Áo thun trắng ngắn tay (plain white T-shirt) là trang phục cơ bản trong tủ đồ quần áo của cả nam và nữ. Lịch sử áo thun trắng đã trải qua 114 năm phát triển, từ đồ mặc trong của nam giới dùng cho hoạt động lao động công ích, đến biểu tượng văn hóa, thể hiện những tính cách khác nhau từ phóng khoáng, cổ điển đến gợi cảm.
Khởi nguồn từ đồ mặc trong của nam giới và sử dụng trong quân đội
Cho đến thế kỷ 20, đồ mặc trong phổ biến là bộ union suits liền mảnh. Bộ union suits liền mảnh được đan móc và rất khó vận vào người. Thiết kế đã được đăng ký bằng sáng chế vào năm 1868 ở New York và rất nhiều điều cần phải cải thiện về độ thuận tiện.
Đến năm 1904, mọi người bắt đầu tách bộ đồ union suits thành hai mảnh giúp cho việc thay đồ trở nên dễ dàng hơn. Trước khi sản xuất đồng loạt (mass-manufacturing) xuất hiện, việc sở hữu một thiết kế mặc trong (như áo Henley) quả thật quý giá.
Bên cạnh đó, nam giới thời kỳ này hiếm có thể tự sửa chữa phục trang cho mình. Chính vì vậy, thương hiệu Cooper Underwear Co. đã thiết kế chiếc áo với ít mảng ghép (fewer moving parts) giúp cho những người độc thân chưa có vợ biết may vá có thể tự sửa được. Tiếp đó là sự xuất hiện của áo cổ lọ (crew neck) và áo thun tay áo dài. Tên gọi tiếng Anh – T-shirt nổi tiếng của áo thun ngắn tay đã xuất hiện trong tiểu thuyết năm 1920 của nhà văn Mỹ F.Scott Fitzgerald, Phía bên này thiên đường (This Side of Paradise).
Ban đầu, với những điều lệ nghiêm khắc, chiếc áo thun chỉ được mặc bên ngoài đồng phục ở những điều kiện làm việc nóng bức như phòng hơi, sau đó là sự chấp nhận của chỉ huy. Trong vòng 30 năm, khi chiếc áo thun trắng xuất hiện trong quân đội cho đến khi kết thúc Thế chiến thứ II, những giới hạn này được nới lỏng.
Chiến tranh thế giới thứ II nhấn mạnh vai trò của áo thun trắng trong đời sống thường ngày. Nam giới trong các công việc dịch vụ mang chiếc áo lót mặc trong này về nhà, trong khi những người nghiêm túc hơn vẫn mặc dưới lớp áo ngoài. Tính đa năng của chiếc áo thun trắng được hải quân Mỹ phát hiện đầu tiên. Nó dễ giặt bỏ vết bẩn và thuận tiện cho các hoạt động thể lực và vui đùa trong quân đội.
Hình tượng văn hóa với thế hệ nổi loạn
Chiếc áo thun trắng gắn liền với những hình tượng văn hóa trong điện ảnh. Bộ phim năm 1947 – Chuyến tàu mang tên ảo vọng (A Streetcar Named Desire) ra mắt ở Broadway đã đưa “gã hư” Marlon Brandon với kỹ thuật diễn xuất nhập vai (method-acting) lên đến đỉnh cao. Phục trang góp phần không nhỏ tạo nên ấn tượng điện ảnh. Nhà thiết kế phục trang đã kết hợp quần Levi’s 501 bó sát và chiếc áo thun trắng ngắn tay (T-shirt) bụi bặm. Chiếc áo thun không chỉ tôn vinh vẻ quyến rũ của Marlon Brandon mà còn nhấn vào sự gợi cảm ít được thể hiện trên sàn diễn hay phim ảnh vào thời điểm đó.
Năm 1955, trong bộ phim Nổi loạn không cần lý do (Rebel Without a Cause), James Dean đã thể hiện hình ảnh chàng trai tuổi teen nổi loạn với chiếc áo thun trắng. Thời điểm đó, chiếc áo này cũng gắn liền với thế hệ vị thành niên bất cần.
Áo thun trắng là đồng phục về sự phóng túng và phá vỡ trật tự của thế hệ trẻ nổi loạn, những người có cha mẹ đã đi qua cuộc Đại khủng hoảng và Chiến tranh thế giới thứ II. Đến giữa thập niên 1960, chính những đứa trẻ nổi loạn đóng góp phần lớn cho bức tranh mua sắm và việc bán quần áo cho đối tượng này thu được lợi lớn. The Bealtes và Disney bán các thiết kế cho thế hệ tuổi vị thành niên nổi loạn, đồng thời để quảng cáo. Bức ảnh bên dưới là sweatshirt, không phải áo thun, nhưng nguyên lý vẫn là như vậy.
Thiết kế dành cho cả hai giới và sự kết hợp từ đời thường đến cao cấp
Chiếc áo thun trắng (T-shirt) từ phục trang mặc trong dành cho nam giới trở thành trang phục cơ bản trong tủ đồ cả hai giới. Diễn viên Jane Birkin hay nữ ca sĩ Francoise Hardy là những hình tượng đã biến tấu chiếc áo thun trắng với phong cách bohemian. Chiếc áo thun trắng là sản phẩm chủ đạo với các cô gái Pháp thanh lịch.
BÀI LIÊN QUAN
Vốn được coi là sản phẩm của thời trang nhanh (fast fashion) có thể sản xuất hàng loạt và dễ tìm kiếm, chiếc áo thun trắng được nâng cấp khi kết hợp với áo tweed bên ngoài bởi NTK Karl Lagerfeld vào năm 1991. Kanye West cũng mang phong cách hip hop đến với thiết kế của A.P.C. Victoria Beckham. Điều này cho thấy áo thun trắng có thể kết hợp với nhiều kiểu cách khác nhau: áo thun trắng in thông điệp, kết hợp với áo blazer, kết hợp với váy hoa…
Những chiếc áo thun trắng được thiết kế theo cách cũ
Chiếc áo thun ngắn tay, đặc biệt kiểu dáng áo trơn truyền thống không khó tìm kiếm. Rất nhiều thương hiệu mang tới thiết kế cổ điển tinh tế với giá thành cao nhờ vào chất lượng vải và kỹ thuật may.
Lady White Co.
Với một chiếc áo thun trắng đơn giản, bạn không thể nào bỏ qua thiết kế của Lady White Co. Chiếc áo thun trắng này được làm ở Los Angeles từ chất vải cotton của Mỹ và được lắp ráp theo cách cũ không cần đường nối dọc theo thân. Lady White còn đưa ra nhiều màu sắc lựa chọn bên cạnh màu trắng, có túi hoặc không có túi trên ngực áo.
Merz B. Schwanen
Một thiết kế phổ biến, chất lượng cao là áo thun đến từ thương hiệu Merz B. Schwanen. Những chiếc áo này được làm hoàn toàn ở Đức với sự thoải mái và ít đường viền cạnh. Thiết kế áo sau khi giặt có thể rút còn một nửa, vì vậy hãy cẩn thận.
—
Xem thêm:
Những chiếc áo thun slogan đã ra đời như thế nào trước khi “bén rễ” vào thời trang 2018?
ELLE Style Calendar: Mặc đẹp với áo thun trắng (13/02 – 19/02)
Nhóm thực hiện
Tổng hợp: Nguyễn Thảo Trang Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE Tham khảo: Heddels, Vogue Ảnh: Tổng hợp