Hedi Slimane – Gã quái kiệt xoay chuyển ngoạn mục thời trang Pháp
Nói về tài năng thì Hedi là một gã quái kiệt, nói về cách gã tiếp quản các thương hiệu thời trang thì Hedi chỉ có thể được tóm gọn bằng cái tên: kẻ độc tài lật ngược các nhà mốt Pháp.
Sinh ra trong một gia đình có mẹ và bác là thợ may, kể từ khi còn nhỏ, Hedi Slimane đã tập tành thiết kế. Tuy nhiên, tài năng hiếm có này lại dự định theo đuổi nghề báo vì không hài lòng với sự cạnh tranh khốc liệt của làng mốt. Thật may mắn thay khi thời trang Pháp vẫn có Hedi. Năm 1996, gã đánh dấu khởi đầu cho một kỷ nguyên “tác oai tác quái” bắt đầu từ Saint Laurent (khi đó vẫn còn được biết với cái tên Yves Saint Laurent).
Đi đến đâu, những thiết kế của Hedi đều như đang hùng hồn tuyên bố sự táo bạo trong việc thể hiện cái hồn và chất riêng của gã, với những lần mạnh tay thay đổi cả bộ nhận diện, tên gọi của những thương hiệu cao cấp có tuổi đời hàng chục năm. Cũng chính vì sự chuyên quyền này, Hedi không ít lần khiến giới mộ điệu phải ồn ào tranh cãi vì chất riêng quá mạnh mẽ và khác biệt so với nhà mốt mà gã tiếp quản, nhưng thực chất, gã vốn là một kẻ độc tài “biết điều” với thực lực về mặt chuyên môn và thương mại.
Kẻ cả gan thay tên gọi các THƯƠNG HIỆU lâu đời
Kể từ năm 1996 đến nay, Hedi đã nắm giữ nhiều vai trò quan trọng tại các thương hiệu thời trang huyền thoại của Pháp là Saint Laurent, Dior và Celine. Trong mỗi đế chế mà Hedi trị vì, dù ngắn ngủi nhưng gã luôn để lại những cột mốc quan trọng. Người ta không chỉ nhớ đến Hedi Slimane vì các thiết kế phi giới tính, mà còn vì mỗi bước đi của gã đều khiến báo chí tốn nhiều giấy mực và khiến công chúng xôn xao. Gã chính là kẻ “gan hùm” đã tách rời “Yves” khỏi Saint Laurent, biến Dior Monsieur thành Dior Homme, và xóa đi dấu sắc đã tồn tại hơn 70 năm trên logo Celine.
CÁI TÔI CÁ NHÂN VÔ CÙNG MẠNH MẼ TRONG THỜI TRANG
Từng được Yves Saint Laurent và Pierre Bergé tin tưởng giao cho vị trí giám đốc dòng thời trang nam năm 1996, sự táo bạo của Hedi đã khiến thương hiệu nhận được nhiều sự chú ý từ công chúng với những bộ trang phục bó sát trái ngược hoàn toàn với phong cách baggy đang thịnh hành lúc bấy giờ. Cho đến bây giờ, “Black Tie” Thu/Đông năm 2000 của gã vẫn là một trong những BST có sức ảnh hưởng lớn trong lịch sử thời trang, bởi gã không chỉ để lại một cơn sốt quần skinny kéo dài suốt một thập kỷ, mà đó còn là lần đầu tiên người ta được thấy thời trang nam lại trở nên “ngang ngược”, nổi loạn và linh hoạt giới đến vậy.
Phong cách “heroin man” của Hedi Slimane được duy trì và bành trướng mạnh nhất trong giai đoạn 2000 – 2007 tại Dior. Hedi “refresh” hình ảnh “quý ông” đĩnh đạc của Dior Monsieur thành vẻ đẹp mềm mỏng hơn với Dior Homme khi trình làng các thiết kế linh hoạt giới qua những chiếc váy xếp ly trễ cạp, khăn quàng cổ lả lướt và quần in hoạ tiết da báo. Cả thế giới như phát sốt trước cuộc nổi loạn của Hedi, bao gồm những tên tuổi lớn như Mick Jagger, David Bowie và cả Karl Lagerfeld. Chỉ có gã quái kiệt Hedi và tài năng độc nhất vô nhị của gã mới có thể khiến “ông hoàng tóc bạc” thay đổi hình thể để có thể diện những món đồ do gã phù phép.
Khi mà người ta tưởng chừng mình đã khám phá đủ nhiều về phong cách của Hedi, thì sự lấn sân qua thời trang nữ của gã lúc trở về Saint Laurent vào năm 2012 đã chứng minh điều ngược lại. Ngay khi tiếp quản dòng thời trang nam và nữ của nhà mốt nổi tiếng nước Pháp, Hedi Slimane đã xoá nhoà khoảng cách giới và cho ra mắt những bộ sưu tập phù hợp với cả nam và nữ. Những chiếc áo khoác da biker sang trọng phối cùng những đôi bốt có âm hưởng từ văn hoá rock đã hình thành nên sự quyến rũ sắc sảo đầy tính biểu tượng cho đến tận ngày nay.
Hedi tiếp tục mở rộng tầm nhìn sáng tạo của mình với Celine khi tiếp nhận vị trí giám đốc sáng tạo của thương hiệu vào năm 2018. Nhà mốt này dường như đã thoát khỏi hình ảnh Céline thanh lịch mà Phoebe Philo dày công tạo dựng suốt 10 năm. Vẫn theo đuổi vẻ đẹp quyến rũ, gầy gò, các thiết kế “drug-chic” của Hedi biến người phụ nữ tinh tế của “Céline” thành một cô nàng “Celine” phóng khoáng và sành điệu. Hedi Slimane đã thành công thực hiện điều không tưởng, đó là làm rung chuyển nền móng của các nhà mốt Pháp trong mỗi bước đi của mình.
ĐI CÙNG VỚI TÀI NĂNG, HEDI SLIMANE ĐƯỢC MỆNH DANH LÀ NHÀ THIẾT KẾ “GÂY TRANH CÃI NHẤT”
Trong hơn 26 năm Hedi miệt mài mang cái tôi của gã đến với thế giới, gã vấp phải nhiều sự chỉ trích về những quyết định táo bạo của mình. Giới phê bình và công chúng dường như không yêu thích một giám đốc sáng tạo ngông cuồng như gã. Khó mà quên được thương hiệu parody “Ain’t Saint Laurent Without Yves” được tạo ra từ việc mọi người không chấp nhận sự thay đổi tên gọi của thương hiệu đã tồn tại hơn nửa thế kỷ. Người ta cũng liên tục nhắc về “Old Celine” như một cách để miệt thị và phủ nhận những cống hiến của Hedi.
Những lời chỉ trích cũng liên tục hướng về phía Hedi vì hình thể của người mẫu tham gia trình diễn, vì “mô-típ” siêu gầy trong một xã hội đang cố gắng truyền bá “body-positivity.” Thực chất, những người mẫu “skinny” dưới chuẩn cân nặng chỉ là phản chiếu hình ảnh của chính nhà thiết kế, theo như đúng lời mà gã chia sẻ:
–
“Tôi trông đúng như những người mẫu trong buổi trình diễn của tôi. Những chiếc áo khoác luôn quá khổ. Nhiều người bạn ở trường trung học, và thậm chí là trong gia đình, luôn cố khiến tôi thấy mình không phải là một người đàn ông thực thụ vì hình thể gầy gò.”
–
Hedi không cố gắng ủng hộ những tiêu chuẩn sắc đẹp cực đoan như những gì mà công chúng gán cho gã, thay vào đó, gã còn chính là nạn nhân của những quan niệm hình thể độc hại dành cho phái nam. Dường như dư luận luôn áp đặt lên kỳ tài làng mốt “tiêu chuẩn kép” kì lạ, khi những nhà thiết kế khác được phép mang những yếu tố cá nhân vào bộ sưu tập, còn khi Hedi chọn những người mẫu tương đồng về mặt hình thể với mình, gã lại vướng phải chỉ trích.
MỘT KẺ ĐỘC TÀI “BIẾT ĐIỀU” VỚI NHIỀU HIỂU LẦM VÀ ĐIỀU TIẾNG
Hedi vốn không phải một kẻ nổi loạn khăng khăng “tàn phá” những thương hiệu lâu đời như những lời điều tiếng. Gã đúng là người đã “thay máu” cho các nhà mốt Pháp bằng phong cách khác biệt so với di sản vốn có của họ, là người đã thay đổi bộ nhận diện của những gã khổng lồ thời trang. Song những thay đổi mà Hedi tạo ra luôn là sự tưởng nhớ và tri ân đến những tài năng đi trước, thể hiện một sự chuyên quyền “biết điều.”
Hedi không phải là kẻ đã thẳng thừng “cắt” Yves khỏi Laurent, gã chỉ đang khôi phục lại đúng tên của dòng sản phẩm ready-to-wear khi ra mắt lần đầu vào năm 1966, với cái tên Saint Laurent Rive Gauche. Hedi cũng không phủ nhận những thiết kế túi xách của cổ điển của Celine, dòng Celine Triomphe mà nhà thiết kế giới thiệu chính là sự kết hợp từ dáng túi hộp kinh điển, với logo chữ C kép mang tên Blazon Chaine mà mẹ đẻ của thương hiệu – bà Céline Vipiana cho ra mắt vào năm 1973.
Đằng sau mỗi lần thay tên đổi họ và công cuộc thay đổi phong cách, Hedi đã rất kiên trì và nỗ lực để linh hồn và tài năng của gã có thể hoàn toàn bao trọn lấy những tên tuổi đình đám trên. Những người không tìm hiểu sâu về gã quái kiệt và những sáng tác của gã sẽ chỉ tiếp cận những ý tưởng sáng tạo ở mặt nổi và thấy rằng những gì Hedi trình làng là quá khác biệt với những thứ mà họ đã quen thuộc về nhà mốt. Họ hoàn toàn bỏ qua ý nghĩa đằng sau những cải biến mới nhưng cực kì tôn trọng di sản cũ của những người tiền nhiệm.
KHI TÀI NĂNG VƯỢT QUA MỌI CHỈ TRÍCH
Bất kể những chỉ trích vì cách làm việc độc tài “chuyên quyền,” các thương hiệu thời trang cao cấp của Pháp dưới thời Hedi luôn đạt được nhiều thành công về mặt thương mại. Tại Saint Laurent, nhà thiết kế đã tăng doanh thu của thương hiệu từ 400 triệu USD lên 1 tỷ USD. Hedi cũng đưa cái tên Celine vươn xa tại thị trường châu Á khi bắt tay với nhiều nghệ sĩ nổi tiếng toàn cầu như BLACKPINK Lisa, BTS V.
Bài: Hải Yến
Ảnh: Tổng hợp
Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE