[ELLE FASHION SHOW 2022] Khát vọng về một ngành thời trang xanh và hiện đại của KHAAR
BST “Tóc” của Thương hiệu KHAAR sắp được trình diễn tại ELLE Fashion Show vào ngày 17/12 sẽ cho thấy cách công nghệ cao được ứng dụng vào thời trang bền vững. Nhà thiết kế Ngô Hoàng Kha chia sẻ về cách anh đưa những nét đẹp truyền thống bước vào tương lai của thời trang với sự nghiên cứu kỹ lưỡng.
Chào Kha. Bạn có thể chia sẻ đôi điều về thương hiệu thời trang của mình không?
Thương hiệu KHAAR vừa được thành lập vào đầu năm 2022, khi những ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 vừa tạm lắng và cuộc sống bắt đầu tiến vào giai đoạn bình thường mới. Với những nhà thiết kế hay thương hiệu khác, đó có thể là thời điểm để trở lại sau một quãng lặng hay khoảng nghỉ dài hơi. Nhưng đối với bản thân Kha thì đó là thời điểm cần quyết liệt cho một sự thay đổi từ sâu trong nội tại của mình, bởi có thể nói Kha đã vẫn ở trong vùng an toàn trước đó, dù chứng kiến và trải nghiệm những thay đổi bất thình lình của ngoại cảnh, từ kinh tế đến xã hội. Ngừng lại công việc ổn định và tiềm năng tại một công ty đa quốc gia về thời trang và may mặc, Kha quyết định tạo dựng thương hiệu mang tên mình, chứa đựng những giá trị cốt lõi mang ý nghĩa như lời hồi đáp của một nhà thiết kế trẻ với thời cuộc, với môi trường, mong mỏi hướng đến một tương lai phát triển bền vững hơn của thời trang trên nhiều phương diện: Văn hóa truyền thống Việt, Tái chế và Thiết kế Ảo 3D.
KHAAR – là cái tên đơn giản ghép từ tên của mình – Kha – và “AR” (Augmented reality, thực tế ảo tăng cường); hay “And Recycling”. KHAAR sẽ không chỉ là một dòng thời trang thông thường mà là một thương hiệu “phygital”, nơi có những trang phục thật, sẵn sàng để khoác lên người nhưng bên cạnh đó, còn có thêm trang phục ảo 3D, giúp tăng cường và mở rộng trải nghiệm “mặc” hay “sở hữu” ảo trong kỷ nguyên mới của WEB3 hay Metaverse.
Vì sao cảm hứng cho BST trình diễn lần này là “tóc”?
Đó là những thiết kế đầu tiên được tạo ra dưới cái tên KHAAR, mang ý nghĩa khởi đầu của khởi đầu, nên Kha cũng muốn tìm kiếm một ý tưởng, nguồn cảm hứng mang tính căn nguyên, cơ bản nhất, một thứ gì đó vừa đẹp đẽ và lãng mạn, lại vừa bình dị, đời thường. Vì vậy Kha đã chọn mái tóc của người phụ nữ.
Trong văn hóa dân gian, ông cha ta hay nói “cái tóc là gốc con người”. Trong đời sống thường nhật, mái tóc gắn liền với mọi hoạt động, cử chỉ. Chính trong khoa học, tóc cũng chứa đựng ADN và định nên danh tính của mỗi người. Trùng hợp thay, về mặt thiết kế, tóc mang hình thái sợi như những đường nét, là một trong những đơn vị căn bản nhất trong thiết kế và sáng tạo. Từ sợi mà ta dệt nên vải vóc, làm nên trang phục.
Nhỏ nhất và nguyên bản nhất lại có thể hàm chứa nhiều giá trị bản sắc, nhận diện nhất. Việc người nghệ sỹ muốn tìm về những chất liệu cơ bản, mang tính đơn vị nhỏ nhất trong một tổng thể, như ADN, như hạt, như tơ sợi… để linh hoạt sử dụng chúng cho sáng tạo của mình gần như là một lựa chọn bản năng.
Khoảng đầu năm nay, bạn cũng đã giới thiệu một phần của BST Tóc. Vậy có phải BST bạn sắp trình diễn là phiên bản phát triển của BST cùng tên trước đó?
Là một designer brand, lại xây dựng theo định hướng bền vững, KHAAR sẽ không chạy theo guồng quay truyền thống của thị trường đó là xây dựng và ra mắt các bộ sưu tập theo mùa và theo xu hướng. Các BST nhỏ trong năm đầu tiên này muốn kể những câu chuyện nhằm định hình được bản sắc, màu sắc của thương hiệu, nói lên vẻ đẹp của vải vóc, chất liệu mang tính “xương sống”.
Với hình ảnh khởi đầu mang tính cơ bản là “tóc”, hướng phát triển của cảm hứng và câu chuyện tiếp theo sẽ rất rộng khắp, đa dạng, đa chiều cả về văn hóa, thời gian và không gian.
Yếu tố đặc sắc trong BST mà bạn đem đến ELLE Fashion Show 2022 với chủ đề “Dream of New Beginnings” là gì?
Tóc có ba phần đi từ những hình thái, màu sắc trang phục căn bản nhất (trắng, đen, màu ngà và màu da) đến những sự khám phá chơi đùa và rồi giải phóng một cách tự do, táo bạo. Cũng giống cách con người đối xử với mái tóc mình, từ cách buông xõa ban sơ thuở nhỏ đến những chăm chút ý nhị tuổi mới lớn và tự khẳng định cá tính khi đã trưởng thành.
Phom dáng suông, ôm tự nhiên, rũ mềm tung bay theo chuyển động cơ thể; những chi tiết sợi, tua rua, đan móc, thắt, buộc, tết… sẽ ẩn dụ cho vẻ đẹp của mái tóc Việt. Ngoài ra, đặc sắc nhất là những chất liệu thủ công xử lý tái chế từ vải vụn bị bỏ đi (được thu nhặt từ các công ty, văn phòng may mặc, xưởng may nhỏ và cả studio KHAAR). Tất cả những mảnh vải với màu sắc, bề mặt đa dạng, phong phú được cắt nhỏ, ghép nối, may chần thành bề mặt mới, hoặc được hòa phối trong những mảng đan móc, dệt tay, và cả thêu.
Còn lại là những chất liệu nguyên vẹn được lựa chọn kỹ về thành phần sợi bền vững, thân thiện với môi trường như lụa cupro, linen, eco-vero rayon, viscose… hoặc lụa tơ tằm thiên nhiên từ nhà máy dệt địa phương từ Bảo Lộc (Lâm Đồng), Bình Định.
Không thể không kể đến quy trình thiết kế cũng như trang phục ảo 3D mà KHAAR sẽ kết hợp trình bày trong show diễn, một yếu tố đặc sắc làm bật lên cuộc chơi về công nghệ mà KHAAR đang theo đuổi.
Một trong những dấu ấn đặc trưng của bạn là ứng dụng công nghệ 3D trong thiết kế. Với BST này, bao nhiêu % có sự can thiệp của công nghệ?
Gần 60% khối lượng công việc truyền thống, hao tổn về thời gian, nhân lực và nguyên vật liệu đã được giảm thiểu nhờ công nghệ 3D. Sự can thiệp này rất linh hoạt và ứng dụng rộng khắp. Từ một vài công đoạn cho đến cả quy trình, bao gồm việc trực quan hóa ý tưởng rập ban đầu, thay đổi kết cấu, chỉnh sửa độ dài ngắn, tỉ lệ, kiểu dáng chi tiết… của mẫu thử đầu tiên và mẫu thử thứ “n” trên màn hình máy tính trước khi chính thức được lên mẫu thật cho sàn diễn. Thậm chí những mẫu thiết kế có yếu tố đồ họa, color-block, hay họa tiết, sự trực quan hóa bằng 3D cũng kết nối trực tiếp với bản vải sau cùng, chính xác từ khổ vải cho đến việc giác sơ đồ cho khớp với họa tiết trên từng mảnh rập,…
Ứng dụng công nghệ 3D đã trở nên quen thuộc trong ngành thời trang thế giới nhưng có vẻ như ở Việt Nam, nó vẫn là điều gì đó khá mới mẻ. Theo bạn thời trang Việt Nam đã bắt đầu sẵn sàng cho công nghệ chưa?
Tại Việt Nam, trong nhánh sản xuất hàng may mặc, công nghệ 3D vốn đã được ứng dụng và phát triển ở nhiều công ty hoặc nhà máy có bộ phận R&D bởi sự tiện lợi và tính khoa học. Tuy vậy, với những nhà thiết kế, hoặc thương hiệu thiết kế đang hoạt động theo lối truyền thống thì đúng là 3D vẫn còn khá mơ hồ, hoặc chỉ được kết hợp vào hoạt động marketing, tô vẽ và thu hút sự chú ý của truyền thông hoặc giới mộ điệu.
Công nghệ như một tảng băng trôi với bề nổi là những gì “Ảo” nhất, được chúng ta nhìn thấy hằng ngày qua màn hình vi tính, TV, kính VR hay điện thoại; nhưng phần chìm của nó vô cùng lớn, có thể can thiệp và thay đổi từ bộ máy sáng tạo và sản xuất.
Để một guồng máy hay hệ thống ổn định hàng chục năm thay đổi, hay thay thế hoặc tinh gọn một số công việc đều cần có thời gian để thích nghi. Để học được cách hoạt động của một phần mềm có thể chỉ mất vài tuần hay tháng, nhưng quan trọng nhất vẫn là tư duy và thói quen làm việc, điều mà có thể mất 5-10 năm để thay đổi. Thích nghi lớn nhất cần đến từ tư duy của bản thân người đầu tàu của thương hiệu hoặc bộ máy đó. Rất nhiều sự học, thực hành, phép thử đúng-sai cần được thực hiện để công nghệ ảo thực sự mang lại giá trị thật.
Bài: Hoàng Lê
Ảnh: Tổng hợp