Thời trang / Thế giới thời trang

KHAAR và những người thợ thủ công “sống chậm” hậu tận thế

Các NTK thời trang thường mong tạo được thương hiệu riêng, đi con đường riêng, được biết tới với thẩm mỹ độc đáo. Nhưng Ngô Hoàng Kha lại muốn tìm đến cộng đồng thiết kế cùng chung chí hướng, mong được kết nối, chia sẻ mạnh mẽ. Kha cảm thấy may mắn vì mình không cô đơn trong hành trình thiết kế.

Luôn có nhiều cơ hội khác nhau để thế hệ thiết kế thời trang trẻ được rèn giũa và phát triển. Một trong những con đường đó là các cuộc thi thiết kế. Kha Ngô – người sở hữu thương hiệu KHAAR, hứng thú với những cuộc thi ấy và tìm thấy động lực mạnh mẽ hơn từ các trải nghiệm này.

Cộng đồng thiết kế “thực làm”

Kha chia sẻ rằng anh tham gia Vietnam Design Week 2021 vì nội dung của chương trình tạo dựng hoàn toàn khớp với những giá trị cốt lõi cũng như hướng đi của thương hiệu KHAAR. “Tôi đã theo dõi cuộc thi từ trước và đến năm 2021 mới có thể tham gia, dù suốt quá trình làm BST là thời gian lockdown căng thẳng vì COVID-19. Những người tổ chức Vietnam Design Week có nhiều trăn trở về hiện tại, tương lai của thiết kế nói chung, thời trang nói riêng, về tư duy, nội lực và trách nhiệm trong sáng tạo. Tham gia cuộc thi cũng là cơ hội tốt để tôi được gia nhập cộng đồng thiết kế này, một cộng đồng thực làm, có thể nằm ngoài những bon chen, chụp giật của giới giải trí, của “easy money”, “easy fame”… Đó là những thứ đang lấn lướt và cuốn theo nhiều NTK trẻ gần đây”.

ý tưởng cho bst đi và nhặt của khaar
Nguồn cảm hứng cho BST tham gia cuộc thi Vietnam Design Week của Kha Ngô. (Ảnh: KHAAR)
NTK Ngô Hoàng Kha tham gia vietnam design week 2021
NTK Ngô Hoàng Kha. (Ảnh: KHAAR)

Với mục đích hướng về thời trang bền vững hơn, chọn lọc hơn hoặc tìm những cách làm mới hơn, Kha Ngô đã có nhiều chiêm nghiệm về thị trường, thị hiếu rất thực tế. Vì suy cho cùng “mặt trận” của thời trang vẫn là thị trường, là người mua, người mặc chứ không ở những cuộc thi.

Tôi thấy câu trả lời đều nằm ở vấn đề con người. Tìm đúng người để làm marketing, quản lý, những người để cộng tác. Và tìm đúng những người nằm trong tệp khách hàng của mình, những người hiểu câu chuyện và giá trị thương hiệu cố gắng gói ghém. Sự đầu tư vào sản phẩm, hình ảnh quảng bá, sự tương tác và chăm sóc khách hàng được chăm chút. Đối với tôi, thị trường nội địa vẫn sẽ được tập trung hơn cả, vì không ai hiểu, cảm và yêu văn hóa Việt Nam bằng người Việt. Tôi cũng tin vào sự hiểu biết và trách nhiệm của khách hàng khi đứng trước văn hóa Việt Nam. Tôi tin vào sự đón nhận của họ”.

thời trang ntk trẻ Ngô Hoàng Kha
(Ảnh: Bobby Ng)

Ước mong mang tên 2022 CỦA KHAAR

Những chuyến đi luôn có sức mạnh tỉnh thức. Sự tỉnh thức cho một tâm hồn đang tàn khô sau những biến động và trì trệ của cơn đại dịch. Sự tỉnh thức dành cho những giá trị nội tại bị quên lãng. Những cách trở địa lý khi con người phải luẩn quẩn một chỗ càng khiến sự tỉnh thức ấy mạnh mẽ. Khi đó, “sống chậm”, “làm chậm”, “tận hưởng chậm” là lẽ thường, mà chủ nghĩa tiêu dùng không thể can thiệp hoặc có cũng yếu ớt hơn nhiều. Kha chia sẻ về BST tại Vietnam Design Week:

BST của tôi chia thành hai vế : “Đi” và “Nhặt”, để kể câu chuyện tưởng tượng về một viễn cảnh xa xôi trong tương lai hậu tận thế, khi những vườn tược, núi đồi, làng mạc và thành thị… trở nên hoang tàn vì ô nhiễm, nhường chỗ cho những bãi phế liệu và rác thải. Chỉ còn lẩn khuất đâu đó những người thợ thủ công của một kỷ nguyên mới. Một số chấp nhận ở lại nơi mình đang sống, ngày ngày lượm lặt rác thải và phế liệu để kiếm sống, cũng như tìm cách xoay xở, gia chế lại những thứ bỏ đi thành những tạo tác thủ công. Số khác khăn gói ra đi tìm đến miền đất mới. Và trên hành trình đó những kỹ thuật thủ công truyền thống lại tiếp tục được tìm kiếm và đánh thức“.

thời trang của ntk Khaar
“Đi và Nhặt” – tên BST thể hiện “bản chất” thể nghiệm của NTK Ngô Hoàng Kha, không chỉ là tìm kiếm các chất liệu phù hợp để thiết kế một vòng đời mới cho chúng mà còn tập hợp các ý niệm rời rạc để trở thành ý tưởng và thiết kế hoàn chỉnh. (Ảnh: ELLE Vietnam)
thời trang của ntk Ngô Hoàng Kha
Các trang phục trong BST “Đi và Nhặt” được thực hành thủ công và sử dụng các vật liệu tái chế. (Ảnh: ELLE Vietnam)

Trang phục và phụ kiện trong BST “Đi và Nhặt” hầu hết là chất liệu địa phương như lụa tơ tằm habotai và organza Bảo Lộc. NTK cũng tận dụng những mảnh vải vụn sau sản xuất hoặc từ catalogue vải mẫu bị bỏ đi hằng mùa, hằng năm. Ngoài ra, công nghệ thiết kế thời trang trên môi trường 3D đã được áp dụng để tạo ra những trang phục ảo, render dưới mọi góc độ, và ghép vào hình chụp của người mẫu.

thời trang thuộc bst Đi và Nhặt
Toàn bộ công đoạn không sử dụng nhân công may mặc truyền thống, hoặc hao tốn bất kỳ một thước vải hay nguyên phụ liệu nào, và cũng không tạo ra rác thải cho môi trường. (Ảnh: ELLE Vietnam)

Kha nói về dự định tương lai: “Tôi muốn làm thời trang bằng một thương hiệu riêng mang tên mình, với ba giá trị cốt lõi: Văn hóa Việt – recyclingcông nghệ ảo. Sang 2022, tôi và đội ngũ của mình sẽ chính thức khởi động KHAAR với một studio nhỏ, mong muốn được tổ chức những buổi giới thiệu, triển lãm và pop-up store cho mỗi BST khi ra mắt, cùng với những thương hiệu, NTK và các đơn vị đối tác phù hợp. Quan trọng là tạo được một cộng đồng riêng, có thể đi xa cùng nhau. Dù rằng con đường đi sẽ khó và có thể phải đi chậm nhưng tôi chấp nhận theo đuổi”.

thời trang tái chế của khaar trong BST Đi và Nhặt
(Ảnh: @khaar.world)
Khaar recycling trong bst đi và nhặt
(Ảnh: @khaar.world)

Nhóm thực hiện

Bài: Thùy Trang Ảnh: Tổng hợp Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE
Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.
for Onesignal ring banner

BÌNH LUẬN (0)