Sẽ không còn hình ảnh thời trang “xác chết” trong các chiến dịch quảng cáo sắp tới
Những tạo hình, tạo dáng, sắp đặt trong ảnh quảng cáo thời trang đang có những thay đổi theo hướng tích cực hóa hình ảnh người mẫu.
Nghe có vẻ lạ, nhưng thực sự “xác chết” chưa bao giờ vơi đi sức hút của mình trong ngành công nghiệp thời trang, hay cụ thể là trong các chiến dịch quảng bá hình ảnh thời trang của vô số thương hiệu lớn nhỏ trên thế giới.
Bộ ảnh “Be caught dead in it” của thương hiệu New Zealand – Superette là một “catalogue” những vụ tự sát gây ám ảnh. (Ảnh: BuzzFeed)
Ảnh quảng cáo giày của thương hiệu Kate Spade. (Ảnh: BuzzFeed)
Jennifer Moss, cựu nhiếp ảnh gia thời trang danh tiếng, bày tỏ cảm nghĩ về vấn đề này sau thời gian dài đứng sau ống kính cho nhiều nhà mốt tên tuổi: “Với tư cách một người phụ nữ, một người mẹ và một khách hàng, việc các chiến dịch quảng cáo tràn ngập hình ảnh những người mẫu nữ trong tạo hình xác chết là một xu hướng đáng báo động”.
Siêu mẫu người Hà Lan Lara Stone nằm sóng xoài trên đất với ánh mắt vô hồn như một xác chết trong chiến dịch của Louis Vuitton. (Ảnh: Fashion Ad Explorer)
Prada cũng ưa chuộng phong cách này khi cho hai chân dài “chết” tại Paris. (Ảnh: Prada)
Trong khoảng thời gian làm việc tại Los Angeles, Jennifer nhận thấy hình ảnh ưa chuộng của phụ nữ trong địa hạt thời trang thường xuyên là những nạn nhân của bạo lực tình dục và hơn thế nữa. Cụ thể là sau nhiều năm nghiên cứu tạp chí, cô đã có đủ những minh chứng rõ ràng để có thể nêu lên những hình tượng xuất hiện thường trực trên các ấn phẩm sành điệu.
Là nạn nhân trong trạng thái hoảng sợ và không có khả năng phòng vệ trước sự lôi kéo của những người đàn ông, hay đôi khi chỉ còn là một xác chết.
Hình ảnh thời trang làm dậy sóng dư luận của Dolce & Gabbana hồi 2007. (Ảnh: The Bling Magazine)
Đang trong những tư thế nhạy cảm dễ liên tưởng đến tình dục như: dạng chân, nằm ngửa trên giường và quần áo xốc xếch không chỉnh tề.
Bức ảnh này của Dolce & Gabbana vẫn còn khá “trong sáng” so với bức ảnh gây trang cãi đứng giữa ranh giới mỏng manh của nghệ thuật và đồi trụy của American Apparel. (Ảnh: NewsActivist)
Ngôn ngữ cơ thể cho thấy sự yếu đuối, dễ thuần phục với đôi vai chùn xuống thiếu tự tin và ánh mắt vừa lơ đãng vừa ngây ngô đặc trưng của trẻ con.
Miu Miu cũng “bị” cuốn theo làn sóng này trong bộ ảnh mùa Xuân 2014 có sự góp mặt của ngôi sao trẻ Elle Fanning. (Ảnh: Fashionista)
Là những nhân bản, không phải là con người hoặc chỉ là một sản phẩm hàng loạt, không có khuông mặt hoặc đã bị làm nhòe và không có tính chất cá nhân.
Hình ảnh thời trang bị cho là mang đậm màu sắc tình dục và xúc phạm con người của thương hiệu giày Red Tape. (Ảnh: scaryideas)
Lí giải cho hiện tượng này, Jenifer chia sẻ thêm: “Thông điệp mà họ muốn truyền tải không gì khác ngoài sự hào nhoáng. Rằng phái đẹp là phải nhu mì, phải rụt rè và phải sợ hãi. Và bạn thừa biết thứ gì thực sự gây sợ hãi cho họ…”.
Có lẽ logic buồn cười này sẽ không bao giờ được nhìn nhận một cách nghiêm túc cho đến khi Hollywood bất ngờ bùng nổ những cáo buộc xâm hại tình dục và sự “sa lầy” không báo trước của những gương mặt quen thuộc trong làng mốt. Nếu cần một cột mốc để tạo ra bước ngoặt, thì ngành thời trang nói riêng, đang đứng ngay trước ngưỡng ấy.
May mắn thay, một xu hướng mới hơn đang nhanh chóng bành trướng và hứa hẹn sẽ trở thành “kim chỉ nam” xây dựng lại hình ảnh thời trang của phái yếu theo khuynh hướng hợp thời và hiện đại hơn, người phụ nữ quyền lực.
Với góc ảnh chụp từ dưới lên để bắt được trực diện gương mặt sắc sảo và hạnh phúc của một quý cô thành đạt, đầy tự tin điển hình. (Ảnh: Victoria Salomoni)
Không chỉ riêng Jenifer cảm nhận được sự thay đổi thời đại này, nhiều tên tuổi đình đám trong ngành cũng đồng tình với bước chuyển mình này của ngành thời trang. “Phụ nữ không còn bị sex hóa như trước đây. Rất tuyệt vời và đáng mừng khi gạt bỏ được hình ảnh ngạo mạn và sexy từ lâu đã áp đặt lên nữ giới. Ngày nay, phụ nữ ăn diện vì chính bản thân họ chứ không còn vì đàn ông nữa”, là những cảm nhận đầy phấn khởi của Jayne Pickering, giám đốc sáng tạo tờ tạp chí Marie Claire.
Nhiều “ông lớn” như Kate Spade, Michael Kors hay Salvatore Ferragamo đã ý thức và tiên phong lăng-xê hình ảnh hiện đại của người phụ nữ.
Một hình ảnh thời trang quảng bá cho bộ sưu tập Thu – Đông 2017 của Michael Kors. (Ảnh: Fashion Gone Rogue)
Elle Fanning tươi trẻ trong đợt quảng bá mới 2018 của Miu Miu. (Ảnh: Bellazon)
Dù xuất phát từ bất kì mục đích nào, kể cả là vì nghệ thuật, đã là ngành công nghiệp luôn dẫn đầu xu hướng, từ trang phục truyền cảm hứng vì nữ quyền cho đến những chiến dịch ủng hộ sức mạnh phụ nữ, thời trang lại càng không thể tiếp tục “chịu đựng” một “mảnh ghép không hoàn hảo” như vậy.
—
Xem thêm:
Những người phụ nữ ngọt ngào của các mẫu nam thành danh nhất hiện nay.
Chủ đề gây tranh cãi của đêm hội thời trang Met Gala 2018 được hé lộ.
Mai Nguyễn (Nguồn Tạp chí Phái đẹp ELLE/ Hình ảnh: Tổng hợp)