“Vén màn” bí mật về gia tộc Gucci – Phần 3: Nhìn lại 100 năm kỷ nguyên thời trang rực rỡ

Đăng ngày:

Mười thập kỉ khai phá và xây dựng đế chế của mình, Gucci cùng các nhà thiết kế tài hoa đã tạo nên nhiều thành tựu ấn tượng để hoàn thiện và duy trì triết lý về một tinh thần thẩm mỹ không giới hạn.

Khởi đầu từ một cửa hiệu đồ da nhỏ ở Florence từ năm 1921, Gucci từng bước du ngoạn khắp thế giới và trở thành “gã khổng lồ” của làng thời trang. Trải qua vô số biến động trong lịch sử, song nhà mốt nước Ý vẫn luôn bảo tồn được những di sản cốt lõi làm nên tên tuổi của mình, dù chúng được thể hiện đầy khác biệt và phảng phất cái tôi thời trang riêng của mỗi thế hệ Giám đốc Sáng tạo. Nhân kỉ niệm 100 năm lịch sử Gucci, hãy cùng ELLE nhìn lại những cột mốc lẫy lừng “chạm khắc” nên dáng hình của thương hiệu xa xỉ bậc nhất nước Ý. 

Gia tộc Gucci và cuộc cách mạng thời trang của những chuyến đi 

Tháng ngày “phiêu bạt” thời trẻ của Guccio đã mang về nguồn cảm hứng bất tận tạo nên những sáng tạo nền móng cho nhà mốt. Khi giới nhà giàu phương Tây đang mải mê theo đuổi thú vui đua ngựa, Gucci cũng tìm được cách chơi riêng của mình trên đường đua đồ da ngày càng “đông đúc”. Đặt sự thời thượng “vượt thời gian” lên đầu, những người cầm lái của thương hiệu đã phóng to cận cảnh vào chi tiết trọng yếu nhưng ít ai để ý đằng sau mỗi “tiếng hí” dài đầy thách thức tại các trường đua ngựa. Đó là chiếc móc sắt quai hàm thô sơ (horsebit) có thể tháo rời ở những năm 1930 cùng những dải màu sọc xanh – đỏ được nhuộm lại từ đai yên ngựa vào năm 1951.

Túi xách và giày kẻ sọc Gucci

Túi xách và giày da Gucci với chi tiết kẻ sọc năm 1965. (Ảnh: Joseph Leombruno và Jack Bodi)

Romy Schneider trong Gucci Horsebit Loafer

Romy Schneider trong đôi Gucci Horsebit Loafer năm 1968. (Ảnh: Crollalanza / Shutterstock)

Nhà mốt nước Ý đã khai thác triệt để mọi chi tiết làm nên văn hóa cưỡi ngựa phóng khoáng đầy “vương giả” và mang chúng tiến công toàn diện tới mọi địa hạt của thời trang. Lần đầu tiên trong lịch sử thời trang, bản giao hưởng “đồng bộ” từ phụ kiện đến quần áo mang dấu ấn của độc nhất một thương hiệu đã vang lên đầy uy lực như khơi mào những khao khát phù phiếm thầm kín của tầng lớp thượng lưu. 

Thiết kế Gucci những năm 1971

Veruschka mặc trang phục, đeo thắt lưng và túi Gucci năm 1971. (Ảnh: Henry Clarke)

Roi ngựa Gucci

Chiếc roi ngựa cũng trở thành món phụ kiện độc đáo của nhà Gucci. (Ảnh: Elisabetta Catalano)

Rời khỏi cuộc viễn chinh kì thú và phóng khoáng trên lưng ngựa, thời trang “xê dịch” với những chiếc túi xách và vali da mang “hơi thở” tinh tế và sang trọng của Anh Quốc trở thành đích đến tiếp theo của thương hiệu. Gucci đã chứng minh khả năng thích ứng đáng nể khi vượt qua thời kỳ khan hiếm vải da của thập niên 40 và 50 bằng cách sử dụng tre và sợi gai dầu thay thế. Không chỉ thành công thay thế chất liệu da xa xỉ, các sản phẩm từ tre và sợi gai dầu lạ lẫm này còn nhanh chóng “cháy hàng” trên thị trường. 

Vanessa Redgrave túi Bamboo

Vanessa Redgrave cùng chiếc túi quai tre phiên bản đời đầu năm 1966. (Ảnh: Terence Spencer / The LIFE Images Collection via Getty Images)

gucci the jackie bag

Cựu Đệ nhất phu nhân Jacqueline Kennedy Onassis trong chiếc túi The Jackie Bag năm 1975. (Ảnh: Bettmann)

Thời kỳ này cũng chứng kiến sự ra đời của hai họa tiết đặc trưng, trường tồn cùng sự phát triển của Gucci. Đó chính là hoạ tiết Guccissma với logo lồng GG được tạo ra vào năm 1953 cùng vườn hoa thơ mộng xuất hiện trong những chiếc khăn lụa của công nương Grace Kelly trong những năm 1960. 

Gérard Falconetti và Gunilla Lindblad túi Gucci 1972

Gérard Falconetti và Gunilla Lindblad quảng cáo mẫu túi du lịch với họa tiết logo của Gucci năm 1972. (Ảnh: Alex Chatelain)

Cựu siêu mẫu Claudia Schiffer trong thiết kế váy in hoa của Gucci năm 1990.

Sau chiếc khăn lụa trứ danh của Công nương Grace Kelly, họa tiết hoa tiếp tục xuất hiện trên những BST trang phục đầu tiên của nhà mốt. (Ảnh: Arthur Elgort)

tom ford – Kẻ bán sự gợi cảm

Tiếp quản một Gucci đang “thoi thóp” sau cuộc nội chiến vào năm 1994, Tom Ford trực tiếp cấy ghép khái niệm “gợi cảm” vào ADN của nhà mốt để đem lại một sức sống mới tràn trề chưa từng có. Sàn diễn của Gucci như biến thành một cuộc triển lãm hình thể với những đường cong ma mị ẩn sau các lát cắt táo bạo.

Gucci váy cut out

Những đường cut-out bạo tay trong BST Thu-Đông 1996. (Ảnh: Getty Images)

Gucci ready-to-wear Xuân 2001

Chất liệu vải xuyên thấu để lộ lớp áo lót trong BST Ready-to-wear mùa Xuân 2001. (Ảnh: JB Villareal / Shoot Digital for Style.com)

BST mùa Thu 2003 của Tom Ford

Vỏng cổ dây nịt biểu tượng của trò chơi tình dục được đưa lên sàn diễn trong BST Ready-to-wear mùa Thu năm 2003. (Ảnh: Marcio Madeira)

Những khát khao thể xác đằng sau lớp “mặt nạ” bằng vải cũng bị Tom Ford trần trụi phơi bày bằng các hình ảnh quảng cáo khiến người xem không khỏi ngượng ngùng khi đối diện. Gucci giờ đây lại hiện ra như một kẻ đói khát “dục vọng” đang ra sức kéo theo những tâm hồn tội lỗi khác chìm vào bể khoái lạc của mình. 

Quảng cáo Gucci Xuân Hè 2003

Người mẫu với phần lông vùng kín được cạo thành hình chữ G trong BST Xuân-Hè 2003 là một trong những chiến dịch quảng bá gây tranh cãi nhất làng mốt. (Ảnh: Mario Testino)

Tom Ford cũng là người đưa tuyên ngôn nữ quyền của các quý cô Gucci đến với thế giới nhờ vào phong cách menswear cá tính. Suit nhung trở thành một biểu tượng của sắc đẹp và quyền lực, vẻ đẹp kín cổng cao tường đầy mị lực ấy như khẳng định sự hở hang “táo tợn” trước đó không phải chiêu trò khêu gợi ham muốn xác thịt mà chỉ là một trong những cách ông lựa chọn để tôn vinh sự quyến rũ tự nhiên của nữ giới. 

Gwyneth Paltrow suit nhung Gucci

Khoảnh khắc kinh điển của Gwyneth Paltrow trong bộ suit nhung đỏ của Gucci năm 1975. (Ảnh: Kevin Mazur Archive/ WireImage)

Năm 1998, Gucci bước vào trang sách Kỷ lục Guinness với chiếc quần jeans “The Genius” thêu hoa tinh xảo đắt nhất thế giới thời bấy giờ. Tại Milan, nó đã được bán với mức giá 3.134 USD. 

Gucci Pre-Fall 2016 Jeans

Thiết kế trong BST Pre-Fall 2016 mô phỏng lại chiếc Genius Jeans với những chi tiết thêu hoa thủ công và đính kết cầu kỳ. (Ảnh: Gucci)

Frida Giannini lạc lối trong kho di sản 

Sau khi Tom Ford rời đi vào năm 2004, Gucci một lần nữa hụt hơi trên “đường đua” thời trang. Ba phụ tá của ông là Alessandra Facchinetti, John Ray và Frida Giannini cùng được bổ nhiệm làm người phụ trách các mảng trang phục nữ, trang phục nam và dòng trang sức. Nhưng hai năm ngắn ngủi sau đó, chỉ còn lại Frida Giannini tiếp tục ở lại để lèo lái thương hiệu với mục tiêu quay về quá khứ huy hoàng bằng hơi thở vintage. Cô tận lực tôn vinh di sản thương hiệu, tiết chế lại sự gợi cảm của Tom Ford và Gucci trở nên mềm mại, nữ tính hơn bao giờ hết. 

Gucci Thu Đông 2008

Phong cách Bohemian đậm tính nữ trong BST Thu-Đông 2008 đem đến một sự “bụi bặm” chưa từng có ở Gucci. (Ảnh: Gucci)

Giannini thuộc cùng trường phái thiết kế với Marc Jacobs, một trường phái mà sự mới mẻ quan trọng hơn tính nhất quán. Cô thử nghiệm với mọi nguồn cảm hứng và đưa Gucci “khám phá” nhiều vùng đất mới kì thú. Cách thể hiện này tuy gây hứng thú trong những năm đầu nhưng sự hỗn loạn dài kỳ lại khiến Gucci mất đi dấu ấn nhận dạng trên đường băng. Giannini cũng dần trở nên đuối sức khi phải cân bằng giữa những giá trị vốn có của một nhà mốt lâu đời và bản ngã tự do của mình. 

Gucci Xuân Hè 2012

Những điệu nhạc jazz theo phong cách art deco vang lên trong BST Xuân-Hè 2012. (Ảnh: WireImage)

Gucci Ready-to-wear Thu-Đông 2014

Âm hưởng thời trang thập niên 60 với những gam màu pastel trong BST Thu-Đông 2014. (Ảnh: Kevin Tachman)

Gucci Xuân-Hè 2015

Sự kế thừa giá trị sẵn có để hướng về tương lai của Frida bị cho là một sự hoài cổ nhàm chán. (Ảnh: Lea Colombo)

Một trong những thành tựu lớn nhất của Frida là sự hồi sinh họa tiết in hoa từ thời Rodolfo Gucci và tái tạo chúng trên những tác phẩm kinh điển như Bamboo Bag, Jackie Bag hay cả những thiết kế ví và giày da. 

Túi in hoa Gucci

Những chiếc túi in hoa đã đem lại sự bùng nổ doanh số cho Gucci ngay khi được ra mắt vào năm 2005. (Ảnh: Gucci)

Alessandro Michele – Gã “Lập dị” mộng mơ

Năm 2015, Alessandro Michele được giao trọng trách tái sinh lại thương hiệu và thiết lập một bộ mã gen nhận dạng chính xác cho Gucci sau những cuộc khai phá đậm tính cá nhân của các thế hệ nhà thiết kế trước. Alessandro đã biến chất thơ đầy màu sắc và vui tươi của nước Ý cùng những giá trị di sản mang tính nghệ thuật của nhà mốt trở thành linh hồn cốt lõi cho sáng tạo của mình. 

Gucci BST mùa Xuân 2017

Gucci vẫn gợi cảm với những chiếc corset da nhưng đằm thắm hơn dưới bàn tay của Michele. (Ảnh: Yannis Vlamos / Indigital.tv)

Gucci Xuân-Hè 2018 Campaign

Alessandro đưa nhiều yếu tố nghệ thuật thời kỳ Phục Hưng vào các tác phẩm của mình. (Ảnh Gucci)

Áo lông Graffiti

Văn hóa graffiti của nghệ thuật đường phố trong BST Ready-to-wear mùa Thu năm 2016. (Ảnh: Marcus Tondo / Indigital.tv)

Năm 2015, Michele tạo ra mẫu túi Gucci Dionysus được đặt theo tên của vị thần rượu nho trong thần thoại Hy Lạp. Chiếc túi hình chữ nhật góc cạnh có khóa cài là một hình móng ngựa đính đầu hổ cá tính đã trở thành thiết kế IT-bag thế hệ mới của nhà mốt. 

Gucci Dionysus Bag 2015

Chiếc túi Gucci Dionysus trong chiến dịch ra mắt mùa Thu-Đông 2015. (Ảnh: Gucci)

Để đưa thương hiệu đến gần hơn với lớp khách hàng trẻ, Alessandro không ngừng cho ra đời những bộ sưu tập hợp tác với những nhận vật tuổi thơ như Disney, Doraemon, hay các thần tượng trẻ tuổi như Kai (EXO),… để tạo ra những màn cộng hưởng cả tính thẩm mỹ lẫn hiệu ứng truyền thông giúp doanh số của Gucci liên tục tăng trưởng.

túi Mickey

Chiếc túi chuột Mickey thuộc BST Ready-to-wear mùa Xuân 2019. (Ảnh: Kevin Tachman / Indigital.tv)

Sự khác lạ không giống ai cùng khiếu hài hước đậm chất Ý của Michele đã cho ra đời những sáng tạo độc đáo và không ngừng lọt vào mắt xanh của hội người nổi tiếng. Đó là những bộ cánh lấp lánh biến hóa tài tình từ chất liệu sequin hay mô hình phụ kiện mô phỏng đầu người có một không hai “kì dị”.

Jared Leto ở Met Gala 2019

Jared Leto cùng bản sao đầu người bằng sillicon của Alessandro Michele. (Ảnh: Kevin Mazur)

túi Mickey

Billie Eilish trong bộ suit đính sequin năm 2020. (Ảnh: Kevin Mazur / Getty Images for The Recording Academy)

Michele cũng không ngại ngần phá bỏ khoảng cách giới tính trong các sáng tạo thời trang. Trong thế giới của ông, chiếc váy dạ hội lộng lẫy không dành riêng cho những nàng công chúa, khăn lụa mềm mại cũng không chỉ của những quý bà và những bộ suit lịch lãm gắn liền với các quý ông cũng có thể trở nên “điệu đà”. Michele quan niệm thời trang là mộng cảnh đẹp đẽ chắp bước cho trí tưởng tượng, là liệu pháp giải thoát tinh thần của mỗi cá nhân và không nên chùn bước vì một sự sắp đặt về giới tính nào của tạo hóa. 

Harry Styles mặc váy

Harry Styles tạo ra “chấn động” trên trang bìa Vogue năm 2020 với thiết kế váy bay bổng của Gucci. (Ảnh: Tyler Mitchell)

Suit hoa

Thiết kế suit họa tiết in hoa trong BST mùa Xuân năm 2017. (Ảnh: Yannis Vlamos / Indigital.tv)

Nhóm thực hiện

Bài: Diệu Thanh
Ảnh: Tổng hợp
Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE

icons8-bell-90
Luôn giữ kết nối! Đăng ký để ELLE chia sẻ cùng bạn những bài viết thú vị.
XEM THÊM
no more