Bên cạnh kính mát, mũ cói được xem là một trong những phụ kiện bảo vệ chúng ta khỏi tác hại của ánh nắng mặt trời và đây cũng là “người bạn đồng hành” trong phong cách thời trang mùa hè. Đằng sau chiếc mũ cói là cả một hành trình lịch sử đầy biến động để trở thành phụ kiện thời trang vượt thời gian.
Thời trang mũ cói cổ điển ra đời
Mũ cói được phân thành nhiều loại theo chất liệu đan dệt tương ứng với kết cấu và độ bền như gai dầu, vải thô và đay. Các nhà nghiên cứu cho rằng những chiếc mũ cói đã xuất hiện đầu tiên ở châu Âu và châu Á vào đầu thế kỷ 15 sau Công nguyên. Hầu hết các nước ở châu Á như Nhật Bản, Indonesia, Malaysia và Việt Nam đều gắn liền với hình ảnh mũ cói che nắng che mưa cho người nông dân. Do sự khác biệt về văn hoá nên mũ cói truyền thống của mỗi quốc gia cũng có kiểu dáng khác nhau.
Mũ cói trong văn hoá Nhật Bản. (Ảnh: Getty images)
Theo tài liệu “Très Riches Heures du Duc de Berry” được viết bằng chữ Gothic Pháp ghi lại rằng mũ cói ra đời vào khoảng thời gian từ năm 1412 đến năm 1416. Ban đầu mũ cói là món phụ kiện dành riêng cho nam giới có kiểu dáng ôm đầu và vành mũ hẹp. Đến những năm 1800, kiểu dáng mũ cói đã được người Pháp cách điệu, trang trí thêm các chi tiết lông vũ, ruy băng, ngọc trai,… để tạo ra những chiếc mũ dành cho phụ nữ và dần trở thành phụ kiện thời trang phổ biến ở khắp châu Âu.
Kết hợp mũ cói, váy phồng và áo choàng hoa là phong cách thời trang tiêu biểu của phụ nữ châu Âu thời bấy giờ. Điều này đã được thể hiện trong bức tranh chân dung của hoạ sĩ Gustave Leonard de Jonghe. (Ảnh: Getty images)
Bước chuyển mình biến động
Mũ cói tiếp tục được phát triển vào năm 1865 và đầu những năm 1900 tại Hoa Kỳ qua việc phát minh chiếc mũ cao bồi đầu tiên của một người thợ làm mũ tên là John B. Stetson. Với kiểu sáng đẹp mắt, sáng tạo mũ cao bồi đã được người dân trong khu vực nhanh chóng đón nhận.
Thương hiệu mũ Stetson là biểu tượng của phong cách Hoa Kỳ cho đến tận ngày nay. (Ảnh: Getty images)
Tuy nhiên đến năm 1906, “mũ cói miền viễn Tây” mới chính thức trở thành biểu tượng thời trang của những quý ông Hoa Kỳ khi hình ảnh chuyến thăm công trường xây dựng Kênh đào Panama của Tổng thống Theodore Roosevelt xuất hiện trên mặt báo. Sau sự kiện đó, công việc kinh doanh của John B. Stetson ngày càng phát đạt và đến năm 1930, chiếc mũ cao bồi dành cho nữ đầu tiên ra đời với kiểu dáng mềm mại hơn.
Chiếc mũ tchuyến thăm công trường xây dựng Kênh đào Panama của Tổng thống Theodore Roosevelt năm 1906 là bước đệm cho sự thành công của thương hiệu mũ Stetson. (Ảnh: Getty images)
Trở thành xu hướng thời trang thịnh hành
Nhờ vào sự phát triển của ngành thời trang mà sau một thập kỷ, các nhà thiết kế đã tạo ra trào lưu mũ cói đi biển. Với thiết kế phần vành rộng không chỉ làm chiếc mũ trở nên mềm mại, nữ tính hơn mà còn giúp cho việc chống nắng trở nên hiệu quả. Chính vì thế mà trào lưu này mau chóng thịnh hành nhờ sự ưa chuộng từ các ngôi sao lúc ấy.
Xu hướng mũ cói đi biển được nữ diễn viên Pháp Brigitte Bardot tích cực “lăng xê” vào năm 1955. (Ảnh: Getty images)
Nữ diễn viên Pháp Laurence de Monaghan trong bộ phim truyền hình “Le Genou de Claire” năm 1970. (Ảnh: Getty images)
Trong những năm tiếp theo, mũ cói được thiết kế đa dạng với nhiều kiểu dáng và phong cách khác nhau. Xuất hiện lần đầu trên sàn diễn thời trang năm 1965, mũ cói đã được phá cách với vành mũ sờn. Năm 1976, hình ảnh người mẫu đội mũ cói với chiếc váy hai dây trắng của nhà thiết kế Pháp Karl Lagerfeld đã gây chú ý tại show thời trang Chloé Xuân – Hè 1976.
Thiết kế của Karl Lagerfeld đã gây chú ý tại show thời trang Chloé Xuân – Hè 1976. (Ảnh: Getty images)
Đến những năm 1990, mũ cói vẫn là phụ kiện thời trang được các nhà thiết kế ưa chuộng đưa vào bộ sưu tập của mình. Điển hình như nhà thiết kế Jean-Charles de Castelbajac mang mũ cói kết hợp với phong cách over-the-top vào show thời trang năm 1991. Năm 1992, nhà thiết kế người Ý Gianfranco Ferre trình làng mẫu mũ cói sọc trắng đen cá tính và mũ cói vàng mềm cho hai bộ sưu tập Dior Xuân – Hè năm 1992.
Thiết kế nổi bật của Gianfranco Ferre tại show thời trang Dior Xuân – Hè năm 1992. (Ảnh: Getty images)
Giai đoạn đầu những năm 2000, tình hình xã hội đứng trước sự thay đổi lớn ảnh hưởng đến tư duy sáng tạo trong ngành thời trang. Phong cách thời trang đã biến đổi mới mẻ hơn, độc đáo hơn nhưng mũ cói vẫn là phụ kiện nhận được sự quan tâm đặc biệt từ các nhà thiết kế.
Mũ cói kiểu cướp biển trong bộ sưu tập thời trang Anna Sui Xuân – Hè 2007. (Ảnh: Getty images)
Thiết kế mũ cói thêu hoạ tiết Trung Hoa của Karl Lagerfeld trong show thời trang Chanel 2009. (Ảnh: Getty images)
Sự trở lại đầy đột phá
Trải qua ngần ấy chặn đường, chiếc mũ cói đã trở thành phụ kiện không thể thiếu đặc biệt là vào dịp hè. Với sự đa dạng từ chất liệu, kiểu dáng màu sắc đến tính ứng dụng, kiểu mũ này đã khẳng định vị trí bền vững của mình trong vòng xoáy thời trang.
Tại tuần lễ thời trang Xuân – Hè 2018, các thương hiệu hàng đầu đồng loạt mang mốt mũ cói trở lại ngoạn mục. Những sáng tạo táo bạo như thay đổi kiểu dáng truyền thống thành các tạo hình kỳ lạ, phóng đại kích thước khổng lồ,… Lại một lần nữa chiếc mũ này trở thành món đồ thời trang thời thượng trong năm nay.
Delpozo độc đáo với tạo hình chiếc mũ cói hình nơ, AWAKE lạ mắt với mũ cói có phần đỉnh kéo cao, Loewe mũ cói thanh lịch và 3 nhà mốt Missoni, Giorgio Armani, Jacquemus với những chiếc mũ vành to quá khổ. (Ảnh: Getty images)
Đáng chú ý là Gucci với thiết kế cách điệu mũ cói đỉnh bằng và phần vành bị cụp xuống. (Ảnh: Getty images)
—
Xem thêm:
Thời trang cao cấp đang đón chào nhu cầu bùng nổ từ các khách hàng trẻ
Cập nhật 6 xu hướng trang điểm sẽ “lên ngôi” trong mùa Hè 2018
Nhóm thực hiện
Ngọc Trân (Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE/Hình ảnh: Getty images)