Instagram trở thành công cụ đắc lực trong ngành thời trang
Instagram đã trở thành công cụ cần thiết và là kênh bán hàng quan trọng trong chiến lược kinh doanh thời trang của các công ty.
Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, ngành công nghiệp thời trang đã chuyển sang công nghệ kỹ thuật số. Hình ảnh và mạng xã hội đã trở thành yếu tố then chốt trong chiến lược kinh doanh thời trang của các công ty. Ngày nay, các mạng xã hội nói chung và Instagram nói riêng đã trở thành một phương tiện cần thiết và thậm chí có thể là một kênh bán hàng quan trọng cho các thương hiệu thời trang.
Theo bản chất, Instagram rất phù hợp với các thương hiệu thời trang mà trong đó hình ảnh và cộng đồng là yếu tố rất cần thiết vì người ta có xu hướng mua sắm theo thị hiếu số đông hoặc qua việc bắt chước theo phong cách của các ngôi sao.
Ca sĩ Rihanna rạng rỡ trong thiết kế của Prada. (Ảnh: @hausofrihanna/ Instagram)
Jérôme Viala, phó giám đốc điều hành của Lectra, nhà cung cấp các giải pháp công nghệ cho ngành công nghiệp thời trang, ô tô và đồ nội thất cho biết trong năm 2017 có đến 90% người dùng Instagram dưới 35 tuổi.
Người dùng mạng xã hội thường chú trọng vào tính ứng dụng và quan tâm đến chất lượng hình ảnh của sản phẩm thời trang. Một đặc điểm khác là họ muốn việc mua sản phẩm phải diễn ra nhanh chóng và môi trường mạng xã hội đáp ứng điều này rất tốt. Gần đây Instagram đã cập nhật chế độ “cửa hàng” đồng thời đa dạng hoá tính năng cho phép các thương hiệu phát trực tiếp những sự kiện đang diễn ra sau hậu trường.
Đối với các thương hiệu như Chanel, điều quan trọng trong tiếp thị là nhắm đến đối tượng khách hàng thông qua Instagram. “Sự thân thuộc” là từ khóa trong phân tích tâm lý khách hàng của Chanel, từ đó định hướng nội dung truyền thông và xây dựng chiến lược quảng bá sẽ vô cùng hiệu quả.
Thế giới của Chanel mở cửa cho những người theo dõi Instagram thông qua các cuộc trò chuyện ngẫu nhiên trực tiếp giữa hai đại sứ thương hiệu, hình ảnh hậu trường của các show thời trang, hình ảnh sản phẩm hoặc nội dung vắn tắt chiến dịch mới,… mọi thứ được tập hợp lại để truyền đạt triết lý của thương hiệu một cách trực tiếp và cũng rất hiệu quả trong việc hiện đại hóa hình ảnh của thương hiệu cũng như tiếp cận khách hàng mục tiêu trẻ tuổi.
Kế hoạch truyền thông trên Instagram được Chanel đầu tư kỹ lưỡng, thậm chí họ có cả đội ngũ quản lý trang Instagram riêng ở Paris. Bằng việc quản lý tiếp thị các sự kiện, show trình diễn thời trang, Liên hoan phim Cannes năm 2016 đã đưa Chanel trở thành thương hiệu cao cấp thu hút lượng theo dõi đông đảo nhất trong năm 2017 vượt qua Louis Vuitton, Gucci và Dior với 25 triệu người theo dõi.
Mỗi thương hiệu sẽ áp dụng chiến lược Instagram riêng biệt như Chanel và Hermès tập trung vào việc cung cấp trải nghiệm cho những người theo dõi bằng hình ảnh bộ sưu tập thời trang hoặc trưng bày hình ảnh và di sản thương hiệu. Gucci và Dior lại dẫn dắt câu chuyện về thương hiệu và bộ sưu tập cũng như công khai sự tham gia của những người nổi tiếng tại sự kiện của mình.
Điều này cũng tương tự đối với một số thương hiệu trực tuyến như Dollar Shave Club, Jimmy Fairly, Casperhay Sézane. Sự thu hút của thương hiệu bắt đầu từ những cuộc thảo luận trực tiếp với khách hàng. Người sáng lập Sézane, Morgane Sézalory giải thích: “Tôi tin vào sức mạnh của việc giao tiếp với khách hàng, điều ấy tạo nên mối liên kết bền vững. Càng nhiều người tham gia thảo luận những nội dung của chúng tôi trên Instagram thì mức lan toả tên tuổi thương hiệu càng rộng”.
Nhà thiết kế Morgane Sézalory cho rằng yếu tố tiên quyết để đạt thành công trên Instagram nằm trong quy hoạch nội dung tốt. (Ảnh: Getty images)
—
Xem thêm:
Làm sao để sở hữu hình đẹp trong tích tắc khi du lịch một mình?
Bí quyết để có được những tấm hình selfie đẹp như người nổi tiếng
Ngọc Trân (Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE/ Tham khảo: independent/ Hình ảnh: tổng hợp)