Sau một thời gian dài nghiên cứu về thời trang bền vững, chúng tôi đã thử nghiệm với dự án Blue Indigo vào mùa Hè năm 2020. Chúng tôi đã cùng làm việc với nhóm người H’mông ở Sapa để tìm hiểu quy trình tạo ra một sản phẩm 100% nhuộm chàm tự nhiên, từ trồng chàm, làm vôi, ngâm, nhuộm, phơi khô đến hoàn thiện. Quá trình này kéo dài hết 6 tháng kể từ khi bắt đầu. Với Blue Indigo, chúng tôi đã định hình được vai trò của mình trong việc phát triển các phương thức truyền thống lên các sản phẩm hiện đại, cũng như ứng dụng của các loại sợi tự nhiên, sợi tái chế trong may mặc, giảm thiểu gánh nặng cho môi trường.
Tiếp sau đó, chúng tôi tiếp tục nghiên cứu và ra mắt dòng sản phẩm Blue Bamboo dệt từ sợi tre tự nhiên thoáng mát và hút ẩm. Gần đây nhất, chúng tôi đã tung ra dòng sản phẩm Blue Recycle với sợi vải dệt từ nhựa tái chế. Bên cạnh đó, tính bền vững còn thể hiện ở chất lượng sản phẩm và dịch vụ. Vì thế việc tìm hiểu về sợi, quy trình xử lý vải, xử lý co rút, may hoàn thiện và quảng cáo sản phẩm rất quan trọng.
Các dòng sản phẩm có tính bền vững đã ra mắt đều có một đặc điểm chung là thiết kế tối giản, thân thiện, dễ mặc, hiện đại và chất lượng cao. Làm sao để chiếc áo thun tiếp theo sẽ có chất liệu tốt hơn chất liệu hiện có. Làm sao để chiếc sơmi tiếp theo bền màu và sắc nét hơn chiếc áo sơmi trước đây. Từ sợi, chúng tôi phát triển vải, và từ vải chúng tôi tạo ra những sản phẩm phù hợp nhất với công năng của chất liệu vải đó.
BÀI LIÊN QUAN
Thương hiệu hướng đến việc tạo ra các sản phẩm ít bị thay thế từ nguồn nguyên liệu và cách xử lý ít tác động đến môi trường nhất có thể. Chúng tôi có các sản phẩm nhuộm màu, để thô không nhuộm và nhuộm từ lá tự nhiên. Trong đó sản phẩm không nhuộm và nhuộm tự nhiên là những nỗ lực của chúng tôi để thực hành thời trang bền vững.
Thời gian để phát triển một sản phẩm theo hướng bền vững tối thiểu là 6 tháng cho đến 1 năm. Blue Indigo là một trường hợp như thế, rất khó để rút ngắn thời gian bởi tính chất thủ công của dự án này. Thay vì sản xuất dây chuyền cả ngàn chiếc thì chỉ có thể sản xuất từng cái một mà thôi.
Khi quyết định cho ra đời dòng sản phẩm Blue Recycle, chúng tôi đã chấp nhận phải đầu tư nhiều hơn cho sản xuất, bởi vải tái chế vốn đắt hơn vải thường, quá trình xử lý vải và hoàn thiện sản phẩm cũng mất nhiều thời gian hơn, đồng nghĩa với việc chi phí cũng bị đội lên nhiều lần.
TheBlueTshirt cũng nhận ra hướng đi sắp tới của mình, đó là không chỉ dừng lại ở một thương hiệu thời trang, mà dần phát triển thành một thương hiệu lifestyle, để cổ vũ cho một phong cách sống chú trọng đến chất lượng và tính bền vững.
Song song phát triển các dòng sản phẩm kể trên, sắp tới chúng tôi sẽ tìm tòi và thử nghiệm với Upcycle. Vải và quần áo cũ sẽ là “muse” mới của TheBlueTshirt để tạo ra những dòng sản phẩm cơ bản nhưng phá cách hơn và vẫn đảm bảo yếu tố bền vững.
Nhóm thực hiện
Bài: Thùy Trang Ảnh: TheBlueTshirt Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE