Thời trang / Thế giới thời trang

Phân biệt 11 thuật ngữ thời trang quen thuộc nhưng dễ gây nhầm lẫn

Có bao giờ bạn cảm thấy phân vân khi bắt gặp những khái niệm: capsule collection, fashion lines hay diffusion lines?

Tìm hiểu các thuật ngữ thời trang cơ bản là bước đầu tiên để tiến vào thế giới thời trang muôn màu muôn vẻ. Những cụm từ quen thuộc như Haute Couture, cruise (resort), capsule collection… thực sự có nghĩa là gì?

Haute Couture

Bắt nguồn từ tiếng Pháp, “haute” có nghĩa là “cao cấp”, “couture” là “may quần áo”. NTK người Anh Charles Frederick Worth được biết đến là cha đẻ của Haute Couture, đặt những viên gạch đầu tiên cho thuật ngữ này khi giới thiệu các thiết kế độc đáo vào khoảng thế kỷ 19 và 20.

Khác với “high fashion”, Haute Couture có những chuẩn mực khắt khe riêng. Một thương hiệu thời trang cao cấp (high fashion) chưa chắc đủ điều kiện đứng vào hàng ngũ Haute Couture. Liên đoàn thời trang cao cấp Pháp (The Fédération Française de la Couture) sẽ đặt ra những luật lệ để xác nhận hoặc phủ nhận nhãn hiệu nào được nhìn nhận là Haute Couture.

thuật ngữ thời trang cơ bản 5
BST Chanel Haute Couture Xuân – Hè 2019. (Ảnh: Chanel)

Một vài điều kiện cơ bản để một thương hiệu trở thành nhà Haute Couture, theo quy tắc được Nghiệp đoàn thời trang cao cấp (Le Chambre Syndicale de la Haute Couture) đặt ra năm 1945:

  • Trụ sở của nhà may được đặt ở Paris
  • Thiết kế quần áo theo đơn đặt hàng của khách hàng tư nhân và có hơn 1 mẫu thử
  • Xưởng may có ít nhất 15 nhân viên làm việc toàn thời gian
  • Có 20 nhân viên kỹ thuật toàn thời gian tại một trong các xưởng
  • Trình làng một bộ sưu tập không dưới 35 mẫu vào mỗi mùa trong năm, vào tháng 1 và tháng 7

Tính đến hiện tại, theo website chính thức Haute Couture của Pháp, những cái tên tiêu biểu trong danh sách chính thức như:

  • Chanel
  • Christian Dior
  • Givenchy
  • Louis Vuitton
  • Ralph & Russo
  • Hermès
  • Elie Saab
  • Versace
  • Valentino
  • Saint Laurent
  • Balmain
thuật ngữ thời trang cơ bản 1
BST Dior Haute Couture Xuân – Hè 2019. (Ảnh: Dior)

Ready-to-wear

Đối lập tính độc bản của Haute Couture, những thiết kế ready-to-wear đáp ứng nhu cầu của đại đa số khách hàng vì đề cao tính tiện dụng và thương mại. BST ready-to-wear được trình làng 2 lần mỗi năm, vào tháng 2 cho BST Thu – Đông và tháng 9 cho BST Xuân – Hè. Đây được xem là thời gian trình diễn hợp lý để dự đoán trước xu hướng, đồng thời cho phép các thương hiệu thời gian để kiểm tra thị hiếu khách hàng.

thuật ngữ thời trang cơ bản 4
BST Burberry Thu – Đông 2019. (Ảnh: Imaxtree)

Resort (Cruise)

BST Resort (Cruise) là những thiết kế may sẵn được giới thiệu hai lần mỗi năm. Ban đầu, đây là trang phục dành cho các khách hàng giàu có khi họ tìm kiếm một bộ trang phục thoáng mát, thoải mái hơn cho kỳ nghỉ Đông ấm áp ở khu vực Địa Trung Hải. Ngày nay, BST Cruise thường được ra mắt sau BST Thu – Đông và trước BST Xuân – Hè.

Các nhà mốt cao cấp như Chanel, Dior, Gucci, Marc Jacobs và Ralph Lauren là địa chỉ quen thuộc của các khách hàng trong mùa nghỉ dưỡng. Kể từ BST Cruise dành cho nam lần đầu tiên giới thiệu năm 2006, Saint Laurent bắt đầu gia nhập cuộc đua thời trang trong mùa nghỉ dưỡng.

thuật ngữ thời trang cơ bản 6
BST Gucci Resort 2019. (Ảnh: Imaxtree)

“See now buy now”

Đây là thuật ngữ thời trang mới cho phép người mua có thể tậu ngay thiết kế yêu thích vừa được trình diễn. Điều này khác với phương cách truyền thống khi người xem chỉ có thể mua hàng 6 tháng sau khi BST được giới thiệu. Burberry là thương hiệu khởi xướng xu hướng see now buy now tại Tuần lễ thời trang London Xuân – Hè 2017, từ đó nhiều nhà mốt nối gót tích hợp mua sắm trực tuyến ngay sau khi buổi trình diễn trực tiếp kết thúc.

thuật ngữ thời trang cơ bản 3
Burberry tiên phong trong việc giới thiệu thuật ngữ thời trang mới “see now buy now” sau BST Thu – Đông 2017. (Ảnh: Imaxtree)

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng “See now buy now” khó thể thay thế cách bán hàng truyền thống. Bởi lẽ, mỗi nhãn hàng đã và đang ra mắt nhiều hơn 2 BST mỗi năm. Đồng thời, hình thức “mua bán ăn liền” này còn tồn tại nhiều hạn chế như khâu chuẩn bị trước nguồn nguyên liệu, thu nhặt ý kiến khách hàng và giải quyết vấn đề tồn kho.

Streetwear

Phóng khoáng, bụi bặm là những tính từ gắn liền với streetwear. Đây là phong cách ra đời vào khoảng năm 1980 khi âm nhạc hip hop và phong trào khẳng định cá tính riêng nở rầm rộ. Giày sneakers hầm hố, trang phục phom rộng, phụ kiện to bản là các thiết kế không thể thiếu của những người theo đuổi cách ăn mặc này.

Một nhánh của streetwear là “urban American streetwear”, tạm gọi là phong cách đô thị – một phiên bản streetwear trẻ trung, thời thượng hơn. Đây là xu hướng được khởi xướng và phát triển bởi những thương hiệu hàng đầu về thời trang đường phố như Supreme, Deer Dana, Blanca Chandon…

thuật ngữ thời trang cơ bản 7
(Ảnh: Londa Dunsmore)

Phong cách thời trang đô thị bùng nổ mạnh mẽ vào thập kỷ 90. Những chiếc áo khoác in logo cỡ lớn, màu sắc sặc sỡ được Will Smith lăng xê. Quần denim dáng thụng hay những chiếc áo hoodie phom rộng được tín đồ streetwear yêu thích vì thể hiện tư duy thời trang phóng khoáng, đi ngược lại với những quy tắc cứng nhắc của xã hội.

Street style

Street style là thuật ngữ thời trang được sử dụng phổ biến nhưng lại khá dễ nhầm lẫn với streetwear. Nếu như streetwear là phong cách của một nhóm người thì street style lại mang tính cá nhân hơn. Hiểu một cách đơn giản, thuật ngữ này chỉ cách ăn mặc của một người khi xuống phố, thường đề cao sự thoải mái và thể hiện rõ cá tính thời trang của họ.

Tại các tuần lễ thời trang lớn, street style của các ngôi sao thời trang (fashionista) nổi tiếng thu hút nhiều sự chú ý của các nhiếp ảnh gia. Và đôi khi, việc các fashionista sử dụng đồng loạt một thiết kế hay phụ kiện nào đó có thể khơi nguồn cho một xu hướng thời trang mới.

thuật ngữ thời trang cơ bản 8
Street style là thuật ngữ thời trang quen thuộc nhưng lại dễ nhầm lẫn với phong cách streetwear. (Ảnh: Salon Concrete)

Capsule Collection

Theo Business of Fashion, thuật ngữ capsule collection được khởi xướng và phổ biến bởi Donna Karan vào những năm 1980, từ sau BST Seven easy pieces (7 thiết kế cơ bản) trình làng năm 1985Với ý tưởng giới những món đồ cơ bản nhất, thiết yếu nhất, capsule collection là phiên bản cô đọng cảm hứng chính của NTK.

thuật ngữ thời trang cơ bản 2
BST Seven easy pieces (7 thiết kế cơ bản) của Donna Karan ra mắt năm 1985. (Ảnh: mimiberlin)

Các thiết kế trong capsule collection thường không bị ảnh hưởng bởi dòng chảy xu hướng nhờ khả năng biến đổi linh hoạt và không đòi hỏi người mặc quá nhiều kiến thức thời trang hay kỹ năng kết phối. Theo Donna Karan, phụ nữ chỉ cần 7 thiết kế để tạo nên phong cách riêng mà không cần phải qua một trường lớp nào.

thuật ngữ thời trang capsule collection
BST Capsule có sự hợp tác giữa Pharrell Williams và Chanel được ra mắt tại của hàng flagship tại Hàn Quốc. (Ảnh: Chanel)

Fashion line

Dòng thời trang có hàm nghĩa rộng hơn BST. Dòng thời trang chỉ tất cả sản phẩm của NTK dành cho một nhóm đối tượng cụ thể. Trong khi đó, BST thời trang được sản xuất theo mùa, theo nhiều phong cách khác nhau. Ví dụ, dòng thời trang Haute Couture, dòng thời trang dành cho nam, dành cho nữ. Trong mỗi dòng thời trang lại có từng BST riêng biệt, tùy theo từng mùa trong năm.

Diffusion lines

Hiểu một cách nôm na, thuật ngữ thời trang này chỉ một dòng thời trang với giá cả phải chăng hơn dòng chính của một thương hiệu. Ví dụ như Marc by Marc Jacobs, MICHAEL Michael Kors, D&G, CK… Tuy vẫn mang tên thương hiệu nhưng dòng thời trang này lại tách biệt hẳn với thương hiệu chính. Song, tương lai của diffusion lines khá mịt mờ khi lần lượt các dòng thời trang “con” được sáp nhập vào thương hiệu “mẹ”, cùng sự cạnh tranh ngày càng lớn từ các thương hiệu đại chúng.

Nhóm thực hiện

Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE
Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.
for Onesignal ring banner

BÌNH LUẬN (0)