Lí do nào mà hình thức mua hàng online đang phát triển vượt bậc?
Nền tảng mua sắm trực tuyến và các kênh mạng xã hội đã trở thành công cụ hữu ích để trợ giúp các thương hiệu tiếp cận trực tiếp đến khách hàng của mình.
Trong tháng hai vừa qua, thương hiệu Coach cho ra mắt dòng túi xách thiết kế thuộc BST giới hạn có tên gọi là the Dreamer. Tín đồ thời trang ở khắp mọi nơi trên thế giới không cần phải đặt chân đến New York để tham dự show diễn của hãng trong khuôn khổ NYFW và tranh giành để sở hữu được chiếc túi đặc biệt này, thay vào đó họ chỉ cần theo dõi show diễn của hãng được tường thuật trực tiếp trên Instagram hay Facebook và tìm đến website bán hàng trực tuyến của Coach để đặt mua sản phẩm. Nhanh gọn và tiện lợi.
Coach là một trong số những thương hiệu lớn hiện nay chú trọng vào việc cung cấp dịch vụ mua hàng online đầy tiện ích. (ảnh: Getty)
Andrea Shaw Resnick – đại diện phát ngôn của thương hiệu Tapestry (sở hữu Coach) chia sẻ: “Chúng tôi đã sử dụng nền tảng mạng xã hội để tối ưu hóa sự tiếp cận, giúp tăng cường nhận thức của khách hàng về sự ra mắt của Dreamer. Chính nhờ đó mà một lượng khách hàng lớn đã truy cập vào website bán hàng của Coach.”
Ở giai đoạn mà các hình thức mua bán truyền thống đang gặp nhiều khó khăn trong việc thu hút khách hàng, Coach là một trong những thương hiệu tiên phong trong việc bỏ qua hình thức trưng bày sản phẩm tại các trung tâm mua sắm sầm uất. Hướng đi mới này bao gồm việc sử dụng trang web bán hàng trực tuyến, mạng xã hội và những cửa hàng sở hữu bởi thương hiệu. Nhờ đó mà thương hiệu lâu đời của Mỹ xây dựng được mối liên kết với những khách hàng trung thành, cũng như nắm quyền kiểm soát hình ảnh của thương hiệu và tăng trưởng doanh thu.
Ông lớn ngành giày sneaker Adidas có tận hai ứng dụng được tạo riêng để giúp các fan đặt trước những đôi giày phiên bản giới hạn còn chưa được bày bán tại cửa hàng. Đối thủ cạnh tranh của Adidas – Nike cũng thiết lập tài khoản Instagram như Nike Woman, Nike Soccer với đường dẫn link trực tiếp đến website bán hàng trực tuyến của hãng. Ông lớn Michael Kors thì ngày càng giảm bớt số lượng sản phẩm bao gồm túi xách và phụ kiện đến các cửa hàng bán lẻ.
Trong khi đó, thương hiệu đồng hồ Fossil lại tín nhiệm các ngôi sao Hollywood trẻ tuổi để giúp quảng bá hình ảnh và sản phẩm của thương hiệu đến gần hơn với thế hệ Millennials và Generation Z. Ngôi sao trẻ đang lên Yara Shahidi của series phim Grow-ish và Black-ish là người được tín nhiệm bởi Fossil để làm điều đấy.
Một cửa hàng concept store hoành tráng của Nike (ảnh: Highsnobiety)
Mia Booker là một trong những khách hàng yêu thích mua sắm trực tuyến từ các website chính hãng. Cô là một chuyên gia trang điểm có tên tuổi tại New York. Cô chia sẻ rằng nền tảng Instagram chính là công cụ hữu hiệu nhất để cô biết đến sự tồn tại của các sản phẩm mới vừa được ra mắt. Bằng cách đó mà cô theo dõi được từng động thái của Fenty Beauty ngay từ những ngày đầu ra mắt. Fenty Beauty là dòng sản phẩm trang điểm của ngôi sao Rihanna. Cô đã tìm đến rất nhiều cửa hàng Sephora để tìm kiếm dòng son mới được giới thiệu của Fenty nhưng phải thất vọng quay trở về. May thay, Fenty Beauty có trang web bán hàng chính thức và điều đó khiến cho những người có thói quen mua hàng tại các cửa hàng ký gửi hay trung tâm thương mại bắt đầu chuyển hướng tìm đến các trang web trực tuyến của các thương hiệu. Tiện lợi và nhanh chóng hơn gấp nhiều lần, tuy rằng có những lúc trang web bán hàng trở nên quá tải khi số lượng người truy cập vào quá đông trong các dịp sale hay ra mắt sản phẩm mới thuộc dòng giới hạn.
Sephora là chuỗi cửa hàng bán lẻ cung ứng nhiều sản phẩm làm đẹp và mỹ phẩm từ nhiều thương hiệu nổi danh trên thế giới. (ảnh: GRUPO AXO)
Mia Booker chỉ là một đại diện trong số rất nhiều khách hàng ưu ái hình thức mua sắm trực tuyến, thông qua các thiết bị điện tử và các ứng dụng tiện ích. Điều đó cho thấy thời kỳ hoàng kim của các cửa hàng bày bán tại trung tâm mua sắm và cửa hàng flagship đã dần trôi vào quá khứ. Các thương hiệu nhờ đó cũng nắm trong tay quyền quyết định liệu cửa hàng nào, ở đâu có đủ điều kiện để phân phối sản phẩm của họ.
Thuận tiện để kết nối với khách hàng
Sự đổi mới của Instagram vào cuối năm ngoái là một bước ngoặt ngoạn mục, khiến cho cuộc chơi mua sắm trực tuyến trở nên dần thịnh hành hơn bao giờ hết. Đó là khi Instagram bổ sung thêm chức năng hỗ trợ là nút mua hàng (shop button) ỏ trên mỗi hình ảnh được chia sẻ.
Những tấm ảnh được đầu tư kỹ lưỡng về concept, bố cục và đồ họa trở thành một công cụ sắc bén và hiệu quả nhất để thu hút được sự quan tâm từ khách hàng. Nhiều hơn 200 triệu người dùng Instagram có quyền truy cập và theo dõi các sản phẩm từ trang của các doanh nghiệp mỗi ngày.
Nút shop now được cập nhật trên Instagram đã làm thay đổi cuộc chơi mua hàng online của các thương hiệu. (ảnh: nanigans)
Nhờ tính năng hỗ trợ mới này của Instagram mà những thương hiệu thời trang có thể giao thương trực tiếp với khách hàng của mình thông qua trang web chính thức của hãng. Theo thống kê của NPD (National Purchase Diary Panel Inc) về tình hình tăng trưởng thương mại theo hình thức trực tuyến vào năm 2017 đã cho thấy sự tăng trưởng mạnh mẽ lên đến 31% so với năm 2016 trên các trang web bán hàng trực tuyến của các thương hiệu. So sánh với con số 24% là mức tăng trưởng của các trang web bán hàng trực tuyến không thuộc quản lý của các thương hiệu (các trang web này thường bán nhiều sản phẩm của nhiều thương hiệu thời trang khác nhau mà ví dụ điển hình là Farfetch, Net-a-porter…)
Farfetch hay Net-a-porter đều là những trang web bán hàng đa hãng. (ảnh: Farfetch)
“Kể từ khi tính năng bán hàng trực tuyến được cập nhật trên Instagram, chúng tôi đã nhận thấy được sự thích ứng nhanh chóng từ người tiêu dùng và các doanh nghiệp tại Mỹ”, Susan Rose – giám đốc marketing của Instagram chia sẻ.
Thương hiệu Fossil có tình hình kinh doanh tăng trưởng lên tới 20% nhờ vào các phương tiện như Facebook và Instagram lại cảm thấy vô cùng tích cực về sự chuyển giao này. Nền tảng bán hàng kỹ thuật số không những giúp doanh thu tăng trưởng mà còn giúp thương hiệu nắm được hành vi mua sắm và sở thích của người tiêu dùng. Những thông tin này vô cùng có lợi cho việc thương mại hóa và quảng cáo sản phẩm.
Tìm kiếm những đối tượng khách hàng thân thiết trẻ tuổi
Xã hội hiện đại đang dần nhìn thấy sự lên ngôi của thế hệ Millennials và Generation Z non trẻ. Một điều dễ hiểu khi thế hệ trẻ không chịu nhiều ảnh hưởng hay tác động bởi danh tiếng của một thương hiệu như thế hệ ông bà, cha me của mình. Điều đó là một bài toán hóc búa, một cuộc đua quyết liệt giữa các thương hiệu gắng sức để tìm cách để kết nối được với nhận thức của nhóm đối tượng khách hàng này.
Xã hội hiện đại đang dần chứng kiến sự lên ngôi của thế hệ Y (Millennials) và thế hệ Z. (ảnh: Growth Business)
Thương hiệu phụ kiện túi xách Brahmin thì dường như đã tìm ra cách tiếp cận với khách hàng trẻ tuổi, bằng hình thức bên ngoài của sản phẩm là những bảng màu rực rỡ, trẻ trung. Thương hiệu Nike thì đưa việc đẩy mạnh giao thương trực tiếp với khách hàng là tôn chỉ hàng đầu. Doanh thu đạt được từ website chính thức của Nike và các ứng dụng tiện tích trên điện thoại đã thu về được hơn 2 tỷ đô la Mỹ trong năm vừa qua. Thực chất, thương hiệu này không bỏ qua cách thức bán hàng truyền thống, nhưng dành nhiều ưu tiên cho việc chuyển giao từ hình thức bán hàng tại các cửa hàng và trung tâm thương mại sang dịch vụ trực tuyến.
Nhận thức được việc này, các ông lớn tập đoàn bán lẻ bắt đầu thành lập ra những thương hiệu do mình sở hữu, bày bán các sản phẩm được trưng bày trong chính những trung tâm thương mại của mình để du nhập trào lưu và đảm bảo doanh thu. Walmart thời gian qua đã thành lập tận những bốn dòng sản phẩm quần áo mới, trong đó có một dòng dành riêng cho trẻ em. Đối thủ của Walmart là Target cũng chẳng tỏ ra yếu thế hơn khi liên tục kết hợp với các nhà thiết kế nổi danh như Lily Pulitzer và Victoria Beckham để cho ra mắt những dòng sản phẩm số lượng có hạn. Target cũng cho ra mắt nhiều thương hiệu mới mà nổi bật nhất là Hearth & Hand kết hợp cùng Magnolia.
BST của Target kết hợp cùng NTK Victoria Beckham. (ảnh: Fashionista)
Những chiến lược có đầu tư, tuy thế lại không dễ dàng thuyết phục được những khách hàng như Mia Booker được đề cập ở trên. Cô nói rằng 75% tất cả hoạt động mua sắm của mình đều được tiến hành trên các kênh trực tuyến: “Tất cả mọi thủ tục mua sắm chỉ gói gọn với vài thao tác đơn giản trên mạng. Tôi mua tất cả mọi thứ từ đây, trừ quần áo vì phải thử trực tiếp sản phẩm trước khi quyết định có mua hay không. Những cửa hàng chỉ là hình thức trung gian theo đúng nghĩa.”
—
Xem thêm:
Nhận thức về lối sống “bền vững”.
Công nghệ thời trang hiện đại đã có những đột phá như thế nào?
Fellini Rose (Nguồn Tạp chí Phái đẹp ELLE/ Tham khảo: CNBC/ Hình ảnh: Sưu tầm)