khổ sự kiện ELLE Fashion Journey sẽ được tổ chức cuối năm nay. Đây là sân chơi dành cho các bạn trẻ đam mê thời trang, muốn thử sức với một loại hình thiết kế mới mẻ và đem đến những giải pháp có ý nghĩa ứng dụng cao.

Thời gian nhận hồ sơ dự thi: 3/10 – 5/11/2017

Xem thêm thông tin chi tiết TẠI ĐÂY

Nhóm thực hiện

Joey (Nguồn Tạp chí Phái Đẹp ELLE/ Ảnh: Tổng hợp)
Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.
for Onesignal ring banner

BÌNH LUẬN (0)