Ngay từ những ngày đầu thành lập, Van Cleef & Arpels đã khẳng định vị thế của mình trên “đấu trường” trang sức cao cấp theo phong cách Art Deco và trở thành nhà cung cấp trang sức cho hàng loạt vị khách danh giá như Hoàng hậu Farah Pahlavi, công nương Monaco Grace Kelly hay nữ minh tinh Elizabeth Taylor.
BÀI LIÊN QUAN
Câu chuyện tình yêu kết trái bằng Van Cleef & Arpels
Không chỉ là một câu chuyện giữa người thợ kim hoàn và niềm đam mê của anh ta với những viên đá quý, Van Cleef & Arpels là “trái ngọt” từ mối tình định mệnh giữa Estelle Arpels – con gái của một nhà buôn đá quý và Alfred Van Cleef – con trai của một thợ chế tác đá. Chuyện tình của cặp đôi nảy nở giữa trung tâm Paris hoa lệ – mảnh đất vốn được mệnh danh là “thành phố của tình yêu”. Với sự tương đồng trong tư tưởng đổi mới cũng như niềm say mê đá quý, cả hai nhanh chóng tiến đến hôn nhân vào năm 1895 tại Paris, mở ra chương khởi đầu của đế chế liên minh kim hoàn Van Cleef & Arpels – nơi dấu “&” đã trở thành một mối liên kết vĩnh viễn, tượng trưng cho sự kết hợp giữa các cá nhân và chuyên môn cũng như sự xuất sắc và chất thơ giúp phân biệt các sáng tạo của thương hiệu.
Ngay sau đám cưới, Alfred đã hợp tác với anh trai Charles của Estelle để tạo ra thương hiệu Van Cleef & Arpels. 11 năm sau đó, Alfred và Charles mở cửa hiệu đầu tiên của thương hiệu tại số 22 Place Vendôme, Paris và chưa bao giờ rời khỏi địa chỉ huyền thoại này. Địa điểm này nhanh chóng thu hút những nhà quý tộc Châu Âu yêu thích các sáng tạo của Van Cleef & Arpels ghé đến, từ đó giúp phổ biến các tác phẩm trang sức vượt thời gian của nhà kim hoàn ra thế giới.
Sau thành công của cửa hàng đầu tiên nhờ vào các thiết kế trang sức độc nhất vô nhị, những người anh em khác của Estelle là Julien và Louis cũng tham gia vào công việc kinh doanh của Van Cleef & Arpels, giúp cho thương hiệu nhanh chóng phát triển và khai trương thêm chuỗi cửa hàng ở các địa điểm nghỉ dưỡng trên khắp nước Pháp. Tất cả các thành viên trong gia đình đều có biệt tài trung hòa lẫn nhau và hợp tác ăn ý trong việc kinh doanh. Đến nay, thương hiệu vẫn được kế thừa bởi các thành viên trong gia tộc.
BÀI LIÊN QUAN
Van Cleef & ArPels và những dấu ấn đáng nhớ trong suốt chặng đường chế tác trang sức
1920 – 1930
Đến năm 1926, con gái của Alfred và Estelle, Renée Puissant, bắt đầu nắm quyền “mài dũa” các mẫu thiết kế với tư cách Giám đốc Sáng tạo của thương hiệu. Cùng với NTK René-Sim Lacaze, cả hai đã tạo nên một phong cách riêng biệt, dễ nhận biết cho Van Cleef & Arpels bằng sự táo bạo và trí tưởng tượng vô hạn của mình. Dưới trướng của bộ đôi Renée và René-Sim, các thiết kế mang tính biểu tượng của nhà kim hoàn nước Pháp như mẫu đồng hồ Cadenas, vòng đeo tay Ludo,… nhanh chóng ra đời và tạo tiếng vang trong “vũ trụ” trang sức cao cấp.
Năm 1930, Van Cleef & Arpels sáng tạo ra chiếc minaudière đầu tiên (ví nhỏ chia ngăn đựng đồ trang điểm cho phái nữ với cấu trúc khung kim loại, sử dụng kẹp khoá hoặc chi tiết nhỏ gắn trên nắp để cài lại), được cho là lấy cảm hứng từ nhu cầu của Florence Jay Gould (nữ ca sĩ opera nổi tiếng thời bấy giờ) về một chiếc hộp sang trọng có thể chứa lược, son môi, thuốc lá và các món đồ nhỏ gọn của cô ấy.
Tiếp đó, vào ngày 02 tháng 12 năm 1933, nhà kim hoàn nổi tiếng nhận được bằng sáng chế cho Kỹ thuật Mystery Set™ (Serti Mysterieux) – một kỳ tích thực sự trong giới chế tác đồ trang sức cho phép đính đá quý (hồng ngọc, ngọc bích, ngọc lục bảo và kim cương) mà không nhìn thấy ngạnh hoặc thành phần kim loại khác, biểu tượng về chuyên môn vô song của bộ đôi “R” và Van Cleef & Arpels.
Đến năm 1938, gia tộc Van Cleef & Arpels lại một lần nữa làm kẻ tiên phong gây chấn động ngành kim hoàn khi cho ra mắt chiếc vòng cổ Passe-Partout – món trang sức biến đổi đầu tiên trên thế giới. Passe-Partout có ý nghĩa là “Chìa khoá chủ”. Hệ thống đường ray kim loại ẩn dưới hai chiếc kẹp hoa và vận hành dựa trên kỹ thuật cải tiến đặc biệt giúp chủ sở hữu có thể tuỳ chỉnh cách đeo tuỳ theo tâm trạng và ý thích. Chẳng hạn như từ một chiếc vòng cổ nguyên bản thành vòng cổ dáng opera, vòng tay, thắt lưng hay sử dụng hai chiếc kẹp hoa thành trâm cài, hoa tai hoặc ghim cài áo,.. Kiệt tác trang sức Passe-Partout đã được cấp bằng sáng chế trong năm 1938 và giúp Van Cleef & Arpels khẳng định vị thế của mình trong giới chế tác nữ trang.
1930 – 1950
Vào giữa những năm 1930 và 1940, thế hệ tiếp theo của gia tộc dần thay thế cho bậc cha chú để kế thừa và tiếp tục công việc kinh doanh của thương hiệu. Ba người con trai của Julien là Claude, Jacques và Pierre Arpels lần lượt đảm nhận các vị trí quan trọng tại các thị trường khác nhau trên thế giới. Jacques với vai trò Giám đốc của nhà kim hoàn Van Cleef & Arpels tại Paris, Pierre thay gia tộc “thâu tóm” tới thị trường phương Đông khi giới thiệu thương hiệu đến Nhật Bản, và cuối cùng là Claude với sự hỗ trợ từ hai người chú, đã mạo hiểm nhắm đến Hoa Kỳ bởi đây chính là cơ hội tăng trưởng và mở rộng tuyệt vời cho công việc kinh doanh của dòng họ Arpels. Việc mạo hiểm đã đem lại “trái ngọt” cho thương hiệu khi họ cuối cùng cũng đã mở được các cửa hàng ở bên ngoài nước Pháp, cụ thể là ở Palm Beach (1940) và Đại lộ số 05 – New York (1942).
Không lâu sau khi cửa hàng ở New York được khai trương, thiết kế cài áo The Spirit of Beauty đã được cho ra đời. Chiếc ghim cài áo được thiết kế với hình dáng một nàng tiên có cánh và được xem như biểu tượng của hy vọng. Cũng trong thời kỳ này, Maurice Divalent – nhà thiết kế chính của công ty trong thời điểm đó, đã sáng tạo nên những chiếc trâm cài khắc hoạ hình ảnh các diễn viên múa ballet mang tính biểu tượng của Van Cleef & Arpels. Đây cũng là lần đầu tiên biểu tượng motif phụ nữ khiêu vũ lần đầu tiên xuất hiện trong các thiết kế trang sức (vào những năm 1940), nhờ tình yêu ba lê của Louis Arpels và tình bạn giữa Maurice và bạn thân của ông – người đồng sáng lập Trường múa ballet Hoa Kỳ. Tuy nhiên, cũng có tin đồn rằng những chiếc trâm cài đặc trưng này được lấy cảm hứng từ các vũ công flamenco ở khu vực Lower East Side, New York.
BÀI LIÊN QUAN
1950 – 1970
Nửa đầu của những năm 1950, thương hiệu kim hoàn nước Pháp tinh ý nhận ra khách hàng của họ có nhu cầu “sống” cùng trang sức nhiều hơn, không chỉ trong các buổi dạ vũ mà còn là hoạt động thường nhật. Vì thế, để bước vào kỷ nguyên mới, dòng “La Boutique” được ra mắt ở Paris vào năm 1954 và được “thèm muốn” bởi phái đẹp vì thiết kế thân thiện và dễ ứng ụng vào phong cách hằng ngày..
Đến thập niên 50-60, Van Cleef & Arpels liên tục nhận được những đơn hàng quan trọng từ Hoàng gia các nước. Một trong số đó là đơn hàng của Hoàng thân Rainier nước Monaco với bộ trang sức đính kim cương và ngọc trai tuyệt đẹp thay cho món quà cưới tặng Công nương Grace Kelly.
Kế đến có thể kể đến nhiệm vụ tạo ra một chiếc vương miện cho lễ đăng quang vào năm 1967 của Hoàng hậu Farrah Pahlavi của Iran. Đơn hàng này tốn của nhà kim hoàn 11 tháng để hoàn thành với tác phẩm cuối cùng đính 6 viên ngọc lục bảo, 36 viên hồng ngọc, 105 viên ngọc trai và 1.469 viên kim cương.
Cũng trong năm 1967, vở ballet Jewels do Geogre Balanchine biên soạn được công chiếu lần đầu tại New York. Tác phẩm nghệ thuật này được lấy cảm hứng từ tác phẩm ghim cài áo mang dáng hình của các vũ công ballet của Van Cleef & Arpels và cũng là dự án hợp tác mang tính bước ngoặt giữa George Balanchine và Claude Arpels. Vở diễn có 3 hồi với tên gọi Emeralds, Rubies và Diamonds với âm nhạc của Fauré, Tchaikovsky và Stravinky, thể hiện tầm ảnh hưởng sâu rộng có trong các thiết kế của Van Cleef & Arpels.
Tiếp đó, vào năm 1968, BST nữ trang biểu tượng lấy cảm hứng từ cỏ bốn lá của nhà kim hoàn Van Cleef & Arpels – Alhambra ra đời với thiết kế được tô điểm bằng một số loại đá như xà cừ, ngọc lam, kim cương, mã não, và carnelian,… Đến nay, Alhambra vẫn đang được sản xuất với vai trò là một trong những BST chủ đạo của thương hiệu với một phiên bản giới hạn dành cho kì nghỉ hàng năm.
1970 – 2000
Trong những năm 80, Van Cleef & Arpels tiếp tục sử dụng các kiệt tác trang sức của mình để phản chiếu dòng chảy xu hướng với sáng tạo vòng cổ Col Claudine. Thiết kế như một chiếc cổ áo được dệt từ các sợi chỉ vàng cùng các chi tiết đính kết hoa từ kim cương lấp lánh đầy nịnh mắt.
Kết thúc thập niên 90, Richemont – Tập đoàn Thuốc lá và Hàng xa xỉ của Thụy Sĩ, đã mua 60% cổ phần của công ty vào năm 1999. 40% còn lại được chia cho một công ty của Ý và những người thừa kế của Monsieur Claude Arpels. Sau đó vào năm 2001, Tập đoàn Richemont đã mua thêm 20% cổ phần của công ty và đến năm 2003, họ trở thành chủ sở hữu đầy đủ hơn của thương hiệu Van Cleef & Arpels.
BÀI LIÊN QUAN
2000 – Hiện tại
Chào đón khởi đầu mới của thiên niên kỷ thứ 3, nhà kim hoàn đến từ Pháp đã tạo ra một món trang sức kép dạng kẹp chế tác bằng kỹ thuật Mystery Set™ (Serti Mysterieux) với 2 bông hoa được đính kết hồng ngọc và kim cương cùng 5 viên kim cương hình quả lê được gắn trên ở phần nhụy.
Năm 2003, thương hiệu cho ra mắt BST Frivole® với những thiết kế hình hoa đề cao tính thẩm mỹ đồ hoạ. Lớp vàng bóng bẩy tựa gương mang đến cho những cánh hoa hình trái tim một thứ ánh sáng độc đáo trong khi kết hợp cùng bố cục bất đối xứng như chứng tỏ tay nghề thượng thừa và tài năng thổi hồn sự sống và chuyển động của Van Cleef & Arpels vào các tác phẩm trang sức của hãng.
Chương tiếp theo của Van Cleef & Arpels, khoảng thời gian từ 2010 – nay, là sự vinh danh của hãng trang sức với thời trang cao cấp cũng như sự khởi đầu của nhà kim hoàn với các dự án hợp tác nghệ thuật.
École des Arts Joailliers được thành lập vào năm 2012 với sự hỗ trợ của Van Cleef & Arpels nhằm mục đích giới thiệu tới công chúng thế giới trang sức thông qua các khoá học, hội nghị và triển lãm. Mỗi khoá học của École des Arts Joailliers sẽ diễn giải ba chủ đề: lịch sử của nghệ thuật trang sức, savoir-faire và thế giới đá quý.
Năm 2013 đánh dấu sự hợp tác của Van Cleef & Arpels và vũ công và biên đạo múa người Pháp – Benjamin Millepied cùng đoàn kịch L.A. Dance Project của anh ấy. Benjamin cùng L.A. Dance Project đã biên đạo một tác phẩm gốc lấy cảm hứng từ cuộc gặp gỡ với Van Cleef & Arpels. Với tựa đề Reflections, vở ballet này là phần đầu tiên của bộ ba tác phẩm, Gems, tiếp theo là Hearts & Arrows và On the Other Side lần lượt vào năm 2014 và 2016.
Đến năm 2016, Van Cleef & Arpels mở rộng lãnh địa của mình tại Place Vendôme khi khai trương cửa hàng tại số 20 Place Vendôme. Địa chỉ này được nhà kim hoàn thành lập để mở Phòng trưng bày Di sản dành riêng cho các cuộc triển lãm tạm thời các tác phẩm cổ điển. Ba số nhà 20, 22 và 24 Place Vendôme cũng từ đó trở thành Les Salons Vendôme của thương hiệu Van Cleef & Arpels.
Nhóm thực hiện
Bài: Thanh Nguyễn
Ảnh: Kho lưu trữ của Van Cleef & Arpels