Huyền thoại mũ Beret – Từ biến động lịch sử đến hào quang làng mốt
Lịch sử của những chiếc mũ nồi beret chứa đựng cả một nền chính trị, nghệ thuật và thời trang lẫy lừng.
Mũ Beret hay còn gọi là mũ nồi, là một trong những phụ kiện đặc trưng cho phụ nữ Pháp. Chúng không đơn thuần là hình ảnh cổ điển, mang tính biểu tượng lâu đời. Đằng sau vẻ hào nhoáng ấy là cả một đoạn lịch sử đầy biến động.
1. Nguồn gốc của chiếc mũ beret cổ điển
Mũ beret xuất hiện lần đầu tiên vào thế kỉ 14,15 dành cho những tầng lớp công nhân lao động nghèo ở châu Âu. Do chi phí sản xuất rẻ và tiện lợi, chúng được phổ biến rộng rãi ở Pháp và Tây Ban Nha.
Các công nhân làm vườn trong chiếc mũ nồi giai đoạn (1520 -1530), bên cạnh là hoạ sĩ người Hà Lan Rembrandt (1606-1669) trong bức chân dung tự hoạ cùng chiếc mũ Beret cổ điển. ( Ảnh The Golf Book/ Wikipedia)
2. Biểu tượng truyền thống quân đội.
Đến thế kỷ 19, những chiếc mũ Beret không chỉ gói gọn cho tầng lớp thấp, mà còn lan rộng đến tầng lớp trung và thượng lưu. Chúng trở thành một phần trong trang phục quân đội không thể thiếu nơi chiến trường, và nhiều tổ chức khác nhau.
Mũ beret màu đỏ được dùng trong cuộc nội chiến Tây Ban Nha , dưới vương triều Carlos. Sau đó chúng nhanh chóng trở thành một biểu tượng những người Carlists nói chung.( Ảnh Wikipedia)
Tại Pháp, những chiếc mũ nồi Beret được các binh sĩ mang theo trong cuộc kháng chiến chống lại Đức Quốc Xã ở thế chiến thứ hai.
(Ảnh: Wikipedia )
Lực lượng Mũ nồi xanh” Green beret” ( Hoa Kỳ) được thành lập lần đầu tiên trong Thế chiến thứ II. Đây là lực lượng tác chiến đặc biệt trực thuộc quân chủng Lục quân của quân đội Mỹ. Họ được ví như những chiến binh thầm lặng, những chiến công của họ không được vinh danh, nhưng nhiệm vụ của họ là vô cùng quan trọng, là lớp phòng ngự đầu tiên của Hoa Kỳ trước các lực lượng chống đối trên toàn thế giới. (Ảnh armytimes)
3. Thời kì ” vàng son” của những chiếc mũ beret
Beret trở thành ”đỉnh cao” thời trang Hollywood thế kỉ 20 và được lăng xê bởi những người đẹp nổi tiếng tại kinh đô điện ảnh Hollywood như Twiggy, Brigitte Bardot, Catherine Deneuve, Lauren Bacall,…Có thể nói, giai đoạn từ 1950- 1975 là thời kì cực ” thịnh vượng ” của món phụ kiện này.
“Biểu tượng sex” hàng đầu điện ảnh Mỹ- Marilyn Monroe trong một thiết kế beret màu trắng. ( Ảnh huffingtonpost)
Audrey Hepburn năm 1950 thu hút công chúng với vẻ đẹp duyên dáng với chiếc mũ beret ” schoolgirl” thanh lịch và tao nhã. ( Ảnh Flick/ Laura Grace)
”Đóa hồng táo bạo” của điện ảnh Pháp- Brigitte Bardot (năm 1967) với đôi ‘mắt mèo’ viền đậm, phần đuôi kéo dài mềm mại đã trở thành thương hiệu Brigitte Bardot, cùng chiếc mũ beret thời thượng. ( Ảnh hollywoodrevue)
Trong ảnh, Twiggy (năm 1968) đã tạo nên trào lưu mới về thời trang với vẻ đẹp rất cá tính của mũ beret. ( Ảnh Getty )
4. Nỗ lực gìn giữ Beret trên bờ vực thoái trào
Bước vào thập niên 80, giai đoạn có nhiều biến chuyển về thời trang. Có rất nhiều xu hướng và trào lưu nở rộ từ màu sắc sặc sỡ đến quần thể thao như áo độn vai, hoa tai bản to, quần dù, váy mini… tất cả đều được ưa chuộng. Chính vì lẽ đó, chiếc mũ nồi beret dần mất đi ưu thế của mình.
Dù nó vẫn hiện hữu và song hành trong cuộc sống của người dân Pháp và thế giới hàng giờ. Thế nhưng chúng không còn được ưa thích như trước nữa. Các nhà máy sản xuất mũ beret ở Pháp từ con số 30 hạ xuống chỉ còn 1 cái tên duy nhất là Laulhère.
Với lịch sử gần 200 phát triển, Laulhère đang nỗ lực gìn giữ chiếc mũ mang ” biểu tượng” của nước Pháp, trước nguy cơ bị quên lãng.
(Video: VTV1 )
5. Hào quang ngày trở lại.
Thời trang là một một vòng tuần hoàn lặp lại của những xu hướng. Các luồng văn hóa liên tục thay đổi và gặp gỡ nhau vô cùng nhanh chóng. Năm 2015, Gucci là thương hiệu đã ”hồi sinh” biểu tượng của kinh đô ánh sáng – chiếc mũ beret huyền thoại .
Trong bộ sưu tập Thu Đông 2015, hãng mốt Italy đã dùng beret như một phần không thể thiếu trong trang phục của những cô gái mang phong cách geek chic (mọt sách).
Bộ Sưu Tập Thu – Đông 2015 của Gucci (Ảnh Getty)
Chanel là nhà mốt tiếp theo tích lăng xê mũ nồi beret trong bộ sưu tập Cruise 2017 diễn tại Cuba.
Tuy có dấu hiệu ”hồi sinh”, nhưng những chiếc mũ ấy vẫn chưa thực sự làm nên ”cơn địa chấn” đối với làng thời trang. ( Ảnh Getty)
Người góp công tạo cú hít ” bùng nổ” cho thứ phụ kiện tưởng chừng bị lãng quên này, không ai khác là Dior, dưới thời của Maria Grazia Chiuru.Trong bộ sưu tập Thu Đông 2017, các cô gái đồng loạt bước ra sàn catwalk với chiếc mũ nồi bằng da trơn, vừa cổ điển vừa hiện đại, có thể kết hợp linh hoạt với bất kỳ món đồ phụ kiện nào.
Những mẫu thiết kế của bà lấy nguồn cảm hứng bất tận về trang phục của người phụ nữ trong những năm 1947 – thời kì phản ánh rõ nét nhất sự trải qua khủng hoảng hậu thế chiến thứ II.
Hình tượng cô em gái của nhà mốt Pháp, Catherine Dior (người phụ nữ đứng lên tham gia cuộc kháng chiến chống Đức) là hình mẫu để thiết kế nên những bộ cánh mang đậm tính nữ quyền, khẳng định tiếng nói của phái yếu trong xã hội.( Ảnh Dior)
Vào mùa mốt xuân hè 2018, Maria lại một lần nữa phá vỡ những quy tắc cơ bản về sự xa hoa của Dior từ trước đến nay, bằng việc mở đầu với hình ảnh người phụ nữ bước đi kiêu hãnh hiên ngang cùng bộ trang phục đậm chất Parisian.
Kết hợp mẫu áo thun kẻ sọc, quần jeans ống suống và một chiếc mũ nồi Beret denim mang nét phóng khoáng. (Ảnh: IMAXTREE)
Từ sàn catwalk đến phong cách ăn vận thường ngày, đâu đâu người ta cũng thấy những chiếc mũ nồi xinh xắn len lỏi vào từng ngóc ngách của thế giới .
Dù là thảm đỏ hay dạo phố, các ngôi sao như Kendall Jenner, Rihanna và Bella Hadid khéo léo kết hợp trang phục cùng mũ beret sành điệu và nữ tính.
Trải qua chiều dài lịch sử thăng trầm, những chiếc mũ beret vẫn có sức sống mạnh mẽ và bền bỉ trong lòng người dân Pháp cũng như trở thành ” biểu tượng” bất tử của làng thời trang.
———————————————————————————————————————————————————————————–
Xem thêm
Tô Mã Ngọc (Nguồn Tạp Chí Phái Đẹp ELLE VN/ Ảnh Sưu tầm)