Chưa bao giờ, cụm từ Gen Z hay thế hệ Z lại được nhắc nhiều đến vậy, trên khắp các phương tiện truyền thông báo chí, mạng xã hội cho đến đời sống thường ngày. Họ là những người sinh từ năm 1995 đến 2010. Tại sao lại có giới hạn tuổi này? Bạn có thể đơn giản hiểu rằng, đây là thế hệ sinh ra trong thời đại kỹ thuật số. Nếu như những người sinh trước đó thuộc thế hệ Millennials (hay Gen Y) thuộc thời đại của cuộc cách mạng kỹ thuật số bắt đầu phát triển vũ bão, thì Gen Z sinh ra và lớn lên trọn vẹn trong sự tiến bộ đó. Họ lớn lên với công nghệ, sự kết nối toàn cầu một cách nhanh chóng nằm trong bản năng của họ, vì thế, thế hệ này sống trong bầu không khí thời đại đặc biệt chưa từng có trước đây.
Tính đến năm nay, người lớn nhất thuộc thế hệ Gen Z đã 26 tuổi và nhỏ tuổi nhất là 12. Vì thế tác động của họ lên mọi mặt trong xã hội rõ ràng đã đến thời điểm rõ nét nhất. Chính vì vậy, mọi lĩnh vực trong cuộc sống đều đang phải chuyển mình để phù hợp hơn với thế hệ này, trong đó chắc chắn có thời trang. Các nhà mốt đang nỗ lực không ngừng để có thể hiểu về Gen Z và tìm cách làm hài lòng tập khách hàng chủ chốt trong tương lai. Bởi nếu không, thương hiệu đó chắc chắn sẽ bị bỏ lại trong ngành công nghiệp phù phiếm vốn rất khắc nghiệt này.
Tái định nghĩa tiêu dùng trong thời trang
Nếu Gen X (1960 – 1979) tiêu dùng theo nhu cầu, Gen Y (1980 – 1994) chú trọng vào trải nghiệm, thì Gen Z bị thôi thúc tiêu dùng thời trang thông qua việc khám phá sự thật bằng những trải nghiệm cá nhân hay với cộng đồng. Đối với họ, không chỉ có một cách duy nhất để thể hiện bản thân mình, và cũng chẳng có giới hạn nào cho việc “mỗi người mỗi kiểu”. Gen Z không định nghĩa chính mình theo một khuôn mẫu, họ thiên về trải nghiệm theo nhiều cách khác nhau để dấu ấn cá nhân từ đó định hình theo thời gian.
Thời trang ở thời đại này được dung hòa giữa “thực” và “ảo” và nhanh một cách kỳ diệu như sự thay đổi của kính vạn hoa vô cực. Họ tiếp nhận những xu hướng mới trên Instagram, và chỉ cần mất 2 phút hí hoáy tìm tòi để ứng dụng vào phong cách ăn mặc của riêng mình. Họ chỉ cần tripod và một cái điện thoại thông minh để tự ghi lại những khoảnh khắc đời thực: 1 giây để video đăng tải lên TikTok, 1 phút cho triệu lượt xem và yêu thích, 1 ngày cho hàng loạt sự phản hồi tương tự theo cách riêng của từng người. Khi hàng loạt báo mạng đưa tin thì cũng là khi các nhà mốt buộc phải đáp trả. Các “sub-trend” cũng được hình thành như thế. Sự lan tỏa nhanh đến nỗi tìm kiếm điểm bắt đầu của một xu hướng đôi khi là điều bất khả thi. Và đó có thể cũng là cách meme (một ý tưởng, một hiện tượng văn hóa lan truyền trên internet) nổi tiếng như “how to be a Gucci model” được hình thành. Meme là cách Gen Z thể hiện sự hài hước và góc nhìn của bản thân. Họ lôi tuột thời trang khỏi bệ thờ ngạo nghễ để bước vào cuộc chơi rượt đuổi trong thực tế ảo. Thời trang cao cấp bị chế thành meme “underground”, lan tỏa cực nhanh lên “overground” và trở thành làn sóng thời trang mới chỉ sau vài ngày lan tỏa. Với mạng xã hội và công nghệ trong lòng bàn tay, Gen Z không còn chạy theo thời trang mà trực tiếp tác động lên thời trang, khai sinh một kỷ nguyên sáng tạo mở.
BÀI LIÊN QUAN
Bản sắc cá nhân của gen z phá vỡ mọi tiêu chuẩn
Phải nói rằng, mong muốn thể hiện bản sắc cá nhân là đặc điểm nổi bật nhất của Gen Z. Mọi nền tảng công nghệ như Youtube, Google… đều được hình thành và phát triển song hành cùng thế hệ này. Sự tò mò về cuộc sống luôn được giải đáp tức thì chỉ bằng một cú click chuột. Khi sự đa dạng của thế giới trở nên dễ dàng tiếp cận hơn bao giờ hết, đó chính là lúc những cái tôi cá nhân lên ngôi và không ngần ngại thể hiện góc nhìn của mình một cách rõ nét. Ta có thể bắt gặp một ví dụ cho điều này trong câu hỏi: “Cuộc đấu tranh cho sự bình đẳng, đa dạng và hòa nhập về màu da, tôn giáo, giới tính là một thực tế hay chỉ là một lời hô hào suông?”.
Một câu hỏi mở luôn có nhiều đáp án này được Gen Z giải đáp sâu sắc bằng cách cởi bỏ khuôn mẫu về giới một cách đầy ngẫu hứng. Thay vì xa lánh bản nguyên nam tính và nữ tính cổ điển, Gen Z cho phép mình được tự do pha trộn vẻ đẹp phi giới tính trong cuộc chơi khám phá cái tôi. Nguyên mẫu “người đàn ông nam tính chuẩn mực” được thay bằng người đàn ông dám phô bày cảm xúc; nét đẹp của phụ nữ được lột tả bằng tài năng và sức mạnh chứ không chỉ còn là sự yếu đuối hay dục tính. Sự lôi cuốn đầy cám dỗ của cái đẹp đương đại nằm ở sự đối đầu trần trụi với bản ngã không còn bị trói buộc bởi định kiến. Và thế là, thời trang phi giới tính lên ngôi!
Đó là về xu hướng thẩm mỹ, còn về tiêu dùng, thời trang vốn là phương tiện tuyệt vời để thể hiện cái tôi. Bởi thế, Gen Z giờ đây không chỉ mong muốn những sản phẩm có tính cá nhân hóa cao hơn mà còn sẵn sàng trả giá cao để có được món đồ phù hợp với cá tính của mình. Họ cần những thứ thể hiện đúng cá tính của mình chứ không nhất thiết phải là đồ hiệu chỉ để giống với số đông. Theo một khảo sát quốc tế, 58% người tiêu dùng thuộc tầng lớp thượng lưu và 43% tầng lớp bình dân chia sẻ rằng họ sẵn sàng chi trả nhiều hơn cho các yêu cầu mang tính cá nhân. 48% người thuộc thế hệ Z yêu thích những thương hiệu không phân biệt đồ dành cho nam hay nữ, trong khi với các thế hệ khác, con số này chỉ là 38%.
BÀI LIÊN QUAN
Yêu thời trang nhưng không mù quáng – đó chính là gen z
Như đã nói ở trên, chưa từng có một thế hệ nào có kết nối với kho kiến thức khổng lồ của nhân loại nhanh, rộng và sâu như Gen Z. Biết nhiều hơn, họ trưởng thành sớm hơn và thấm thía hơn nỗi đau của sự bất công cũng như các vấn đề về văn hoá, xã hội, môi trường. Xé toạc đi băng gạc che đậy những vết thương xã hội chưa thể lành, họ sôi sục đấu tranh vì công lý, môi trường và không ngần ngại phơi bày sự thật nhức nhối. Gen Z đi đầu trong việc lên tiếng yêu cầu và đòi hỏi sự minh bạch hóa trong mọi giá trị, kể cả đó là kinh tế hay nghệ thuật.
Tình yêu thời trang của Gen Z không mù quáng, từ đó giá trị nhân văn và bản quyền sáng tạo càng được tôn vinh. Họ ra đường biểu tình cho sinh mạng của người da đen trong phong trào Black Lives Matter, vạch trần nạn lạm dụng và tấn công tình dục trong thời trang như scandal gần đây của Alexander Wang… Mạng xã hội được Gen Z dùng để làm vũ khí phơi bày sự thật, và cũng thông qua mạng xã hội, họ cùng nhau đưa “activism wear” lên ngôi, chung tay ủng hộ những sản phẩm và nhà mốt đồng cảm với sứ mệnh xã hội của mình.
Gen Z hầu hết đều được giáo dục đầy đủ về thương hiệu và những sự thật phía sau. Nếu không, họ cũng biết cách làm sao để tìm kiếm thông tin và hình thành quan điểm nhanh chóng. Có đến 70% số người được khảo sát ưu tiên mua sản phẩm từ các thương hiệu tôn trọng các giá trị đạo đức; khoảng 65% cố gắng tìm hiểu thông tin về mọi thứ mà họ mua (nguồn gốc, nguyên liệu và cách sản xuất), khoảng 80% từ chối mua hàng từ những công ty có liên quan đến một scandal nào đó. Vì thế, với ngành công nghiệp thời trang đương đại và trong tương lai, điều cốt yếu đầu tiên là hãy tử tế.
Nhóm thực hiện
Bài: Billy Vulture, Nam Thi
Ảnh: Tư liệu
Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE