Hình ảnh street style có phản ánh đúng thực tế?
Các phó nháy hỗn chiến tranh thủ chụp hình sao mặc đẹp trong tuần lễ thời trang; hàng loạt ống kính thi nhau chen lấn ngang dọc trong không gian 10m2 trước sàn catwalk; cả tháng trời mướt mồ hôi chuẩn bị ý tưởng cho một shoot hình thời trang… những cảnh này đã quá quen thuộc đối với dân nhiếp ảnh và blogger hoạt động trong ngành công nghiệp xa xỉ này.
Đối với các bạn làm lâu năm trong ngành thời trang chắc hẳn đã biết một tấm ảnh quá chỉnh chu gần như chỉ mang tính catalogue mà không chứa đựng nhiều cảm xúc đến người xem nữa. Chính vì thế mà vài blogger nổi tiếng và các photographer “di biệt” đang đi khắp các con đường trên thế giới để săn lùng khoảnh khắc lạ – đúng chất thời trang đường phố.
Tấm hình trên do Suzy Menkes, nổi tiếng là biên tập viên về Phong Cách Thời Trang, đăng trong một bài viết tựa đề “Vòng xoay của thời trang” trên New York Times năm 2013. Tấm hình của bà xoáy vào đám đông nhiếp ảnh gia lổn nhổn đứng ngồi để chụp hình một cô gái ăn mặc đẹp. Suzy viết lại cảm xúc của mình: “Trước kia, chúng tôi được so sánh với đám quạ đen… giờ đây những người có mặt ngoài sảnh của fashion show được ví như công hơn là quạ”. Nhiếp ảnh gia thời trang Garance Doré cũng tâm sự với ELLE rằng: “ Những tấm ảnh mà chúng ta gọi là street-style, thật sự đâu phải thời trang đường phố, gọi là fashion-week style thì đúng hơn”. Nếu trường phái street-style muốn tồn tại, nó cần phát triển đúng hướng.
Và để phát triển, Peep Style ra đời. Tôn chỉ của xu hướng mới này vô cùng thẳng thắn: chụp lại người thật, việc thật, quần áo “thật” (đôi khi trang phục và phụ kiện mà khán giả tới fashion show mặc là đi mượn hoặc do hãng cung cấp để quảng cáo) mà người lọt vào ống kính không cần thiết phải tạo dáng. Một lối đi riêng tiếp cận trực diện tính xác thực của đời sống hàng ngày.
David Luraschi (instagram.com/
Bắt đầu chụp street-style từ năm 2008, Alkistis Tsitouri – nhiếp ảnh gia ở Los Angeles – chủ động không chụp “chim công” và đồng tình với ý kiến cho rằng street-style đang tràn lan như “dịch”: “Nếu tôi tới New York trong tuần lễ thời trang, tôi sẽ không đấu tranh với các nhiếp ảnh gia khác cho 1 bức hình của “siêu sao” trong phong cách đường phố.”
Ở London, Alex Sturrock (bạn trai cũ của ca sĩ Adele), một anh chàng ngày nào cũng lang thang chụp hình: “Những thứ bạn chọn để mặc hàng ngày nói lên rất nhiều về bạn, nhưng đó chưa phải là toàn bộ nội dung”. Anh bổ sung thêm: “Khi tôi chụp bừa một bức chân dung ở ngoài đường, đôi khi chỉ có gương mặt của họ mới là nội dung chính…quần áo lại trở nên thừa thãi”. Chủ thể trong những tấm hình do Alex chụp không cố gắng tạo sự chú ý, không mang vẻ giả tạo.
Ngược dòng lịch sử, từ những năm 70, ảnh street-style đã được nhen nhóm bởi nhiếp ảnh gia Bill Cunningham nhưng cho đến giữa những năm 90 nó mới thực sự được công nhận. Kể từ đó sự bùng nổ nhanh chóng của tấm chân dung phong cách street-style đã ảnh hưởng tới các trang blog nổi tiếng như The Sartorialist (2005) hay các nhiếp ảnh gia như Yvan Rodic, Tommy Ton and Philip Oh cũng được phân công chụp street-style cho các tạp chí thời trang.
Trước khi những lập luận bắt bẻ mang tính chỉ trích xuất hiện, cũng có một khoảng thời gian mà nhiếp ảnh thời trang cao cấp sánh bước vui vẻ, yên bình với nhiếp ảnh thời trang đường phố . Brent Luvaas, một học giả chuyên nghiên cứu về kết nối giữa phong cách đường phố và nhân chủng học lên tiếng, khái niệm street-style bắt đầu bị bóp méo khi người ta đưa người mẫu ra ngoài đường chụp hình thay vì chụp bất kì người nào đó.
Kết quả là định nghĩa về street-style không thể được xác định vì có quá nhiều tranh cãi từ lịch sử tới hiện tại. Trong tuần lễ thời trang, dĩ nhiên những người tới dự đều sẽ diện để được chụp ảnh: “Nếu đi đến phố Soho ở New York, có khả năng bạn sẽ đươc chụp hình miễn phí – và bạn cũng sẽ thấy hình ảnh cả một đội blogger tầm 4-5 người đi chơi cùng nhau”, Brent kể chuyện thật như đùa. Ông chua chát chia sẻ thêm rằng trong vài “loại thời trang” nếu bạn không được chụp hình, thì bạn bị coi như không tồn tại.
Nhiếp ảnh gia như David Luraschi và Alex Sturrock tuy không sản xuất những bộ hình tập trung nhiều vào thời trang, nhưng họ lại nắm bắt được bản chất cốt lõi của street-style. Một đại bộ phận sẽ cho rằng phản ứng dữ dội này chỉ nhằm tạo nên cơn sóng chống lại xu hướng “để nổi bật, bạn phải hoà tan với xu thế”. Ormerod đồng ý rằng: “Thật vô cùng khó khăn để bảo vệ hình ảnh độc đáo của bạn trong bão văn hoá thời trang đường phố. Cách duy nhất để bảo tồn con mắt nghệ sĩ riêng là đừng cố tạo sự chú ý.”
Trong quá trình dịch và tổng hợp bài viết này, tôi nhớ lại câu nói của Sean O’Connell (tên một nhân vật trong bộ phim The secret life of Mitty Walter): “Beautiful things don’t ask for attention” (Tạm dịch: Cái đẹp không cần đòi hỏi sự chú ý).
Xem thêm Từ Runway ra… Đường phố!
Xem thêm Kí sự Tuần lễ Thời trang Paris qua ống kính của biên tập viên ELLE Việt Nam
Bài viết: Vân Trang
Ảnh: Tư liệu