Vì sao “Camp: Notes on Fashion” được chọn là chủ đề của Met Gala 2019?
Lấy cảm hứng từ bài tiểu luận nổi tiếng của Susan Sontage, chủ đề của buổi dạ tiệc thời trang Met Gala 2019 có ý nghĩa là gì?
Sau khi đạt mức kỷ lục với hơn 1,6 triệu người đến tham quan triển lãm và hơn 13 triệu đô la Mỹ được đóng góp cho quỹ vào năm 2018, chương trình Met Gala trở lại với chủ đề Camp: Notes on Fashion. Đề tài năm nay sẽ khám phá nỗi “ám ảnh” của thời trang đối với sân khấu, với những yếu tố được cường điệu hóa, vừa mang tính giải trí vừa mang ý châm biếm một số vấn đề trong xã hội. Camp là một định nghĩa khá xa lạ, vậy nó thực sự có nghĩa là gì, khán giả có thể mong đợi điều gì ở thảm đỏ năm nay?
Camp là gì?
Một video giải nghĩa nguồn gốc lịch sử của từ camp được đăng trên kênh Youtube chính thức của The Met. Theo đó, camp xuất hiện lần đầu tiên vào thời vua Louis XIV, nó đồng nghĩa với sự giả trang, nhập vai hay diễn kịch. Đến thời kỳ Victoria (1837 – 1901), camp được dùng để chỉ cộng đồng đồng tính nam khi hành động cải trang phụ nữ là một trong những tội danh ở thời kỳ này. Sau đó, nhà văn Oscar Wild định nghĩa, camp nhấn mạnh sự làm quá trong hành động, cử chỉ, dùng để chỉ những cá nhân muốn thể hiện cá tính riêng.
Theo thời gian, camp hòa nhập vào dòng chảy văn hóa chính, định nghĩa về nó cũng liên tục được thay đổi tùy theo bối cảnh. Có thể hiểu, camp là sự ngông cuồng, hào phóng và cả sự hạnh phúc khi được thể hiện bản thân… Hai phần trong buổi triển lãm sắp tới sẽ đưa người xem đến từng khung cảnh lịch sử, nơi camp được sinh ra và phát triển cùng xu hướng văn hóa đương đại.
Bản chất của Camp là tình yêu dành cho những điều phi tự nhiên, của sự phù phiếm và cường điệu hóa. Đây có lẽ là định nghĩa được trích dẫn nhiều nhất trong bài tiểu luận Notes on Camp phát hành năm 1964 của Susan Sontag, là cách cô giới thiệu sự nhạy cảm khó nắm bắt của khái niệm này.
Trong phần 58 của bài tiểu luận, một số định nghĩa về camp có thể ứng dụng được trong ngày nay như:
25. Sự ngông cuồng là tinh thần chủ đạo của camp. Camp là một người phụ nữ đi dạo trong chiếc váy đính 3 triệu lông vũ.
55. Camp, trên hết là sự hưởng thụ, sự đánh giá cao thay vì phán xét. Camp rất hào phóng. Nó chỉ muốn tận hưởng.
Dù được lấy cảm hứng từ cuốn tiểu luận xuất sắc của Susan Sontag, buổi triển lãm không chỉ xoay quanh mỗi định nghĩa của tác giả. Thay vào đó, đi từ bối cảnh lịch sử đến hiện tại, người xem sẽ có những định nghĩa riêng về phong cách thẩm mỹ này sau khi thưởng lãm hơn 200 tác phẩm. Cũng như chia sẻ của Andrew Bolton với Tạp chí Vogue: “Mỗi người có định nghĩa riêng về camp. Đó có thể là những gì hời hợt bên ngoài, về những người đồng tính nam, những người chuyển giới và nhiều hơn thế nữa”.
Camp được thể hiện như thế nào dưới góc nhìn thời trang?
Dưới lăng kính thời trang, camp là những gì được phóng đại, thể hiện sự vui tươi, mang hàm ý châm biếm nhưng dưới dáng vẻ vô cùng quyến rũ. Đây có thể được xem là thời kỳ hoàng kim của camp khi những đôi giày thô kệch, những thiết kế vượt xa giới hạn trang phục thông thường được giới thiệu trên sàn diễn. Bản chất vô hình của camp được hình tượng hóa qua những sáng tạo của các NTK.
Xu hướng những đôi giày “xấu xí” bắt đầu vào khoảng 2015 và đạt đến đỉnh cao vào đầu năm 2017 khi Vetements ra mắt phiên bản Reebok Instapump Fury với giá 650 đô la Mỹ. Và “ngôi vương” trong hạng mục giày dad sneakers thuộc về Balenciaga Triple S – thiết kế góp phần không nhỏ vào doanh thu hơn 1 tỷ đô la Mỹ vào năm 2018 của thương hiệu thuộc tập đoàn Kering.
Trong phần 58 của bài tiểu luận, Susan Sontag từng định nghĩa “camp là một người phụ nữ đi dạo trong chiếc váy đính 3 triệu lông vũ”. Khái niệm ấy được Gucci tái hiện xuất sắc trong BST Xuân – Hè 2019. Lông vũ xuất hiện dàn trải trong BST của Alessandro Michele từ khăn choàng, túi xách, chi tiết tạo điểm nhấn trên đầm sơmi đến những chiếc váy sequin lộng lẫy.
Hay trước đó trong BST Thu – Đông 2018, nhà mốt Ý khiến giới mộ điệu thời trang bất ngờ khi đưa người xem bước vào căn phòng phẫu thuật, nơi các người mẫu lạnh lùng bước ra với mô hình gương mặt của chính mình.
Riccardo Slavik viết trong Tạp chí Collectible Dry năm 2017, ông gọi BST Xuân – Hè 2004 của John Galliano “là ví dụ hoàn hảo về Fashion Camp. Một buổi trình diễn lấy cảm hứng từ Ai Cập cổ đại, những họa tiết được phóng cực đại, phong cách trang điểm theo nữ hoàng Cleopatra và cách trình diễn phi thực tế mang tính biểu tượng, hoàn toàn không quan tâm đến doanh thu hay sự ứng dụng. Đây chính là camp, ngoạn mục cả ở mặt thành công lẫn thất bại”.
NTK nắm bắt được ý nghĩa ẩn dụ và hàm ý mỉa mai của camp tốt nhất là Virgil Abloh và các thiết kế của anh tại nhà mốt Off-White, thương hiệu thời trang “bắt nguồn từ văn hóa đương đại với cấp độ thẩm mỹ đặc biệt”. Cũng như Sontag chia sẻ trong bài tiểu luận, “camp nhìn thấy mọi thứ trong dấu ngoặc kép”, NTK dùng dấu ngoặc này để “thể hiện sự châm biếm hay nội hàm đặc biệt một cách tinh tế”, Virgil giải thích trong một bài phỏng vấn với tạp chí 032c năm 2017.
BST Xuân – Hè 2019 của Viktor&Rolf là hình ảnh của camp trong hơi thở thời trang đương đại. Những slogan nổi bật được in trên thiết kế váy dạ tiệc xếp tầng cỡ đại cũng sẽ được trưng bày tại triển lãm năm nay.
BST đầu tiên tại nhà Moschino của Jeremy Scott minh họa ranh giới vô hình giữa những điều tốt và xấu. Sàn diễn được lắp đầy bởi những logo McDonalds, nhân vật phim hoạt hình như SpongeBob Squarepants và các nhãn hiệu ngũ cốc dinh dưỡng. BST ra mắt năm 2014 thể hiện sự ngông cuồng trong sáng tạo và lối tư duy thời trang phi thực tế của NTK đến từ Kansas City.
Sontag từng tiên đoán trước những xu hướng này trong bài tiểu luận, cô viết: “Chúng ta có thể tự do khám phá điều tốt đẹp trong những điều tưởng chừng như xấu xí. Camp nhìn nhận điều ấy như chủ nghĩa khoái lạc táo bạo và dí dỏm”.
Có vô số ví dụ khác về camp trong suốt lịch sử thời trang và cả trong tương lai. Triển lãm mùa Xuân 2019 của Viện trang phục Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan năm nay sẽ tái hiện những đặc điểm của camp, khái niệm đã tồn tại lâu đời nhưng chưa được nhìn nhận một cách chuyên sâu.
Vì sao camp được chọn là chủ đề của chương trình Met Gala 2019?
Andrew Bolton chia sẻ với New York Times: “Chúng ta đang trải qua thời kỳ camp vô cùng căng thẳng khi các cuộc trò chuyện văn hóa bị xem là phù phiếm, sáo rỗng nhưng thực tế, đây có thể là một công cụ chính trị rất tinh vi và mạnh mẽ, đặc biệt khi giải thích các mối liên hệ tương quan giữa các nền văn hóa”.
Từ ảnh hưởng đến thời trang và chính trị đến âm nhạc và nghệ thuật, Bolton nhìn thấy vai trò quan trọng của camp ở tất cả các khía cạnh của thời trang, điển hình như trong các thiết kế của Yves Saint Laurent và Marc Jacobs. “Càng thịnh hành, camp càng trở nên vô hình và mục đích của tôi là đưa nó trở lại”. Trong khi đó, Alessandro Michele chia sẻ: “Camp thực sự là khả năng kết hợp độc đáo giữa nghệ thuật và văn hóa”.
Phát biểu tại buổi họp báo vào tháng 2, Giám đốc sáng tạo của Gucci cho biết: “Đây là thời điểm rất quan trọng vì chúng tôi sẽ tổ chức một buổi triển lãm tuyệt vời, gắn liền với DNA thương hiệu và bộc lộ những bản chất tự nhiên của con người. Camp là một từ vô cùng ý nghĩa”. Michele cũng dành sự tri ân đến NTK quá cố Karl Lagerfeld: “‘Tôi muốn dành cơ hội này để cảm hơn Karl. Dù không ở bên cạnh chúng ta nhưng ông vẫn là người giám hộ tuyệt vời của thời trang, người dành tình yêu to lớn cho cuộc sống và công việc”.
Chương trình Met Gala 2019 sắp tới có gì đáng mong đợi?
Thảm đỏ của chương trình Met Gala năm nay hứa hẹn sẽ mang đến nhiều bất ngờ cho người xem, theo như sự chia sẻ của Anna Wintour, “nó sẽ vô cùng vui tươi và thú vị”. Trong khi đó, Andrew Bolton cho biết, ông mong đợi những bộ trang phục thể hiện đúng tinh thần ngông cuồng và phiêu lưu của camp, giống như khoảnh khắc ấn tượng của Cher trong chiếc váy lông vũ của Bob Mackie trên thảm đỏ Met Gala 1974.
Theo Anna Wintour dự đoán, lông vũ có thể là xu hướng chiếm lĩnh thảm đỏ Met Gala 2019. “Tôi nghĩ triển lãm năm nay là cơ hội để thể hiện cá tính riêng. Với chủ đề này, những gì chúng ta có thể mong chờ là sự vui tươi và cả những bộ váy lông vũ trên thảm đỏ”, bà chia sẻ.
Ngoài thảm đỏ, buổi triển lãm mùa Xuân năm nay sẽ chạm đến khía cạnh văn hóa của camp bằng hình ảnh câu lạc bộ đồng tính ở Berlin trong những năm 1930, bức ảnh chân dung của Philippe – em trai của vua Louis và từng nhiều lần mặc đồ phụ nữ, BST Xuân – Hè 2019 của Erdem lấy cảm hứng từ trang phục của Fanny và Stella những năm 1870… Fanny và Stella là hai chàng trai trẻ, thích mặc đồ phụ nữ và là tâm điểm chú ý của người Anh lúc bấy giờ.
Ngoài ra, người xem có thể thưởng lãm các sáng tạo của NTK Charles Frederick Worth, Miuccia Prada, Rei Kawakubo, John Galliano, Karl Lagerfeld, Thierry Mugler, Alexander McQueen…
Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE
Tham khảo: QZ, Standard, Teenvogue, Crfashionbook