Những mẫu thiết kế Pre-Fall Métiers d’Art đưa người xem đến với hành trình khám phá đỉnh cao của ngành nghệ thuật thủ công truyền thống, được tạo nên bởi đôi bàn tay điệu nghệ, cảm thụ nghệ thuật nhạy bén và sức sáng tạo bay bổng. Các atelier (nhà xưởng thủ công) “hiện thực hóa” những giấc mơ này đều thuộc quyền sở hữu của nhà mốt Chanel, nổi bật nhất là Atelier Desrues (nữ trang phụ kiện và nút áo, 1929), Michel (mũ, 1936), Lemarié (hoa và lông vũ, 1880), Lesage (thêu và sản xuất tweed đặc biệt, 1868), Massaro (giày, 1947), Goossens (kim hoàn, 1950s), Guillet (hoa vải, 1969), Montext (thêu, 1939), Causse (găng tay, 1892), Barrie (len cashmere, 1870s), Lognon (pli xếp, 1945) và Joyeux (da, 1860).
Dưới sự chỉ huy của “nhạc trưởng” Karl Lagerfeld, thế mạnh của từng atelier được phát huy và hòa quyện với nhau nhịp nhàng, tạo nên những tác phẩm nghệ thuật mang dấu ấn văn hóa bản địa. Cập bến thị trấn Salzburg thơ mộng, chuyến hành trình đem theo BST Pre-Fall Métiers d’Art Paris-Salzburg tôn vinh văn hóa của quê hương nhà soạn nhạc xuất chúng Wolfgang Amadeus Mozart – vùng đất Tyrol nằm giữa dãy Alps và biên giới nước Đức. Nơi đây còn gắn liền với lịch sử nhà mốt Chanel khi chiếc áo khoác đồng phục Tyrolean là nguồn cảm hứng thiết kế nên mẫu áo khoác màu đen (Little Black Jacket).
Lesage & Montex
Nhà xưởng Lesage và Montex cùng được biết đến là những cây đại thụ trong ngành nghệ thuật thêu tay thủ công truyền thống, nhưng yếu tố làm nên danh tiếng của từng nhà xưởng lại xuất phát từ chính kỹ thuật thêu thùa mang bản sắc riêng.
Giai thoại về Lesage được bắt đầu vào năm 1958 khi Charles F. Worth mở cửa hàng đầu tiên vinh danh kỹ thuật thêu của nghệ nhân bậc thầy Albert Michonet. Lesage tiên phong ứng dụng kỹ thuật móc Lunéville đảo ngược để mặt móc phía trước lộn ngược lên thêu.
Với BST Métiers d’Art Paris-Salzburg, kỹ thuật tay nghề thêu thùa thủ công gia truyền của Lesage được phô diễn qua những mẫu thêu đính lông vũ xen kẽ chi tiết hình hoa nhung tuyết (Edelweiss) cánh sao tái hiện chân thực bức tranh thủy mạc của thiên nhiên vùng đất Tyrol; chi tiết hạt cườm siêu nhỏ được thêu ứng dụng kỹ thuật móc Lunéville cần tới 1.800 giờ để hoàn thành.
Câu chuyện về atelier Montex gắn liền với kỹ thuật đan bằng kim móc (crochet), máy (machine), và vá may (needle-work) khởi nguồn từ năm 1949. Montex được biết đến từ kỹ thuật thêu thùa đỉnh cao mang phong cách pha trộn giữa vẻ đẹp avant-garde và đương đại.
Tựa như cây bút vẽ nên giấc mơ, từng đường kim mũi chỉ truyền tải chất thơ trong BST qua những mẫu thêu mô phỏng cảnh sắc thiên nhiên của vùng Tyrol như hoa, hòn sỏi và quả trám trên nền những tông màu trứ danh của Chanel như trắng, đỏ, xanh lá cây và kim loại vàng; hay chi tiết nút gài được thêu kỳ công trên những mẫu áo lửng bolero thời thượng gợi nhớ trang phục của giới quý tộc truyền thống thời xưa tại Áo.
Michel
Được thành lập vào năm 1936 bởi Auguste Michel, cái tên Michel nhanh chóng là thước đo chuẩn mực của ngành nghệ thuật làm mũ thế kỷ 20.
Nhà xưởng Michel tiên phong đề xuất khâu những mảnh rơm lại với nhau tạo thành một kiểu mũ mới. Sự phối hợp nhịp nhàng là bí quyết tạo nên những chiếc mũ hoàn hảo. Trong văn hóa của vùng đất Tyrol, kiểu mũ Tyrolean – loại mũ thuôn nhọn có vành với phần vành sau gập lên là biểu tượng văn hóa tiêu biểu. Xuyên suốt BST, hình ảnh chiếc mũ Tyrolean được atelier Michel biến tấu bằng chi tiết lông vũ như công, đà điểu, ngỗng và gà trống gợi nhớ đến hình ảnh những thành viên kiệt xuất thuộc đội săn bắn hoàng gia.
Lemarié
Khoảng thời gian đầu thế kỷ 20 ghi nhận gần 300 người thợ nhà nghề thủ công làm lông vũ tại Paris. Gần 3 thập kỷ sau đó, con số này giảm một nửa. Ngày nay, Lemarié là cái tên duy nhất còn tận tâm duy trì ngành nghề lâu đời này. Sứ mệnh của nhà nghề Lemarié là bảo tồn nghệ thuật làm lông vũ truyền thống.
Nhà Lemarié do Palmyre Coyette, người được mệnh danh là bậc thầy nước Pháp về nghề thủ công làm lông vũ vào cuối thế kỷ 19, sáng lập. Bí quyết làm nên danh tiếng của Lemarié nằm ở sự hoàn mỹ, cầu toàn từ khâu chọn lọc nguyên liệu – những chiếc lông của kền kền, thiên nga, công hoặc đà điểu được nhập khẩu từ Nam Phi đến quy trình xử lý nhuộm, làm mỏng và uốn quăn.
Ngoài ra, Lemarié còn được biết đến với kỹ thuật làm hoa giả, cung cấp hơn 20.000 bông hoa trà (camellia) cho Chanel mỗi năm. Đối với Karl Lagerfeld, quý ông Monsieur Lemarié được tôn sùng là vị “Chúa tể của những bông hoa trà”.
Xem thêm:
Tại sao chúng ta mua sắm hàng hiệu?
Giới thượng lưu mua sắm hàng hiệu thế nào?
Những thách thức lớn của thời trang hàng hiệu
Nhóm thực hiện
Bài: Thanhhuysing Ảnh: Tư liệu