Thời trang / Thế giới thời trang

#ELLEGreenTalk: Nhận thức được vấn đề môi trường, sao Gen Z chưa buông bỏ thời trang nhanh?

Mặc dù trái tim của Gen Z biết hướng về môi trường, dường như vẫn có một bộ phận đang đều đặn "rót tiền" vào các hãng thời trang nhanh.

Theo báo cáo thường niên của threadUP, chưa đến 20% người mua sắm có kế hoạch “chi ít tiền hơn” cho thời trang nhanh trong vòng 5 năm tới dù 50% trong số họ nhận thức được vấn đề rác thải và 43% thừa nhận cảm giác xấu hổ khi “bỏ tiền túi” cho các mặt hàng giá rẻ.

Mạng xã hội –  Chất xúc tác tâm lí ”sợ lỗi mốt” 

Sự phát triển của công nghệ đã đem đến một phương thức tiếp thị hoàn toàn mới cho ngành thời trang. Giờ đây, không chỉ nhãn hàng hay ngôi sao nổi tiếng giới thiệu sản phẩm, mà chính người tiêu dùng cũng đang sử dụng các phương tiện này để “tư vấn” từ xa cho những người cùng chung chí hướng. Nội dung về haul, thử đồ kèm review trên Tiktok, Youtube ngày càng được yêu thích. Bạn có biết chỉ riêng hashtag #hauls trên Tiktok đã thu về hơn 22 tỉ lượt xem? 

@lillianclairee literally not even half of my package but I got tired of trying things on? #shein #sheinhaul #haul #haulshein #tryonhaul #tryonhaulshein ♬ Diet Mountain Dew – Lana Del Rey

Đặc thù của dạng nội dung này là sự không trùng lặp. Cho dù cùng cấu trúc khui rồi thử của haul, những content creator sẽ không bao giờ để một món đồ xuất hiện nhiều lần. Thay vào đó, họ liên tục “unbox” các item mới nhất để chiều lòng khán giả. Điều này dẫn đến việc “giảm tuổi thọ” của những xu hướng vốn có thể tồn tại trong nhiều tháng, thậm chí nhiều năm. “Lỗi thời có kế hoạch” – một “chiến lược ngầm” của thời trang nhanh được chỉ ra bởi tiến sĩ Patsy Perry, khiến chúng ta cảm thấy rằng những BST mùa trước không hoàn toàn phù hợp với mùa này. Nắm bắt được tâm lí đó, “gã khổng lồ” Shein đều đặn giới thiệu hơn 6.000 sản phẩm mới mỗi ngày. Các thiết kế đều “update” theo dữ liệu khách hàng và được xoay vòng trong ba ngày. Một tốc độ quá sức tưởng tượng! 

Ranh giới mập mờ giữa “biết” và “hiểu” về tính bền vững

Tính bền vững trong thời trang không chỉ quẩn quanh các chất liệu mà còn bao gồm tất cả khía cạnh từ thiết kế, quy trình sản xuất, vận chuyển, phúc lợi xã hội và tính vẹn toàn của hệ sinh thái. Làm sao để chúng ta nhận biết được chỉ với một vài lần mua sắm nếu như không có sẵn vốn kiến thức chuyên sâu? Cái nhìn của thế hệ Z về cụm từ “bền vững” có lẽ vẫn còn khá mơ hồ. Thậm chí trước khi “tiêu hóa” được hết lý thuyết về hệ thống sản xuất của các thương hiệu thời trang, họ đã được khuyến khích mua nhiều hơn vì “hợp thời”.

Động thái về môi trường của lứa Gen Z
(Ảnh: @depop)

Giá thành rẻ – lí do những ông lớn nhiều khách gen z 

Thật khó để cưỡng lại sức hút của một chiếc đầm cut-out vừa “trendy” vừa có giá như ở “thiên đường” chỉ dao động trên dưới 300 nghìn VND! Tầm giá tương tự không chỉ xuất hiện vô kể tại các cửa hàng mà còn “đóng chiếm” hẳn một vùng lãnh thổ trên sàn thương mại điện tử. Chưa kể vào những ngày “săn sale”, tâm lí “có sale không giữ, lỡ sale chẳng còn” lại càng thúc đẩy Gen Z chốt đơn “liền tù tì” nhiều món đồ một lúc.  

Giá cả phải chăng của những thương hiệu thời trang nhanh
(Ảnh: ZARA)

Không thể phủ nhận hiện nay, ngày càng có nhiều các thương hiệu từ xa xỉ đến bình dân, từ quốc tế đến nội địa đang tích cực thử nghiệm các dự án “xanh” của mình. Tuy nhiên, nếu nhìn vào thực tế, một item được công khai minh bạch về chất liệu và dây chuyền sản xuất thân thiện với môi trường cũng thường mang tag giá cao gấp đôi, thậm chí gấp ba so với các sản phẩm bình thường. Đó còn chưa kể đến số lượng mẫu mã vẫn còn khá hạn chế để thỏa mãn thế hệ Z cá tính. 

Second-hand thì sao? Cần quá nhiều kỹ năng 

Các shop thời trang vintage đang mọc lên như nấm với vô vàn những thiết kế đúng gu Gen Z. Khác với mường tượng của nhiều người về khái niệm “hàng thùng”, tiệm đồ si ngày nay có định hướng thương hiệu rất rõ ràng cũng như sự đầu tư về mặt hình ảnh. Nhưng cũng bởi tính “độc nhất”, sản phẩm lại bị giới hạn kích cỡ cũng như thời gian “sold-out” khá nhanh. Nếu muốn dấn thân vào sân chơi secondhand, bạn phải làm quen với những tình huống “cắn răn” mua bất chấp rồi về chỉnh sửa hoặc chấp nhận “đầu hàng” và chờ đợt khui đồ sau.  

Shop second hand chuẩn gu gen z
dont b normal – một thương hiệu second-hand có sự đầu tư kĩ lưỡng về mặt hình ảnh. (Ảnh: @dontbnormal/ @vikokiddo)

tạm kết 

Suy cho cùng, Gen Z cũng chỉ là một nhóm người tiêu dùng, bên cạnh rất nhiều nhóm độ tuổi khác. So với các vấn đề môi trường vốn tích lũy qua hàng bao thế hệ và bởi nhiều yếu tố khác nhau, thật không công bằng khi kỳ vọng giới trẻ “một tay gánh cả giang sơn” mà không đoái hoài đến động thái của các ông lớn thời trang. Chỉ khi ý thức và hành động cùng thống nhất, từ cá nhân đến nhóm cá nhân, thời trang bền vững mới thực sự lan rộng và “có cửa” đọ lại thời trang nhanh, dẫu dự là sẽ tốn một khoảng thời gian dài. 

Nhóm thực hiện

Bài: Minh Khuê 
Ảnh: Tổng hợp
Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE

Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.

BÌNH LUẬN (0)