Tại sao “Công giáo trong dòng chảy thời trang” được chọn làm chủ đề của Met Gala 2018?
Sự kiện thời trang Met Gala 2018 sắp được diễn ra đang thu hút sự quan tâm của giới mộ điệu bởi chủ đề thú vị liên quan tới tôn giáo.
Met Gala vẫn được biết đến là một trong những sự kiện thời trang uy tín hằng năm trên thế giới, không chỉ bởi đây là đêm hội nhằm quyên góp cho Viện Bảo tàng Nghệ Thuật Metropolitan mà số khách mời độc quyền gồm dàn người mẫu đình đám, những nhà thiết kế danh tiếng và những người có tầm ảnh hưởng tới ngành công nghiệp thời trang cũng trở thành tiêu điểm. Met Gala năm 2017 đã đánh dấu sự thành công ngoài sức tưởng tượng khi quyên góp được hơn 12,5 triệu đô la Mỹ cho bảo tàng và thu hút hơn nửa triệu du khách đổ xô đến triển lãm.
Và chủ đề, hay cũng chính là nguồn cảm hứng tạo dựng thành công cho Met Gala hàng năm, luôn được giới điệu mộ mong chờ trước thời khắc diễn ra sự kiện.
Cách chọn chủ đề
Chủ đề của năm nay “Cơ thể địa đàng: Thời trang và những tưởng tượng Công giáo” (Heavenly Bodies: Fashion and the Catholic Imagination) được đưa ra nhằm đánh thức mối giao thoa vô hình giữa thời trang và Công giáo.
Andrew Bolton, người phụ trách Viện trang phục của Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan ở New York, nhận thức được rằng chủ đề này sẽ gây tranh cãi bởi khi đặt cạnh nhau thì tôn giáo và thời trang hoàn toàn là hai phạm trù tách biệt.
Đây là lần đầu tiên tôn giáo trở thành một chủ đề của Met Gala. (Ảnh: Philip-Lorca diCorcia)
Tuy nhiên, theo Bolton, mọi triển lãm đều nên tồn tại những cuộc tranh luận: “Tôi nghĩ rằng điều quan trọng là thúc đẩy cuộc tranh luận và đưa ra những ý tưởng mang tính cấp thiết. Đó là vai trò của bất kỳ bảo tàng nào: mở rộng và kích thích ý tưởng của mọi người về một chủ đề thông qua các đối tượng“.
“Để chọn được một chủ đề sáng tạo là cả một quá trình phức tạp. Tôi luôn cố gắng tìm kiếm một chủ đề mang tính thời sự, và điều đó xác định qua một sự kiện văn hóa đang xảy ra hoặc sắp xảy ra“, Bolton giải thích. “Hơn cả, chúng tôi luôn cố gắng để thể hiện sự giao hoà giữa quá khứ và hiện tại, giữa các chương trình chuyên đề và các chương trình mang dấu ấn của riêng NTK”.
Cách chủ đề được phê duyệt
Khi Bolton và cộng sự hài lòng với một chủ đề, họ sẽ trình bày cho giám đốc bảo tàng phê duyệt. Mặc dù quá trình phê duyệt này diễn ra khoảng một năm trước đó nhưng quãng thời gian nghiên cứu của Bolton và nhóm của ông phải diễn ra trong nhiều năm. Và đội ngũ gồm 32 người cần phải mất đến 12 tháng để chuẩn bị cho buổi triển lãm kịp thời trước khi chương trình mùa Xuân diễn ra.
Anna Wintour đã trở thành cộng sự thân thiết của Bolton, đồng thời cũng là một nhân vật chủ chốt trong triển lãm Met Gala. “Mọi thứ sẽ rất khó khăn nếu không có sự trợ giúp từ cô ấy”, Bolton bày tỏ. Không chỉ với vai trò là nhà tài trợ chính, Anna cũng đã từng là đồng chủ tịch 19 lần và có công góp phần đưa tên tuổi của sự kiện Met Gala hàng năm trở thành “Oscar” của ngành công nghiệp thời trang.
Tổng biên tập quyền lực Anna Wintour sẽ tiếp tục là người “cầm trịch” chương trình năm nay. (Ảnh: HypeBeast)
Điểm thú vị của Met Gala là hội đồng tổ chức (đứng đầu là Anna Wintour) luôn đặt ra thách thức cho sự sáng tạo của người tham gia bằng cách đưa ra một chủ đề và mọi người mặc trang phục phù hợp với chủ đề đó. Điển hình như năm ngoái, nữ ca sĩ Rihanna đã tạo lên làn sóng ca ngợi khi nắm bắt được chủ đề của triển lãm thời trang Met Gala 2017 là “Rei Kawakubo/Comme des Garçons: Art of the In-Between”.
Rihanna là một trong số ít những sao có thể chinh phục được chủ đề của sự kiện Met Gala năm 2017. (Ảnh: Kevin Mazur)
Chủ đề của Met Gala 2018 đã được quyết định như thế nào?
Ngay cả sau khi một chủ đề đã được tất cả các bên đồng thuận thì các thay đổi vẫn có thể xảy ra. Chủ đề Heavenly Bodies ban đầu được dự kiến cho năm 2017, nhưng cuối cùng thì NTK Rei Kawakubo của thương hiệu Comme des Garçons lại trở thành chủ đề được suy tôn. Việc lập kế hoạch là quan trọng, Bolton lưu ý, nhưng sự linh hoạt cũng vậy.
Chủ đề của Met Gala 2017 nhằm tôn vinh những di sản nghệ thuật của NTK Rei Kawakubo đối với nền công nghiệp thời trang. (Ảnh: Getty Images)
“Triển lãm năm nay khá gần gũi với tôi“, Bolton chia sẻ. Đó là một chủ đề mà ông đã nghiền ngẫm từ “cuộc xung đột văn hóa những năm 1980”. Vào thời điểm đó, ông đang nghiên cứu 5 tín ngưỡng bao gồm: Phật giáo, Ấn Độ giáo, Hồi giáo, Do Thái giáo và Công giáo. Thế nhưng cuối cùng, sức ảnh hưởng và tiềm năng chất liệu dồi dào của Công giáo đã khiến ông phải suy xét lại.
Ảnh: Philip-Lorca diCorcia
Chủ đề của năm nay đã được chọn như thế nào?
Đây sẽ là triển lãm lớn nhất của Viện trang phục, có quy mô không chỉ gói gọn trong các phòng thời trung cổ tại Central Park của bảo tàng, mà còn ở Anna Wintour Costume Center và The Cloisters, một tu viện được xây dựng lại ở Thượng Manhattan. Bolton nhấn mạnh rằng “Chúng tôi luôn nỗ lực để có thể tiếp cận được chiều sâu của nền văn hóa”, do đó sự đóng góp của Tòa Thánh Vatican được coi là yếu tố then chốt nhằm đảm bảo tính tôn trọng và yếu tố xác thực của triển lãm năm nay.
“Vẻ đẹp có thể là cầu nối giữa người tin vào Chúa và những kẻ ngoại đạo,” Bolton bày tỏ. Ông hi vọng khán giả khi theo dõi buổi triễn lãm sẽ rời khỏi cảm giác về ảnh hưởng của tôn giáo trong cuộc sống, mà thay vào đó là thưởng lãm những thiết kế ngập tràn dấu ấn nghệ thuật. “Triển lãm hướng đến cách các nhà thiết kế nắm bắt tinh thần, biểu tượng và hình ảnh của Công giáo, nhưng ở cấp độ sâu hơn nhiều vì sự phát triển của Công giáo đã định hình sáng tạo của nhà thiết kế.”
Ảnh: Philip-Lorca diCorcia
—
Xem thêm:
Những lí do giải thích vì sao Met Gala là sự kiện thời trang đắt giá nhất hành tinh.
Chủ đề gây tranh cãi của đêm hội thời trang Met Gala 2018 được hé lộ.
Diệu Linh (Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE/Ảnh: Tổng hợp)