Thời trang / Thế giới thời trang

Hồi ký bí mật của nhiếp ảnh gia thời trang Bill Cunningham

Bill Cunningham đã để lại một cuốn hồi ký với nhiều góc khuất chưa từng được tiết lộ về tuổi thơ, gia đình và những đấu tranh phát triển sự nghiệp.

Hồi ký bí mật của nhiếp ảnh gia thời trang Bill Cunningham

Nhiếp ảnh gia thời trang Bill Cunningham, người làm việc cho tờ The New York Times gần 40 năm, đã để lại một kho lưu trữ khổng lồ trị giá gần 1 triệu đô la Mỹ. Ông cũng để lại một cuốn hồi ký bằng văn bản và được gia đình bất ngờ phát hiện ra khi ông qua đời vào năm 2016.

Đối với những người hâm mộ hay chính những người từng xuất hiện trong chuyên mục On the street (tạm dịch: Phong cách đường phố) của nhiếp ảnh gia thời trang, xã hội này, cuốn hồi ký chính là một “khám phá khảo cổ học vĩ đại”.

nhiếp ảnh gia thời trang bill cunningham 1
Với nhiều người hâm mộ Bill Cunningham, việc phát hiện cuốn hồi ký này được xem như là một “phát hiện vĩ đại”.

Christopher Richards, biên tập viên tại Penguin Press, đã mua lại cuốn hồi ký tại một cuộc đấu giá. Christopher cho biết: “Đây là một điều bất ngờ. Ông ấy thật sự không tiết lộ bất cứ điều gì về cuộc sống của mình cho bạn bè và đồng nghiệp. Ông ấy là người rất kín tiếng. Tôi nghĩ cuốn hồi ký này là một chấn động”.

Thời điểm nhiếp ảnh gia thời trang Bill Cunningham viết quyển hồi ký Fashion Climbing (tạm dịch: Bậc thang thời trang) chưa xác định. Tất cả những gì người ta có thể tìm thấy là một quyển hồi ký được đánh máy rõ ràng. Tuy nhiên, nhiều bản thảo khác được tìm thấy trong kho lưu trữ đã cho thấy ông đã sửa đổi nó trước khi có văn bản cuối cùng.

Tiêu đề này như khắc họa những năm đầu bước lên “bậc thang thời trang” vô hình và những ngăn cấm không thể tranh cãi với gia đình Công giáo nghiêm khắc của Bill Cunningham. Trong một trang bản thảo, ông vẽ một bức tranh nguệch ngoạc về hình ảnh cậu bé Bill đang leo lên một cái thang. Ông còn viết một dòng ghi chú trong cuốn sách cho mẹ ông: “Những người hàng xóm sẽ nói gì?”.

nhiếp ảnh gia thời trang bill cunningham 2
Với ông Richards, hồi ký của Bill Cunningham là một “sự chấn động” vì cuộc sống quá riêng tư của ông ấy. (Ảnh: The New York Times)

Cuốn sách ghi lại thời thơ ấu của nhiếp ảnh gia thời trang Bill Cunningham từ khi ông phục vụ trong Chiến tranh Triều Tiên (trong đó, ông trang trí mũ bảo hiểm của mình bằng hoa), chuyến đi đến New York, thành công với vai trò làm trang phục cho các quý cô dưới cái tên “William J.” và khởi đầu của ông với tư cách nhà báo. Đó cũng là bức chân dung chua chát của một cậu bé lớn lên trong một vùng ngoại ô tại Boston, nơi những người Ireland theo đuổi sự nghiệp tri thức, những công việc được cho là cao quý, nhẹ nhàng hơn. Song, niềm đam mê của Cunningham không nhất thiết phải phù hợp với những kỳ vọng mà mọi người dành cho ông.

Ông Cunningham viết trong một chương đầu với đại ý: “Đó là một gia đình không hiểu phương thức định hướng và chỉ dẫn con cái theo hướng phát triển tự nhiên của chúng. Gia đình nghèo khổ của tôi có lẽ cực kỳ kinh hãi với tất cả những ý tưởng điên rồ mà tôi có. Vì vậy, họ đã kiểm soát tôi trên từng bước đi”. Ông Cunningham không ngại đề cập đến việc mâu thuẫn với định hướng gia đình nhưng không dành cho nó cái nhìn ác ý.

nhiếp ảnh gia thời trang bill cunningham 3
Tại nơi mà ông lớn lên, niềm đam mê của Cunningham không nhất thiết phải phù hợp với những kỳ vọng mà mọi người dành cho ông.

Trong một đoạn khác, ông viết: “Lúc 4 tuổi, tôi đã mặc thử bộ váy đẹp nhất của chị tôi. Quần áo nữ giới luôn kích thích trí tưởng tượng của tôi. Vào một ngày Hè năm 1933, mẹ đã đe dọa sẽ trừng phạt tôi nếu tôi dám mặc quần áo nữ một lần nữa. Khi ấy, tôi đang ngồi tựa vào tường, mắt ngấn lệ. Trên người tôi là bộ đầm xòe vải organdy màu hồng”. Vải organdy hay organdie là loại vải cotton tuyệt nhất, sắc nét nhất.

Mặc dù ông Cunningham vẫn khao khát cái nhìn chấp nhận hơn từ mọi người nhưng ông dần trở nên khiêm nhường và nép mình trong việc bộc lộ bản thân. Cunningham thường mặc quần kaki, áo khoác xanh của công nhân Pháp khi đi tác nghiệp và chụp lại hình ảnh về những thị dân sành điệu của New York.

nhiếp ảnh gia thời trang bill cunningham 4
Bill Cunningham trở nên khiêm nhường và nép mình trong việc bộc lộ bản thân. Cunningham thường mặc quần kaki và áo khoác xanh khi tác nghiệp ở New York.

Ông Richards nói về những phản đối mà nhiếp ảnh gia thời trang Bill Cunningham phải chịu khi còn nhỏ: “Tôi nghĩ sự phản đối của mọi người là lý do khiến ông ấy quyết định không công bố điều này khi còn sống. Sau khi dành nhiều thời gian để đọc quyển hồi ký, tôi có thể đưa ra giả định rằng, Bill thật sự muốn kể câu chuyện về giai đoạn đặc biệt của mình, về những hiểu biết trong sáng tạo và phong cách nhưng đồng thời, ông lại lo lắng việc mọi người sẽ phản ứng thế nào về câu chuyện của mình”.

Ngoài những bất hòa của gia đình, hồi ký của ông Cunningham là bản ghi chép “màu hồng” của một người hay mơ mộng, người đã dạo bước trên con đường của mình từ kho hàng của Bonwit Teller mới mở của Boston đến các cửa hàng mũ riêng của mình tại New York. Ông đến thành phố vào tháng 11 năm 1948  và ở lại đó trong quãng thời gian dài của cuộc đời mình.

nhiếp ảnh gia thời trang bill cunningham 5
Theo lời Anna Wintour: “Tất cả chúng ta đều mặc quần áo vì Bill”. Chuyên mục On the street của nhiếp ảnh gia thời trang Bill Cunningham trên tờ The New York Times ghi lại hình ảnh về phong cách đường phố của những thị dân New York. (Ảnh: The New York Times)

Phần lớn trong quyển hồi ký là tài liệu mới, ngay cả đối với người thân của Bill Cunningham. Cháu gái Trish Simonson của ông viết trong một email: “Ông Bill luôn giữ kín cuộc sống gia đình ở Boston và công việc tại New York. Ông ấy kể cho chúng tôi rất nhiều nhưng không có điều gì khắc họa nên một bức tranh đầy đủ về những gì ông đã làm. Bản thảo của hồi ký mà chúng tôi tìm thấy có tiêu đề được chỉnh sửa và viết bằng giọng văn không thể nhầm lẫn. Hồi ký lấp đầy rất nhiều khoảng trống về cách ông ấy đã thực hiện công việc từ nơi này đến nơi khác và những suy nghĩ của ông trên đường đi”.

nhiếp ảnh gia thời trang bill cunningham 6
“Đó là câu chuyện rất hay về một người đàn ông trẻ tìm kiếm con đường của mình tại thành phố, đặc biệt trong một thế giới mà tinh thần bohemian tự do, phóng khoáng gần như không còn tồn tại nữa”. (Ảnh: Bill Cunningham)

Trong ngành công nghiệp mà một lời mời là tất cả, ông Cunningham đã không đợi chờ chúng tự đến với mình. Nhiếp ảnh gia thời trang Bill Cunningham viết: “Không mời nhưng tự đến là một phần tôi tự học được trong ngành thời trang”. Ông từng mạnh dạn yêu cầu thuê một khoảng không gian cho cửa hàng đầu tiên của mình, ngay phía trên cửa hàng của Hattie Carnegie, nữ doanh nhân thời trang nổi tiếng sinh năm 1880. Nhưng đổi lại, người ta đã đưa cho ông địa chỉ của bệnh viện tâm thần Bellevue.

Ông Richards chia sẻ: “Nhiếp ảnh gia thời trang Bill Cunningham là một nguyên mẫu độc đáo. Với tôi, cuốn sách này thực sự dành cho những người mang theo giấc mơ của mình đến New York, xem nơi đây như là một ốc đảo thực sự của sáng tạo và tự do, một nơi để trở thành người mà chúng tôi muốn trở thành. Đó là câu chuyện rất hay về một chàng trai trẻ tìm kiếm con đường của mình tại thành phố, đặc biệt với tinh thần bohemian tự do, phóng khoáng, điều mà gần như không còn tồn tại nữa”. 

Xem thêm:

[Điểm tin thời trang] Bộ ảnh Balmain do nhiếp ảnh gia Việt thực hiện với Alice của Resident Evil

Phim tài liệu về cuộc đời bao phủ bởi bóng tối của thiên tài đoản mệnh Alexander McQueen

Nhóm thực hiện

Lược dịch: Kim Chi Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE Tham khảo: The New York Times Ảnh: Tổng hợp
Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.

BÌNH LUẬN (0)