Là một trong những nhà thiết kế trẻ tiềm năng hiện nay tại Việt Nam, Ngô Hoàng Kha từng bước xây dựng thương hiệu cá nhân mang tên KHAAR với tinh thần và định hướng hoàn toàn khác biệt so với các nhà thiết kế cùng thế hệ. Mặc kệ người người, nhà nhà đang miệt mài chạy đua cùng xu hướng, Kha chọn cho riêng mình một thế giới đắm chìm trong thời trang “xanh”, trong cách tận dụng nguồn phế phẩm thời trang và trong cả những ý tưởng cấp tiến của công nghệ hiện đại.
BÀI LIÊN QUAN
Thương hiệu được đặt theo KHA là tên của nhà thiết kế, hậu tố -AR có hai ý nghĩa. Ý nghĩa đầu tiên là “And Recycling” (tạm dịch: và tái chế). Ý nghĩa thứ 2 là “Augmented Reality” (tạm dịch: thực tế ảo tăng cường).
Chào nhà thiết kế Ngô Hoàng Kha. Chào mừng anh trở lại ELLE Fashion Show 2023 với chủ đề “Giao lộ thời trang và kiến trúc”. Tâm thế đến với ELLE Fashion Show của Kha năm nay thế nào?
Kha luôn trân trọng cơ hội được trình diễn tại ELLE Fashion Show. Kha bắt đầu thành lập thương hiệu vào đầu năm 2022. KHAAR như lời hồi đáp của mình – một nhà thiết kế đối với tình trạng và thực trạng hiện tại của nền công nghiệp thời trang tại Việt Nam.
Bản thân mình là một người thành phố – Sài Gòn – một trong những thành phố có nền kinh tế phát triển hàng đầu của đất nước. Có rất nhiều nhà máy ở đây. Bản thân Việt Nam cũng đóng một vị trí rất quan trọng trong sự phát triển của ngành công nghiệp thời trang. Nhưng đồng thời, chúng ta đã tạo ra rất nhiều rác thải từ chính những thứ chúng ta sản xuất ra và mặc lên hàng ngày. Không khó để thấy rác thải ở xung quanh ta.
Những nhà thiết kế khác có thể lên các vùng núi cao hoặc vùng có nhiều dân tộc thiểu số để tìm kiếm những chất liệu truyền thống hoặc kỹ thuật nhuộm vải ở đó. Với cá nhân Kha, mình không có điều kiện để đi xa thường xuyên nên mình tập trung vào những giá trị cốt lõi nhất từ bản thân và từ những thứ xảy ra ở xung quanh. Đó là rác thải. Mình chọn slogan là “Recycling và Upcycling” (tạm dịch: Tái chế và Nâng cấp) để đưa vào trong tinh thần thương hiệu. Đó là hướng đi của Kha với mong muốn được chạm đến thời đại bền vững.
Còn phương diện về công nghệ. Kha từng làm việc trong một global agency về Thời trang trong 5 năm sau khi tốt nghiệp. Ở đó, mình đảm nhận vai trò Leader của team Digital Creation, sáng tạo và thiết kế trên công nghệ ảo, công nghệ thiết kế 3D. Sau khi thành lập thương hiệu, mình cũng chọn đưa yếu tố đó vào cốt lõi của thương hiệu. Trong tương lai, đó chính là định hướng của sự phát triển bền vững. Đồng thời, yếu tố công nghệ cũng hiện hữu xung quanh trong cuộc sống, trong bản thân con người, cũng như thương hiệu và trong mỗi bộ sưu tập của mình. Mỗi lần xuất hiện, mình đều cố gắng đưa hết tất cả những yếu tố đó vào trong từng thiết kế.
Những xu hướng mà Kha vừa đề cập tới như là tái chế, nâng cấp và ứng dụng công nghệ và cũng phải góp phần bảo vệ tài nguyên thiên nhiên. Điều này có thực sự cộng hưởng tới tinh thần thiết kế kiến trúc ngày nay không? Quan điểm của Kha thế nào?
Đó đúng là những gì mình muốn chia sẻ. Những từ khóa Kha đề cập tới trước đều là mega-trend trong tương lai. Chúng liên quan tới tất cả ngành nghề và trong những thập kỷ sắp tới. Vì vậy, khi nhận được đề tài của ELLE và Dulux về màu sắc của năm nay – màu Sweet Embrace (Hồng Khói Ấm), Kha thực sự cảm nhận được mọi thứ rất hoà hợp.
Đối với Kha, sự quan trọng nhất của một thiết kế tốt hoặc là một dự án tốt đó là sự hòa hợp của tất cả mọi yếu tố trong tổng thể. Mình sẽ cố gắng thể hiện sự hoà hợp đó một cách tốt nhất trong bộ sưu tập sắp tới.
Nếu chọn một từ bao quát đặc trưng thiết kế của mình mà có thể liên kết được với kiến trúc, Kha sẽ chọn từ gì?
Kha sử dụng từ “organic” trong tất cả những thiết kế, những sáng tạo của mình. Để chọn một yếu tố có thể liên kết chúng với ý tưởng về kiến trúc hoặc nội thất “organic” là một từ hợp hơn cả.
Khi mọi thứ ở trạng thái “organic” (tạm dịch: nguyên bản), chúng sẽ có sự sống. Chúng thể hiện được sự độc bản, không có cái nào giống cái nào và luôn luôn có sự sống ở trong đó. Khi nhìn vào, mình sẽ cảm nhận được điều đó.
Về sự giao thoa giữa thời trang và kiến trúc, mình cũng có thể nghĩ tới lâu đài bong bóng của Pierre Cardin ở Pháp chẳng hạn. Nó có những đường nét rất mềm mại pha lẫn một chút yếu tố vị lai. Hoặc là kiểu thiết kế kiến trúc vùng Catalan của Tây Ban Nha, Vùng Địa Trung Hải chẳng hạn. Nhưng ở đây, Kha muốn tìm kiếm một cái gì đó rất Việt Nam.
Để có được những chất liệu của riêng mình hoặc sáng tạo ra kỹ thuật mới, thông thường Kha sẽ làm gì?
Thông thường, Kha sẽ phải trải qua rất nhiều công đoạn thử nghiệm khác nhau hoặc những phép thử sai trên nhiều chất liệu. Ở đây bao gồm cả chất liệu nền dùng để thêu và vải vụn dùng để cắt ra làm thành hình sợi. Mình sẽ đi từ những kỹ thuật cơ bản nhất. Ví dụ như thêu trong BST sắp tới. Kha sử dụng những kỹ thuật đó để phối hợp cùng với nguồn mỹ cảm mới về màu sắc, về hoạ tiết theo suốt BST, đồng thời xoay quanh sự sáng tạo của nhà thiết kế. Điều khác biệt nhất có lẽ đến từ cảm hứng của mình. Chúng sẽ được thể hiện thông qua cách chọn lựa vải, màu sắc vải, hoạ tiết vải và cách mình phối hợp chúng trên bề mặt.
Được biết, các bộ sưu tập trước đây của Kha như “Painting”, “Đi và Nhặt” đã từng xuất hiện màu hồng với khá nhiều sắc độ khác nhau. Vậy với màu CF24 Sweet Embrace – màu Hồng Khói Ấm của Dulux giới thiệu, Kha sẽ chọn cách nào để diễn giải bộ sưu tập?
BST “Bài thơ của Sữa và Hoa” có 20 looks. Ngoài màu chủ đạo là màu Sweet Embrace được các chuyên gia Dulux nghiên cứu và lựa chọn, mình bổ sung thêm bảng màu Warm Palette. Bảng màu này gần với hướng đi, hướng phát triển bộ sưu tập của mình về ý tưởng cũng như cách triển khai chất liệu vải.
Ở đây, Kha cũng nhấn mạnh thêm một yếu tố. Đối với các nhà thiết kế thời trang, họ có nhiều hướng đi khác nhau trong việc diễn giải bộ sưu tập của mình. Họ có thể là một người nghiêng về technical (kỹ thuật). Họ mạnh về việc tạo dựng phom dáng, hình khối hoặc cấu trúc rập. Kha lại nghiêng về thiết kế chất liệu vải. Vì vậy, trong các bộ sưu tập của mình, mọi người sẽ thấy yếu tố mạnh nhất, gây hứng thú nhiều nhất chính là chất liệu được ứng dụng nhiều kỹ thuật xử lý khác nhau như: may trần, chắp nối, thêu, đan móc. Các nguyên liệu sử dụng đều là vải tái chế hoặc vải thân thiện với môi trường. Hơn nữa, chất liệu cũng là thành phần tiên quyết trong thời trang, quyết định đến xúc cảm của người mặc.
Một điểm mới nữa trong bộ sưu tập sắp tới mà Kha đưa vào sẽ là sự đa dạng về loại sản phẩm. Các thiết kế sẽ không chỉ gói gọn trong một bộ suit hay một set được đo ni đóng giày. BST sẽ đầy đủ áo, quần, chân váy, đầm, áo khoác để khi một người phụ nữ nhìn vào, họ sẽ có những cảm hứng khác nhau. Từ đó, họ có thể đưa ra lựa chọn nhiều món, tự do mặc và phối chúng lại với nhau theo nhiều cách khác nhau, chứ không đơn thuần là cái áo này phải mặc với quần này mà không thể phối với chân váy kia.
Có màu sắc chủ đạo, có cảm hứng, có chất liệu rồi. Vậy yếu tố công nghệ sẽ được Kha thể hiện ở đâu trong BST này?
Để hoàn thành bộ sưu tập này, mình đã hợp tác cùng bạn Hoàng Xuân Quyết – một nghệ sĩ Digital và Nguyễn Đông Hồ đến từ công ty chuyên về công nghệ AR là Fomalia XR, để có thể phát triển ý tưởng ban đầu của của mình, biến chúng thành những motif đặc trưng cho BST.
Ở đây, ý tưởng về những bầu sữa sản sinh ra dinh dưỡng trở thành nguồn nuôi dưỡng cho những đứa trẻ. Hình ảnh này tựa như những khu vườn của sự dưỡng nuôi, của sự sinh sôi, nảy nở. Hoặc, những mô tuyến sữa như một mạng lưới liên kết bao bọc các hạt ngọc quý.
Kha sẽ kết hợp những yếu tố này lại với nhau trên phụ kiện thế nào? Và chúng sẽ liên kết với kiến trúc ở điều gì?
Mình sẽ cách điệu hình tượng bầu sữa thành một thiết kế, kết hợp với những hoạ tiết vân mây truyền thống đặc trưng trên những bộ gốm sứ truyền thống của vùng Lái Thiêu.
Có thể mọi người sẽ không nhìn thấy sự liên hệ với kiến trúc ở đây. Nhưng như mình chia sẻ ở phía trên, để có được một thiết kế tốt, một kiến trúc đẹp, đầu tiên chúng ta cần để ý tới hình thái của nó, hình nhận diện bên ngoài của nó.
Thứ hai là công năng của nó. Một thiết kế thực sự được sử dụng với mục đích gì.
Thứ ba, yếu tố quan trọng nhất đối với mình về quan điểm của một kiến trúc tốt là cảm giác của con người. Nguồn sinh khí của con người đem lại trong kiến trúc đó. Một kiến trúc không thể sống được khi mà không có con người đến đó, không có con người muốn ở trong đó, không có con người cảm thấy rằng minh được hiện diện ở đây.
Đó là một điểm kết nối đặc biệt giữa kiến trúc với với thời trang. Ví dụ như kiến trúc là không gian mà con người ở trong nó, con người cảm thấy mình thuộc về nó. Còn thời trang chính là thứ bao bọc, gần sát nhất với cơ thể của họ.
Kiến trúc sẽ là các yếu tố về cảm giác về không gian, về thị giác. Còn thời trang sẽ là xúc giác. Mọi thứ sẽ được hòa hợp với nhau. Như mình đã nói sự hòa hợp là điều quan trọng nhất của BST.
Cảm ơn Kha đã chia sẻ, chúc buổi trình diễn thành công tại ELLE Fashion Show 2023!
Chân thành cảm ơn các đối tác đồng hành cùng ELLE Fashion Show 2023
Đối tác đồng hành chính Dulux đến từ AkzoNobel
Đối tác đồng hành hàng đầu PORSCHE
Các đối tác NARS, Viet Vision, Hawa Expo, Phygital Labs, Daingo Studio, Gill Nguyen Hair & Academy
Đối tác truyền thông VCCorp, Maybe Group và HousenHome.
Nhóm thực hiện
Thực hiện: Khánh Linh
Ảnh: Ngô Hoàng Kha