Khi nói về gia đình trong cuốn sách Gucci Wars: How I Survived Murder and Intrigue at the Heart of the Biggest Fashion House, cháu dâu của Guccio Gucci – Jennifer Gucci đã mô tả: “Đàn ông Gucci đều giống nhau, những kẻ vô đạo đức mà ít ai có thiện cảm.” Từ những chuyến phiêu lưu bí mật nhằm “bành trướng” sản nghiệp gia đình của những đứa con hoài bão đến cuộc chiến đánh đổi di sản vì tiền tài và kết thúc trong bi kịch nhuốm màu máu, đằng sau những sàn diễn hào nhoáng là sự dối trá và khói lửa đến từ xung đột không ngừng nghỉ trong gia tộc quyền lực.
Khát vọng VƯƠN LÊN TẦNG LỚP THỐNG TRỊ
Không phải chỉ có ba người con trai như truyền thông vẫn nhắc đến (những người còn xót lại mà ông muốn công khai), Guccio Gucci thực chất có năm người con bao gồm: Grimalda, Enzo, Aldo, Vasco và Rodolfo cùng cậu con riêng của vợ ông – Ugo Calvelli Gucci. Nếu Guccio là người kiến tạo những triết lý và vạch ra tầm nhìn cho nhà mốt thì những người con liều lĩnh của ông mới chính là nhân tố “khuếch trương” biểu tượng của thời trang xa xỉ vượt ra ngoài ranh giới nước Ý. Người làm nên chuyện nhất trong số đó là Aldo Gucci. Tuy không có trình độ học vấn cao, xong Aldo lại sở hữu bản năng nhạy bén và tham vọng kinh doanh vô cùng lớn. Năm 14 tuổi, ông đã bắt đầu phụ giúp công việc gia đình và trở thành nhân viên bán hàng đầu tiên của Gucci. Năm 1938, ở tuổi 20, Aldo cũng là người đưa Gucci “khai phá” thành Rome bất chấp sự cấm cản của Guccio. Ông cho ra đời dòng trang sức cao cấp, phát triển logo GG và đưa những đôi giày lười Gucci Horsebit Loafer đến nước Mỹ. Aldo còn là cầu nối đưa nhà mốt thâm nhập sâu vào giới thượng lưu để đến tay những quý tộc và minh tinh thời bây giờ.
Trái ngược với anh mình, Vasco lại là một kẻ kiêu ngạo, lười biếng. Ông an phận điều hành nhà máy ở Florence và về cơ bản không đóng góp phát kiến nào cho thương thiệu nhưng vẫn nhận được cổ phần bằng với hai người còn lại. Trong khi đó, Rodolfo, con út trong gia đình, bước vào làng giải trí từ những năm đầu đời và chỉ bắt đầu tiếp xúc với công việc kinh doanh sau Thế chiến thứ hai. Nhưng ông là một nghệ sĩ thực thụ, một trong những sáng tạo tiêu biểu của Rodolfo là chiếc khăn Flora đồng thiết kế với Vittorio Accornero cho Công nương Grace Kelly. Enzo Gucci đã mất vào năm 1913 còn Ugo Calvelli Gucci trở thành quân nhân và hoàn toàn bị ba người em cùng mẹ khác cha loại bỏ khỏi gia tộc sau cái chết của Guccio. Dù “bằng mặt không bằng lòng”, ba người thừa kế còn lại vẫn phải nhượng bộ lẫn nhau trong những kế hoạch nhất định. Một trong số đó là khát vọng “chen chân” vào giới thượng lưu lâu đời và đưa Gucci thoát khỏi cái mác “new money” (nhà giàu mới nổi).
Chế độ quân chủ châu Âu tồn tại một thứ xác minh gốc gác của các quý tộc gọi là “phù hiệu áo giáp” (coat-of-arms) với thiết kế độc nhất gắn với từng cá nhân hoặc gia đình. Theo những ghi chép trong cuốn sách The House of Gucci, những năm 1950, Guccio Gucci hoặc Aldo Gucci đã “chiếm” được một chiếc phù hiệu áo giáp thuộc về Giacinto Gucci, một thành viên của giới quý tộc Ý trong thế kỷ XVIII. Như một cuộc “tẩy trần” gia thế, Aldo vẽ nên truyền thuyết về dòng dõi cao quý của mình với tổ tiên là Giacinto đến từ Cremona. Tuy nhiên, Grimalda đã vạch trần trò lừa gạt ấy và đưa xuất thân khiêm tốn của cha mẹ mình ra ánh sáng.
BÀI LIÊN QUAN
Lại một lần khác, để nâng cao hình ảnh thương hiệu, Aldo cũng dối trá tự nhận Gucci là nhà cung cấp dây nịt cho hoàng gia và lần này, để kết thúc chuỗi câu chuyện giả dối của em trai mình, Grimalda khiến dư luận dậy sóng khi công khai tát vào mặt Aldo và phủ nhận tuyên bố hùng hồn đó. Rodolfo thì đối xử với con trai độc nhất – Maurizio – như một “hoàng tử”. Ông tìm cách hứa hôn cho con trai với Marina Palma, con gái của một gia đình danh giá lâu đời. Còn Patrizia Reggiani, người mà Maurizio yêu và kết hôn, bị xem như một “thường dân thấp kém” cho dù cái danh “hậu duệ hoàng gia” của gia đình Gucci chỉ là một ảo tưởng.
Tất cả những nỗ lực này đều nhằm thế chỗ Franzi – hãng đồ da thực sự của hoàng tộc Ý cũng là nơi Guccio học việc, để đạt được danh hiệu Cavaliere del Lavoro. Bởi Cavaliere del Lavoro – sự công nhận cao nhất cho những thành tựu kinh doanh được Vua Vittorio Emanuele III trao tặng sẽ đem lại địa vị và nhiều đãi ngộ đặc biệt cho họ. May mắn thay, khi chính trị nước Ý bước sang trang mới, Gucci đã thực sự được bước lên đỉnh cao danh vọng để hả hê nhìn xuống sự sụp đổ của Franzi khi không còn được hoàng gia “o bế”.
Đánh đổi di sản, dấu chấm hết của quyền lực
Không như bậc cha chú, những người dù tham lam nhưng vẫn xem di sản thời trang của nhà mốt là một phần máu thịt của mình, thế hệ thứ ba không đặt nặng Gucci như một niềm tự hào mà họ phải bất chấp bảo vệ. Giorgio và Paolo, con trai của Aldo, đầu tư vào các trại ngựa giống Ả Rập và sưu tập nghệ thuật. Còn Maurizio thích chèo thuyền và hứng thú với ngành công nghiệp đóng tàu hơn.
Kẻ rắc rối số một – Paolo cũng đồng thời là người có tư duy đi trước thời đại, ông đề nghị thành lập một nhãn hiệu phụ để phục vụ nhóm khách hàng trẻ. Aldo và Rodolfo cho đó là một điều “điên rồ” và bác bỏ ngay lập tức. Nhưng năm 1980, Paolo vẫn bí mật cho ra mắt Paolo Gucci – thương hiệu riêng của ông. Khi các bậc trưởng bối phát hiện ra, họ mạnh tay sa thải Paolo và khởi kiện để đòi lại cái tên “Gucci”.
Với thói trăng hoa của mình, ở tuổi 50, Aldo thản nhiên sống chung với cô thư ký vừa tròn 20 và có một cô con gái riêng Patricia Gucci. Ông đưa Patricia vào công ty làm đại sứ thương hiệu và gương mặt đại diện cho hàng loạt chiến dịch lớn. Năm 19 tuổi, cô là thành viên nữ duy nhất trong hàng ghế cổ đông bấp chấp sự dè bỉu của những người anh trai.
Mâu thuẫn ngày một chồng chất, dù không còn làm việc trong tập đoàn, Paolo vẫn sở hữu 3,3% cổ phần và có tư cách tham dự các cuộc họp hội đồng quản trị. Tại đây, ông liên tục “bới móc” và đặt những câu hỏi nhạy cảm về cách quản lý của Aldo dẫn đến ẩu đả trực tiếp. Paolo thậm chí “ăn miếng trả miếng” với chính cha ruột của mình bằng cách cấu kết với Maurizio để nộp tài liệu lên tòa án Hoa Kỳ chứng minh Aldo đã lừa chính phủ 7 triệu USD tiền thuế. Aldo Gucci lãnh án tù ở tuổi 81 và qua đời sau một thời gian ngắn.
Khi kế hoạch “đảo chính” thành công, Paolo lại lật mặt tố cáo Maurizio với các nhà chức trách Ý vì gian lận thuế thừa kế, buộc Maurizio phải trốn sang Thụy Sĩ. May mắn không phải ngồi tù, Maurizio đi đến biện pháp duy nhất đó là “thu mua” tất cả người thân của mình để giành quyền kiểm soát công ty. Năm 1987, ông tìm đến Investcorp, một ngân hàng đầu tư của Bahrain để thỏa thuận hợp tác.
BÀI LIÊN QUAN
Sau khi đã thâu tóm toàn bộ vào năm 1989, Maurizio Gucci lại phát hiện ra minh không phù hợp với việc kinh doanh đồ da như kỳ vọng. Giết chết nhiều dòng sản phẩm sinh lời nhất của công ty trước khi tìm được thứ thay thế cùng vấn nạn hàng giả trên toàn cầu, ông khiến Gucci có giá trị ròng âm 17,3 triệu USD và lỗ 30 triệu USD mỗi năm. Tài sản cá nhân ngày càng cạn kiệt, Maurizio buộc phải bán lại Gucci cho Investcorp với giá 120 triệu USD vào năm 1993. Từ đây gia tộc Gucci chính thức đánh mất quyền kiểm soát tập đoàn. Vì thói ngoại tình và những mâu thuẫn với vợ cũ, năm 1995, Maurizio bị một tên sát thủ do Patrizia Reggiani thuê bắn hạ ở Milan. Trả lời tờ The Guardian vào năm 2016, “góa phụ đen” bày tỏ sự phẫn nộ: “Tôi tức giận với Maurizio về rất nhiều điều. Nhưng trên tất cả là việc làm mất sản nghiệp gia đình. Thật là ngu ngốc. Thật là một thất bại. Tôi tràn ngập cơn thịnh nộ nhưng không thể làm gì được. Tôi vẫn cảm thấy mình là một phần của Gucci – trên thực tế, là người Gucci nhất trong số họ.”
Nhóm thực hiện
Bài: Diệu Thanh Ảnh: Tổng hợp Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE