Thời trang / Thế giới thời trang

Phong cách thời trang Harajuku – góc khuất nội tâm ít người biết của giới trẻ Nhật Bản

Không ai ngờ rằng đằng sau những bộ trang phục sặc sỡ, đôi khi hơi quái dị, lại truyền tải một thông điệp giàu tính nhân văn.

Những bộ trang phục cường điệu, độc đáo từ các thanh niên trang điểm đậm, đội tóc giả màu sắc tưởng chừng chỉ xuất hiện trong truyện tranh của “xứ sở mặt trời mọc”. Tuy nhiên, đây chính là nét đặc trưng trong văn hóa Nhật Bản và được gọi là phong cách thời trang Harajuku. Thời trang Harajuku thường xuất hiện với sắc màu tươi tắn, dễ thương và có phần lãng mạn tới mức nhiều người đã gộp chung những hình ảnh đó vào cụm từ “kawaii”. Nhưng ít ai biết rằng, trong lòng văn hóa ấy vẫn tồn tại mảng tối đang len lỏi, ăn sâu vào những góc khuất nội tâm của người trẻ Nhật Bản.

Harajuku không chỉ là một khu phố sầm uất tại Tokyo, Nhật Bản mà còn là cái nôi của văn hóa thời trang độc đáo mang tên chính nó. Phát triển từ thập niên 1970, Harajuku trở thành điểm đến thu hút giới trẻ yêu thích thể hiện cá tính thông qua những bộ trang phục phá cách, táo bạo và không theo quy tắc nào. Harajuku không chỉ là một phong cách thời trang mà còn là cách thể hiện bản thân, là lời tuyên ngôn về cá tính và tinh thần tự do của giới trẻ. Nó đã và đang lan tỏa sức ảnh hưởng rộng khắp trên thế giới, trở thành nguồn cảm hứng cho nhiều nhà thiết kế thời trang và giới mộ điệu. Tuy nhiên, phong cách Harajuku cũng có những lưu ý nhất định. Không phải ai cũng có thể tự tin “cân” được phong cách này. Do đó, cần có sự tìm hiểu kỹ lưỡng và cân nhắc trước khi áp dụng.

Trong bài đăng mới nhất trên Instagram, Jennie (BLACKPINK) ví von bản thân là một “cô nàng Harajuku”. (Ảnh: @jennierubyjane)

Phong cách thời trang Harajuku là gì?

Từ những năm 1970, giới trẻ ở Harajuku thuộc quận Shibuya, Tokyo bỗng rộ lên một xu hướng ăn mặc khác lạ. Trên đường phố gần nhà ga Harajuku xuất hiện những bộ trang phục lạ mắt và sặc sỡ, từ quần áo, giày dép, phụ kiện cho đến cả đầu tóc. Xu hướng ăn mặc “không đụng hàng” này đã nhanh chóng được giới trẻ hưởng ứng nồng nhiệt và dần lan rộng khắp cả nước. Để ghi nhớ nguồn gốc, người ta đã đặt tên cho nó là Harajuku.

Phong cách Harajuku được hình thành khi giới trẻ trong quận bắt đầu cập nhật cho mình những bộ trang phục truyền thống như Kimono và dép Geta. Nếu trước đây, họ chủ yếu theo đuổi phong cách phương Tây thì thời trang Harajuku đã tạo ra một diện mạo hoàn toàn mới lạ bằng cách phối hợp giữa truyền thống và hiện đại.

Ảnh: Getty Images

Thời trang Harajuku đặc biệt đề cao sự kết hợp ngẫu hứng của nhiều phong cách khác nhau cũng như đủ loại màu sắc, hoạ tiết. Người mặc có thể kết hợp bất kỳ kiểu thời trang nào tùy thích, miễn là bộ trang phục mang đậm dấu ấn của họ. Mặc dù không thể mô tả hay định nghĩa rõ ràng, nhưng nhìn chung có thể hiểu qua một số biến thể tiêu biểu như sau Gothic Lolita (cổ điển), Sweet Lolita (ngây thơ), Punk (nổi loạn), Cosplay (hoá thân nhân vật)…

Giới trẻ Nhật thường sẽ phối đồ thời trang Harajuku theo kiểu nhiều lớp quần áo. Việc phối hợp nhiều mẫu và phong cách khác nhau để tạo thành một bộ trang phục “độc lạ” tốn khá nhiều tâm huyết. Trang phục của những tín đồ Harajuku rất công phu và phức tạp. Chúng được chọn lựa kỹ lưỡng để truyền tải hình ảnh có ý nghĩa. Mặc dù có một số biến thể là dành riêng cho nữ như Gothic Lolita, nhưng tiêu chí của thời trang Harajuku hướng đến sự trung tính, nghĩa là hợp với cả nam và nữ.

Ảnh: Global Street Style
Ảnh: Global Street Style

Góc khuất ít người biết về thời trang Harajuku

Đa dạng, phóng khoáng và đầy sáng tạo nhưng ẩn sau những hình ảnh màu sắc của thời trang Harajuku chính là Yami Kawaii. Yami kawaii (còn gọi là Menhera), được ghép thành từ “Yami” có nghĩa là “Tà mị – bóng tối” và “Kawaii” mang nghĩa dễ thương quen thuộc. Yami kawaii có nghĩa nôm na là “Sự dễ thương bệnh hoạn”.

Làn sóng ăn mặc này lấy cảm hứng từ những vật dụng như đồ chơi người lớn, thòng lọng, dụng cụ y tế như ống kim tiêm, bông băng, thuốc và cả máu giả. Tất cả đều được khoác lên mình, sao cho người mặc nhìn có vẻ dị thường và tiêu cực.

Ảnh: Global Street Style
Ảnh: Global Street Style

Theo lời của Connie Wang, người dẫn chương trình Style Out There: “Người phương Tây thường nghĩ rằng kawaii có nghĩa là dễ thương, nhưng trên thực tế, nó có nghĩa là “mong muốn được yêu thương. Cách người nước ngoài hiểu về từ này chưa thực sự đầy đủ. Yami kawaii là từ để mô tả một người không ổn định về mặt tinh thần, ám chỉ những điều tiêu cực trong xã hội Nhật Bản như: trầm cảm, tự ngược đãi bản thân và các vấn đề tâm thần khác”.

Trước tiên, phải nói rằng Yami kawaii đã vượt ra ngoài khuôn khổ thời trang để trở thành “phong cách sống”. Theo nghệ sĩ Bisuko Ezaki: Mọi người thường cho rằng bệnh tâm thần hay trầm cảm giống như một chấn thương tâm lý. Những nạn nhân của hội chứng đó cần được giúp đỡ và xem đó là dấu hiệu của sự yếu đuối. Tôi muốn thay đổi hình ảnh tiêu cực của điều đó bằng cách sử dụng hình ảnh xinh đẹp, dễ thương để đại diện cho những cảm xúc tiêu cực mà mỗi người đều có”.

Vì sao Yami kawaii lại phát triển?

Nhật Bản có tỷ lệ tự tử cao nhất trên thế giới. Điều đó đã đủ nói lên góc tối trong lòng người dân “xứ mặt trời mọc” lớn đến mức nào. Tuy nhiên, không phải ai cũng dễ dàng mất đi niềm vui sống chọn khu rừng tự sát làm điểm đến cuối cùng trong cuộc đời mình. Họ đã chọn cách thể hiện những khoảng tối tâm hồn ấy qua thời trang và dần tạo thành phong cách Yami kawaii.

Yami kawaii ưa diễn tả nội tâm u ám của người mặc. Tuy nhiên, ngay cả với các trang phục Yami kawaii, những họa tiết vui vẻ trong sáng vẫn được sử dụng như những chiếc áo có họa tiết anime sống động được in slogan màu mè, vui tươi như “I lLove You” (tôi yêu bạn) thế nhưng bên cạnh đó lại có “I Kill You” (tôi giết bạn). Yami kawaii dường như không có quá nhiều quy tắc ăn vận, nó chỉ đơn giản là một cách thể hiện những mảng tối nội tâm, những bức xúc trong lòng ra ngoài bằng trang điểm, bằng những phụ kiện hay các thông điệp tiêu cực in trên quần áo.

thời trang Harajuku 12
(Ảnh: cắt clip)
thời trang Harajuku 13
(Ảnh: cắt clip)
thời trang Harajuku 14
Bisuko Ezaki nói rằng, cách thức yêu thích của anh để tạo ra các sản phẩm Yami kawaii là sử dụng hình ảnh đáng yêu, trong sáng để truyền tải những nội dung tiêu cực, phản xã hội. Đó cũng chính là bản chất của Yami kawaii. (cắt clip)

Bản thân văn hóa này cũng có một nhân vật đại diện do chính Bisuko tạo nên, đó là Menhera-chan. Nhân vật này mang hình dạng một cô bé nhỏ nhắn, dễ thương nhưng lại có nhiều hành động tiêu cực như rạch tay, tự ngược đãi bản thân… Chính lý tưởng đó đã ảnh hưởng tới các thiết kế thời trang, phụ kiện của Yami kawaii. Những chiếc dây chuyền hình bơm kim tiêm, vòng tay giả bông băng che vết rạch ở cổ tay hay áo phông anime dễ thương nhưng lại buông lời tiêu cực… Tất cả là tiếng lòng của sự trống trải, tổn thương của giới trẻ Nhật Bản.

Tuy nhiên, đây cũng không hẳn là một nét văn hóa tiêu cực. Người trẻ Nhật Bản chọn đến thời trang Yami kawaii như một cách để giải tỏa bản thân. Điển hình như nữ nhà văn, việc người mẫu Hanayo từng thử tự tử trong quá khứ đã khiến chồng cô lo lắng đến mức anh thường phải đưa cô đến quán cà phê mèo những khi anh không thể ở bên cạnh.

Khi được hỏi, những thứ quần áo cô chọn mặc giúp cô vui vẻ hơn hay giúp cô “làm người khác cảm thấy vui vẻ hơn”, Hanayo nói rằng, thời trang Yami kawaii là thứ khiến cô cảm thấy dễ chịu hàng ngày, đồng thời tìm được những người bạn trên mạng xã hội sẵn sàng sẻ chia cùng cô.

thời trang Harajuku 11
Hanayo là nhà văn, người mẫu trẻ tuổi, cô là một tín đồ của Yami kawaii. Cô đã từng tìm cách tự tử trong quá khứ và giờ đây chọn phong cách ăn mặc này để vui sống. (Ảnh: Flickr.com)

Có thể khi đọc đến đây, không ít người sẽ nghĩ phong cách Yami kawaii méo mó, khó hiểu và quá dị thường nhưng đó vẫn được xem là liều thuốc mà những người trẻ chịu tổn thương trong xã hội Nhật Bản đang tìm đến thay vì chọn cái kết tự sát.

Nhóm thực hiện

Tổng hợp: Ngọc Trân

Tham khảo: refinery29

Hình ảnh: Tổng hợp

Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.

BÌNH LUẬN (0)