#Playback: Hubert de Givenchy – Bí mật Paris của Jackie Kennedy và những công trình Couture trên màn ảnh

Đăng ngày:

Đặt nền móng cho thương hiệu từ năm 1952, thành tựu mà Hubert de Givenchy để lại cho thế giới thời trang vẫn là “sách gối đầu giường” của thế hệ hiện tại.

Với huyền thoại Audrey Hepburn, Hubert de Givenchy không những là một sứ giả của cái đẹp mà còn là một người bạn tương giao sâu sắc. Với cựu Đệ nhất phu nhân Hoa Kỳ Jackie Kennedy, Givenchy lại là một bí mật nhỏ của nước Pháp, người mang đến cho bà sự tươi mới thông qua những bộ trang phục vừa thanh tao vừa cổ điển một cách rất Paris. Còn đối với giới mộ điệu nói chung, Hubert de Givenchy mãi là “người đàn ông thanh lịch”, “tượng đài Couture” và là người có công đưa kinh đô ánh sáng thành trung tâm thời trang thế giới những năm 1950 với các thiết kế đầy tinh tế và sang trọng. 

“Con nhà nòi” tự dựng nghiệp bằng tấm vải bình dân

Hubert de Givenchy (1927 – 2018) là con trai út trong gia đình dòng dõi quý tộc có nguồn gốc từ Venice, Italy. Mồ côi bố năm 3 tuổi, Givenchy và anh trai được nuôi dưỡng bởi mẹ và bà ngoại là Marguerite Dieterle Badin – một nghệ sĩ, giám đốc của nhà máy Gobelins nổi tiếng và cũng là người đứng đầu các nhà máy sản xuất vải ở Beauvais (Pháp). Trước đó, ông ngoại quá cố của ông cũng từng là một nhà thiết kế, người đã tạo ra các bộ trang phục cho công nhân nhà máy ở Beauvais và 13 bộ trang phục cho Cung điện Elysée. Lớn lên trong môi trường thấm đẫm nghệ thuật đã giúp Givenchy “mài giũa” tâm hồn nghệ thuật của mình.

Hubert de Givenchy  thời trẻ

Hubert de Givenchy lớn lên dưới niềm đam mê thời trang đầy ắp của mẹ ông. (Ảnh: Givenchy Archive)

Năm 10 tuổi, Givenchy cùng gia đình tham gia World’s Fair ở Paris, có sự góp mặt của Chanel, Elsa Schiaparelli và một số nhà thiết kế khác. Tại đây, cậu bé Hubert nhìn thấy tương của mình trong những “bà đầm” của thế giới thời trang. Vài năm sau đó, ông theo học trường mỹ thuật nổi tiếng nhất nước Pháp mang tên École des Beaux-Arts – “cái nôi” đào tạo nên nhiều thế hệ họa sĩ nổi tiếng như Géricault, Degas, Delacroix, Fragonard, Monet, Moreau,… Năm 18 tuổi, Givenchy bắt đầu học nghề tại thương hiệu Jacques Fath, một trong ba cái tên có tầm ảnh hưởng lớn đến thời trang Pháp sau Thế chiến thứ 2. Thiết kế đầu tiên của ông cũng ra đời tại đây. Những năm sau đó, ông có cơ hội làm việc cho Robert Piguet, Lucien Lelong, Pierre Balmain và cả Christian Dior. Từ năm 1947 đến năm 1951, Givenchy gia nhập cùng Elsa Schiaparelli rồi trở thành “đồng phạm” của những sáng tạo nổi loạn và siêu thực.

hubert de givenchy năm 1950

Hubert chỉnh sửa mẫu thiết kế của mình năm 1950. (Ảnh: Jack Robinson)

Năm 1952, Hubert de Givenchy mở cửa hàng đầu tiên ở khu Plaine Monceau, thủ đô Paris và được xem là nhà thiết kế trẻ nhất lịch sử thời trang Pháp có thương hiệu riêng thời bấy giờ. Không lâu sau đó, ông ra mắt BST đầu tay mang tên Bettina Graziani. Givenchy ghi tên mình vào bản đồ thời trang thế giới chỉ với 9 thiết kế trong một phòng trưng bày nhỏ. Ấn tượng nằm ở việc ông sử dụng toàn bộ vải siêu rẻ, có giá thấp hơn gấp 3 lần các đối thủ nhưng đem lại tính thẩm mỹ và chất lượng không thua kém.

cửa hàng givenchy

Cửa hàng đầu tiên của thương hiệu Givenchy được khai trương vào năm 1952 tại khu Plaine Monceau, thủ đô Paris. (Ảnh: Getty Images)

thiết kế givenchy

Cảm hứng sáng tạo của BST đầu tiên đến từ cô người mẫu nổi tiếng thời bấy giờ Bettina Graziani. (Ảnh: Getty Images)

hậu trường show diễn thời trang

Hậu trường show diễn thời trang đầu tiên của thương hiệu Givenchy năm 1952. (Ảnh: Getty Images)

Cuộc gặp gỡ định mệnh và quyết định thay thế “mã gen”

Sau thành công của BST đầu, nhà thiết kế 25 tuổi lên đường đến New York và tại đây, ông gặp thần tượng của mình – Cristóbal Balenciaga. Cuộc gặp gỡ đã mang đến cho Givenchy một người bạn, người thầy và tạo nên bước ngoặt quan trọng trong phong cách thiết kế của ông mãi về sau. Từ những phom dáng cơ bản, Givenchy phát triển chúng thành các kết cấu đột phá, tân thời nhưng luôn “chic” và tinh tế. Chia sẻ với Women’s Wear Daily vào năm 2007, Givenchy từng nói: “Tôi coi tài năng của mình như một món quà của thượng đế. Balenciaga chính là tôn giáo của tôi. Đối với tôi, có Balenciaga là có Chúa trời”.

NTK Givenchy

NTK Givenchy tại cửa hàng của ông vào năm 1952. (Ảnh: Associated Press)

Trong những năm 1950, Givenchy đã tạo nên “làn gió mới” trong phong cách ăn mặc của phụ nữ Âu Mỹ nói chung. Những thiết kế mang tính biểu tượng như áo tay phồng, áo khoác ballon giấu đường cong, váy babydoll và quần lửng ống loe đã thay thế cho loại áo ôm eo cùng những đường cong nhân tạo lúc bấy giờ. “Sự khủng khiếp đáng ngưỡng mộ của Haute Couture” đã ra đời và chinh phục các nữ diễn viên trên khắp thế giới.

haute couture thập niên 50

Hàng loạt tạp chí đình đám đã dành hết lời ca tụng Givenchy, gọi ông là biểu tượng của thế hệ những nhà thiết kế thanh lịch bậc nhất lịch sử. (Ảnh: Givenchy Archive)

Givenchy Haute Couture Thu-Đông 1992

Sàn diễn Givenchy Haute Couture Thu-Đông 1992 tại Paris, Pháp. (Ảnh: Daniel Simon)

Nàng thơ tuyệt vời trong sự nghiệp

Trong cùng khoảng thời gian, Hubert tiếp tục có cơ duyên gặp được tượng đài Audrey Hepburn. Hình ảnh nữ diễn viên trong chiếc đầm trắng thanh lịch của nhà mốt khi tham gia bộ phim Love in Paris đã tạo ra định nghĩa về một “nàng thơ” Givenchy. Phong cách thời trang của nữ minh tinh cũng là những điều tinh túy, chất lượng nhất và đại diện cho thương hiệu. 

Audrey Hepburn

Có cơ duyên gặp nhau vào năm 1953, Givenchy và Audrey Hepburn đã cùng nhau tạo nên những bộ trang phục đi vào lịch sử của cả ngành thời trang và điện ảnh. (Ảnh: Getty Images)

Audrey Hepburn thời trẻ

Givenchy đã truyền tải được vẻ đẹp cổ điển, thanh lịch nhưng vẫn giữ được sự trẻ trung và mới mẻ cho phái đẹp thông qua dung mạo của nàng thơ Audrey Hepburn. (Ảnh: Getty Images)

Trong suốt ba thập niên kể từ khi quen nhau, Hepburn và Givenchy đã vô số lần tạo nên những khoảnh khắc thời trang kinh điển. Trong đó, không kể không nhắc đến chiếc váy đen trong Breakfast at Tiffany’s năm 1961. Mặc dù Coco Chanel là người sáng tạo “little black dress”, song đối với Hepburn, cô chỉ biết tới Hubert de Givenchy và cũng là người đã đưa LBD lên hàng biểu tượng. Hepburn say mê những thiết kế trẻ trung của Givenchy đến nỗi cô mặc chúng trong hầu hết các phim của mình như Funny Face, Love in the Afternoon, Paris When it Sizzles, Charade, Love Among Thieves,… Ngoài Audrey Hepburn, danh sách khách hàng của nhà mốt nước Pháp còn nhiều tên tuổi thuộc giới quý tộc, thượng lưu, điển hình như cựu Đệ nhất Phu nhân Jacqueline Kennedy và Công nương Grace Kelly.

đầm LBD trong breakfast at tiffany

Chiếc đầm ôm dáng đơn giản cùng 4 sợi dây chuyền ngọc trai vắt sau vai, găng tay dài màu đen đã trở thành thước đo lý tưởng của tầng lớp thượng lưu ở New York. (Ảnh: Getty Images)

sabrina

Sabrina là bộ phim đầu tiên đánh dấu sự hợp tác của “cặp bài trùng” Hubert de Givenchy – Audrey Hepburn. (Ảnh: Getty Images)

audrey hepburn năm 1985

Givenchy chào báo giới với Audrey Hepburn sau khi giới thiệu BST Xuân-Hè 1986 của mình. (Ảnh: Bertrand Rindoff Petroff)

Các thiết kế xoay chuyển thời cuộc của nhà mốt givenchy

Một trong những thiết kế đầu tiên của Givenchy trở thành hiện tượng trong thập niên 50 chính là chiếc áo blouse với hàng nút cao, tay phồng, kiểu dáng xếp tầng và ôm ở phần cổ tay. Nó mang đến cảm giác sang trọng, cổ điển nhưng vẫn có gì đó trào phúng được lấy cảm hứng và đặt theo tên người mẫu Bettina Graziani.

áo bettina của givenchy

Áo Bettina nhanh chóng trở thành thiết kế được săn đón nhất của Givenchy những năm 1950. (Ảnh: Vogue)

Năm 1958, Givenchy tạo ra chiếc váy babydoll đầy nữ tính và ngọt ngào. Ông tin rằng thiết kế này sẽ giải phóng người phụ nữ khỏi sự tù túng, không còn bị cuốn vào những mảnh vải phủ trên khung thép mà sẽ mang đến cho họ những chuyển động uyển chuyển, nhanh chóng và trôi chảy như đang khoác một đám mây bồng bềnh. Nó là một phiên bản riêng biệt của chiếc chiếc váy xếp nếp cao cấp do thần của ông – Cristóbal Balenciaga sáng tạo trước đó.

baby doll

Chiếc váy babydoll của Givenchy tạo nên xu thế mạnh mẽ trong làng thời trang cuối những năm 1950. (Ảnh: Getty Images)

Cũng trong năm 1958, Givenchy cho ra đời “chiếc áo bóng bay” (Balloon Coat) bằng vải len với phom dáng tròn trĩnh như một quả khinh khí cầu. Nó có phần vai dốc mềm mại, dáng rộng và cao vừa phải trên đầu gối, đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến thời đại phá cách “Swinging Sixties” của thập niên 60

áo khoác balloon coat

Chiếc áo Balloon Coat năm 1958. (Ảnh: Getty Images)

Năm 1961, Đệ nhất phu nhân Jacqueline Kennedy bước vào lịch sử thời trang cùng chiếc đầm satin trắng được thêu hoa văn tinh xảo đến thăm Cung điện Versailles ở Paris. Minh tinh Elizabeth Taylor lại từng mặc thiết kế áo lông màu trắng của Givenchy có mũ trùm đầu để tham dự một sự kiện cùng bạn diễn của mình. Cả hai tạo tác này trở thành di sản một phần vì người phụ nữ đã mặc chúng nhưng lý do lớn hơn đến từ sự tân thời hào hoa trong những đường nét kiến trúc và sự đơn giản sắc bén. 

Jackie Kennedy

Jacqueline Kennedy diện thiết kế mang hơi thở của chiếc đầm đen kinh điển mà Audrey Hepburn đã mặc trong Breakfast at Tiffany’s. (Ảnh: Getty Images)

liz taylor

Givenchy cũng là nhà thiết kế thân thiết với nữ minh tinh Liz Taylor. (Ảnh: Getty Images)

Nhóm thực hiện

Bài: Phùng Nhi
Ảnh: Tổng hợp
Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE

icons8-bell-90
Luôn giữ kết nối! Đăng ký để ELLE chia sẻ cùng bạn những bài viết thú vị.
XEM THÊM
no more