Hơn cả thời trang
Thời trang không chỉ dừng lại với phong cách mặc, quần là áo lượt, mà còn trở thành cả trời nghệ thuật, văn hóa, hội họa, doanh thu, lợi nhuận, chiến lược… Để không bàn về thời trang trong số này, chúng ta hãy nói về những dự án nghệ thuật đặc sắc nhất gắn với các nhà mốt lớn trong vài tháng trở lại đây.
Louis Vuitton
Trong BST “Travel Book” (Du hành ký), Louis Vuitton đã mời nhiều nghệ sĩ tên tuổi và những tài năng trẻ đầy hứa hẹn thuật lại bằng hình ảnh những thành phố và đất nước họ đi qua, ghi dấu những hình thái kiến trúc đô thị khác nhau, thứ ánh sáng đặc biệt, hoạt động thường ngày và những người dân bản xứ.
Trong cuốn sách mới nhất, nghệ sĩ vẽ truyện tranh kiêm nhà văn Jirô Taniguchi (sinh năm 1947) đã sáng tác một câu chuyện tại ngay trái tim của Venice (Ý). Toàn bộ tranh của ông được vẽ bằng màu nước, gợi lên nhiều hoài cảm về ký ức đẹp đẽ. Họa sĩ đã nảy ra ý tưởng mô tả lại chính mình, một người lữ khách, sau khi tìm thấy những tấm bưu thiếp cũ của gia đình về Venice đã lang thang qua các ngõ ngách của thành cổ này, và rung động bởi những điều bất ngờ này tới điều bất ngờ khác, ví như ở phía cuối con đường hẹp bỗng mở òa ra là biển mênh mông. Họa sĩ đã tâm sự rằng Venice bên ngoài thực sự khác và thơ mộng hơn so với những gì ông đã xem và đọc trước đó qua sách báo.
Cuốn sách minh họa về Venice là cuốn cuối trong bộ 6 cuốn trong năm 2014 của Louis Vuitton. Các nghệ sĩ, họa sĩ với nhiều phong cách khác nhau đã được mời để vẽ về London, Paris, New York, Đảo Phục sinh (Chilê) và Việt Nam.
Quyển sách du lịch Venice của Louis Vuitton, thực hiện bởi Jirō Taniguchi
Valentino
Cùng chung mạch xuất bản các cuốn sách là nhà mốt Ý với “Valentino: Objects of Couture”. Sử dụng hơn 300 món phụ trang (túi, giày, trang sức…) tuyệt đẹp của Maison Valentino trong nhiều mùa thời trang, mỗi nghệ sĩ sắp xếp theo cách sáng tạo nhất để tạo ra các tác phẩm mới, độc đáo và độc bản về thị giác. Kết quả cuối cùng là hơn 250 bức hình đã được ra đời. Rất nhiều mẫu phụ trang trong số này đã từng là một phần của văn hóa, thời trang, quen thuộc đối với các tín đồ yêu cái Đẹp. Và nay, chúng lại được sống một cuộc đời mới, cùng tạo ra các tác phẩm nghệ thuật thị giác có giá trị.
Cuốn sách này cũng dành để tôn vinh tài năng và sự thành công mỹ mãn của hai NTK Maria Grazia Chiuri và Pierpaolo Piccioli, vì ai cũng biết trước khi trở thành giám đốc sáng tạo của Maison Valentino từ năm 2008, cặp đôi này chính là vũ khí bí mật đằng sau mọi sáng tạo về thiết kế phụ trang của thương hiệu Ý lừng danh.
Etro
Không chỉ chăm chỉ xuất bản các cuốn sách với sự góp mặt của nhiều nghệ sĩ, các thương hiệu còn đem lại nhiều sự kiện văn hóa đình đám cho công chúng. Từ 20/3 cho tới 31/8/2014 tại Scuderie del Quirinale đã diễn ra cuộc triển lãm quy mô trưng bày các kiệt tác của nữ họa sĩ người Mêhicô Frida Kahlo (hơn 100 tác phẩm hội họa và ảnh chân dung). Đứng sau dự án nghệ thuật đặc biệt này chính là nhà mốt Etro, thương hiệu có tình yêu sâu đậm đối với ngôn ngữ và quê hương của Frida.
Năm 2004, Veronica Etro đã cho ra đời BST thời trang nữ có tên “South”, và BST nam giới Xuân-Hè 2014 của hãng (NTK Kean Etro) thì lấy cảm hứng từ môn thể thao quốc dân truyền thống charreria (cưỡi ngựa) của Mêhicô.
Etro viết trong thông cáo báo chí rằng sự tương xứng về thị giác giữa di sản nghệ thuật và thời trang đương đại đưa Etro trở thành người đỡ đầu cho triển lãm này một cách tự nhiên.
Chanel
Chanel, một nhà mốt tiên phong với các dự án nghệ thuật, thường xuyên lồng ghép các culture code vào những BST thời trang hàng năm (đặc biệt là BST Métiers d’Art/Pre-Fall), cũng duy trì sự kiện rất lớn Culture Chanel.
Culture Chanel khai thác các di sản của nhà mốt cũng như cá nhân NTK để tái hiện cuộc đời thực và suy tưởng của một trong những người kiến tạo tuyệt vời nhất trong thế giới thời trang thế giới. Jean- Louis Froment là người lựa chọn chủ đề cho chuỗi triển lãm văn hóa này và ông thường tổ chức sự kiện tại những bảo tàng tuyệt vời nhất thế giới như: Bảo tàng Quốc gia Pushkin về Nghệ thuật (Pushkin State Museum for Fine Arts) tại Moscow (2007), Bảo tàng Nghệ thuật Đương đại (Museum of Contemporary Art) tại Thượng Hải (2011), Bảo tàng Nghệ thuật Quốc gia (National Art Museum) tại Bắc Kinh (2011), Nhà hát Opera tại Quảng Châu (Guangzhou Opera House) (2013) và Palais de Tokyo tại Paris (2013).
Năm nay, nhà mốt Pháp tiếp tục tới một quốc gia châu Á khác để tổ chức sự kiện này (thế mới thấy tầm quan trọng của thị trường khu vực đối với các thương hiệu thời trang của châu Âu!): Hàn Quốc. Triển lãm có tên “The Sense of Places”, gồm 10 chương, sử dụng ngôn ngữ hình ảnh để thể hiện những địa điểm gắn bó đặc biệt với cuộc đời của Mademoiselle Chanel. Từ những nguồn cảm hứng này, Coco Chanel đã hình thành nên phong cách thời trang và mỹ cảm của thương hiệu. Từ Aubazine tới Deauville, Paris tới Venice, Gabrielle Chanel thường có thói quen ký họa hay lưu giữ những kỷ niệm bằng hình ảnh và vật lưu niệm. Hơn 500 món đồ bao gồm ảnh, sách, tác phẩm nghệ thuật, cùng với các thiết kế quần áo, trang sức, đồng hồ… giúp ta có thể mường tượng một cách sống động cuộc hành trình của Coco.
Triển lãm lần này diễn ra từ 30/8 tới 5/10 tại bảo tàng Thiết kế Dongdaemun Design Plaza ở Seoul (mới được khai trương trong tháng 3/2014, dưới sự chỉ đạo của NTK kiến trúc nổi tiếng Zaha Hadid).
Xem thêm Hội họa đến với thời trang
Bài: Nguyễn Danh Quý – Ảnh: Imaxtree, Tư liệu