ELLE: Thưa bà, từ phía khách hàng ở nhiều thị trường khác nhau, sự đón nhận và mong đợi về những cải tiến trong lĩnh vực thời trang bền vững đã thay đổi như thế nào trong những năm qua?
Với H&M phát triển bền vững đã là luôn một phần trong công việc của mình trong suốt hơn 20 năm và đại dịch đã thúc giục chúng tôi đẩy nhanh tiến trình. Sau đại dịch, nhận thức cũng như sự quan tâm đến tính bền vững đã gia tăng trên toàn cầu và cả khu vực Đông Nam Á. Nếu như trước đây hoạt động bền vững được chủ yếu thúc đẩy và khởi xướng bời những cá nhân và tổ chức vì môi trường thì hiện nay, nó xuất phát từ chính khách hàng. Tại Việt Nam, chúng tôi quan sát thấy rằng khách hàng đang dần chủ động hướng tới lối sống xanh, họ cũng mong muốn và kỳ vọng các doanh nghiệp tạo ra những hoạt động có tính bền vững trong kinh doanh. Tuy nhiên, chúng tôi tin rằng vẫn cần phải tiếp tục nâng cao nhận thức cho khách hàng của mình. Bằng cách cung cấp nhiều lựa chọn mua sắm có ý thức hơn, chúng tôi mong muốn truyền cảm hứng và thúc đẩy thay đổi hành vi để khách hàng không chỉ có thể mặc đẹp mà còn thấy thời trang có thể tạo ra những giá trị ý nghĩa.
BÀI LIÊN QUAN
ELLE: Bà có thể giải thích thêm và khái niệm “circularity” và khái niệm này được thực hành và ứng dụng tại H&M như thế nào?
Biến đổi khí hậu vẫn luôn một trong những thách thức lớn nhất trong thời đại chúng ta. Chúng ta cần hướng tới sự tuần hoàn toàn diện – circularity và trở nên tích cực với khí hậu trong toàn bộ chuỗi giá trị. Điều này có nghĩa là, tối đa hóa giá trị của sản phẩm và tài nguyên bằng cách tái sử dụng và sửa chữa chúng nhiều nhất có thể trước khi tái chế. Điều đó không chỉ giảm thiểu và ngăn chặn tác động đối với môi trường, mà còn bảo vệ và phục hồi đa dạng sinh học và hệ sinh thái mà tất cả chúng ta là một phần của nó.
Tại H&M, chúng tôi hợp tác chặt chẽ với Quỹ Ellen MacArthur (EMF), một tổ chức từ thiện dẫn đầu trong các nỗ lực toàn cầu nhằm chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn. Chiến lược tuần hoàn của H&M hỗ trợ tầm nhìn của EMF về một nền kinh tế tuần hoàn và nó bao gồm tất cả các bộ phận kinh doanh của chúng tôi như: Sản phẩm tuần hoàn – Hiện tại, 80% nguyên liệu được sử dụng trong sản phẩm may mặc tại H&M là từ các nguyên liệu tái chế hoặc các nguyên liệu khác có nguồn gốc bền vững hơn. Đối với chất liệu vải bông chúng tôi đã đạt được 100%; Chuỗi cung ứng tuần hoàn – Xây dựng chuỗi cung ứng giúp sản phẩm luôn lưu thông và hỗ trợ quy trình sản xuất tuần hoàn và dòng nguyên liệu; Sản phẩm hàng hóa phi thương mại, bao gồm việc tái sử dụng và giảm bớt bao bì của H&M cũng như sử dụng các vật liệu bền vững hơn; Trải nghiệm cho khách hàng – Giúp khách hàng dễ dàng tiếp cận và tham gia vào xu hướng tuần hoàn khi mà các sản phẩm được sử dụng nhiều hơn, sửa chữa, tái sử dụng và tái chế.
ELLE: Theo bà, những phát minh mới về chất liệu nào trong may mặc sẽ mang đến tương lai bền vững hơn trong thời trang?
Thời trang hiện phụ thuộc rất nhiều vào tài nguyên thiên nhiên. Đến năm 2030, tất cả các vật liệu tại H&M sẽ là các vật liệu tái chế hoặc các vật liệu khác có nguồn gốc bền vững. Bên cạnh Polyester tái chế, bông hữu cơ và Lyocell, H&M cũng tiếp tục đổi mới để đưa vào những vật liệu mới mang tính đột phá trong thời trang.
Một số thành tựu đạt được là BST H&M Cherish Waste mới nhất bao gồm chất liệu MIRUM®, lụa tái chế và AirCarbon hoặc BST H&M Co-Exist Story ra mắt mùa thu năm 2021 đạt chứng nhận thuần chay do PETA phê duyệt và BST H&M Conscious Exclusive bao gồm các vật liệu mới, Bionic và Econyl, cũng được làm từ rác thải ven biển mà chúng tôi đã có cơ hội giới thiệu rộng rãi đến khách hàng tại Việt Nam. Chúng tôi nhận ra sức mạnh của đổi mới và công nghệ sẽ giúp tạo ra những thay đổi như kỳ vọng trong ngành thời trang. Chúng tôi tìm kiếm cũng như thử nghiệm và hỗ trợ những sáng kiến hướng đến sự thay đổi tích cực cho thời trang. Nổi trội là giải thưởng H&M Foundation’s Global Change Award – hằng năm những sáng kiến thắng giải sẽ nhận được sự hỗ trợ từ Quỹ H&M Foundation để có thể phát triển, thử nghiệm và nhân rộng bởi chúng tôi tâm niệm rằng cần mở rộng quy mô của những sáng kiến đột phá để đạt được mục tiêu dân chủ hóa thời trang bền vững. Giải thưởng Global Change Award còn được sự giúp đỡ của rất nhiều chuyên gia trong ngành để hỗ trợ quá trình phát triển cho những sáng kiến thắng giải.
BÀI LIÊN QUAN
ELLE: Làm sao những người tiêu dùng yêu thời trang nhưng cũng quan tâm đến môi trường có thể tìm thấy những món đồ thời trang “xanh” hơn và “có trách nhiệm” hơn?
20% lượng khí thải trong chuỗi thời trang đến từ việc tiêu thụ của người tiêu dùng, như vậy có nghĩa là tất cả chúng ta đều có thể góp phần đáng kể để hướng tới một tương lai thời trang bền vững hơn. Một vài ví dụ ở mà H&M hiện đang làm tại Việt Nam là chương trình thu mua hàng may mặc tại tất cả các cửa hàng H&M Việt Nam trên toàn quốc và dự án Let’s Reuse nhằm khuyến khích khách hàng mang theo túi có thể tái sử dụng khi mua sắm. Tại khu vực Đông Nam Á, gần đây, chúng tôi cũng đã tung ra bao bì giấy cho các đơn đặt hàng trực tuyến của mình thay thế hoàn toàn bao bì nhựa và chúng tôi liên tục hướng dẫn khách hàng của mình tại đây về cách họ có thể kéo dài tuổi thọ sản phẩm bằng cách chăm sóc, sửa chữa và tái chế các mặt hàng yêu thích.
Nhóm thực hiện
Ảnh: H&M Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE