Thời trang / Thế giới thời trang

Học thời trang liệu có đảm bảo việc làm trong tương lai?

Trong khi các trường đại học chỉ tập trung giảng dạy thiết kế cho sinh viên, ngành công nghiệp thời trang đòi hỏi phải có sự sáng tạo lẫn kiến thức thương mại để thành công. Chính vì thế, các trường thời trang trên thế giới đang dần thay đổi cơ cấu giáo dục để có thể giúp sinh viên phát triển toàn diện hơn, đồng thời nâng cao cơ hội tìm được việc làm sau tốt nghiệp.

Học thời trang liệu có đảm bảo việc làm trong tương lai?

Trong bảng xếp hạng các trường đại học thời trang hàng đầu thế giới của trang BoF, Central Saint Martins (CSM) lại tiếp tục đứng hạng nhất sau ba năm liên tiếp. Trường nghệ thuật có trụ sở tại London, được xem là môi trường giáo dục và sáng tạo hàng đầu thế giới về lãnh vực thời trang; tại đây đã từng là cái nôi để nuôi dưỡng tài năng cảu những nhà thiết kế đương thời như Phoebe PhiloAlexander McQueen. Ở hạng mục trung tâm đào tạo có những khoá học kinh doanh thời trang hàng đầu thế giới đã thuộc về trường Paris Institut Français de la Mode (IFM). IFM là một tổ chức giáo dục đại học cung cấp các khóa học sau đại học và nghiên cứu ứng dụng cho thời trang thiết kế, các mặt hàng xa xỉ, ngành công nghiệp dệt và các ngành công nghiệp sáng tạo nói chung.

Nhưng liệu thời trang có thực sự là một ngành học đảm bảo việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp? Bài phân tích này sẽ giúp bạn trả lời câu hỏi đó. 

Học thời trang liệu có đảm bảo việc làm trong tương lai?

Trường đại học Central Saint Martins (CSM) (Hình: Courtesy)

Việc đứng đầu trong bảng xếp hạng như trường CSM sẽ chiếm được sự quan tâm từ các nhà giáo dục, học sinh và các nhà tuyển dụng. Một trong những cựu sinh viên của trường từng chia sẻ rằng: “CSM là một cái tên nặng ký trong làng thời trang và có vai trò quan trọng trong việc giúp tôi kiếm được việc làm. Các giảng viên trong trường luôn giúp đỡ rất tốt, ngoài ra họ còn có nhiều mối quan hệ với những người trong ngành công nghiệp thời trang”.

Ngoài CSM cũng có khá nhiều trường đại học khác có tỉ lệ lượng sinh viên có việc làm sau tốt nghiệp khá cao, bao gồm trường Parsons và Antwerp, xếp hạng thứ hai và ba, cũng là những cái tên bảo chứng trong ngành giáo dục thời trang trên thế giới.

(Ảnh: David Cohen)

Trong năm nay, BOF cũng đã phân tích về các môn học kinh doanh thời trang của Paris’ Institut Français de la Mode (IFM), trường đặc biệt có nhiều mối quan hệ mật thiết với những nhân vật quan trọng trong ngành. “Những chuyên gia giỏi nhất của thời trang trong lĩnh vực thiết kế và các mặt hàng xa xỉ sẽ truyền đạt cho học viên cách doanh nghiệp hoạt động như thế nào. Mạng lưới quan hệ dày đặc của trường sẽ giúp sinh viên có thể lựa chọn con đường thích hợp nhất cho bản thân. Ngoài ra, trường còn tạo khá nhiều cơ hội nghề nghiệp cho sinh viên trong suốt quá trình học”, một sinh viên đã tốt nghiệp chia sẻ. Thật vậy, tốt nghiệp từ các trường đại học danh tiếng là lợi ích tốt nhất để có được việc làm trong ngành thời trang.

Cơ hội việc làm: Mối quan tâm hàng đầu của các sinh viên thời trang

Học thời trang liệu có đảm bảo việc làm trong tương lai?

(Hình: Shutterstock)

Trong cuộc khảo sát từ 11.000 sinh viên, có việc làm chính là mối quan tâm hàng đầu của họ, đặc biệt khi con số tốt nghiệp tăng cao sẽ đồng nghĩa với việc khan hiếm số lượng công việc có sẵn. Ví dụ, ở Mỹ ước tính mỗi năm khoảng 10% tổng số sinh viên tốt nghiệp ra trường với những bằng cấp về thiết kế thời trang, dẫn đến việc không đủ việc làm cho sinh viên.

Sự phân tích bởi các nhà tuyển dụng trong thị trường giáo dục thời trang đã dần tiết lộ mối quan hệ giữa danh tiếng của trường học và khả năng có việc làm của sinh viên. Trong danh sách 73 trường đại học thống kê từ BOF, năm cái tên đáng giá trong ngành giáo dục thời trang như Central Saint Martins, Parsons, Antwerp, LCF và Aalto chiếm phần trăm cao nhất trong tổng số (40%). Một số trường đại học khác lại tuột hạng nặng nề như Kingston University, từ hạng nhì rớt xuống vị trí thứ 9; cũng như trường đại học Drexel University của Mỹ tuột 13 hạng xuống vị trí thứ 24; trường đại học Bunka Gakuen University của Nhật Bản cũng từ vị trí số 8 xuống hạng 14. Ngoài ra, một số ít trường đại học đã tập trung đầu tư vào tỉ lệ việc làm cho sinh viên lại có con số tăng lên đáng kể, bao gồm Accademia Costume và Moda, trường cũ của Alessandro Michele – Giám đốc sáng tạo của Gucci năm 2015, và trường Đại học Công nghệ Sydney.

Tạo cơ hội việc làm cho sinh viên

Ngày nay, các trường đại học thành công nhất đều có sự nỗ lực trong việc đào tạo sinh viên để đảm bảo việc làm, siết chặt hơn các mối quan hệ trong ngành, đầu tư vào công nghệ tiên tiến và phát triển các chương trình giảng dạy hơn.

Năm 2017, trường Polimoda ở Florence, xếp thứ 10 trong bảng xếp hạng, đã công bố một khóa học Thạc Sĩ được thiết kế và thực hiện cùng với thương hiệu Gucci. Khóa học kéo dài chín tháng sẽ bao gồm các môn về quản lý bán lẻ, tài chính, kinh doanh và tiếp thị và được chính các nhà quản lý của Gucci giảng dạy. Gucci còn tạo cơ hội cho các sinh viên tốt nghiệp thực tập tại và làm việc tại Kering, tập đoàn thời trang xa xỉ gồm chuỗi các thương hiệu nổi tiếng, điển hình như Gucci. Một cựu sinh viên của trường đã chia sẻ, “Polimoda là cột mốc giúp tôi định hướng lại nghề nghiệp của mình và cũng cho tôi một vé làm việc tại các cửa hàng thời trang sang trọng.”

(Ảnh: Clem Onojeghuo)

Trong khi đó, các tổ chức giáo dục khác đang tìm cách đào tạo sinh viên về các kỹ năng mới quan trọng hơn. Vào tháng 1 năm 2017, Trường Cao đẳng Thời trang London College of Fashion (LCF) đã mở một phòng học kỹ thuật số hẳn hoi, cho phép sinh viên được làm việc với các công nghệ mới, bao gồm dệt điện tử, mã hóa sáng tạo, kết hợp thực tế ảo và in 3D. Tương tự như vậy, đại học Westminster cũng đã đầu tư vào công nghệ in kỹ thuật số mới và một số cơ sở vật chất khác, làm hài lòng đến 90 phần trăm sinh viên của trường. Một cựu sinh viên của trường Westminster đã chia sẻ: “Chất lượng kỹ thuật, máy móc và phòng làm việc là những điều tốt nhất mà tôi từng trải nghiệm”.

Ngoài ra, các trường đại học như Aalto của Phần Lan, trường cao đẳng Shenkar của Israel và Bunka Gakuen của Nhật đang mở rộng phạm vi môn học hơn từ luật, truyền thông đến mã hoá nhằm khuyến khích sinh viên có thể phát triển linh hoạt hơn.

Ngoài việc đầu tư cho các khoá học, được đặt chân tới những kinh đô thời trang hàng đầu cũng là một lợi thế rõ ràng. 8 trong số 10 chương trình đại học hàng đầu đều chọn chổ phát triển tại những nơi có các nhà mốt lớn và các nhà thời trang bán lẻ như ở Paris, London, Milan, Florence và New York. Điều đó giúp tăng cường cơ hội tiếp cận với việc làm ở các hãng thời trang cao cấp, cũng chính là điều những sinh viên muốn khi tham gia các chương trình học tại đây.

“Khóa học thiết kế thời trang của BA rất chặt chẽ và kết quả rất rõ ràng – chúng tôi được liên hệ với những thương hiệu như Louis Vuitton, Tom FordBurberry để thực tập trong năm học và có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp”, chia sẻ từ một sinh viên của London Đại học Westminster – đứng thứ 10 trong bảng xếp hạng đại học năm 2017.

Kinh doanh không còn tách biệt với giáo trình sáng tạo thời trang

Thực tế, có nhiều giám đốc điều hành hàng đầu trong lĩnh vực thời trang đã từng tốt nghiệp từ các trường kinh doanh truyền thống, không có nguồn gốc từ thời trang như trường Wharton và Harvard của Hoa Kỳ hoặc HEC và INSEAD ở Pháp. Để đáp ứng cho sự phát triển chuyên sâu hơn, các trường thời trang cũng đang ngày càng cố gắng đưa vào các môn học thiên về kinh doanh thời trang cho sinh viên.

Học thời trang liệu có đảm bảo việc làm trong tương lai?

Trường đại học Institut Français de la Mode (IFM) (Hình: Farid Bernat)

Ngành thời trang đòi hỏi nhiều kỹ năng, trong đó cũng cần đến khả năng lãnh đạo doanh nghiệp, cần có sự sáng tạo và kiến thức thương mại để thành công. Một sinh viên của trường IFM cho biết: “Chương trình Thạc sĩ Quốc tế Quản lý Cao cấp của trường sẽ tạo ra các chuyên gia trẻ có tầm nhìn tập trung về kinh doanh nhiều hơn, rất quan trọng trong việc hiểu biết về các thương hiệu sang trọng và thời trang”.

Tuy nhiên, một số nhà tuyển dụng nhân sự vẫn hoài nghi về khả năng cạnh tranh của các khóa học kinh doanh thời trang so với các trường đại học kinh doanh chuyên nghiệp. “Tôi tin rằng hầu hết các giám đốc điều hành có bằng kinh doanh cao cấp sẽ được tiếp cận vai trò trực tiếp mà không cần phải có sự hiểu biết chuyên sâu về ngành thời trang (sinh viên tốt nghiệp HEC là một ví dụ rõ ràng ở Pháp). Tôi có cảm giác rằng những trường thời trang này sẽ không có khả năng cạnh tranh với các đối tác kinh doanh của họ“, theo chia sẻ của Caroline Pill, phó chủ tịch Kirk Palmer Associates, một công ty điều hành làm việc với Calvin Klein, Estée Lauder Companies và Farfetch.

Tuy nhiên, các nhà giáo dục đằng sau khóa học kinh doanh thời trang lại cho rằng: “Sáng tạo là yếu tố tất yếu đối với các lĩnh vực. Ví dụ như Angela Ahrendts, chuyển từ Burberry để trở thành phó chủ tịch cấp cao của Apple, cho thấy rằng với cách học tiếp xúc với thương mại và sáng tạo sẽ giúp sinh viên độc lập, tư duy có chiến lược và linh hoạt hơn”, chia sẻ từ Frances Corner, người đứng đầu trường Cao đẳng Thời trang Luân Đôn, đứng thứ hai trong bảng xếp hạng của BOF và đã từng giới thiệu chương trình kinh doanh thời trang đầu tiên cách đây hơn 20 năm.

(Ảnh: Clark Street Mercantile)

“Khóa học Quản lý kiêm Thiết kế Thời trang MA cung cấp sự cân bằng tối ưu giữa khía cạnh thương mại và tư duy sáng tạo. Trong khi ngành công nghiệp thời trang đòi hỏi cả hai, bạn không thể có được điều này tại một trường kinh doanh truyền thống. Tôi cảm thấy rất tự tin, chuẩn bị cho một sự nghiệp thành công trong ngành công nghiệp này “, một sinh viên của London College of Fashion nói.

Dù vậy, Pill vẫn tin rằng các khóa học chuyên sâu trong kinh doanh thời trang là điều “có cũng tốt”, chứ không phải là sự cần thiết. “Tham gia khóa học chuyên biệt thường sẽ tạo nhiều cơ hội cho phép học viên tiếp cận các đặc quyền của ngành công nghiệp thông qua việc thực tập, các bài thuyết trình cho khách mời, nhưng tôi không nghĩ đó là chìa khóa dẫn đến thành công của ngành”, bà kết luận.

Nhóm thực hiện

Hào Trần (Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE, tham khảo: BOF, hình ảnh: Tổng hợp)
Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.

BÌNH LUẬN (0)