Haute Couture Thu – Đông 2022: Thời gian làm nên các giá trị phong phú
Mỗi nhà mốt là một câu chuyện và cách kể chuyện để làm nên tuần lễ Haute Couture đầy hứng khởi bởi những di sản phi thời gian lẫn sự đột phá trong sân chơi tuyệt đỉnh của ngành thời trang.
NGHỆ THUẬT KỂ CHUYỆN SONG HÀNH CÙNG “MAXIMALISM”
Với đại đa số, Haute Couture là sự kết tinh của hai yếu tố: Nguồn cảm hứng hay một cốt truyện đầy cảm hứng được kể lại bằng những thiết kế và những phom dáng ấn tượng cũng như chi tiết thủ công cầu kỳ. Vì vậy, cứ mỗi mùa Haute Couture về, chúng ta lại được nhìn ngắm những câu chuyện thời trang đẹp như mơ.
Trong số các nhà mốt tại Paris Haute Couture, Dior vẫn luôn có những câu chuyện đẹp nhất, dẫu cho định hướng sáng tạo của NTK Maria Grazia Chiuri không có nhiều thay đổi so với những ngày đầu. Trong BST này, bà lấy cảm hứng từ đất nước tâm điểm của thế giới năm 2022, Ukraine, với truyện cổ dân gian The Tree of Life. Về phom dáng và thiết kế, vẫn là những kiểu dáng thoải mái và dễ mặc quen thuộc mang dấu ấn của Maria, nhưng có thể nhận thấy sự trở lại của nhiều thiết kế dành cho ban đêm nhiều hơn so với giai đoạn đỉnh dịch. “Cây Đời” của Maria được truyền đạt qua các mô-típ thêu đính hoa lá do nghệ sĩ người Ukraine Olesia Trofymenko thiết kế. Nếu ai đó có hỏi rằng điều gì làm nên tinh thần Haute Couture ở BST này khiến Dior tự hào thì những chi tiết trang trí này chính là câu trả lời đầu tiên.
Cũng với chủ đề The Tree of Life, NTK khách mời duy nhất đến từ Ấn Độ Rahul Misha mang đến vẻ đẹp ấn tượng từ chủ nghĩa tối đa một cách không ngại ngùng. Xen kẽ với những thiết kế với phom dáng cổ điển là những cặp vai và tay áo được khuếch đại hình khối. Hình ảnh cây đại thụ với tán lá rộng xum xuê đầy sức sống hiện lên một cách sống động bằng kỹ thuật thêu đính 3D, và rồi được phủ lên một lớp màu vàng óng ánh biểu trưng cho sự sang trọng và thịnh vượng. Qua BST này, Rahul cũng chứng minh rằng kỹ thuật thủ công của Ấn Độ trong thời trang cao cấp không hề kém cạnh so với thủ phủ Paris.
John Galliano luôn được xem là một người kể chuyện tài ba và ông vẫn tiếp tục khẳng định danh hiệu đó. Khi hầu hết các thương hiệu đã quay trở lại với sàn diễn tại Tuần lễ Haute Couture, John đã chọn cho mình một cách kể chuyện ở tầm cao mới cho Maison Margiela, không phải trên sàn diễn thời trang mà bằng một bộ phim nghệ thuật được chỉ đạo bởi đạo diễn Kevin Macdonald. Kết hợp nghệ thuật, lịch sử, văn hóa, sân khấu và cả công nghệ, John mang đến bàn tiệc Paris Haute Couture một món ăn vô cùng độc đáo và phức tạp. Sự kịch tính trong cốt truyện bao gồm tình cảm, hành động, xuyên không dường như vẫn chưa đủ. Mỗi nhân vật của câu chuyện được khoác lên mình một thiết kế ấn tượng theo triết lý “More is More” kết hợp vô vàn kỹ thuật mà chỉ mình John Galliano mới có thể vận dụng một cách thần kỳ. Một điểm đáng chú ý khác ở BST này là John dường như hoàn toàn thoải mái và bất cần khi là chính mình 100% và để ngoài tai những lời nhật xét liệu rằng ông có thừa hưởng di sản nào của Martin Margiela hay không, mà nếu có thì ông có làm điều đó một cách kiêng nể hay không.
CAO CẤP NGỰ TRỊ TRONG NÉT THANH LỊCH BẤT HỦ
Với một số nhà mốt, phong cách sang trọng và lịch lãm vượt thời gian đã được khẳng định, họ vẫn đủ tự tin và đầy tự hào khi đến với tuần lễ Haute Couture dù ở đó không có những yếu tố gây choáng ngợp.
Kể từ khi tiếp quản vai trò Giám đốc Nghệ thuật tại Chanel, Virginie Viard vẫn luôn trung thành với những giá trị cốt lõi căn bản nhất của Chanel lẫn người tiền nhiệm tài hoa Karl Lagerfeld. BST Thu – Đông lần này quy tụ những khoảnh khắc đáng nhớ trong lịch sử phong cách của Chanel như: Bộ trang phục xanh lá cây – hồng năm 1988 khi Virginie vừa gia nhập thương hiệu, bộ suit mặc ngày thập niên 20, đầm dạ hội thập niên 30, trang phục tailoring thập niên 60 và các bản phác thảo sinh động của Karl Lagerfeld những năm 2000. Không có quá nhiều chi tiết thủ công cầu kỳ, nhưng BST vẫn mang theo những dấu ấn của từng atelier mà Chanel sở hữu, từ thêu đính của Lesage, lông vũ và hoa từ Lemarié, nón từ Maison Michel và giày từ Massaro… Ngoài ra, BST lần này còn giới thiệu BST trang sức cao cấp lấy cảm hứng từ bầu trời sao lấp lánh, nhân dịp kỷ niệm 90 năm ra mắt BST high jewelry đầu tiên (và cũng là duy nhất) của Coco Chanel.
Tháng 7 vừa qua, thương hiệu Giorgio Armani vừa thông báo lãi ròng đã trở bắt đầu trở lại kể từ sau đại dịch. Với một thương hiệu trung thành với phong cách của mình và nói không với xu hướng thịnh hành, điều này khẳng định sự thanh lịch và quý phái của Armani bền bỉ như kim cương (hoặc chí ít là cho đến khi ngài Armani vẫn là người điều hành thương hiệu). Với dòng Armani Privé cao cấp, không khó để điểm danh những dấu ấn kinh điển của nhà mốt Ý: Gam màu xanh thẳm của màn đêm kết hợp sắc hồng nổi bật của thập niên 80, những chiếc áo khoác tối giản ôm vừa vặn cơ thể với phần vai cong mềm mại nhưng vẫn cứng cáp, tượng trưng cho vẻ đẹp nữ quyền mạnh mẽ nhưng cũng rất đỗi nữ tính khi kết hợp cùng kiểu quần xếp pli. Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, những kiểu đầm dạ hội bảo chứng cho vẻ đẹp hào hoa phong nhã của người mặc ở những buổi tiệc thượng lưu lộng lẫy nhất.
BIẾN HÓA CÙNG NHỮNG DI SẢN
Nghệ thuật trong thời trang và sự sáng tạo là một trong những lý do tuần lễ Haute Couture vẫn luôn được mong chờ mỗi mùa. Sáng tạo là không giới hạn, và chất liệu để sáng tạo luôn được tìm thấy ngay trong chính kho lưu trữ của thương hiệu.
Thành công nối tiếp thành công, thương hiệu Gaultier như được hồi sinh với chiến lược cộng tác cùng các NTK khác nhau cho mỗi mùa. Với BST Thu – Đông 2022, Jean Paul Gaultier đã chọn NTK trẻ Olivier Rousteing của nhà Balmain để “gửi vàng”. Đây không chỉ là cơ hội để Olivier được làm việc cùng một huyền thoại thời trang là Gaultier mà còn là cơ hội để anh lấy lại tự tin ở mảng Haute Couture sau BST không được đánh giá cao của Balmain mùa Xuân – Hè 2019. Cũng vẫn là những tư liệu đặc trưng của Gaultier như sọc thủy thủ, áo manteau, áo corset cùng một số thiết kế kinh điển khác, Olivier chọn chai nước hoa lừng danh Le Male của nhà mốt với kiểu chai thủy tinh xanh kẻ sọc và hộp thiếc để tạo nên yếu tố bất ngờ trên trang phục và phụ kiện. Chẳng cần phải nói, ta có thể dự đoán doanh số của Le Male sẽ tăng vọt sau BST này.
Tại nhà mốt thuộc trường phái siêu thực Schiaparelli, giám đốc sáng tạo Daniel Roseberry mang đến một ý tưởng siêu thực không kém khi ông đưa ra ý tưởng về sự cộng tác giữa Schiaparelli và các huyền thoại thời trang khác như Yves Saint Laurent, Jean Paul Gaultier, Azzedine Alaia và Christian Lacroix. Giữa rất nhiều dấu ấn kinh điển của các tên tuổi lẫy lừng, Daniel vẫn không bị “nhấn chìm” nhờ cách tô điểm cho trang phục bằng những phụ kiện kim loại vốn làm nên tên tuổi của ông tại Schiaparelli.
Kể từ khi tách riêng khỏi Maria Grazia Chiuri, Pierpaolo Piccioli đã để lại dấu ấn rất rõ ràng tại Valentino qua những thiết kế phóng khoáng trong cách phối màu và phom dáng trang phục. Tuy nhiên, với BST Thu – Đông lần này, chúng ta lại được hồi tưởng về những giá trị bản sắc của Valentino Garavani, từ sắc đỏ tươi thắm cho đến hoa hồng và những tầng vải uốn lượn mềm mại được Pierpaolo sử dụng theo cách rất riêng của mình. Đây cũng là BST có quy mô đáng kể của Valentino trong thời gian gần đây với hơn 100 thiết kế từ trang phục mặc ngày đến dạ hội, cho nữ giới lẫn nam giới, đơn giản cho đến hoành tráng.
Sau BST trở lại năm ngoái, Balenciaga trở thành một trong những cái tên được mong chờ nhất tại tuần lễ Haute Couture bởi người ta biết bậc thầy chiêu trò Demna sẽ làm họ phải bất ngờ. Bên cạnh những sáng tạo đậm mùi “chế giễu” và gây tranh cãi như loạt thiết kế bằng chất liệu latex, đầm dạ hội khổng lồ một cách không cần thiết hay couture mang màu sắc đường phố, vẫn có những thiết kế phảng phất tinh thần Haute Couture cổ điển của Cristobal Balenciaga. Đáng nói ở đây là Demna khéo léo cân bằng những thiết kế nguyên bản với một vài thay đổi mang dấu ấn riêng, tạo nên một sự hồi sinh thú vị cho thương hiệu tại sân chơi Haute Couture.
BIẾN HÓA NGOẠN MỤC
Nếu thời trang đôi khi vẫn bị đánh đồng với một loại hình sân khấu biểu diễn thì hãy để thời trang mang đến một màn biểu diễn thật lôi cuốn. Viktor & Rolf vốn được biết đến với những BST có concept độc đáo mà người xem có thể chiêm ngưỡng sự biến hóa ngay tại sân khấu. Dù đã sử dụng nhiều lần nhưng chiêu thức này của bộ đôi NTK Hà Lan vẫn khiến người xem ấn tượng và trầm trồ. Từ ý tưởng về chiếc áo nam giới quá cỡ so với nữ giới, tựa như áp lực về sự nam tính lên nữ giới, hai NTK muốn biến nó trở nên vừa vặn hơn. Phần đầu BST là những chiếc áo với phần cổ và vai khổng lồ và có phần hung hãn khiến người mặc trông như những con búp bê trong trang phục người thật, để sau đó Viktor & Rolf biến hóa ngay trên sân khấu bằng cách uốn nắn, xếp gọn và thế là phần hai của BST ra đời, dễ chịu và mềm mại hơn rất nhiều.
Được xem là NTK bền vững duy nhất của Haute Couture, Ronald van der Kemp nổi tiếng với những thiết kế có một không hai một cách sát nghĩa bởi chất liệu mà anh sử dụng hoàn toàn là vải cũ và từ những trang phục vintage. Từ nguồn nguyên vật liệu tưởng chừng là rác tồn của ngành công nghiệp được Ronald sử dụng và biến chúng trở thành những thiết kế lộng lẫy, vui tươi và đầy sức hút. Có thể nói nếu Paris đã đặt ra những chuẩn mực cho Haute Couture thì Ronald van der Kemp cũng tạo nên những chuẩn mực riêng cho mình.
KHI COUTURE DUNG NẠP CÔNG NGHỆ
Trước sự phát triển của xã hội, thời trang cũng dần thay đổi để phù hợp với xu thế. Bên cạnh những yêu cầu gắt gao về kỹ thuật truyền thống, một số thương hiệu đã kết hợp công nghệ vào quy trình thiết kế Haute Couture của mình. Điển hình là NTK Iris Van Herpen với kỹ thuật in 3D và tinh thần vị lai futuristic. Trong vài mùa gần đây, cô đã kết hợp kỹ thuật in 3D với kỹ thuật draping để mang đến các thiết kế dạ hội bay bổng và thi vị, tựa như những bộ phim khoa học viễn tưởng đầy lôi cuốn.
Mùa Thu – Đông năm nay, Paris Haute Couture cũng chào đón thương hiệu avant-garde Threeasfour đến từ New York. Thực sự mang tính tiên phong, Threeasfour là thương hiệu duy nhất mùa này trình làng BST ở định dạng ảo theo dòng chảy của xu hướng NFT trong thời trang. BST gồm 16 thiết kế kỹ thuật số được cộng tác với nghệ sĩ CG Shingo Everald và sàn NFT DressX. Đặc biệt hơn, mỗi thiết kế theo định dạng 3D đều có thể được in ra mẫu thật thay vì chỉ tồn tại ở định dạng ảo như hầu hết các NFT thời trang hiện nay.
Thật tuyệt diệu khi ở sự kiện Paris Haute Couture lần này, chúng ta được chứng kiến cả quá khứ và tương lai ngay thời điểm hiện tại!
Bài: Hoàng Lê
Ảnh: Tổng hợp
Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE