Thời trang / Thế giới thời trang

Học thời trang: Trong nước hay quốc tế mới là điểm đến đúng đắn?

Học thời trang ở trong nước hay nước ngoài đều có những ưu và nhược điểm đi cùng. Đưa ra sự lựa chọn đúng đắn mang tính quyết định đối với công việc cũng như khả năng thăng tiến trong sự nghiệp sau này của sinh viên thời trang.

Thời trang đang là một trong những lĩnh vực hấp dẫn nhất hiện nay. Rõ ràng ngành công nghiệp thời trang Việt Nam có “tuổi đời” tương đối trẻ so với thế giới, nhưng nhìn vào sự thành công của các local brand gần đây, liệu ta có đang đánh giá thấp mặt bằng giáo dục trong nước hay tiền nào có đi cùng của nấy? Cùng ELLE tìm hiểu những điều được và mất giữa việc học thời trang trong nước và ở nước ngoài!

backstage của C.Dam việt nam học thời trang
BST Inflowing của Cường Đàm – Một NTK trẻ tốt nghiệp Đại học Kiến Trúc Hà Nội và Học viện Thiết kế và Thời trang London Hà Nội (LCDF). (Ảnh: C.Dam)

Học thời trang trong nước đi cùng những lợi ích gì?

1. nguyên vật liệu và phí gia công rẻ 

Việt Nam vẫn là một nước đang phát triển. Giá thành nguyên vật liệu thấp cùng nguồn nhân công dồi dào khiến đây là đích đến lý tưởng cho các ông lớn làng mốt để mở xưởng gia công và sản xuất. Sinh viên thời trang trong nước cũng được hưởng lợi từ điều này khi phụ phí trong quá trình học sẽ được giảm đi đáng kể. Bởi nếu muốn học thiết kế, chắc chắn bạn phải chuẩn bị sẵn một khoản “hầu bao” không nhỏ cho mỗi đợt đồ án để mua vải và thuê thợ may. 

xưởng dệt may của việt nam chỉ trắng nhân công mặc đồ xanh
(Ảnh: South China Morning Post)

2. xây dựng mối quan hệ

“Miếng bánh” thời trang đang ngày càng to ở Việt Nam đã góp phẩn sản sinh ra các nhà thiết kế cũng như người làm thời trang cực kì tài năng. Học thời trang tại quê nhà đồng nghĩa với việc sinh viên có cơ hội giao tiếp và học hỏi từ một thế hệ trẻ trung và mang  “con mắt” nghệ thuật thức thời. Không những vậy, việc xây dựng mối quan hệ thân thiết với “dân chuyên” mang lại lợi ích không tưởng trong quá trình ứng tuyển việc làm, thăng tiến hay xây dựng thương hiệu cá nhân sau này.

BST xuân hè của gia studior sơ mi và quàn kem cùng tông tường trắng
Gia Studios Xuân Hè 2022. (Ảnh: Gia Studios)

3. cách vận hành và luật bất thành văn

Như mọi ngành nghề khác tại Việt Nam, ngành công nghiệp thời trang cũng sở hữu những “khu vực xám”, yêu cầu người làm nghề phải có kĩ năng cần thiết để “sống sót”. Ngay từ những ngày ngồi trên giảng đường, sinh viên thời trang đã được dạy về cách hoạt động cũng như quy luật nghề nghiệp rất “local”. Để “tồn tại” ở một thị trường cách xa lý thuyết như vậy, những nhà thiết kế hay nhà kinh doanh thời trang tương lai cần sự khôn khéo, kinh nghiệm sống cũng như một khoảng thời gian làm quen tương đối.

lụa lãnh mỹ a trên cánh đồng lúa việt nam an giang học thời trang
Lụa lãnh Mỹ A ở Tân Châu, An Giang. (Ảnh: Báo Thanh Niên)

Nên xác định trước đích đến sau khi ra trường của bạn là ở đâu bởi không có ai dạy về thị trường thời trang Việt Nam ở nơi đất khách quê người. Những quy luật bất thành văn nơi đây tuy đem lại “khoảng thở ” cho sự uyển chuyển và linh hoạt nhưng lại thiếu đi tính minh bạch, yêu cầu người làm thời trang phải am hiểu về văn hoá, tập tục, thói quen cũng như hành vi của người tiêu dùng nội địa. 

4. gần hơn với bản sắc quê hương và kỹ nghệ truyền thống

Sự giàu có của văn hóa nước nhà mở ra nguồn cảm hứng bất tận để sáng tạo và đổi mới chất liệu. Những nghệ nhân dệt vải, nhuộm vải cùng cách gieo trồng và xử lý sợi mang đậm tính truyền thống của các làng nghề Việt Nam là nguồn tham khảo đắt giá. Lợi thế này hình thành nên những nét rất riêng trong phong cách thiết kế của thế hệ trẻ đồng thời truyền bá văn hoá cội nguồn đến với bạn bè quốc tế.

“Nhiều người nghĩ đồ truyền thống hoặc gắn liền với văn hóa đều dùng để mặc cho dịp lễ hoặc làm quà lưu niệm. Nhưng với tôi, văn hóa Việt Nam là chất liệu tuyệt vời để làm nên những bộ trang phục thời trang để phụ nữ mặc mỗi ngày.” – NTK Lâm Gia Khang

chụp toàn cảnh người h'mong xanh trồng và thu hoạch cây gai dầu
Người H’mông Xanh ở Hoà Bình trồng và thu hoạch cây gai dầu để lấy sợi. (Ảnh: KILOMET109)

Với việc học thời trang ở nước ngoài, sinh viên mất đi cơ hội gần gũi với những kỹ nghệ truyền thống khi đây chính là xu thế của tương lai. Điều này gây ra trở ngại cực kỳ lớn trong bối cảnh bão hoà của nền công nghiệp thời trang thế giới. Đối tượng khách hàng Gen Z giờ đây cũng đang “khát khao” hơn những thiết kế mang tính độc bản, lưu giữ được bản sắc văn hoá và sứ mệnh môi trường.

chụp từ trên xuống hỗn hợp nhuộm chàm indigo tự nhiên của người Nùng An
Hỗn hợp màu nhuộm chàm tự nhiên của người Nùng An ở Cao Bằng. (Ảnh: KILOMET109)

học tập ở nước ngoài mang lại điều gì?

1. tiếp xúc với môi trường tiêu chuẩn

Châu Âu là cái nôi của thời trang cao cấp. Sự tiêu chuẩn hoá được hình thành qua nhiều thế hệ và đến thời điểm hiện tại, dây chuyền sản xuất và chuỗi cung ứng đã đi vào “guồng quay” hoàn chỉnh. Sinh viên lựa chọn học thời trang ở nước ngoài cũng vì thế mà có thể làm quen ngay từ đầu với cường độ công việc và lịch trình dồn dập của các mùa Fashion Week. Tại đây, mỗi cá nhân đều là một “mắt xích” trong “cỗ máy” vận hành của ngành công nghiệp may mặc không “đợi chờ” một ai.

Valentino atelier tại paris học thời trang
Valentino Atelier tại Paris. (Ảnh: The New York Times)

Ngoài ra, quá trình học tập nơi xứ người cũng mang lại những kiến thức cực kì hữu ích về quy trình công nghiệp tiêu chuẩn. Điều này bao gồm huy động vốn ra sao, làm thế nào để để sản xuất hàng loạt một BST, quảng cáo thương hiệu như thế nào để thu hút được đối tượng khách hàng chủ chốt, hay cách duy trì mức tăng trưởng hàng năm,… Tất cả điều này đều góp phần vào sự thành công của các thương hiệu thời trang xa xỉ châu Âu qua hàng thập kỷ. 

Dior atelier tại paris áo trắng haute couture
Dior Atelier tại Paris. (Ảnh: JD International Design School)

Trái với hệ thống liền mạch ấy, người làm thời trang nước nhà đang vướng phải thực trạng “quanh quẩn”, nhỏ lẻ, chưa bứt phá ra quốc tế. Lý giải cho vấn đề nhức nhối này chính là ở sự thiếu đồng bộ trong quy trình sản xuất và chuỗi cung ứng cũng như các doanh nghiệp thời trang mang nặng tính gia công.

2. xây dựng mối quan hệ với cộng đồng thời trang quốc tế

Với sự cạnh tranh và đào thải khốc liệt của thị trường thời trang nước ngoài, những nhà thiết kế cũng như thương hiệu tồn tại được không chỉ sở hữu bàn tay tài hoa mà còn là cái đầu lỗi lạc, cân bằng được tính thương mại và cả nghệ thuật. Được tiếp xúc và học hỏi từ những bậc thầy phục trang này có thể đem lại những bài học vô hình như tư duy thẩm mỹ hay chiến lược kinh doanh với góc nhìn mới lạ mang tính vượt thời gian. 

“Đừng chạy theo xu hướng. Đừng để thời trang sở hữu bạn. Bạn phải là người quyết định bạn là ai và muốn thể hiện bản thân thế nào – thông qua quần áo và phong cách sống của chính bạn.” – NTK Gianni Versace 

yohji yamamoto húc thuốc ảnh trắng đen học thời trang
NTK huyền thoại người Nhật Yohji Yamamoto. (Ảnh: The Talks)

3. gần gũi hơn với các subculture

Subculture (tiểu văn hoá) đại diện cho một kiểu văn hoá nhỏ có sự khác biệt rõ ràng với văn hoá đại chúng (pop culture/mainstream) bằng cách sở hữu các nguyên tắc cơ bản dựa trên giá trị, xu hướng giới tính và quan điểm chính trị của người thuộc subculture.

vivienne westwôd cùng người mẫu phong cách punk bslogan biểu tình
NTK tài năng Vivienne Westwood cùng dàn mẫu
(Ảnh: NOW Magazine)

Học tập và sinh sống ở nước ngoài mang đến cơ hội tiếp xúc với các tiểu văn hoá này, thông qua đó làm đa dạng hoá chất liệu sáng tác cũng như giúp thiết kế trở nên nổi bật hơn trong thị trường vốn đang bão hoà. Ví dụ tiêu biểu như NTK Vivienne Westwood luôn gắn liền với punk hay NTK Ann Demeulemeester thường lấy cảm hứng từ gothic. 

fall winter 2016 của D học thời trang
BST Thu Đông 2022 của Ann Demeulemeester. (Ảnh: Document Journal) 

4. đón đầu xu hướng thời trang

Với việc lựa chọn học thời trang ở nước ngoài, đặc biệt là châu Âu và Mỹ, sinh viên như được sống tại nơi “chôn rau cắt rốn” của hàng loạt các xu hướng. Điều này tạo điều kiện cho sinh viên bắt kịp cũng như áp dụng các xu thế này vào thiết kế cá nhân, làm nổi bật tính thời sự của sản phẩm. 

ảnh xu hướng metaverse trong thời trang tương lai của ngành
Xu hướng Metaverse trong thời trang. (Ảnh: Inglobe Technologies)

5. Đa dạng văn hoá

Không những được trải nghiệm nhiều nền văn hoá khác nhau, sinh viên còn rèn luyện được khả năng nhanh nhạy trong văn hoá (cultural sensitivity), phân biệt giữa tôn vinh văn hoá (cultural appreciation) và chiếm đoạt văn hoá (cultural appropriation) trong thời trang cũng như tầm quan trọng của bao dung văn hoá (cultural inclusiveness) trong thiết kế. 

BST haute couture của dior 2007 cảm hứng từ kimono của nhật bản học thời trang
Thiết kế trong BST Dior Haute Couture 2007 lấy cảm hứng từ kimono. (Ảnh: Dior)

Nhóm thực hiện

Bài: Từ Phương
Ảnh: Tổng hợp
Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE

Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.

BÌNH LUẬN (0)