Thời trang / Thế giới thời trang

Lắng nghe nhịp đập của những làng lụa ngàn năm

Áo lụa Hà Đông, lụa Vạn Phúc... những định danh quen thuộc, trở thành hiện thân của vẻ đẹp truyền thống có lúc tưởng như sắp lụi tàn. Nhưng bằng một cách nào đó, những nghệ nhân vẫn giữ nghề, giữ khổ vải quen thuộc, miệt mài với dấu ấn ngàn năm.

Một trong nhiều “lối đi” để các làng lụa truyền thống Việt Nam đi tiếp trên chặng đường gìn giữ và phát triển là cung cấp lụa chất lượng cao cho các NTK, thương hiệu thời trang. NTK Victoria Huyền Nguyễn là một trong số đó với định hướng tạo nên các sản phẩm hiện đại từ nguyên liệu truyền thống.

Thăng trầm bên khung dệt

Đi qua nhiều làng lụa khắp cả nước nhưng NTK Victoria Huyền Nguyễn luôn cảm thấy có duyên với làng lụa Vạn Phúc, Hà Đông. Mọi người hay buồn bã bảo nhau rằng, lụa Vạn Phúc mai một đi rồi nhưng đến tận nơi sẽ thấy cảm giác khác. Làng vẫn dệt, tiếng khung dệt bận rộn, vẫn rào rào khắp làng.

“Những người thợ Vạn Phúc rất gần gũi và có nhiều tâm tư. Họ đã trải qua bao thăng trầm, từ hàng nghìn khung dệt chạy khắp làng nhưng trong khoảng 10 năm trở lại đây, số khung dệt còn lại chỉ còn vài trăm. Thị trường thay đổi, nhiều người làm nghề từ bỏ nhưng vẫn có một số nghệ nhân nhìn xa trông rộng, quyết tâm giữ nghề. Nhiều thợ trẻ là con cháu các nghệ nhân kỳ cựu đang tiếp nối và có hứng thú với công việc mà gia đình đã làm. Họ có chung nỗi trăn trở với cha ông mình. Làm sao có thể để mất đi nghề dệt lụa đã có từ hơn 1.000 năm của người Vạn Phúc”.

làng lụa máy móc thủ công

làng lụa tơ tằm được dệt

Máy móc không thể thay thế!

Vạn Phúc không còn trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ. Tơ được mua từ những nhà máy ươm tơ ở Bảo Lộc, Lâm Đồng. Các công đoạn còn lại như nhuộm tơ, guồng tơ, dệt vải vẫn diễn ra tại làng Vạn Phúc và do các nghệ nhân cùng gia đình thực hiện.

Sự có mặt của máy móc, công nghệ hiện đại giúp quy trình dệt nâng cao công suất nhưng độ tinh xảo, hoàn mỹ của lụa tơ tằm lại nhờ nhiều vào đôi tay người thợ. Victoria Huyền Nguyễn đã theo bước nghệ nhân Vạn Phúc từ những bước canh vải, canh khung dệt: “Bề mặt vải là điều nói lên đẳng cấp của lụa”. Kinh nghiệm, sự tỉ mỉ của người thợ làm nên bề mặt đẹp. Người thợ canh khung dệt để hạn chế tối đa các lỗi sợi trên bề mặt. Kỹ thuật mắc khung dệt để tạo ra những bề mặt họa tiết tinh xảo được thực hiện kỹ lưỡng. Ngoài ra sự cố về sợi trong quá trình dệt cần được chú ý đặc biệt. Lỗi sợi dễ xảy ra và khiến bề mặt sau cùng không đủ tiêu chuẩn. Những điều này đòi hỏi người thợ phải chăm chú và cẩn trọng, máy móc không thể thay thế được.

làng lụa các máy dệt

làng lụa công đoạn lấy tơ

Lụa Vân

Khổ vải chung của các làng lụa truyền thống là 90cm – 120cm, lụa Vạn Phúc cũng vậy. Nhưng đặc trưng chỉ có ở nơi này là mặt dệt với hoa văn tinh xảo mà lụa Vân là hiện thân. Trong làng hiện chỉ còn một số ít nghệ nhân có thể tự làm được họa tiết và bìa dệt. Bìa dệt được tạo ra dựa trên chính ý tưởng của nghệ nhân dệt truyền đạt cho nghệ nhân thiết kế bìa. Đó là thứ lụa đặc trưng của làng, bề mặt óng ả với họa tiết nguyên sơ mang đến cảm xúc khó tả.

làng lụa quy trình sản xuất

làng lụa cơ sở sản xuất

Nhóm thực hiện

Bài: Thùy Trang Ảnh: Óng Ả Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE
Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.

BÌNH LUẬN (0)