Nếu bạn nghĩ thời trang khó hiểu, hãy đổ tội cho Jeremy Scott!
Đó là suy nghĩ trong đầu tôi khi một đồng nghiệp nhíu mày trước hình ảnh show diễn Thu – Đông 2014 của Moschino: từ chiếc váy nỉ in chữ M (gần giống như logo của hãng đồ ăn nhanh McDonald’s) cho đến áo phao đi cùng bộ quần áo SpongeBob do Jeremy Scott thiết kế.
Thế nhưng ngay sau cái nhíu mày khó hiểu không chỉ của cô bạn tôi, người ta bắt đầu wow, wow và wow một lần nữa khi thấy: vỏ iPhone hình gói khoai tây chiên với logo M (cho Moschino nhưng hàm ý McDonald’s) xuất hiện trong tay của không biết bao nhiêu blogger, ngôi sao hay các tín đồ thời trang tại Tuần lễ Thời trang Haute Couture 2014. Chiếc túi có phom dáng như Chanel 2.55 màu đỏ vàng được Katy Perry chọn đóng bộ hoàn hảo cũng chiếc váy nỉ M nói trên.
Những bộ trang phục tưởng như điên rồ trên sàn diễn Thu – Đông của Moschino hóa ra đang tái định nghĩa thời trang, đưa thời trang theo hướng đi mà cả Jeremy Scott và Moschino cùng yêu thích và theo đuổi: hài hước, mới lạ và thách thức người mặc. Nhưng nếu đã theo dõi Jeremy Scott từ trước, chắc hẳn bạn sẽ không thấy bất ngờ với những gì được trình diễn trên runway của Moschino.
Khởi nghiệp từ năm 1997 với vị trí thực tập cho Moschino, Jeremy ra đi và mang theo mình chỉ đúng một thứ – tinh thần của Moschino. Jeremy bước ra tự xây dựng thương hiệu của mình. Từ BST Thu-Đông 2010 lấy cảm hứng từ bộ phim hoạt hình “Gia đình Flintstones”, chiếc váy ánh kim hồng trong BST đồ nam 2012 (trước cả khi Marc Jacobs mặc váy ra đường và dấy lên trào lưu váy nam), đến chiếc váy chẽn mang họa tiết sọc thử màu của TV trong BST Xuân-Hè 2014, chiếc áo zombie, áo xác ướp trong BST “Too Weird To Live – Too Rare To Die” (Quá kỳ cục để sống, quá hiếm hoi để chết)… không phút giây nào, không mẫu thiết kế nào Jeremy chấp nhận sự bình thường và dễ hiểu.
Đầu năm 2011, Jeremy cộng tác với Swatch, cho ra ba mẫu đồng hồ limited edition với mẫu khung ảnh mạ vàng. BST này thành công đến nỗi ngay sau đó, Jeremy lại tiếp tục giới thiệu BST đồng hồ Thu – Đông 2011 cùng Swatch với năm mẫu khác. Các mẫu lạ kỳ và thú vị đã làm “tan chảy” và “thôi miên” tất cả fan cuồng của câu lạc bộ Swatch vốn đã quen được chiều chuộng bởi các thiết kế lúc nào cũng sáng tạo của thương hiệu này. Còn Jeremy ư? Anh lập kỷ lục của riêng mình: NTK đầu tiên tái hợp tác với Swatch chỉ trong vòng một năm.
Những sáng tạo kỳ quặc với Swatch trải đường cho Jeremy đến với thành công tiếp theo. Vẫn hài hước và quái đản, Jeremy cùng Adidas tung ra hơn 10 mẫu giày sneaker trong đó nổi bật nhất là mẫu giày Teddy Bear (Gấu bông), Tiger (Hổ), mẫu Face (Khuôn mặt) và Wings 2.0 outcut (Đôi cánh).
Sau một loạt thành công, Jeremy vẫn từ chối lời mời tham gia của các thương hiệu nổi tiếng như Pucci, Versace, Paco Rabanne, hay Chloé. “Khi mới khởi nghiệp, tôi muốn gây dựng tên tuổi của riêng mình. Giờ tôi cảm thấy thương hiệu của tôi, DNA của tôi đã được định hình và vững chắc. Tôi không còn nỗi sợ hãi trước đây như sợ phong cách, cá tính của mình bị hòa lẫn khi làm việc trong các thương hiệu lớn”, Jeremy lý giải về quyết định này khi trả lời phỏng vấn với trang Style.com.
“Nhiều NTK sợ và cố gắng làm hài lòng khách hàng của mình. Còn Jeremy thiết kế để làm hài lòng chính anh ấy,” Katy Perry, nàng thơ của Jeremy nói về anh như thế. Chính chiếc váy Katy’s Kiss, chiếc váy đã gắn liền với tên tuổi của Katy Perry là mẫu thiết kế của Jeremy Scott, lấy cảm hứng từ chiếc kẹo sôcôla Hershey’s Kisses.
Năm 2013, Jeremy quyết định tham gia Moschino với tư cách giám đốc sáng tạo. Lý do của Jeremy ư? Vì Moschino cũng hài hước! Tờ New York Times đã gọi Jeremy Scott là “kẻ nổi loạn cuối cùng của thời trang”.
Nếu đầu không đựng hết ý tưởng, hãy cất nó trong những chiếc mũ Piers Atkinson
Một nhân vật khác luôn dẫn người yêu thời trang từ bất ngờ, khó hiểu đến thích thú là Piers Atkinson và những chiếc mũ đầy khiêu khích của anh. Tốt nghiệp ngành Thiết kế đồ họa, Piers sắm sẵn cho mình trí tưởng tượng bay bổng, óc hài hước và khả năng làm các ý tưởng hiện hình. Quyết định chuyển hướng sự nghiệp của Piers bắt đầu bằng một bất ngờ thú vị.
“Tôi học đồ họa trong trường thời trang London và thường tham gia vào các dự án thời trang. BST mũ đầu tiên của tôi chỉ là một phần nhỏ trong một dự án thời trang như thế. Tôi chỉ hy vọng BST được các tạp chí thời trang như Dazed&Confused hay SuperSuper! giới thiệu. Nào ngờ Nick Knight và Vogue đã đưa chúng vào hẳn một bộ ảnh thời trang trên Vogue và tôi bắt đầu nhận được các cuộc gọi. Thế là sự nghiệp thiết kế mũ của tôi bắt đầu như thế. Một bất ngờ hạnh phúc”!
Vào chính khoảnh khắc đó, Vogue đã tặng cho thời trang không chỉ một NTK mà còn là một người chuyên tạo nên những cú sốc thời trang, những điểm nhấn để nhận diện các fashionista đích thực.
Hãy nhớ lại xem, chúng ta có thể còn biết tới Anna Dello Russo muộn hơn nếu BTV thời trang này không quyết định ra phố với chiếc mũ hình trái dưa hấu, chùm cherry khổng lồ. Hay Rihanna sẽ chả là gì trong chiếc váy hồng phớt hiền hòa tại chương trình X-Factor. May thay chiếc băng đô hoa hồng mùa Xuân trên mái tóc đỏ đã cứu cả bộ trang phục và diện mạo nhạt nhòa của Rihanna hôm ấy. Trong lễ ra mắt sản phẩm mới của M.A.C, Lady Gaga lại làm người ta choáng váng với chiếc mũ hoa hồng đen khổng lồ. Blogger thời trang nổi tiếng với phong cách lạ kỳ, Susie Bubble cũng xuất hiện với chiếc mũ hoa hướng dương vàng rực.
Năm 2012, mạng xã hội tràn ngập hình ảnh về những chiếc mũ trong BST “Sex on the Brain” (láy theo tên một loại cocktail nổi tiếng Sex on the beach). Những chiếc mũ có hình búp bê Barbie không mặc đồ nằm lả lơi hay cưỡi trên những trái chuối – Đẹp hay xấu? Tùy người xem, nhưng chắc chắn ai cũng phải wow. Tất cả những tiếng wow đó phải dành cho Piers Atkinson, không ai khác.
Gần đây nhất, Piers nhận được tin vui khi công nương Kate Middleton, người được Hiệp hội Mũ Thế giới chọn là “Người đội mũ sành nhất năm”, đã mời Piers Atkinson làm người thiết kế mũ cho mình.
Cũng giống như Jeremy Scott, Piers Atkinson tìm thấy cảm hứng trong cuộc sống hàng ngày. Piers nắm lấy cảm hứng bất tận mà cuộc sống ban tặng rồi sáng tạo theo tư duy hài hước của mình và trêu đùa cả thế giới, thách thức người mặc. Những người dám đội những chiếc mũ của Piers Atkinson xứng đáng được chú ý, ngưỡng mộ và trở thành tâm điểm. Họ, theo định nghĩa của thời trang, là những người thời trang nhất khi ngạo nghễ bước ra đường với những thử nghiệm điên rồ: một nải chuối hay một chùm cherry khổng lồ trên tóc.
Nếu bạn thấy mơ hồ, Alexander Wang đã thành công
Alexander Wang không phải là cái tên quá mới. Nhưng mùa này qua mùa khác, các show diễn của Alexander vẫn là tâm điểm tại Tuần lễ thời trang New York. Như show diễn Thu – Đông 2014 vừa qua, con đường dẫn đến Brooklyn Navy Yard bị nghẽn do dòng người háo hức đổ đến buổi trình diễn, vì không ai muốn bỏ lỡ sự xuất hiện của một hiện tượng thời trang, giống như chiếc áo in chữ Parental Advisory của Alexander Wang năm ngoái.
Và lý do đó không phải là vô căn cứ. Suzy Menkes, cây bút thời trang nổi tiếng đã miêu tả BST của Alexander Wang với những tính từ dường như hơi quá hào phóng so với cách viết quen thuộc của bà: “BST xuất chúng này là chiến thắng chung của trí tưởng tượng và tư duy thực tiễn. BST ứng dụng công nghệ vải của thế kỷ 21 để tạo ra chất liệu cho khả năng cảm ứng nhiệt bằng màu sắc: xanh Day-Glo, xanh da trời và tím”.
Giữa không gian mang hơi hướng công nghiệp và vị lai, người mẫu bước ra trong những chiếc váy suôn khỏe khoắn, tự tin trong bốt cao cổ đen bóng và túi da. Nổi bật hơn cả là những sắc màu neon xuyên suốt cả BST. Các ô màu nhỏ gợi cho người xem về màu sắc miêu tả sóng âm thanh, đầy tự chủ, mạnh mẽ và đáng mơ ước như giai điệu của một bản nhạc electronic.
Có thể thấy, trong thiết kế, Alexander trầm tĩnh hơn Jeremy và Piers, không gây sốc, không thử thách. Nhưng Alexander cân não khán giả của mình bằng thời trang. Nói cách khác, trong khi sự nổi loạn của Jeremy và Piers có thể được giải thoát ra ngoài bằng cách tạo hình thì sự nổi loạn của Alexander Wang bị khóa chặt trong những đường nét hoàn hảo nhưng nhìn sâu thì thấy sự mơ hồ, không an phận.
Cuối năm 2012, Alexander Wang tạo tiếng vang với BST Pre-Fall 2013. Những chiếc áo khoác được may tươm tất với hai lớp: nửa áo vest, nửa măng tô. Lớp vest ngắn hơn làm bằng chất liệu vải len (vải truyền thống của măng tô); trong khi, ngược lại, lớp măng tô dài hơn lại được làm bằng chất liệu da. Sắc màu cũng chuyển từ đen (trên vai, xương đòn) xuống đến ghi (toàn thân).
Khi được hỏi đây là vest hay áo khoác, Alexander trả lời: “Tôi muốn tạo cảm giác tất cả đều bị pha trộn, hòa lẫn vào nhau”.
Đầu năm 2013, Alexander lại vây hãm người xem bằng các câu hỏi khi xem BST Thu-Đông 2013. Alexander kể rằng anh đã xem đấm bốc trước show diễn. Những găng tay lớn (kiểu đấm bốc) nhưng làm bằng chất liệu lông mềm mại, những đường chỉ nhỏ sắc lẹm thít chắc lấy bề mặt lông xốp mềm, phần áo trên kín đáo tới đầu nhưng phần ở hai chân váy lại hé mở tạo vẻ quyến rũ. Màu sắc vẫn chuyển động từ trắng đến ghi rồi đẩy tới đen tận cùng. Tất cả đều lạ, đều mới nhưng vẫn khó hiểu, mơ hồ như cách Alexander vẫn làm.
29 tuổi, Alexander Wang nhận vị trí Giám đốc Sáng tạo cho Balenciaga, thay thế huyền thoại Nicolas Ghesquière. Câu hỏi đặt ra là: Alexander Wang sẽ thay đổi Balenciaga hoàn hảo tuyệt đối, hay Balenciaga sẽ chôn vùi sự nổi loạn của Alexander?
Bình thường, người ta thường nói: thời gian sẽ trả lời tất cả. Nhưng với Alexander Wang ư? Chưa chắc, vì tất cả đều mơ hồ!
Nhóm thực hiện
Bài: Kim Ngân - Hình ảnh: Tư Liệu